Nhưng khi dân số Nhật Bản ngày càng già đi và tự động hóa trở nên phổ biến, đâu là giá trị của di sản shokunin? Nhật Bản đang thay đổi: một xã hội đang già đi nhanh chóng, lượng khách du lịch từ nước ngoài tăng kỷ lục và nhiều robot hơn bao giờ hết.
Liệu thế hệ trẻ của Nhật Bản có thể bảo vệ được truyền thống “shokunin” – hoặc thậm chí điều chỉnh nó cho phù hợp với thời đại hay không?
Một lịch sử lâu dài
Một ví dụ điển hình của “shokunin” là Jiro Ono, bậc thầy sushi 94 tuổi và là nhân vật trong bộ phim tài liệu gây hiện tượng toàn cầu Jiro – Giấc mơ Sushi.
Cửa hàng nhỏ của ông chỉ chứa được có 10 người với giá hàng trăm USD cho mỗi thực khách. Ono Jiro sinh ngày 27.10.1925, là đầu bếp Nhật Bản và chủ nhân của Sukiyabashi Jiro, một nhà hàng sushi xếp hạng 3 sao Michelin tại Ginza, Tokyo.
Ono được chú ý đến bởi những người đương thời và các đồng nghiệp như nghệ nhân sushi vĩ đại nhất còn sống và được đề cập đến với những phương pháp đổi mới được sử dụng trong quá trình chuẩn bị sushi theo phong cách hiện đại.
Ono chào đời tại thành phố Tenryu (hiện tại là Hamamatsu) ở Shizuoka, Nhật Bản. Ông bắt đầu làm việc tại một nhà hàng địa phương từ năm lên 7 tuổi, trước khi chuyển đến Tokyo để học tập như một người học việc.
Ông trở thành một đầu bếp sushi đạt chuẩn vào năm 1951, và vào năm 1965, ông tự mở nhà hàng riêng của mình, Sukiyabashi Jiro ở Ginza, Tokyo. Ono có hai người con, Ono Yoshikazu và Ono Takashi, cả hai người đều là đầu bếp sushi. Người con thứ Takashi của ông cũng điều hành một nhà hàng được xếp hạng sao Michelin.
Ono Jiro là chủ đề của bộ phim tài liệu năm 2011 của David Gelb Jiro - Dreams of Sushi. Ono sợ rằng việc đánh bắt hải sản quá mức sẽ khiến các thành phần chính được sử dụng trong món sushi truyền thống biến mất.
Ono đã từng phục vụ Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào ngày 23.4.2014 khi họ dùng bữa tối tại Sukiyabashi Jiro trong chuyến công du đến Nhật Bản. Tổng thống Obama phát biểu: “Tôi được sinh ra ở Hawaii và được ăn rất nhiều sushi, nhưng đây là những món sushi ngon nhất tôi từng được ăn trong cuộc đời”.
Nhưng có lo ngại rằng nhiều “shokunin” của Nhật Bản đang già đi (cùng với phần còn lại của dân số), và trong nhiều trường hợp không có ai thay thế họ, nhất là ở các vùng nông thôn bị suy giảm dân số.
Nhật Bản có lịch sử lâu dài trong việc bỏ thời gian để hoàn thiện mọi thứ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ như thanh vịn đôi cho những người có chiều cao khác nhau, nắp hố ga đáng được trưng bày ở viện bảo tàng, cũng như hộp cơm trưa được thiết kế tinh tế và rau củ trong đó được cắt tỉa thủ công thành các nhân vật đáng yêu.
Một “shokunin” thế hệ tiếp theo là Yuya Hasegawa, 35 tuổi, người sở hữu một cửa hàng trên đại lộ cao cấp Omotesando ở Tokyo vốn được biết đến là nơi người ta vừa ăn vừa truy cập Internet.
Hasegawa được biết đến như là “Jedi” đánh giày trên Instagram. Kể từ khi trưởng thành, Hasegawa đã dành phần lớn thời gian của mình để hoàn thiện một nghề mà nhiều người coi là mơ hồ, lương thấp và lỗi thời. Tuy nhiên, ông đã tìm cách để nâng tầm nghề đánh giày lên thành vừa là một loại hình nghệ thuật vừa là ngành kinh doanh hái ra tiền.
