Tỷ lệ 50 - 80% bệnh nhân ung thư đến khám khi đã ở giai đoạn trễ là nguyên nhân chính của con số 120.000 ca tử vong mỗi năm do ung thư tại Việt Nam (số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu 2022, công bố tháng 3.2024). Ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM năm 2023 đã đón nhận gần 800.000 lượt bệnh nhân đến khám, thực hiện gần 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 ca xạ trị và gần 300.000 lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. Hiện nay, có khoảng 500 - 600 bệnh nhân ung thư trong danh sách phải chờ trung bình 4 - 6 tuần mới đến lượt xạ trị và mổ.
TS-BS. Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Thông tin về những nỗ lực của đội ngũ y tế cùng với tình trạng quá đông bệnh nhân ung thư chờ đợi được điều trị ở TP.HCM đã làm dấy lên sự quan tâm của nhiều người trong xã hội. Đáng chú ý là ý kiến của TS-BS. Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM vào đầu tháng 5.2024: “Nhật Bản và Hàn Quốc có tỷ lệ mắc mới ung thư cao hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp hơn. Lý do là các chương trình tầm soát tại hai quốc gia này rất hiệu quả, người bệnh được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Từ kinh nghiệm này của các quốc gia phát triển, TP.HCM đã xem các chương trình tầm soát ung thư và phát hiện bệnh sớm là chiến lược rất quyết liệt để phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả hơn”.
Trên thực tế, những nỗ lực trong phát triển và ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu thuộc chuyên ngành ung thư của các y, bác sĩ và nhân viên y tế đang công tác tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cùng với các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành của thành phố và bệnh viện tuyến trung ương đóng trên địa bàn thành phố đã cho phép xây dựng một định hướng tích cực: đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Định hướng xa và thực tế gần
Theo TS-BS. Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, mặc dù bệnh viện có nhiều máy gia tốc nhất trong nước với 13 máy gia tốc xạ trị (thực tế số máy này chưa đủ so với nhu cầu), bác sĩ phải làm đến 10g đêm nhưng vẫn tồn tại tình trạng rất đông bệnh nhân cần xạ trị phải chờ trung bình một người từ 4 - 6 tuần mới đến lượt.
Tình trạng này có nguyên nhân tâm lý: bệnh nhân muốn được điều trị tại các trung tâm lớn đã có bề dày uy tín chữa trị. Và nguyên nhân đó cũng dẫn tới tình trạng một số lớn máy xạ trị của các cơ sở xạ trị trong nước gần đây đã tăng thêm nhiều có thể chưa phát huy hết công suất. Cũng theo BS. Thịnh, do phải tập trung giải quyết số lượng lớn bệnh nhân đến điều trị nên việc tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực xạ trị của Bệnh viện Ung Bướu cũng như Bệnh viện K đã bị ảnh hưởng.
Bên ngoài Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cơ sở 2 - Thủ Đức.
Trong cuộc tiếp xúc với Người Đô Thị ngày 21.6, TS-BS. Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM một mặt thừa nhận thực tế đang diễn ra, mặt khác có thêm những suy nghĩ tích cực đáng chú ý. Theo BS. Tuấn, đúng là hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.800 bệnh nhân đến khám bệnh, 900 bệnh nhân nội trú, 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú (con số này tuyệt đại đa số là ở cơ sở 2 - Thủ Đức). Nhưng ai đã đến Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 đều phải công nhận không gian ở đây rất rộng rãi, thoáng mát, bên ngoài phòng bệnh lưu trú và khám bệnh có các khu cây cỏ xanh tươi đặt ghế ngồi thư giãn và dụng cụ tập luyện thể lực phù hợp cho bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhi. Trong 1.000 giường bệnh nội trú hiện có, bệnh viện luôn dự trữ 100 giường bệnh cho bệnh nhân nặng.
Tuy nhiên, vì bệnh nhân quá đông nên máy móc phục vụ điều trị và ghế ngồi cho bệnh nhân đến khám vẫn rất thiếu thốn. Nhìn về thực trạng này, BS. Tuấn nói: “Không thể trách bệnh nhân vì sao nhiều người không lấy số đăng ký khám bệnh tự động hoặc theo tổng đài, theo các ứng dụng số mà bệnh viện đã phổ biến rộng rãi khiến số đông bệnh nhân đến khám cứ dồn vào trong hai, ba khung giờ trong ngày thay vì rải ra trong 8 tiếng. Bởi vì bệnh nhân hầu hết ở các tỉnh lên, họ tranh thủ đi xe sớm và muốn được khám sớm để kịp quay về nhà ngay trong ngày, đỡ mệt mỏi và tốn kém. Mặt khác, bệnh nhân có tin tưởng cơ sở chữa trị của mình suốt 40 năm qua thì người ta mới tới, tình nghĩa đồng bào và quy định của Luật khám chữa bệnh không cho phép bệnh viện từ chối tiếp nhận.
