Cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu của bão vừa qua đã tàn phá nặng nề nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Những sườn núi, mép đồi trong chớp mắt đã bị dòng lũ dữ cuốn trôi; những khu dân cư ngập chìm trong biển nước, thôn bản trở thành bình địa gây thiệt hại khủng khiếp về người và kinh tế.
Tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết đã và đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương rốt ráo triển khai để sớm ổn định đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân.
Tuy vậy để đảm bảo an toàn về lâu dài, thích ứng hiệu quả trước thiên tai, bão lũ, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền các địa phương và người dân cần phải chung tay “vá” rừng, giảm phát thải khí nhà kính; đặc biệt là cần sớm phân vùng, cảnh báo chi tiết các điểm, vị trí có nguy cơ trượt - sạt lở.
Sau tái thiết, cần “vá” rừng
Tiến sỹ Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT), cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã ghi nhận 20 trên 21 loại hình thiên tai, thảm họa thiên nhiên xảy ra, gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt với các nhóm dân cư có tính dễ bị tổn thương cao.
Chỉ tính riêng cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão vừa qua, các tỉnh, thành ở miền Bắc đã phải chịu thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng trên 40.000 tỷ đồng; hơn 350 người chết, mất tích; trên 1.900 người bị thương…
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Cơn bão này và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...
Đặc biệt, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sạt lở đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều.
Trong khi đó, theo PGS-TS. Lê Văn Hưng, Viện Nghiên cứu ứng dụng xử lý môi trường, bên cạnh yếu tố thiên tai, các hoạt động thiếu kiểm soát của con người cũng đã góp phần làm gia tăng tính cực đoan của biến đổi khí hậu; trong đó có việc phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Và khi nhiệt độ tăng lên sẽ “tạo điều kiện” cho tình trạng cháy rừng dễ xảy ra hơn, từ đó làm giảm/mất đi khả năng giữ nước của rừng.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng đã đưa ra thông tin đáng buồn khi nhấn mạnh rằng Việt Nam đã phải chia tay nhiều khu vực thiên nhiên hoang dã được xem là những “thiên đường trên mặt đất.” Sự biến đổi này là một bài học đắt giá về trách nhiệm của con người. Theo ông Nguyên, rừng bị chặt phá để lấy đất canh tác cùng với các hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững đã làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học, hệ sinh thái bị mất cân bằng, dẫn tới suy giảm chất lượng môi trường của con người.
Nói thêm về tầm quan trọng của rừng tự nhiên trong việc giữ nước mưa, giảm lũ, một chuyên gia môi trường cho rằng cây rừng tự nhiên có bộ rễ sâu hàng chục mét, đan kết chằng chịt vào nhau, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững liên kết giữa đất và đá, giữa tầng mặt và tầng sâu, tạo thành một khối ổn định và vững chắc. Thế nhưng khi rừng đã bị cạo trọc, mối liên kết ấy mất đi. Khi mưa lớn kéo dài, đất trong núi no nước thì liên kết trở nên yếu ớt, đất đá mềm nhão, kết hợp với sự mất chân của núi đồi,… sẽ dẫn tới sạt lở.
Vì thế bên cạnh việc tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ cho người dân, các địa phương cũng cần quan tâm tới việc phục hồi hệ sinh thái rừng. Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách trong thập kỷ toàn nhân loại đang chung tay để tránh một cuộc khủng hoảng sinh thái.
"Con người không thể mặc áo rách, rừng cũng vậy" - đó cũng là lời nhắn nhủ từ nhiều chuyên gia làm công tác bảo tồn thiên nhiên bởi rừng được phục hồi sẽ giúp bảo vệ nguồn nước, giảm nguy cơ sạt lở núi đá...
Khoanh vùng sớm các điểm nguy cơ trượt lở
Khẳng định phục hồi hệ sinh thái rừng là rất quan trọng, song đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) cũng lưu ý để ứng phó với thiên tai hiệu quả, bộ này sẽ tiếp tục tổ chức các đợt điều tra, khảo sát các vị trí đã, đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất để cảnh báo sớm.
Bộ TN&MT cũng sẽ rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ chứa trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tính huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu; khi đủ điều kiện thì điều chỉnh Quy trình vận hành theo hướng thời gian thực.
Ngoài ra, bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp; tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, kỹ năng ứng phó.
Bộ TN&MT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và các địa phương đôn đốc các cơ quan chức năng, các chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; thực hiện chế độ quan trắc, thông tin hồ chứa theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Về phía địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung điều tra, đánh giá, khảo sát bổ sung cơ sở dữ liệu về thiên tai sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho các vị trí, khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét tại địa phương.
Theo quan điểm của Tiến sỹ Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), thời gian tới cần đặt trọng tâm vào xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở, lũ quét chi tiết nhất có thể.
“Nếu không chi tiết được đến từng điểm nhỏ thì không thể gọi là cảnh báo, mà chỉ dừng ở việc dự báo. Hơn nữa, cần phải hướng tới cảnh báo sạt lở, lũ bùn đá theo thời gian thực cho các điểm có nguy sạt lở đất cao,” ông Sơn nhấn mạnh.
Hùng Võ