Không chỉ tạo được tiếng vang khi có học viên liên tiếp đạt giải cao ở đấu trường quốc tế, mà mới đây nhất là 8 giải vàng tại hai cuộc thi âm nhạc Youth Friendship Festival (YFF) và Asia Pacific Arts Festival (APAF), đội ngũ Neokid cũng đang tạo được sự chú ý khi công bố dự án phi lợi nhuận về Phương pháp giáo dục cảm thụ âm nhạc qua Nền tảng Vàng (Golden Foundation Music Course) - bộ giáo trình âm nhạc do người Việt Nam biên soạn.
Nhà giáo Phạm Kỳ Anh - người sáng lập và hiện là hiệu trưởng trường Neokid. Ảnh: K.H. |
Nhà giáo Phạm Kỳ Anh - người sáng lập và hiện là hiệu trưởng Trường Neokid, đã có những chia sẻ thú vị với Người Đô Thị về triết lý giáo dục của Neokid cũng như câu chuyện dạy con trẻ kỹ năng trong thời đại ngày nay.
Điều gì khiến bạn lựa chọn con đường giáo dục?
Lý do lớn nhất là vì tôi thích con nít. Ngay từ hồi nhỏ không biết tại sao tôi rất thích chơi đùa với trẻ nhỏ. Cho nên khi vừa vào đại học, tôi đã bắt đầu đi dạy nhạc cho trẻ rồi. Từ từ bén duyên và càng ngày tôi càng nhận ra là mình rất là phù hợp, rất thích thú với công việc giảng dạy. Đó cũng là lý do mà tôi thành lập Neokid.
Vậy mà đã đi được một chặng đường khá dài bởi năm sau là kỷ niệm 20 năm thành lập trường.
Trường Neokid đã được bạn ấp ủ như thế nào?
Tôi tốt nghiệp Ngữ văn Anh trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM nhưng với mảng nhạc thì theo học tại các trung tâm, tham gia các cuộc thi âm nhạc. Đặc biệt tôi tham dự chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc, nhận bằng cấp chuẩn Nhật Bản và Anh quốc.
Song song với việc học, tôi mở trung tâm Neokid tại nhà. Lúc đó quy mô nhỏ lắm, rồi từ từ phát triển thêm. Đến nay, trường Âm nhạc và Nghệ thuật Neokid đã có hai cơ sở và có hơn 10 năm hợp tác với chương trình ABRSM – Hiệp hội bốn Nhạc viện Hoàng Gia Anh quốc. Các giáo viên cũng như học viên của trường theo học và đạt các chứng chỉ của hệ thống ABRSM.
Như bạn kể thì từ trung tâm tới khi thành lập trường Neokid đã mất thời gian bao lâu?
Lúc mới thành lập trung tâm, tôi chưa nghĩ nhiều về kinh doanh, tôi làm vì niềm đam mê âm nhạc. Về sau khi quyết định thành lập trường, mở rộng quy mô lớp học, tuyển thêm giáo viên, nhân viên, tôi mới bắt đầu học hỏi thêm việc kinh doanh, điều hành.
Chúng tôi xây dựng thương hiệu Neokid – Happy Music Family với ba giai đoạn giáo dục: Nuôi dưỡng – Truyền Lửa – Chắp Cánh, truyền cảm hứng đến phụ huynh và học viên thông qua các chương trình học thiết kế phù hợp cho các con. Trường nhận học viên từ 3 tuổi, các bé được thầy cô hướng dẫn kỹ thuật, phát triển các kỹ năng cũng như khả năng để có thể chơi nhạc, có thể biểu diễn hay thậm chí sau này có thể giảng dạy nữa.
Có nhiều em theo học hết chương trình và bây giờ ra nghề có thể làm giáo viên dạy nhạc, hay nhiều em hiện đang ở nước ngoài cũng làm cho những ngành liên quan đến âm nhạc.
Nhà giáo Phạm Kỳ Anh trong vai trò diện giả khách mời một chương trình toạ đàm về giáo dục kỹ năng tại RMIT. Ảnh: K.H.
Trong một đô thị không thiếu các trung tâm, trường kỹ năng, trong đó có âm nhạc, vậy bí quyết gì đã giúp bạn gầy dựng từ lớp học nhỏ thành một hệ thống trường học quy mô và nhận được sự tin tưởng của đông đảo phụ huynh và học sinh?