Hasegawa điều hành một chuỗi các cửa hiệu đánh giày trên khắp Tokyo, bán các sản phẩm về giày và mở các khóa học đánh giày cho hàng chục học viên. “15 năm trước, khi tôi bắt đầu ra nghề trên đường phố, những thợ đánh giày chỉ là những người lớn tuổi – vì vậy, việc tôi còn trẻ làm cho tôi khác biệt,” ông nói trong khi mặc một bộ com-lê bảnh bao và đánh bóng đôi giày da mũi cánh với tốc độ cực nhanh.
“Cần phải có sức lực để làm công việc này; vì vậy, sức mạnh càng nhiều thì càng tốt”. Hasegawa tự gọi mình vừa là shokunin và vừa là chủ doanh nghiệp. Sau khi ra làm nghề đánh giày cho các doanh nhân bên ngoài Ga Tokyo để kiếm sống qua ngày, giờ đây Hasegawa quản lý một đội ngũ gồm 9 người; điều hành và làm giám khảo các cuộc thi đánh giày quốc gia và – giống như một “shokunin” thực thụ – cũng có người học việc: một nhóm những người trẻ trong độ tuổi 20-40.
Hasegaw bỏ công sức rất tỉ mỉ vào công việc và xem công việc này như là nghệ thuật: “Thật vô nghĩa khi chỉ làm việc đánh giày. Bạn cần phải hiểu hoàn cảnh khách hàng sẽ mang giày là gì, loại công việc họ làm, loại trang phục họ mặc. Chẳng hạn, nếu ai đó mặc quần áo xuề xòa, giày sẽ ít bóng loáng hơn [để bổ sung cho vẻ ngoài xuề xòa] và được đánh cho nhạt hơn. Cần một sự cân bằng – giống như cách trang điểm của phụ nữ”.
Từ các ngành thủ công ở Kyoto đến quán cà phê thủ công
Về mặt lịch sử, nhất là ở những nơi như cố đô Kyoto, nơi tay nghề thủ công từ lâu rất được trân trọng, các nghệ nhân “shokunin” thường dành cả đời để chuyên về một sản phẩm cụ thể: làm chén cơm sơn mài, đồ mộc cho đền thờ, giỏ tre.
Bằng cách hoàn thiện mọi chi tiết và làm ra một sản phẩm hữu dụng, họ đã trở thành những trụ cột được tôn kính trong cộng đồng. Đó vẫn là trạng thái giúp định hình Kyoto, ngay cả đối với thế hệ trẻ.
Yozo Otsuki, 35 tuổi, là người gốc Kyoto có cha mẹ là nghệ sĩ vốn quản lý một quán cà phê nhạc jazz cách đây nhiều thập niên. Giờ đây, sau sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính quốc tế, ông điều hành Kurasu, một chuỗi quán cà phê đặc sản ở Kyoto. Otsuki cũng bán cà phê do các nhà rang xay Nhật Bản rang và vật dụng cà phê do các nhà thiết kế nước này thực hiện cho các khách hàng trên toàn cầu.
Một sản phẩm, phin cà phê sứ lấy cảm hứng từ origami (nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản) đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Thiết kế của nó giúp phân phối nước nóng tốt hơn trong phin pha cà phê. Nó được Du Jiang ở Trung Quốc, người phụ nữ đã giành được Cúp thế giới về pha cà phê năm 2019, sử dụng.
Phong cách pha cà phê của Nhật Bản trong các cửa hàng cũ như cửa hàng của cha mẹ của Otsuki – trong đó người phục vụ phải mất rất nhiều công sức pha cà phê cho mỗi khách – đã gây ấn tượng với những người sáng lập các công ty cà phê thuộc làn sóng thứ ba như Blue Bottle đến từ California.
Áp dụng những gì họ thấy ở Nhật Bản, sau đó họ đã phổ biến văn hóa quán cà phê quý phái vốn đã càn quét thế giới trong những năm gần đây. Chuỗi quán cà phê Blue Bottle đã chứng minh điều này: sự chú ý đến từng chi tiết của người Nhật là một trong những cảm hứng lớn nhất của James Freeman khi bắt đầu chuỗi cửa hàng cà phê Blue Bottle. Nhật Bản chú tâm vào những chi tiết tỉ mỉ để thu hút sự chú ý quốc tế: phong cách pha cà phê kiểu Nhật đã ảnh hưởng tới hãng Blue Bottle và các tên tuổi lời trong lĩnh vực cà phê thời hiện đại.
