Cho thời gian trở lại:

Những mũi len châm trong một thành phố chậm

 13:13 | Thứ bảy, 02/03/2024  0
Ngày trước, khi ta bước vào một gia đình bình dân hay trung lưu ở Đà Lạt, điều mang lại cảm giác nhẹ nhàng cho tâm trí đó là hình ảnh quen thuộc này: bên chiếc bàn gỗ đặt cạnh cửa sổ, một người phụ nữ đang tỉ mỉ móc len.

Bên ngoài, khung cảnh bốn mùa luân chuyển trong một ngày với sương mù, nắng hửng, mưa bay và hương hoa. Người ấy chỉ khẽ đưa mắt nhìn, chào khách bằng nụ cười ý nhị rồi tiếp tục chú tâm với công việc. Các câu chuyện ít được thể hiện bằng lời khi những chiếc kim móc đang ẩn hiện giữa các sợi len nhịp nhàng theo một giai điệu nào đó. Những cuộn len nhiều màu sắc chậm chạp xoay dịch dưới những ngón tay cử động uyển chuyển như những tinh cầu trong quỹ đạo của tan biến, hóa thân. 

Vũ trụ bây giờ, trong ngôi nhà bình thường của Đà Lạt vào năm tháng xa xưa ấy, có trung tâm là người phụ nữ với cái tâm an nhiên, theo cách nói của nhà Phật, bên những cuộn len.

Ở đó, có vẻ nhỏ nhẹ thư thái, thuần khiết, thật khó gọi thành tên.

Khi hai chiếc kim móc nhịp nhàng nổi chìm trên những sóng len mềm mại theo một nhịp điệu thảnh thơi, có thể trong tâm trí người phụ nữ Đà Lạt đang ngân lên một giai điệu êm đềm nào đó bên ngoài thực tại này. Tấm áo, nếp khăn choàng hay chiếc mũ ấm áp từ trong tưởng tượng dần dần thành hình giữa đời thực bằng sự vận động vượt xa một công việc thủ công đơn thuần tỉ mỉ và khéo léo, một sự vận động tinh thần trong lao động.

Với sự chuyên tâm và có sắc thái hướng nội đó, người phụ nữ có thể tìm thấy một trạng thái dung hòa với khung cảnh bốn mùa chuyển dịch bên ngoài của thành phố yên tĩnh và chậm rãi. 

Khi hai chiếc kim móc nhịp nhàng nổi chìm trên những sóng len mềm mại, có thể trong tâm trí người phụ nữ Đà Lạt đang ngân lên giai điệu êm đềm nào đó. Ảnh: An Lai


Họ vừa buông mình vào một thú tiêu khiển tinh tế, vừa kiên định hành trì để đạt tới nhất thể với ngoại cảnh đô thị quê hương. 

Đã là phụ nữ Đà Lạt thì có thể chưa biết nấu món xíu mại nhưng nhất thiết phải biết đan len. Từng có một tiêu chí công việc gắn với kỹ năng nữ công gia chánh như thế để đề cao kỹ năng cần trang bị này, và, để nhận biết đâu là người phụ nữ chính gốc Đà Lạt. 

Nghề đan len có thể đã đến từ các trường Tây, trường dòng, nơi các bài học về kỹ năng nữ công gia chánh được truyền ngón một cách cặn kẽ và bài bản. Ví dụ tiêu biểu, trong chương trình đào tạo của Trường Thương Mãi Việt Nữ do các soeur Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Franciscaines) đảm trách đào tạo vào đầu thập niên 1970 ở thành phố này, đã có các bộ môn thêu thùa may vá để giúp cho các nữ sinh có một nghề mưu sinh, một khả năng chăm sóc gia đình khi bước vào đời. Mục tiêu của trường này là giúp cho các học viên có kỹ năng gia chánh; tìm một lối thoát cho các nữ sinh gặp chuyện không may trên đường học vấn; nâng đỡ và khuyến khích những cô con gái nhà nghèo sớm có nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống sau này; đào tạo cho nữ sinh các công việc trong nhà để có thể đảm đương chức phận làm vợ, làm mẹ... Kỹ năng gia chánh mà trong đó có nghề thêu, đan, may mặc thủ công đã được các soeur dạy khá kỹ lưỡng, căn bản.