Khoảng thời điểm tôi mở lớp thì thị trường về giáo dục âm nhạc cũng chưa sôi động lắm. Lúc đó tôi nhớ là có hai hệ thống lớn là Yamaha của Nhật Bản và Việt Thương. Chúng tôi cũng có nhiều thế mạnh, nổi bật nhất là đội ngũ nhân sự bước ra từ các chương trình quốc tế và được Neokid huấn luyện cẩn thận.
Việc bố mẹ muốn con toàn năng, điều đó cũng không sai. Vì con trẻ chưa biết lựa cái gì thì phải cho con trải nghiệm. Tuy nhiên, cần xác định rằng để con có thể đạt tới được đỉnh cao trong một hay vài môn cần phải có sự tập trung.
Khi thị trường vẫn cần những khoá học nhạc ngắn hạn để học viên dạo chơi cùng với âm nhạc, chúng tôi từng bước xây dựng một lộ trình chuẩn và nền tảng vững chắc cho các bé.
Có một thực tế là hiện nay không ít phụ huynh có tâm lý muốn con được toàn năng, tức cái gì cũng giỏi. Thế nên họ gia nhập “cuộc đua”, không chỉ cho con học văn hoá mà còn học thêm cả các môn năng khiếu, các lớp kỹ năng... Từ góc nhìn của một nhà giáo bạn chia sẻ gì về hiện tượng đó?
Tôi nghĩ đó là tình trạng chung của nhiều nước, nhất là trong khu vực châu Á. Có thể do dân số đông, có thể do sự so sánh kiểu “con nhà người ta” đã tạo ra áp lực rất lớn cho các bé. Chuyện phụ huynh cho con trẻ trải nghiệm nhiều, tôi nghĩ điều đó không vấn đề gì. Bản thân tôi cũng đã tiếp xúc với một số phụ huynh, họ có cách sắp xếp cho con họ rất khoa học. Vẫn cho con học nhiều thứ, có thể cả môn bé không thích lúc đó nhưng vẫn cho theo. Chỉ có điều họ không gây áp lực quá lớn cho con, chủ yếu họ muốn dạy cho con tính trách nhiệm.
Việc bố mẹ muốn con toàn năng, điều đó cũng không sai. Vì con trẻ chưa biết lựa cái gì thì phải cho con trải nghiệm. Tuy nhiên, cần xác định rằng để con có thể đạt tới được đỉnh cao trong một hay vài môn cần phải có sự tập trung. Trong âm nhạc, nếu bố mẹ chỉ đơn giản nghĩ là cho bé vui chơi chút thôi thì cứ cho bé vui chơi, đừng so sánh và đặt nặng chuyện con mình phải đạt nhiều thành tích, phải đánh đàn được ở kỹ thuật cao. Chỉ cần con vui với âm nhạc, con biết chơi nhạc và con thưởng thức âm nhạc được tốt, bố mẹ sẽ vui với điều này và con cũng không áp lực.
Và với các học sinh trường Neokid. Ảnh: K.H.
Neokid nhận học viên rất nhỏ tuổi. Vì sao bạn lại chọn đối tượng đặc biệt này? Và trước những em nhỏ như vậy làm sao để khơi gợi niềm yêu thích âm nhạc cũng như phát triển năng khiếu, kỹ năng?
Tôi ủng hộ quan điểm giáo dục sớm vì tính hiệu quả của nó mang lại. Nhưng có một thực tế, nhiều phụ huynh mang quan điểm con mình là thần đồng. Tôi nghĩ khi mình đặt ra danh xưng thần đồng cho bé, đồng nghĩa với việc mình đặt ra một gánh nặng rất lớn cho con. Thay vào đó nên cho con trải nghiệm, cho con thử sức trong mọi thứ rồi từ từ phát triển cho con.
Cần cho đứa trẻ sống với tuổi thơ của nó nhiều hơn thì vẫn tốt. Theo tôi thì giáo dục sẽ đi theo con người ta suốt cả cuộc đời. Cần dạy cho con trẻ cách học chứ không chỉ dạy học như truyền thống ngày xưa nữa. Bây giờ thông tin, kiến thức về môn học đã số hoá rất nhiều nhờ công nghệ phát triển, vì vậy cần làm sao để giúp cho con trẻ hứng thú với chuyện học và coi chuyện học là niềm đam mê suốt cả cuộc đời. Như vậy thì mới lâu dài. Không nên mặc định con trẻ là thần đồng, cứ cố gắng cho học thật nhiều ở giai đoạn mẫu giáo, dẫn đến trẻ bị quá tải.
