‘Ngày thứ bảy’: Tác phẩm đầy rẫy phi lý của Dư Hoa

 16:44 | Thứ sáu, 06/12/2024  0
Nhiều năm trước, các tác phẩm của Dư Hoa khi được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam đã nhận được sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt của độc giả trong nước. Mới đây, bộ 3 tác phẩm ‘Sống’, ‘Chuyện Hứa Tam Quan bán máu’ và ‘Hét lên trong cơn mưa phùn’ đã xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, ‘Ngày thứ bảy’, tác phẩm chưa từng được dịch, cũng ra mắt trong lần trở lại này.

Hai cõi sống chết

Ra mắt lần đầu vào năm 2013, cuốn sách xoay quanh nhân vật Dương Phi 41 tuổi, người qua đời sau khi gặp tai nạn trong một tiệm ăn gần nhà. Trong bảy ngày linh hồn lang thang theo quan niệm phương Đông, anh đã tìm gặp lại những người thân, từ người vợ cũ Lý Thanh, người cha Dương Kim Bưu cho đến mẹ nuôi Lý Nguyệt Trân. Trên hành trình này, anh cũng gặp gỡ linh hồn của các vụ án mà bản thân từng đọc trên báo chí hàng ngày và cũng lang thang y hệt như mình.

Qua câu chuyện của những nhân vật này, Dư Hoa đã dựng nên một khung cảnh chân thật của xã hội Trung Quốc hiện đại đúng như danh xưng mà rất nhiều người đã đặt cho ông - nhà văn hiện thực vĩ đại nhất còn sống của đất nước tỷ dân.

Trong những năm qua, Dư Hoa và Tàn Tuyết là 2 nhà văn Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang Nobel Văn chương về cho Trung Quốc. Ảnh: The Paris Review


Và đúng như vậy, tràn ngập cuốn sách là những câu chuyện đậm tính hiện thực với những thượng vàng hạ cám thay nhau lên ngôi. Khi vừa ra mắt, cuốn sách đã tạo nên những tranh cãi, khi nhiều người cho rằng nó thiếu tính văn học của các câu chuyện có chiều sâu và trí tưởng tượng, bởi những hiện thực phản ánh trên này đã từng xuất hiện trên khắp mặt báo. Chẳng hạn như câu chuyện của Lưu Mai - một cô gái nghèo sống cùng bạn trai trong hầm trú bom cũ kỹ - vì người yêu mua cho mình một chiếc Iphone rởm mà đã nhảy lầu tự tử. Chàng trai sau đó để chăm lo mộ phần cho bạn gái đã bán “chui” quả thận của mình, nhưng không may bị nhiễm trùng mà không lâu sau đó cũng qua đời... Đây là câu chuyện có thật và đã xảy ra ở không ít quốc gia, do đó khi được đưa vào tiểu thuyết, nhiều người coi nó thiếu sự tưởng tượng.

Đáp lại chỉ trích nói trên, Dư Hoa cho biết không nhà văn nào có thể phản ánh cả một hiện thực, một cây bút chỉ có thể khơi dậy một phần nào đó như một ngôi sao giữa bầu trời đêm. Và nếu gạt bỏ đi ý nghĩ này, thì có thể thấy rõ ràng Dư Hoa đã đưa vào đây được sự thương cảm không chỉ cho cái nghèo mà còn đồng thời là cái ngốc dại tuổi trẻ nếu so với sự khô khan, đậm tính phê phán của các bài xã luận.

Ngoài cảm xúc ấy ông cũng xoáy sâu vào tình cảm đẹp, bởi sự gắn bó của họ ở thuở hàn vi khi dẫu khó khăn thì cũng không bỏ rơi nhau. Điều này cũng thấy ở câu chuyện của Lý Nguyệt Trân và 27 đứa trẻ vì những định mệnh đưa đẩy đã đến với nhau, từ đó mà bà trở thành người mẹ của chúng...

Điểm chung của những câu chuyện này là chúng chỉ tươi đẹp khi hiện diện ở cõi không còn sự sống bởi chỉ khi đó những cách biệt về quyền lực, tiền bạc, địa vị, giai cấp... không còn. Chẳng hạn Lưu Mai từ một người phải sống dưới hầm tăm tối thì khi vào cõi chết, cô đã được tẩy trần với “lá cây vẫy tay, tảng đá mỉm cười, nước sông thăm hỏi. Ở đó không có nghèo hèn cũng chẳng có giàu sang, không có bi thương cũng chẳng có đau đớn, không có thù cũng chẳng có hận... Ở đó người người chết rồi đều bình đẳng.” Hình tượng một hàng dài những bộ xương già nua đưa tiễn cô gái về cõi an nghỉ để lại một ấn tượng lớn, khi chính qua đây ông đã nhấn mạnh về một đời sống ai cũng mong cầu, nhưng khi chết rồi thì mới có được…

Điều đó cũng chính là sự phi lý, bởi dẫu cùng một motif thì cái kết của hiện thực khốc liệt lại khác rất xa với cõi đặc biệt. Ở đây Dư Hoa cho ta thấy nhiều chi tiết tương ứng. Chẳng hạn câu chuyện “một túp lều tranh hai trái tim vàng” hay “vẫn có hạnh phúc trong nghèo khổ” đại diện cho 2 cặp đôi, nhưng nếu Lưu Mai và cậu bạn trai Ngũ Siêu là mối tình đẹp khi đã qua đời, thì lúc còn sống, câu chuyện của Lý Thanh – người phụ nữ bản lĩnh và Dương Phi – chàng trai an phận thủ thường, lại có cái kết không mấy tốt đẹp. Tình mẫu tử giữa Lý Nguyệt Trân và 27 đứa trẻ cũng thế, hoàn toàn ngược lại với Dương Phi và mẹ ruột của anh, khi họ bất ngờ tìm thấy được nhau sau nhiều năm cách trở...