“Ở Nhật Bản, chúng tôi cố gắng làm cho mọi thứ tốt hơn với tài nguyên hạn chế. Về mặt vật lý, chúng tôi chỉ là một hòn đảo nhỏ và từng bị tách biệt khỏi thế giới,” Otsuki nói về thời kỳ tự cô lập của Nhật Bản từ năm 1639 cho đến năm 1854. Nhất là với cà phê, mọi thứ phải được nhập khẩu sau Chiến tranh thế giới thứ hai và họ chỉ có được sản phẩm chất lượng xoàng. “Nhưng điều tuyệt vời về người Nhật là họ muốn cố gắng làm mọi thứ tốt nhất; cố gắng làm cho nó hoàn hảo – ngay cả khi đó là sản phẩm tồi hoặc nguyên liệu thô không phải là thứ tốt nhất”.
Robot thay thế nghệ nhân
Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng ở các nước khác, những thợ thủ công bậc thầy ở Nhật Bản đang trở nên ngày càng ít hơn. Những người trẻ muốn các công việc kiếm được nhiều tiền hơn, có nhiều cơ hội dịch chuyển hơn và ngày càng lựa chọn bằng cấp thay vì trường nghề.
Ngoài ra, còn vấn đề về tính đa dạng; theo truyền thống, trong hệ thống “shokunin” cha sẽ truyền nghề lại cho con trai mình. Mặc dù phụ nữ đã đạt đến đẳng cấp “shokunin” trong các ngành nghề thủ công như đan tre và sơn mài, nhiều nhà hàng sushi cao cấp của Nhật Bản không tuyển nữ vì họ tin rằng phụ nữ không thể hoặc không nên là đầu bếp sushi hàng đầu. Vì vậy, vẫn chưa có một nữ nghệ nhân nổi tiếng nào.
“Đáng tiếc là những ‘shokunin’ như thợ đúc kiếm, thợ may kimono, người bày trà đạo truyền thống đang biến mất vì thiếu người tiếp nối,” Shinya Nagasawa, giáo sư thương hiệu tại Trường Kinh doanh Waseda ở Tokyo, nói. Ông đặt dấu hỏi về sự hợp thời của “shokunin” cùng các sản phẩm thủ công của họ. “Phần lớn người tiêu dùng Nhật Bản đồng ý rằng đang xảy ra khủng hoảng trong vấn đề này, nhưng họ vẫn không mua các sản phẩm đó”.
Do dân số Nhật ngày càng cao tuổi và ít đi, việc truyền nghệ của các nghệ nhân sang cho thế hệ kế tiếp đang trở nên bấp bênh, nhất là bởi ngày càng có nhiều người thuộc lớp trẻ muốn theo đuổi việc học và các nghề cho họ cơ hội bay nhảy nhiều hơn, có thu nhập cao hơn. Các số liệu thống kê dường như cho thấy điều này. “Sản lượng của các ngành nghề thủ công truyền thống đã giảm từ 540 tỷ yen (4,8 tỷ USD) vào năm 1983 xuống còn 96 tỷ yen năm 2016, theo Hiệp hội Xúc tiến Công nghiệp Thủ công Truyền thống,” Takeshi Tashiro thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Washington, D.C., cho biết.
Nhiều nơi làm việc cũng đang sử dụng tự động hóa – họ triển khai các robot ngày càng tinh vi có thể thực hiện các công việc chân tay phức tạp nhưng lặp đi lặp lại. Hãng sản xuất ô tô Nissan là một ví dụ; họ đang đầu tư để giúp robot có khả năng lành nghề bằng cách kết hợp tự động hóa công nghệ cao với các kỹ năng thủ công tinh tế của con người, vốn được đúc kết qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc.
Tetsuya Obata, giám đốc bộ phận lập kế hoạch kỹ thuật của Nissan, cho biết robot đang được huấn luyện để trét keo lên cửa xe ở phân xưởng lắp ráp. Một công nhân có 15 năm kinh nghiệm trong xưởng – người biết chính xác phải dùng lực đè như thế nào và góc nào để hướng dẫn công cụ giống như cái thuổng – giải thích quy trình cho các nhà lập trình để sau đó họ tạo ra một robot mà hiện đang làm điều tương tự.