Nhưng cũng có một giả thiết khác, ngoài chương trình dạy may thêu trong các trường học, thì nghề thêu len Đà Lạt cũng có thể được truyền từ những phụ nữ nhập cư từ miền Bắc, nơi có mùa đông giá lạnh khắc nghiệt và việc đan len tạo ra những sản phẩm may mặc các loại trang phục chống rét là một kỹ năng phổ biến. Lại không thể loại trừ khả năng những Pháp kiều đã mang nghề này từ phương Tây đến Đà Lạt, từ đó họ truyền lại cho các cộng sự, thậm chí cả giới giúp việc người Việt để từ đó bằng cách “truyền ngón”, công việc này được nhiều phụ nữ Đà Lạt thông thạo, sử dụng như một nghề... 

Tất cả là những giả thiết có cơ sở, nhưng chưa có một tài liệu nào cho thấy nguồn gốc, xuất xứ cụ thể của nghề này ở Đà Lạt. Ta chỉ biết rằng, đây là một nghề có từ rất sớm tại thành phố này và âm thầm lưu truyền trong cộng đồng người Việt.

Đan len trở thành một nghề thủ công được mặc định bình thường mà không cần đến một huyền thoại nào giải thích về lai lịch hay xuất xứ.

Đan len trở thành một nghề thủ công được mặc định bình thường ở Đà Lạt, mà không cần đến huyền thoại nào giải thích về lai lịch hay xuất xứ. Ảnh: An Lai


Vào thập niên 1960-1970, nghề đan len ở Đà Lạt phát triển khá mạnh, ngoài nhu cầu tự sử dụng, làm quà tặng thì áo, mũ len, khăn len cũng là sản phẩm du lịch. Khảo luận của Trần Thiện Tâm, ngành Kỹ nghệ Tiếp thị, Trường Chánh trị Kinh doanh, Viện Đại học Đà Lạt, do GS. Nguyễn Quốc Tuấn hướng dẫn với chủ đề Ngành đan len tại Đà Lạt là một trong những tài liệu thú vị, đáng chú ý.

Trong khảo luận này, sinh viên Trần Thiện Tâm đã có những nghiên cứu số liệu thống kê và khảo sát điền dã đô thị kỹ lưỡng, mô tả bức tranh của một nghề thầm lặng tới mức bị chìm đi trong bản đồ đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần của một thành phố đặc khu giáo dục ở vào giai đoạn cuối của thời hoàng kim. Trong phần Lời tựa, tác giả bài khảo luận, lúc bấy giờ là một sinh viên năm thứ 3 niên khóa 1973-1974, viết rằng:       

“Tại Đà Lạt, vì sự xuất nhập cảng máy móc và len sợi gia tăng, ngành đan len cũng chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu của giới tiêu thụ, đặc biệt là các sinh viên học sinh và du khách từ phương xa đến.

Tuy ngành đan len chưa tiến đến mức độ sản xuất hàng loạt để có thể cung ứng cho một thị trường rộng lớn nhưng ngành này đã đóng một vai trò quan trọng tại địa phương và đã là phương tiện mưu sinh của một số đồng bào Đà Lạt, đặc biệt là nữ giới”.

Với 6 chương khảo luận (bao gồm phần dẫn nhập và kết luận), tác giả đưa ra những nét chính yếu để hiểu về nghề đan len tại Đà Lạt theo một sự dẫn dắt có tính khoa học, không bằng các kể lể (bởi, như đã nói, lao động của những người làm nghề này hẳn chẳng có nhiều chuyện để kể lể vì tính chất trầm lặng, “hướng nội” và có phần rời rạc của nó). 

Điều đáng nói, vào thời điểm cuốn khảo luận này được viết ra, nghề đan len đang chuyển tiếp từ một nghề thủ công ở các gia đình, mang tính tự phục vụ nhu cầu sang một nghề của công xưởng để hướng tới du khách và thậm chí, có sử dụng máy móc công nghiệp. Vài thông tin mang tính bối cảnh: đến năm 1965, Nghiệp đoàn Sản xuất áo ấm có thống kê cả nước (tức miền Nam) có 165 máy đan len tự động, mỗi năm sản xuất 1 đến 1,2 triệu áo len; đến năm 1973 thì số máy đan len gia tăng lên 230 máy ở các xưởng và 30 ngàn máy đan tay ở các gia đình để tạo ra sản phẩm len phục vụ cho nhu cầu mặc ấm ở những xứ lạnh. Mùa lạnh thì được tính từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm và vùng địa lý chịu ảnh hưởng bởi khí lạnh là Bắc bộ, miền Trung và nhất là cao nguyên Trung phần, trong đó có Đà Lạt. Dẫu vậy, theo tác giả, ngành đan len tại Đà Lạt tuy là “phương tiện mưu sinh của nữ giới”, nhưng chỉ được thực hiện “trong khuôn khổ cá nhân, gia đình, và đóng góp một vai trò hầu như không đáng kể trong nền kinh tế Đà Lạt”.

