Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương Đảng thăm và làm việc với Thành ủy TPHCM. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng
Cùng dự buổi làm việc, về phía Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tiếp đoàn, về phía TP.HCM có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải...
Tình hình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM có nhiều khởi sắc
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng
Theo đó, trong 2 năm qua, Thành ủy TP.HCM luôn tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm đổi mới công tác quản trị TP, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển TP; tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Đồng thời ưu tiên triển khai các dự án có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, cải thiện môi trường, các dự án giao thông trọng điểm kết nối giữa TP với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tập trung huy động tối đa các nguồn lực; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Cụ thể, năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, TP chịu sự ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vừa kiểm soát dịch bệnh, đưa TP trở lại với trạng thái “bình thường mới”, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm các hoạt động xây dựng Đảng theo Nghị quyết đề ra.
Công tác chính trị, tư tưởng tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Công tác tổ chức, cán bộ và đảng viên được quan tâm, gắn với việc tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy trên các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được triển khai thực hiện phù hợp tình hình nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị.
Đối với công tác xây dựng chính quyền, công tác dân vận cũng được quan tâm đặc biệt, phát huy hiệu quả và ngày càng thể hiện rõ nét trong điều kiện TP tập trung phòng chống dịch và phục hồi kinh tế; người dân TP luôn chung tay thực hiện các chủ trương, chính sách của TP.
Quang cảnh buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thành ủy TP.HCM. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ TP.HCM đã xây dựng 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, với 9 nhóm giải pháp trọng tâm. Ngay khi TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Thành ủy đã chủ động ban hành Nghị quyết cho giai đoạn phục hồi, chỉ đạo ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025. Với những giải pháp đó, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của TP trong 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ; từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021, TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào 6 tháng đầu năm 2022 (dự kiến 9 tháng sẽ đạt 9,71%). Quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 90%, tương đương 350.000 tỷ đồng. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát triển
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, Đảng bộ TP.HCM xác định từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ tập trung cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận. Trong đó có việc tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI về "xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát, thích ứng linh hoạt đối với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến tình hình.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, trọng tâm là định hướng chiến lược, chủ trương và cơ chế để TP phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và phát triển. Trung ương tiếp tục chọn TP là nơi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp.
Bên cạnh đó là mở rộng việc phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP. Hoàn thiện về thể chế cho TP Thủ Đức phù hợp với quy mô và vai trò theo mô hình TP trong TP; có chính sách tương xứng để phát huy tiềm năng, thu hút được nguồn lực phát triển trong đó có Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo trước đoàn công tác Trung ương Đảng. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng
TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương ưu tiên các nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia; đồng thời với chính sách và cơ chế huy động các nguồn lực tài chính mà TP có nhiều lợi thế.
TP.HCM cũng kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội quan tâm chỉ đạo tổng kết và tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội) kịp thời, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết mới của Quốc hội.
Cùng với đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM. Ngoài ra, TP cũng kiến nghị, định kỳ hàng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc với TP.HCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát triển.
S. Hải