Bệnh viện chúng tôi đã ứng biến với tình trạng đông bệnh nhân bằng cách chia quân ra, bố trí lại giờ giấc và con người: thay vì tập trung cho chuyên khoa thì dồn bác sĩ xuống hỗ trợ khoa khám bệnh vào những giờ cao điểm buổi sáng, công việc ở chuyên khoa giải quyết vào buổi chiều. Riêng về tình trạng chuyên khoa ung bướu ở các tỉnh chưa thực sự thu hút được bệnh nhân tìm đến, là việc cần phải đồng bộ giải quyết từ góc độ nhà nước và các ban ngành, sao cho y tế ở tỉnh phát triển mạnh hơn. Chỉ có như vậy mới giảm được tình trạng bệnh nhân dồn lên tuyến trên”.
Khu vực quầy tiếp nhận bệnh nhân với đông đảo người ngồi, nằm chờ
Tình người luôn ấm áp
Ngoài các giải pháp trên còn cần đến một giải pháp hết sức quan trọng, đó là đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho việc hỗ trợ chữa trị cho bệnh nhân mắc ung thư. BS. Tuấn chia sẻ: “Điều trị bệnh khó khăn như ung thư thì cần nguồn lực lớn, chi phí rất cao. Máy móc hiện đại, tay nghề cao của nhân viên y tế có thể cứu được bệnh nhân nhưng chi phí cao lắm! Người dân mình còn nhiều người rất khó khăn, họ chỉ dựa vào cơ may duy nhất là bảo hiểm y tế. Nhưng trên thực tế bảo hiểm y tế cũng không lo xuể. Có những trường hợp bảo hiểm y tế phải bỏ ra cả tỷ đồng để chăm sóc, nhưng đôi khi cũng không lo đủ được chi phí chữa trị. Vì thế rất cần nguồn lực của xã hội với sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có tấm lòng với hoạt động thiện nguyện.
Đứng từ góc độ bệnh viện, chúng tôi đã và sẽ cố gắng làm thật tốt chuyên môn nhưng cũng phải lo thêm vấn đề huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà tài trợ, lo vấn đề chăm sóc tinh thần, vật chất cho người bệnh. Nhà hảo tâm bỏ tiền mua thiết bị y tế cho bệnh viện thì nhà cung cấp cũng theo đó giảm giá bán, cho trả góp…
Bệnh viện có những khu tập thể dục thể thao cho người bệnh. Lâu lâu có bữa ăn sáng miễn phí, phát nước miễn phí, hớt tóc, gội đầu… để bệnh nhân vơi phần nào nặng nề. Chuyện tưởng nhỏ mà hết sức quan trọng, bởi có những bệnh nhân nằm viện cả tháng, hớt tóc cũng là vấn đề. Chúng tôi tổ chức cho người tình nguyện vào hớt miễn phí. Chuyện nhỏ vậy thôi mà người làm, người hưởng đều thấy ấm áp tình người”.
Khu vực bố trí dụng cụ tập thể dục phục vụ bệnh nhân trong khuôn viên Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tại cơ sở 2 - Thủ Đức.
Kết thúc câu chuyện tình người, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn thông báo với chúng tôi hai tin vui mà Bệnh viện Ung Bướu nhận được trong tháng 6.2024. Một là món quà nhỏ mà nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên cùng thân hữu tặng 51.456.000 đồng để góp phần trang bị 4 máy tập thể dục, 20 thùng sữa và 300 phần ăn sáng miễn phí cho bệnh nhi ung thư. Hai là chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing vào cuối tháng 6.2024. Chuyến thăm này đã mang tặng cho bệnh viện 3 máy siêu âm trị giá 2,1 tỷ đồng và 225 ghế ngồi cho bệnh nhân trị giá 470 triệu đồng cùng với 120 phần quà tặng cho trẻ mắc ung thư trị giá 102 triệu đồng. Trong món quà thiết thực này, có sự đóng góp 1,4 tỷ đồng của VP Bank và 700.572.000 đồng của các thành viên Nhóm Sharing. Một thành quả vận động chỉ trong 10 ngày.
Tiền quả là rất cần để trang bị thêm điều kiện tầm soát, chữa trị, điều dưỡng cho bệnh nhân ung thư nhằm giảm tỷ lệ tử vong của Việt Nam đang ở nhóm cao trong khu vực châu Á. Nhưng, để có tiền lại rất cần đến lòng nhân ái - một món quà mà thượng đế ban tặng cho con người khi đưa họ đến với cuộc đời có cả hạnh phúc và bất hạnh này…
Bài: Nguyễn Trương - Ảnh: Trung Dũng