10 giờ sáng ngày 20.1.1974, tác giả bản khảo luận đã cầm sổ, bút đến phỏng vấn chủ hiệu đan Trang Nhã ở khu Hòa Bình, và ghi chép được những con số quan trọng. Theo bà chủ hiệu Trang Nhã, thì mỗi năm khách hàng tại Đà Lạt đặt các hiệu đan len 10 ngàn đến 11 ngàn chiếc áo len (con số này khác với con số mà các hiệu len bán ra). 9 giờ sáng ngày 22.2.1974, tác giả lại đến hiệu buôn áo len Minh Phương - được xem là hiệu áo len lớn nhất Đà Lạt - và thu thập được một con số khác từ chủ hiệu: khoảng 200.000 kg len được bán ra mỗi năm. Chủ hiệu này cho biết hằng năm nhu cầu áo len làm sẵn tại thị trường Đà Lạt là khoảng 100.000 áo.

Tác giả không quên “phụ chú” cho con số thống kê trên, để cho thấy vai trò của nghề len trong thực tế lớn hơn những thông tin mà các hiệu len đưa ra: “Chúng ta cũng nên ghi nhận thêm tình trạng của một số người tự đan lấy để cung cấp áo ấm cho mình cũng như cho các người thân thuộc. Do đó số nhu cầu có thể cao hơn nhưng vì số sản xuất trên không thể ức đoán được nên chúng tôi chỉ xin trình bày bảng ước lượng số áo len đan được và số áo len làm sẵn để bán (xem bảng)".


Vào thời điểm đó, giá một chiếc áo len được khách đặt đan sẽ đắt hơn giá chiếc áo len làm sẵn. Vì khách vẫn thường thích áo len đặt, họ có thể đề nghị thợ đan theo kiểu mẫu, màu sắc, họa tiết mà mình thích và dĩ nhiên, những hàng đặt để đan thì luôn đảm bảo vừa vặn kích cỡ người mặc hơn là hàng thêu trước, trưng bày sẵn. Tuy nhiên, vì lý do tiện mua, thì hàng may sẵn sẽ nhiều hơn (gấp 10 lần) số áo len được đặt ở tiệm. Vào đầu năm 1974, giá một chiếc áo len đặt tại tiệm là 3.500 đồng, trong khi áo len đan sẵn để bán thì mỗi chiếc cho người lớn là 2.000 đồng và áo trẻ em là 1.500 đồng.

Có bốn yếu tố, theo người viết bản khảo luận, ảnh hưởng sâu xa đến “thị trường” áo len ở thành phố Đà Lạt, đó là thời tiết (thời tiết lạnh, sương mù đặc biệt vào các tháng cuối năm đòi hỏi mỗi người phải có ít nhất một chiếc áo ấm), lợi tức (thu nhập bình quân sẽ quyết định mua sắm đồ mặc ấm, trong đó có áo len), thời trang (đối với lứa tuổi trẻ trung và thích ăn diện, nhất là phái nữ, yếu tố này không thể bỏ qua; tiện ích của chiếc áo len được chuyển hướng, nó không còn giữ nhiệm vụ che chở cho con người chống lại cái lạnh của thiên nhiên nữa mà mang một sắc thái thẩm mỹ làm tăng nét đẹp, vẻ duyên dáng của người mặc chiếc áo len bởi theo các tiệm đan thì phần lớn số áo do khách ăn mặc theo thời trang đặt hàng chiếm một tỷ lệ quan trọng). 

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường áo len, đó là sinh hoạt học đường. Mỗi trường học tại Đà Lạt từ xưa đã cho học sinh mặc áo len theo màu riêng, đây là các nhận diện khá thú vị. Khi học sinh, sinh viên các trường đều mặc len như một đồng phục, thì sinh hoạt trường học cũng góp phần vào việc tiêu thụ của các hiệu áo len lớn trong thành phố.

Vì đây là nghề thủ công, hoạt động cũng tản mát trong các gia đình nên vào thập niên 1960, khoảng thời gian nở rộ các tiệm len, thì cũng khó để làm phép thống kê cụ thể. Chỉ có thể phân chia ra hai dạng, dạng có cửa hiệu và không có cửa hiệu. Các tiệm đan có cửa hiệu rõ ràng, có thể thấy:

Tiệm Trang Nhã (32 Duy Tân), thành lập năm 1960. Ngoài việc cung cấp áo len đan cho người tiêu thụ, thì tiệm này có dạy đan len cho người có nhu cầu học. Mỗi khóa học ba tháng thì học phí là 5.000 đồng, vào thời điểm năm 1974. Tiệm có bốn thợ chính và một số thợ phụ. Các thợ chính kiêm luôn việc truyền nghề cho những người ghi danh theo học móc len.

