Hà Nội: Người dân ven sông Nhuệ, sông Đáy chống chọi với mưa lũ

 09:22 | Thứ tư, 11/09/2024  0
Do ảnh hưởng của bão số 3, ngày 10.9, những hộ dân sống ở ngoài đê Tả Đáy (ngõ Bờ Sông, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) nhanh chóng được sơ tán khỏi nơi cư trú từ sáng sớm. Trong khi đó, người dân sống cạnh sông Nhuệ (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn tiếp tục xoay xở tránh lũ tại chính căn nhà của mình.

Nước sông Đáy dâng cao nhấn chìm chuồng nuôi, nhà ở của người dân ngoài đê. Từ 5 giờ sáng, người dân ở ngoài đê Tả Đáy đã được di tản tới Nhà văn hóa tổ 5 (phường Đồng Mai).

Ông Long, người dân sinh sống ven sông đã 18 năm, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi di dời đồ đạc, mực nước cao hơn cả năm 2008, dâng 50cm so với mặt đường. Cả xóm có 3 xe tải, 1 xe con, gia đình tôi vận chuyển gần 10 chuyến, cho đến 10h sáng thì hầu hết mọi người đều đã xong xuôi”.

Dù đã di tản tới Nhà văn hóa tổ 5, bà Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1951) vẫn đau đáu nỗi lo: “Năm 1971, tôi nhận được thư từ anh trai gửi tới chiến trường Quảng Trị, trong đó có viết nước sông Đáy dâng cao đến nỗi đứng ở trên đê có thể khua chân tới mặt nước, nay mai phân lũ mà chẳng mấy nhà văn hóa cũng ngập.

Trong đợt mưa trước, gia đình tôi chạy không kịp, những đồ linh kiện tivi, điện tử do con trai buôn bán hàng ngày bị cuốn trôi, thiệt hại 300 triệu đồng. 3-4 đêm nay, tôi cứ ngồi giữa nhà không ngủ được vì di chứng từ những vết thương do chiến tranh để lại, cứ mưa bão thì đau nhói. Còn ông nhà tôi chốc chốc lấy đèn pin soi mực nước… Lũ lụt làm khổ biết bao nhiêu người chứ không chỉ riêng ai”, bà Mùi trầm ngâm.

Nhà văn hóa tổ 5 là nơi nhiều người dân sống ngoài đê Tả Đáy được di dời tới ở qua đêm từ ngày 10.9. Tại đây, gia đình bà Mùi được UBND phường Đồng Mai cấp một số nhu yếu phẩm như 5 kg gạo, 1 chai nước mắm, 1 chai dầu ăn, 5 gói bột canh.

Còn tại phố Yết Kiêu, ông Ngô Hoành Sồi (sinh năm 1953) cho biết hiện tại nước chỉ ngập từ ngõ vào nhà, thấp hơn so với mùa lũ năm 2008 bởi khi ấy cả con phố bị ngập, nước sông vào nhà cao khoảng 10 cm với mặt sàn. Nhà ông Sồi cách dòng sông Nhuệ khoảng 20m.

“Mưa gió khiến việc đi lại khó khăn, nhà bị dột nước từ 9.9 dù tôi mới làm được một năm, nhà vệ sinh ngập đã 2 ngày nên rất bất tiện”, ông kể. Để "sống chung với lũ", nhà ông Sồi đã chuẩn bị nhiều gạch phòng trường hợp nước sông tràn vào nhà: “Chúng tôi được chính quyền địa phương đến tận nhà động viên, hỗ trợ, nếu xảy ra ngập sâu thì liên hệ với Đoàn thanh niên, các cháu sẽ tới giúp kê lại đồ đạc lên cao”.

Mưa bão khiến mái nhà chị Cúc đổ sập vào ngày 9.9: “Khi đó vào khoảng 2 giờ chiều, tôi đang nằm ngủ trưa ở gian nhà bên trái, thì mái ở bên phải đột ngột rơi xuống, va chạm mạnh với bàn thờ. Hiện tôi đã chuyển xuống sinh hoạt dưới tầng 1”, chị Cúc nhớ lại sự việc.

Nước sông Nhuệ dâng kéo theo nhiều rác thải, cành cây trôi dạt phía dưới gầm cầu Trắng (quận Hà Đông).

Minh Trang

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.