El Nino 2023-2024:

Những kịch bản hạn - mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

 13:58 | Thứ sáu, 02/06/2023  0
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từng trải qua hai mùa hạn mặn gay gắt hồi mùa khô 2016 và 2020 do hiện tượng El Nino cực đoan gây ra. Dự báo El Nino đang trở lại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL. Để nhận diện rõ hơn nguy cơ này, Người Đô Thị giới thiệu bài viết của ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL.
ThS. Nguyễn Hữu Thiện.

El Nino gần như chắc chắn đang đến nhưng chưa biết mức độ mạnh như thế nào. Trong tình huống một El Nino mạnh diễn ra thì kịch bản cho ĐBSCL sẽ là mùa mưa này (tháng 5 đến tháng 11) ở các quốc gia lưu vực sông Mê Kông và tại ĐBSCL sẽ ít. Tùy theo độ mạnh của El Nino thì lượng mưa sẽ giảm tương ứng. Nếu El Nino năm nay cực đoan như hồi mùa mưa 2015 thì lượng mưa trong mùa mưa 2023 sắp tới sẽ thấp như lượng mưa 2015.

Lượng mưa ít trên lưu vực sông Mê Kông sẽ dẫn đến mùa lũ năm nay thấp. Lượng thủy sản tự nhiên của sông Mê Kông trôi về ĐBSCL sẽ ít vì cá không có nhiều môi trường sinh sản. Ngoài ra, lượng phù sa bùn cát trôi về ĐBSCL theo mùa lũ cũng sẽ ít. Mùa lũ thấp sẽ ảnh hưởng đến vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, nhất là các mô hình canh tác và sinh kế dựa vào mùa lũ như nuôi cá, tôm càng xanh trên đồng, các loại hình du lịch mùa lũ. 

Tiếp theo đó, mùa khô sau Tết 2024, hạn mặn có thể gay gắt ở vùng ven biển ĐBSCL, mặn có thể lấn sâu vào đất liền. Vẫn còn quá sớm để có thể dự báo chắc chắn, nhưng ngành nông nghiệp và bà con nông dân nên bắt đầu quan sát chặt chẽ tình hình để có thể ứng phó kịp thời.

Trước mắt, đối với vùng lũ đầu nguồn như Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, việc đầu tư cho mùa vụ canh tác và sinh kế dựa vào mùa lũ sắp tới nên dè dặt. Bà con sống bằng nghề đánh bắt cá tự nhiên năm nay khi đầu tư mua lưới và ngư cụ cũng nên thận trọng.

Đối với vùng ven biển, mùa khô 2023 sắp kết thúc nên rủi ro hạn - mặn đã qua. Nhưng mùa khô năm sau 2024, vùng này có thể có rủi ro hạn - mặn gay gắt nếu El Nino cực đoan diễn ra.

Khi nói về rủi ro hạn mặn ĐBSCL cần phải xét hai vùng riêng biệt là vùng cửa sông Cửu Long và vùng bán đảo Cà Mau vì hai vùng này rất khác nhau. 
Vùng cửa sông Cửu Long, do vị trí nằm ở phía cuối lưu vực Mê Kông cho nên vùng này chịu ảnh hưởng của biến động lượng nước ở phía thượng nguồn Mê Kông, trong đó gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn và sự vận hành của các hồ thủy điện.

Năm nào có El Nino, mưa ít thì mùa lũ sông Mê Kông thấp và sang đến mùa khô dòng sông Mê Kông yếu. Khi dòng sông Mê Kông thấp thì các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện, phải đóng đập để tích nước cho đủ độ sâu. Đập trên đóng thì đập dưới phải chờ, và đập kế tiếp phải chờ. Nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu, khi đó tình hình hạn mặn ĐBSCL sẽ rất gay gắt. Tức là khi xảy ra tình trạng khô hạn thì thủy điện Mê Kông làm cho tình hình hạn mặn tồi tệ thêm.

Vùng bán đảo Cà Mau ít chịu ảnh hưởng của sông Cửu Long. Lượng nước nơi này chủ yếu do mưa tại chỗ. Ở vùng này, đất bên dưới là đất mặn, hàng năm có lớp nước mưa phủ lên bề mặt nên được 6 tháng ngọt nhưng khi sang mùa khô thì mặn vì hết nước ngọt. Trong những năm có El Nino mưa ít, nước ngọt ở vùng này sẽ hết nhanh, tức là mùa ngọt kết thúc sớm hơn.

Còn nhớ El Nino xảy ra vào mùa mưa 2015 làm cho lượng mưa trong lưu vực Mê Kông rất ít và mùa lũ 2015 rất thấp. Sang đến mùa khô 2016 thì sông Mê Kông rất yếu, khi đó thủy điện đã tích nước để phát điện gián đoạn, làm cho tình hình hạn - mặn rất gay gắt, đã gây thiệt hại 160 ngàn ha lúa mùa khô ven biển. Điều đó chứng tỏ công trình ngăn mặn không có tác dụng nhiều trong những năm hạn mặn cực đoan như thế. Đến mùa mưa 2019, hiện tượng El Nino cực đoan lặp lại, sang mùa khô 2020 hạn mặn lại gay gắt. Nhưng nhờ có kinh nghiệm lần trước nên năm 2020 các tỉnh ven biển chủ động né vụ, nhờ đó thiệt hại rất thấp so với năm 2016. 

Cánh đồng lúa đang chết khô vì thiếu nước, năm 2020 ở Sóc Trăng. Ảnh: Duy Nhân


Gặp những năm El Nino cực đoan và thủy điện làm cho tồi tệ thêm như thế thì ở ĐBSCL, các công trình ngăn mặn ven biển chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn không có nước. 

Tương tự, đối với vùng bán đảo Cà Mau, gặp những năm khô hạn cực đoan, công trình ngăn mặn chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn được mặn từ biển vào, bên trong cũng không có nước và mặn từ dưới đất được mao dẫn đưa lên vì đất bên dưới vùng này là mặn.

Đã trải qua hai lần hạn mặn gay gắt, chúng ta có thể rút ra rằng cách thích ứng tốt nhất trước mắt là chủ động né hạn mặn bằng cách điều chỉnh lịch thời vụ theo kinh nghiệm của các tỉnh ven biển hồi mùa khô 2016. Các cộng đồng ven biển cần chủ động tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô 2024.

Về lâu dài cần thực hiện theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng công bố tháng 6.2022. Theo đó, vùng ngọt được lùi vào phía trong, còn vùng ngọt - lợ sẽ được trả lại tự nhiên và canh tác theo mùa mặn ngọt chứ không cố chống lại mặn như trước. Khi thích ứng với mặn ngọt theo mùa như vậy thì chúng ta không còn bị ám ảnh về mặn mỗi khi mùa khô đến. Song song đó, vấn đề cấp nước sinh hoạt cho vùng ven biển cần được đầu tư thích đáng, đặc biệt là cho tình huống El Nino cực đoan. 

ThS. Nguyễn Hữu Thiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.