Tiệm Võ Thành (21-22 Hội trường Hòa Bình), thành lập năm 1960. Tiệm này ngoài bán áo len, còn có bán một số dụng cụ trong việc đan len: kim đan, nút áo, các loại len...

Tiệm Minh Phương (2 Tăng Bạt Hổ), thành lập năm 1969. Ngoài bán áo len làm sẵn, chủ tiệm Minh Phương còn nhận đủ loại len về bán cho người đan len trong thành phố.

Ngoài ba tiệm chính chuyên doanh áo len, đồ len nói trên thì trang phục len may sẵn còn được bán trong các cửa hàng buôn nhỏ lẻ, các sạp hàng vải trong chợ. Các cửa hiệu và sạp hàng này không nhận đan áo khách hàng đặt, họ thuê các bà nội trợ nhận đan một số mẫu mà thị trường chuộng và chi trả tiền công cho người đan tính theo sản phẩm.

Như vậy, những người đan áo len theo hình thức nhỏ lẻ trong các gia đình như một việc có thể đem lại thu nhập (đan lấy tiền công cho các hiệu buôn) và có những người làm đơn thuần như một loại việc nữ công gia chánh, để bản thân và gia đình sử dụng. 

Vào năm 1974, công đan một chiếc áo len mà các hiệu buôn đặt một phụ nữ nội trợ làm là 300 đồng. Họ là những phụ nữ ở nhà nội trợ, vợ của các quân nhân, công chức có cuộc sống khá nhàn; đã chọn việc đan len nhẹ nhàng để vừa dễ lo chăm sóc gia đình, vừa có thêm thu nhập. Các cửa hiệu muốn có hàng bán, cũng phải nhờ tới sự chuyên cần và uy tín của họ. Ví dụ, hiệu Trang Nhã luôn có trong tay danh sách 20 người đan len như vậy để đảm bảo luôn có đủ nguồn cung ứng cho khách tiêu thụ, đặc biệt là vào các mùa lạnh. “Còn về phần những người sản xuất để tự cung cấp, tình trạng này xảy ra thông thường trong một gia đình; hoặc người mẹ hoặc người con gái tự đan lấy áo len để cung cấp cho các người trong gia đình mặc”, tác giả bản khảo luận viết.

Về nguyên liệu, thời chiến tranh, nguồn len đa phần nhập khẩu có khi khó chủ động. Thợ đan len ở Đà Lạt những năm 1960-1970 thường sử dụng sợi len từ công ty Vĩnh Thịnh và một số đại lý khác. Các nhãn len phổ biến bấy giờ: Red, Chapeau, Snow Ball, Sydney, Mouton d’or, Jumper, Piccadilly, Chat Betté, Marigold... Khách hàng chuộng các loại áo len được đan từ sợi len Anh, Pháp, Úc vì thành phần sợi len cao, len mềm, mặc ấm. Các len đến từ Mỹ, Nhật thời bấy giờ có sợi hóa học. Nhưng nguồn len nguyên chất càng về sau càng khan hiếm do việc nhập cảng không ổn định. Các tiệm, ngoài phần đặt đan len thủ công, còn nhập về một số loại máy đan để gia tăng năng suất. Ở Đà Lạt vào thập niên 1970 đã có các loại máy đan len hiệu Singer, Trimac, Erka và Silver. Máy Trimac thì chuyên đan len sợi to, còn các máy Singer và Silver thì đan dàn tròn và pha màu. 

Cứ mỗi năm thì hai ba lần, các đại lý từ Sài Gòn sẽ mang len lên Đà Lạt để bán cho các tiệm và sạp ở chợ. Với một tiệm có mức sản xuất khoảng 4.500 áo mỗi năm thì số len tồn trữ mỗi tháng phải hơn 3.000 kg. Những năm chiến tranh khốc liệt, các tiệm len ở rải rác miền Trung phải lên Đà Lạt mua len sợi, vì chắc rằng các tiệm ở Đà Lạt bao giờ cũng đảm bảo số lượng tồn trữ dư dôi cho mùa lạnh để sản xuất trong một thời gian dài và phòng khi việc nhập cảng len bị ngưng trệ.

Không có sự phân biệt nào về giá giữa một chiếc áo đan tay thủ công và đan máy, trừ phi những khách hàng khó tính, yêu cầu những mẫu kỹ thuật và mỹ thuật đặc biệt đòi hỏi tiệm len phải giao cho các thợ lành nghề thực hiện các công đoạn đan len tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian.