Vì vậy có thể nói rằng nơi cõi chết ấy là một tưởng tượng đậm tính nhân văn của Dư Hoa, nơi những khốc liệt của hiện thực chủ nghĩa dừng lại và khi con người được là người nhất. Thế nhưng như đã nói trên, nó đầy chua chát bởi khi ngã xuống con người ta mới có được hạnh phúc này.

Bìa sách Ngày thứ bảy do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành, Lục Hương dịch. Ảnh: Minh Anh


 Tính liên văn bản

Ngoài câu chuyện thú vị, Ngày thứ bảy cũng khá độc đáo bởi giọng văn không thể trộn lẫn của riêng Dư Hoa. Vẫn giữ tính châm biếm sâu cay đã thành thương hiệu từ cuốn Huynh đệ, ở tiểu thuyết này, Dư Hoa tiếp tục phát huy yếu tố nói trên. Chẳng hạn độc giả đã được lần theo câu chuyện của viên cảnh sát Trương Cương và người đàn ông họ Lý làm nghề mại dâm mà trong một lần triệt phá hang ổ, y ta đã bị Trương Cương tổn thương hạ bộ, từ đó không ngừng đòi lại công lý cho cặp… tinh hoàn.

Cũng đầy phi lý như câu chuyện màng trinh nhân tạo trong cuốn tiểu thuyết trước đó, ở đây, công cuộc tìm lại tinh hoàn để rồi kết thúc bằng sự đổ máu cũng đã mang lại ấn tượng tương tự. Dư Hoa không chỉ châm biếm câu chuyện, mà còn đặt tên nhân vật ở phía bị cáo – Trương Cương – tương phản với nỗi đau mà phía “nguyên đơn” đang phải gánh chịu. Không dừng ở đó, những chi tiết cả trước và sau công cuộc hạ sát nói trên cũng đã để lại những tiếng cười chua chát đặc biệt. Có thể nói Dư Hoa là bậc thầy trong việc châm biếm, để như hài đen, qua đó ta thấy được cái tinh quái, hài hước nhưng cũng đồng thời là đồng cảm, sẻ chia.

Và từ hành động tước đi “nam tính” của người đàn ông họ Lý, ta cũng dễ thấy tính liên văn bản của Dư Hoa trong nhiều tác phẩm. Dù không tạo ra một hệ thống nhân vật như vũ trụ sáng tác của Haruki Murakami, nhưng có vẻ như nhiều tình tiết liên tục trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Dù Ngày thứ bảy tập trung vào một Trung Quốc đương đại, nhưng không thể không thấy những thương tổn quá khứ mà ông từng viết trong Hét lên trong cơn mưa phùn hay Huynh đệ vẫn ngồn ngộn trong đây.

Chẳng hạn trong cuốn Huynh đệ, ông đã nêu bật được ẩn ức tình dục của một thời đại khiến một nhân vật phải chết khi đang nhìn trộm mông của người phụ nữ trong nhà xí, thì ở cuốn này, nhân vật Dương Phi cũng ra đời từ việc đi đại tiện của mẹ mình, dẫn đến anh đã ra đời trong lỗ khoét rỗng là nhà vệ sinh của toa tàu hỏa.

Vượt qua nhiều tên tuổi nổi tiếng như Andreï Makine, Viet Thanh Nguyen, Madeleine Thien... Dư Hoa đã chiến thắng giải Bottari Lattes Grinzane của Ý vào năm 2018 cho Ngày thứ bảy. Ảnh: Bottari Lattes Grinzane


Hay ở chi tiết cha mẹ Trương Cương liên tục đòi cho con trai mình được chứng nhận liệt sĩ để có thể lĩnh trợ cấp từ nhà nước dù nguyên nhân gây ra cái chết là tư thù cá nhân cũng giống với tình tiết ở Hét lên trong cơn mưa phùn. Cụ thể, cậu em út của nhà họ Lâm chết đuối và rồi sau đó người cha và anh trai cả chờ đợi nhà nước nêu gương người tốt việc tốt cho cậu em trai với lý do cứu người khác rồi gặp nạn là không đúng đắn, từ đó trở thành trò cười cho cả xóm giềng... Có thể thấy dù hướng vào thời hiện đại hay quá khứ của sự chuyển mình, thì chính thời kỳ quá độ quá nhanh và dường như không có đã khiến con người trở nên bối rối, không thể phân định đâu là cái tốt, đâu là cái xấu. Hiện thực này lại một lần nữa được Dư Hoa phản ánh và có thể nói là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.

Ngày thứ bảy có thể nói không phải là tác phẩm hay nhất của Dư Hoa, nhưng là một sáng tạo đặc biệt của bản thân ông không chỉ trong cốt truyện, nhân vật và nghệ thuật viết, mà còn kết nối một cách sâu sắc với những cuốn khác, từ đó nêu bật lên những chủ điểm mà trong văn nghiệp ông suốt đời theo đuổi.

Minh Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.