Người thợ này không phải là một “shokunin” mà là một dạng tương tự, được gọi là “takumi” – nghệ nhân có công việc không hoàn toàn theo quy chế hay lặp đi lặp lại như “shokunin”, nhưng vẫn đòi hỏi được đào tạo rất nhiều và sự để tâm đến từng chi tiết.
Obata nói rằng tập hợp những người có các kỹ năng “takumi” này đang giảm dần, khi lực lượng lao động bị thu hẹp và ngày càng nhiều người trẻ chọn theo đuổi bằng cấp. Vì vậy, Nissan muốn tung ra nhiều robot như thế này hơn, tận dụng những nghệ nhân lành nghề sẵn có để làm việc bên cạnh các chuyên gia về robot để dạy robot thực hiện các nhiệm vụ chính xác.
Cân bằng giữa nghệ thuật và thực tế
Tuy nhiên, không phải mọi công việc tỉ mỉ, lặp đi lặp lại đều có thể được tự động hóa. Như Takeshi Tashiro ở PIIE nói, thì “tay nghề thủ công truyền thống vẫn có giá trị kinh tế rất lớn”, và ông chỉ ra rằng lượng du khách kỷ lục gần đây đến Nhật Bản, trong đó các sản phẩm du lịch như nhấm nháp trà xanh chế biến thủ công hoặc mặc thử kimono, rất có sức thu hút đối với du khách.
Cho dù đó là sản phẩm tiêu dùng hay ô tô, người Nhật Bản vẫn tiếp tục nổi tiếng là những người chú ý đến từng chi tiết vốn thu hút sự quan tâm toàn cầu.
Takeshi Tashiro thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Washington, D.C. |
Để cho tinh thần “shokunin” tiếp tục phát triển, bản thân các sản phẩm có thể phải thay đổi. Bí quyết có thể là kết hợp tay nghề của các “shokunin” với các sản phẩm – chẳng hạn như cà phê đặc sản và nghề đánh giày – vốn có nhu cầu nhiều hơn. Nagasawa chỉ ra sự hợp tác giữa các thương hiệu xa xỉ toàn cầu và các ngành nghề lâu đời của Nhật Bản để đem đến cho các sản phẩm truyền thống biến tấu hiện đại như là một giải pháp.
Chẳng hạn, vào năm 2017, Hermes hợp tác với Karacho, một xưởng in tay đặt ở Kyoto ra đời vào năm 1624, để tạo ra những quyển sổ đóng gáy cầm tay với hoa văn sống động.
Quay trở lại năm 2007, Louis Vuitton đã phối hợp với các nghệ nhân ở tỉnh Ishikawa để chế tạo các hộp phụ kiện sơn mài với số lượng có hạn, trong khi Gucci và Tiffany cũng đã hợp tác với các nghệ nhân Nhật Bản. Tashiro cũng tin rằng sự chú ý đến từng chi tiết theo kiểu shokunin có thể được tận dụng để thúc đẩy để tăng “sức mạnh mềm” của Nhật Bản.
“Nhiều phim hoạt hình và trò chơi điện tử được lấy cảm hứng từ tay nghề thủ công khéo léo như vậy và ngược lại,” ông nói.
Tháng 11.2019, Mataro – một công ty có hàng 100 năm tuổi ở Tokyo vốn làm búp bê Nhật truyền thống – đã tung ra nhân vật Pikachu nhồi bông tinh xảo tuyệt vời để chào mừng sự ra mắt của trò chơi Pokémon mới nhất. Những nỗ lực như thế này có thể giúp duy trì shokunin trong tương lai. Đối với Hasegawa, sự sống còn có nghĩa là “cân bằng nghệ thuật với thực tế tài chính”, nhờ đó ông có thể duy trì cộng đồng “shokunin” đánh giày của mình.
Hasegawa chia sẻ: “Nếu chỉ là một shokunin thì tôi không thể nào mở rộng việc kinh doanh. Tôi không thấy nhiều người đánh giày – tôi thấy những người già làm việc đó và họ bỏ việc”. Nhưng bây giờ, phần lớn công việc của Hasegawa là truyền cho những người học việc khả năng của mình, để họ có thể mang ngọn đuốc cho thế hệ sau. Họ trẻ tuổi, thời thượng và chất. “Tôi muốn đưa nghề đánh giày vào thế giới thời trang. Tôi muốn đưa đánh giày đến một sân khấu khác”.
Thục Miên