Nữ sinh Đà Lạt trước 1975. Ảnh thuộc bộ sưu tập của Nguyễn Vĩnh Nguyên.


Với những khách hàng kỹ tính, khi cần đặt một chiếc áo len, họ có thể mang len đến, hoặc chọn len tại tiệm, thợ chính sẽ đo áo, gồm chiều dài áo, chiều dài cánh tay, bề ngang vai áo, hỏi kỹ khách hàng muốn cổ áo kiểu gì, lối đan kiểu phức tạp hay đan thường... Trong các công đoạn đan áo, dù tự động máy móc, thì các gấu tay, gấu áo cũng đều được đan thủ công để đảm bảo độ bó và bung, bo và giãn khi mặc. Gấu ráp vào cánh tay áo thường có thể đan nối bằng máy. Cổ áo cũng là bộ phận quan trọng, đây là chi tiết trên chiếc áo thể hiện trình độ kỹ thuật của người thợ.

Các tiệm thường giao phần cổ áo cho người có chuyên môn cao (“Một chiếc áo len đẹp thường cần một cái cổ chỉnh, ngay ngắn giúp người mặc sáng sủa hơn lên, chỉ cần nhìn vào cổ áo ta có thể suy đoán ra trình độ kỹ thuật của nơi sản xuất. Do đó việc đan các cổ áo không thể được giao cho các thợ chưa rành vì họ có thể làm lệch cổ áo hoặc khi mặc áo ta thấy nơi cổ bị nhăn nheo co rúm” - tác giả khảo luận ghi lại ý kiến khách hàng). Xong chiếc cổ áo đẹp, việc đính nút, ráp nối thân áo chẳng còn khó khăn là mấy.

Người ở xứ nóng hẳn khó hình dung được niềm khấp khởi vui mừng khi một sáng mùa đông lạnh giá, một người Đà Lạt đến tiệm len và nhận về một chiếc áo vừa vặn, đều đặn mà mình đã đặt trước. Chiếc áo len là thành quả của những người thợ vô danh, gói vào đó biết bao sự tỉ mỉ, trách nhiệm và chăm chút. Các mẫu áo len thời trang cũng được các tiệm nhập về, ước đoán xem khách hàng sẽ đón nhận như thế nào trước khi cho đan sẵn và trưng bày. 

Về “gu” thời trang áo len ở Đà Lạt giai đoạn 1960-1970 thì tương đối ổn định, vì tính người Đà Lạt vốn nhẹ nhàng và từ tốn, những cái mới, phá cách quá xa thì họ thường dè dặt chọn lựa. Có một điều mà giới kinh doanh áo len trong thành phố này mới nhận thấy được, đó là mỗi năm xu thế chọn màu một đổi thay. Ví dụ năm 1973, người Đà Lạt thích tone màu xanh dương đậm thì đầu năm 1974, xu thế là nâu. 

Trong các đề xuất phát triển mà người viết bản khảo luận nêu ra, có nhắc đến một phương pháp “huấn nghệ” (giảng dạy) nghề này, để đảm bảo có những thợ đan thủ công tay nghề cao, đảm bảo các sản phẩm đòi hỏi chất lượng tốt. Ngoài ra, tác giả cũng đặt vấn đề về việc “quảng cáo”. Đây có thể được xem là khâu yếu nhất của nghề đan len. Tác giả gợi ý để nghề len phát triển quy mô hơn, thì: “Ta phải gây tin tưởng cho dân chúng mặc đồ len trên những mục quảng cáo nơi các nhật báo, tập san, tại các rạp chiếu bóng. Khi nhấn mạnh vào các ưu điểm của hàng len mình sản xuất về sự bền bỉ, ấm áp cũng như tính cách lịch sự của chiếc áo len”.

Nhưng có những nghề nghiệp hay công việc được thực hành không từ trên những nguyên tắc thị trường hay ý chí khuếch trương quy mô của một chủ cửa hàng nào cả. Như nghề đan len, nó là một kiểu thực hành vượt qua mưu sinh, hướng đến duy trì một tương quan khác, tương quan nối tâm hồn con người với tâm hồn thành phố trong một nhịp điệu chậm rãi và gần như khép kín. Ở chiều kích này, ta nhận ra bản thân công việc là để tạo nên một sự ấm áp nội tại.

Bằng cách đó, những chiếc kim móc len ngày hôm qua đã chuyển động uyển chuyển theo tempo của một thành phố chậm. 

Nguyễn Vĩnh Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.