Triết lý giáo dục mà bạn và đội ngũ của mình đeo đuổi là gì?
Thứ nhất, chúng tôi giúp trẻ được giáo dục đúng thời điểm. Đúng thời điểm ở đây là phải dạy cho bé đúng với tâm sinh lý phát triển, đúng độ tuổi. Mỗi độ tuổi sẽ có đặc điểm tâm, sinh lý cũng như thể chất khác nhau.
Thứ hai, học thông qua chơi. Có nghĩa là tạo môi trường như thế nào để trẻ cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái. Tại Neokid, chúng tôi luôn mong muốn tạo ra một môi trường “Gia đình âm nhạc hạnh phúc – Happy Music Family”, vì chúng tôi tin đó là môi trường mà ba mẹ, thầy cô sẽ tạo được bệ phóng tốt nhất cho con.
Thứ ba, âm nhạc giúp trẻ phát triển toàn diện. Một quan niệm cũ mà hiện nay người ta đang dần thay đổi, đó là học nhạc nghĩa là học đàn. Điều này không đúng. Toàn diện ở đây có nghĩa học nhạc sẽ học nhiều kỹ năng và có thể bổ trợ cho nhau. Chẳng hạn học cách thẩm âm để nghe, để hiểu được âm nhạc hay như thế nào và các bé sẽ phân tích được. Mà muốn dạy được toàn diện thì mình phải có một chương trình rất rõ ràng.
Bộ ba tác giả biên soạn chương trình Nền Tảng Vàng - Golden Foundation Music Course, các nhà giáo (từ trái sang phải) Phạm Kỳ Anh, Nguyễn Minh Tiến (Giám đốc chương trình trường Neokid), Phạm Kim Long (Giám đốc chuyên môn trường Neokid). Ảnh: K.H.
Trong những năm qua, đều đặn mỗi năm Neokid đều có những học viên đạt thành tích cao ở các giải thưởng quốc tế. Bí quyết thành công ở những sân chơi quốc tế đó là gì?
Hằng năm chúng tôi thường xuyên cho học viên tham các gia cuộc thi để lấy chứng chỉ quốc tế của ABRSM hoặc Rockschool (RSL). Đó là những đơn vị khảo thí có có chất lượng và có uy tín lâu năm. Chẳng hạn như ABRSM đã hơn 130 năm rồi và có giá trị gần 100 quốc gia. Ở chiều ngược lại, có những cuộc thi quốc tế cũng tiếp cận trường để mời học viên đi thi vì có thể họ thấy các hoạt động và thành tích của Neokid.
Giáo dục sẽ đi theo con người ta suốt cả cuộc đời. Cần dạy cho con trẻ cách học chứ không chỉ dạy học như truyền thống ngày xưa nữa.
Để đào tạo được những học viên xuất sắc, cũng giống như việc trồng cây, đầu tiên mình ươm hạt giống, phải cẩn thận từ những bước đầu. Cảm thụ của các bé phải tốt. Còn về kỹ thuật, không phải trong ngày một, ngày hai sẽ thành tài. Học nhạc thì ai cũng hiểu là phải tính bằng năm, có khi năm, mười năm để đào tạo được một bé có thể đàn chỉn chu, hiểu về âm nhạc.
Thứ hai là phải được sự ủng hộ từ phía bé và từ phụ huynh vì cần đầu tư thời gian, công sức cho các cuộc thi như vậy.
Phía giáo viên cũng hết tâm, hết sức để dạy thì mình mới đào tạo được một em đi thi và đạt được kết quả tốt. Và tôi nghĩ, các giáo viên ở Neokid làm việc rất có trách nhiệm. Chúng tôi đam mê làm giáo dục, nghiêm túc với lộ trình của học viên. Thế nên, mỗi lần học trò mang về những kết quả tốt như vậy, chúng tôi rất hạnh phúc với “trái ngọt” có được.
Làm sao để các bạn phát hiện ra tài năng âm nhạc?
Khác với những đơn vị khác chúng tôi có một chương trình rõ ràng. Thứ nhất, đó là chương trình học và dạy học. Thứ hai là chương trình kiểm tra chất lượng, đánh giá rất rõ ràng. Cứ qua mỗi kỳ kiểm tra chất lượng, đánh giá như vậy, chúng tôi sẽ phát hiện ra được những em có năng khiếu.
