Chùa Cầu, công trình kiến trúc tâm linh cổ
Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu, mặt chùa hướng về phía bờ sông. Cả cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ, một vị thần bảo hộ xứ sở.
Cầu được xây dựng vào thế kỷ 17, do các thương nhân Nhật Bản đến Hội An buôn bán góp tiền xây dựng. Vài thập kỷ sau, người ta xây dựng thêm phần chùa và tên gọi Chùa Cầu cũng ra đời từ đó.
Theo truyền thuyết, khu vực này thường xuyên bị động đất, chính vì vậy, ngôi chùa và các vị thần được xây dựng lên để” trấn yểm”, giữ sự yên ổn cho các thương nhân làm ăn. Ngôi chùa được xem như một một thanh kiếm đâm xuống lưng con Mamazu, con quái vật biển khiến nó không quẫy đuôi để gây ra những trận động đất được nữa.
Năm 1719, Chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”. Dấu ấn này nay vẫn hiện hữu trên tấm biển lớn treo ngay trên cửa chính của ngôi chùa.
Chùa Cầu là một tổ hợp kiến trúc tâm linh gắn các truyền thuyết liên quan đến hoạ phúc của mọi người.
Vào năm 1990, Chùa Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận. Không chỉ là di tích mang tính tâm linh, Chùa Cầu còn phục vụ dân sinh đi lại và điểm du lịch thu hút du khách. Theo thống kê, Chùa Cầu đón khoảng 4.000 lượt khách đến tham quan mỗi ngày.
Chùa Cầu nổi tiếng linh thiêng, vì vậy, hơn 4 thế kỷ qua được cư dân bản địa và du khách khắp nơi đến thành kính chiêm bái.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1847 - 1883) chép rằng: “Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói.”. Ảnh: TL
Sẽ tháo dỡ toàn bộ Chùa Cầu?
Từ khi được xây dựng và qua thời gian dài 4 thế kỷ cùng với sự tác động của thiên nhiên, Chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, tại hội thảo quốc tế Trùng tu di tích chùa Cầu – Hội An mới đây tại Quảng Nam, các chuyên gia đã có đề xuất tháo dỡ toàn bộ Chùa Cầu. Thông tin này khiến người yêu du lịch và yêu Hội An không khỏi lo lắng cho “số phận” của Chùa Cầu.
Chùa Cầu không chỉ là một công trình kiến trúc, một biểu tượng văn hóa của Hội An mà còn có ý nghĩa vượt không gian, thời gian khi trở thành biểu tượng của mối tình bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản từ hàng trăm năm trước.
Năm 1987, khi đô thị cổ Hội An chưa được thế giới biết đến và chỉ là một “thành phố dưỡng già”, thì Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đến, đề xuất nhiều ý tưởng về một tương lai hợp tác. Chuyên gia Jica Masahiko Shinozaki khẳng định: “Người Hội An đã giữ gìn những chứng tích của tiền nhân chúng tôi như di sản của chính mình. Vì thế, chúng tôi đến là để cùng chung sống với các bạn và tôn tạo những di sản đó!"
Rất nhiều du khách Nhật đến Hội An và dành nhiều cảm tình cho người dân Việt Nam vì chúng ta đã giữ gìn những giá trị truyền thống, bao gồm cả công trình do người Nhật và người Việt chung sức như Chùa Cầu .
Vậy thì lẽ nào…
Nhật Hạ