TP.HCM: Mưa ngập trên diện rộng, nhiều nơi xuất hiện mưa đá

 19:33 | Thứ sáu, 14/06/2024  0
Kích thước hạt mưa đá phần lớn khá nhỏ, chỉ bằng đầu đũa hoặc một đốt ngón tay nhưng cũng có những hạt to tròn như viên bi, thậm chí lớn gần bằng nửa lòng bàn tay.

Một hạt mưa đá to gần bằng nửa lòng bàn tay rơi xuống khu vực đường Phó Đức Chính. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN


Chiều 14.6, TP.HCM xuất hiện cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhiều khu vực xuất hiện mưa đá.

Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, mưa quá lớn khiến nước không thoát kịp, gây ngập cục bộ và làm nhiều phương tiện giao thông chết máy.

Theo thông tin từ Ứng dụng cảnh báo ngập UDI Maps của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM, cơn mưa bất ngờ xuất hiện vào khoảng 14 giờ 30 phút tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố sau một buổi sáng nắng nóng gay gắt.

Mưa nặng hạt kèm dông, lốc mạnh khiến nước nhanh chóng dâng cao gây ngập nhiều tuyến đường, có nơi nước ngập gần hết bánh xe môtô. Đến gần 17 giờ, mưa mới bắt đầu ngớt và tạnh dần.

Trên đường Lê Lai (quận 1), mưa lớn gây ngập hàng trăm mét đường đoạn trước Công viên 23 Tháng 9, nước dâng cao gần nửa bánh xe, khiến nhiều xe môtô chết máy.

Đường Lưu Văn Lang (quận 1) ngập sâu trong mưa. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN


Người dân phải dựng tạm xe bên đường chờ nước rút hoặc hì hục dẫn bộ qua đoạn ngập. Để nước rút nhanh, lực lượng dân quân địa phương cùng người dân hợp sức lấy rác, thông tắc các đoạn cống thoát nước trên đường.

Các tuyến đường xung quanh khu vực Chợ Bến Thành (quận 1) cũng rơi vào tình trạng ngập sâu, đặc biệt là đường Lê Thánh Tôn ngập gần nửa bánh xe mô tô; hộ dân phải tất bật tát nước, dựng cửa chống ngập...

Cơn mưa lớn cũng làm nhiều cây xanh ở khu vực trung tâm TP.HCM đổ giữa đường hoặc đổ đè vào phương tiện giao thông. Lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục sự cố.

Trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường 11, quận Phú Nhuận), một cây xanh cao khoảng 10m, tán rộng đã bị bật gốc, đổ chắn hết một làn đường.

Tại giao lộ Phạm Ngọc Thạch-Điện Biên Phủ (quận 3), nhiều nhánh cây xanh của các cây cổ thụ có kích thước dài, đường kính hơn 10cm bị gãy, nằm vương vãi nhiều nơi, đèn tín hiệu giao thông bị ảnh hưởng, mất điện.

Tại đường Pasteur (quận 1), một cây me cao hơn 5m cũng đổ trong cơn mưa lớn. Trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, quận 10) cũng xảy ra tình trạng cây đổ.

Đáng chú ý, trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), một xe ôtô bị cành cây lớn rơi trúng khiến hư hỏng nặng, rất may không xảy ra thiệt hại về người.

Lực lượng của các đội thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP.HCM đã ra quân, phối hợp các đơn vị liên quan điều tiết giao thông, hỗ trợ dọn dẹp, khắc phục các sự cố nói trên.

Đặc biệt, vào khoảng hơn 15 giờ (14.6), các quận 1, 3, 4, 8, 10... đồng loạt xuất hiện mưa đá khiến người dân hoang mang bởi TP.HCM rất ít khi xuất hiện mưa đá. Kích thước hạt mưa đá phần lớn khá nhỏ, chỉ bằng đầu đũa hoặc một đốt ngón tay nhưng cũng có những hạt to tròn như viên bi, thậm chí lớn gần bằng nửa lòng bàn tay.

Anh Điền Trần Bảo Long (ngụ quận 6, TP.HCM) cho biết khi đang ngồi làm việc tại công ty, anh và đồng nghiệp thấy giọt mưa đập mạnh vào cửa kính; kiểm tra thì bất ngờ phát hiện đó chính là mưa đá với những viên đá to bằng viên bi nằm rải rác trên mặt đất. Tuy kích thước viên đá không lớn nhưng do trời có dông lốc thổi, mưa đập liên tục vào cửa kính nên nhiều nhân viên lo lắng kính sẽ vỡ.

Nhiều người dân di chuyển trên đường cũng cho biết bị bất ngờ khi thấy hạt mưa đá đập mạnh vào người và mũ bảo hiểm nên vội tìm chỗ trú tránh.

Mưa to kèm dông lốc khiến một xe ôtô bị cành cây gãy đổ rơi trúng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Ảnh: Xuân Anh/TTXVN


Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tại TP.HCM hiếm khi xảy ra mưa đá nhưng theo thống kê, hằng năm vẫn xuất hiện 1-2 lần. Mưa đá thường xuất hiện vào ngày thời tiết oi bức, nóng sau đó có mưa.

Điều kiện để hình thành mưa đá là nhiệt độ và độ ẩm cao, đối lưu trong không khí mạnh, mây đối lưu phát triển lên cao hàng chục km, khiến hạt nước ngưng kết thành đá rồi rơi xuống. Với điều kiện thời tiết sáng nắng nóng gay gắt và chiều có mưa bất chợt, việc xuất hiện mưa đá không có gì bất thường.

Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo mưa đá rất nguy hiểm, nếu kích thước hạt đá lớn có thể gây thủng mái tôn, làm dập nát cây hoa màu, vỡ kính nhà cửa, vỡ kính xe ôtô, có thể gây thương tích cho người. Do đó, người dân cần lưu ý khi thấy xuất hiện mưa đá, cần hạn chế ra đường; nếu đang di chuyển trên đường thì tìm chỗ trú để bảo đảm an toàn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, chiều và tối 14.6, mây dông tiếp tục phát triển, gây mưa rào, kèm theo dông, sét trên địa bàn TP.HCM; lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 50mm.

Trong 2 đến 10 ngày tới, rãnh áp thấp có trục qua khu vực Bắc bộ duy trì. Từ ngày 18.6, vùng áp thấp nóng phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông; trên cao, áp cao cận nhiệt đới nâng trục lên phía Bắc và xu hướng suy yếu rút dần ra Đông, hội tụ gió trên cao tác động nhiều hơn tới thời tiết khu vực Nam bộ. Do đó, mưa dông sẽ gia tăng tại khu vực Nam Bộ trong những ngày tới; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đề phòng khả năng mưa lớn gây ngập cục bộ.

Hồng Giang

Nguồn TTXVN/Vietnam+
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.