Ngoài ra, hằng năm chúng tôi có những chương trình biểu diễn cho các bé để phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng.
Nhà giáo Phạm Kỳ Anh và các học viên trường Neokid đạt thành tích cao ở sân chơi âm nhạc quốc tế. Ảnh: K.H.
Bài toán cân đối giữa giáo dục và kinh doanh, tức lợi nhuận đối với bạn có khó không? Và bạn đã giải bài toán đó như thế nào?
Không phải khó mà là rất khó. Hồi mới mở trường tôi ít suy nghĩ nhiều về bài toán kinh doanh mà nghĩ nhiều hơn về ước mơ làm giáo dục. Nhưng mà bây giờ, tôi phải nghĩ và tính toán nhiều hơn, nhất là sau đợt đại dịch vừa rồi không chỉ Neokid mà nhiều đơn vị giáo dục phải chịu ảnh hưởng. May mắn là đến nay Neokid vẫn đứng vững sau kỳ đại dịch và đang hồi phục nhanh.
Đó có phải là lý do để bạn cho trẻ mầm non học nhạc thông qua giáo trình Nền tảng vàng?
Khi tính toán làm dự án này, điều đầu tiên mà chúng tôi xác định với nhau đó là sẽ có rất nhiều việc phải làm, giống như đẻ thêm một đứa con vậy. May mà có chung đam mê, lý tưởng nên mọi người chia sẻ được tinh thần vì cộng đồng này. Tôi cũng mong sẽ tìm thêm được những đối tác đồng hành, có thể chia sẻ được triết lý và mục tiêu với mình trong chương trình này. Điều may mắn là trường được phụ huynh và học sinh ủng hộ nên đã nhanh chóng vượt qua được giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bạn đã thuyết phục đội ngũ của mình như thế nào để nhận được sự chung tay, đồng hành không chỉ trong chương trình phi lợi nhận này, mà cả chặng đường gần hai thập niên của Neokid?
Tôi nghĩ không ở đâu xa hơn là bằng chính hành động của bản thân mình. Nếu muốn giáo viên dạy được những đứa trẻ chất lượng thì bản thân mình cũng đã phải làm việc chất lượng. Mình muốn các bạn dạy như thế nào thì cũng phải hiểu và phải truyền cho các bạn là phải dạy như thế thì mới đạt được kết quả. Niềm tin xây dựng trên những cái hữu hình, các bạn nhìn vào thành quả gần 20 năm qua để thêm nỗ lực.
Thứ hai tôi có lợi điểm là đang làm về giáo dục cho trẻ em, mà thông thường khi các bạn đã đến với ngành này thì tự trong tâm họ đã có niềm tin là mong muốn làm cái gì đó tốt cho các con, tốt cho thế hệ mới, tốt cho xã hội. Cho nên chỉ cần khơi đúng điểm đó thôi, làm sao để họ hiểu và họ chung tay cùng làm.
Golden Foundation Music Course bao gồm bộ sách song ngữ Việt – Anh. Ảnh: Trọng Văn
Vậy dự án giáo dục phi lợi nhuận này đã triển khai đến đâu rồi?
Chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp cận với các trường. Ngoài việc vừa triển khai cho trên 1.000 trẻ em tại hệ thống mầm non thuộc tập đoàn giáo dục Ivy Education Holdings thì chương trình Nền tảng vàng Neokid đã đến với các hệ thống trường mầm non chất lượng, như: Mầm non Ánh Dương, Mầm non Việt,... Có nhiều đơn vị chủ động tiếp cận nhưng để triển khai thì chúng tôi cần phải tiếp tục bàn bạc bởi không phải đơn vị nào cũng có điều kiện để đầu tư giảng dạy âm nhạc trong trường mầm non bài bản.
Trong khi hiện nay giáo dục kỹ năng đang hướng ngoại, người ta thậm chí lấy cho được các chứng nhận chuẩn quốc tế để tăng sự thu hút. Vì sao bạn và đội ngũ lại chọn hướng đi có vẻ ngược dòng là xây dựng chương trình Nền Tảng Vàng là giáo trình thuần Việt?
Đội ngũ mất nhiều năm để biên soạn và thêm một năm xin giấy phép. Hiện tại chúng tôi đang chuyển lên bài giảng số để tăng kênh tiếp cận và tạo ra sự lan toả tốt hơn. Còn vì sao lại phải thuần Việt? Ngày trước, tôi làm việc cho một đơn vị đào tạo âm nhạc đến từ Nhật Bản nên tiếp cận các giáo trình là những tài liệu chuyển ngữ.
Càng về sau tôi phát hiện ra một lỗ hổng rất lớn vì không phải là người Việt nên họ không thể hiểu được thanh bậc âm sắc của mình kỹ càng. Cho nên đôi khi những tác phẩm chuyển ngữ đưa vào dạy các bé không phù hợp. Ngay như cả mình nghe nhiều khi cũng không hiểu, do cách phát âm và thanh bằng, trắc trong các bài hát. Cái thứ hai khi họ đưa âm nhạc vào đồng nghĩa với xuất khẩu văn hoá, lồng ghép văn hoá trong âm nhạc cho mình học.
Vì vậy để tạo ra nhận diện rõ ràng về âm nhạc và văn hóa Việt, là lý do chúng tôi muốn hướng đến một bộ giáo trình thuần Việt. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đưa những yếu tố văn hóa Việt Nam, âm nhạc Việt Nam vào trong các chương trình. Việc phi lợi nhuận bộ giáo trình này vì mục đích lớn nhất của chúng tôi đó là làm sao chương trình của mình được nhiều trường đón nhận. Việc thay đổi được suy nghĩ của các đơn vị giáo dục để họ đón nhận việc giáo dục âm nhạc sớm cho trẻ và họ chịu đầu tư cho trẻ nhiều hơn trong mảng âm nhạc là đã thành công đối với mình rồi.
Vì sao bạn không mời gọi các đối tác, đơn vị khác tham gia chương trình phi lợi nhuận này?
Thực ra chúng tôi có những lời mời và nếu nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác để mà đẩy mạnh chương trình này thì không có lý do gì để từ chối. Mong muốn là chương trình được mọi người đều biết và mục tiêu cuối cùng vẫn hiệu quả và lan tỏa. Cho nên nếu mà mọi người đồng lòng với mình, cùng suy nghĩ cho con trẻ thì quá tốt rồi.
Mục tiêu của Neokid trong cái thời gian tới là gì?
Trong năm 2023 mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là số hóa chương trình Nền Tảng Vàng này để có thể nhân rộng hơn cũng như tiếp cận với nhiều đơn vị ở tỉnh. Đợt vừa rồi tôi đi làm việc với một số tỉnh và nhận thấy để có thể tập huấn hoặc chuyển giao công nghệ cho họ thì những chương trình như thế này rất khó khăn. Mình không thể nào đi thường xuyên xuống từng địa phương được, bắt buộc là phải ứng dụng bài giảng số.
Sắp tới, tôi hy vọng có thể nhân rộng hệ thống trường Neokid ra thêm các cơ sở mới.
Nhà giáo Phạm Kỳ Anh có gần 20 năm giảng dạy âm nhạc và là hiệu trưởng trường Âm Nhạc và Nghệ Thuật Neokid.
Hiện đang làm luận văn tốt nghiệp “Nghiên cứu điều tra vấn đề tích hợp giáo dục âm nhạc tại trường mầm non tại TP.HCM” cho bằng Thạc sĩ Quản lý giáo dục MAEMIP – Master of Arts in Education Management and Innovation và MATESOL – Thạc sĩ Giảng dạy tiếng Anh và sáng tạo sư phạm tại Swiss Institute of Management and Innovation.
Phạm Kỳ Anh là đại diện của Việt Nam và là thành viên trẻ tuổi nhất trong Ban giám khảo cuộc thi TVIMC2021 – Thailand Virtual International Music Competition 2021 do Yamaha Music Thailand đăng cai.
Các học trò gắn bó với nhà giáo Kỳ Anh từ những ngày đầu hiện đã trưởng thành và đang theo học tại một số trường đại học danh tiếng như trường đại học RMIT, National University of Singapore, Texas A&M University USA...
Mong ước của Phạm Kỳ Anh là tạo ra trí thức âm nhạc có phẩm cách đặc biệt, có trí tuệ cảm xúc, hiểu về nền công nghiệp âm nhạc, mang đến những đóng góp tích cực cho âm nhạc nghệ thuật đương đại của Việt Nam.
Trung Dũng thực hiện