Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã có yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.
Theo quy định hiện hành, thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (cơ chế phí) và thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh theo quy định của pháp luật về giá (cơ chế giá).
Việc thu phí trên đường cao tốc sẽ hạn chế xê thô sơ, xe không được phép lưu hành trên cao tốc. Ảnh minh hoạ: Internet
Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế giá để thu tiền sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc chỉ được thực hiện đối với các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (các dự án đầu tư theo hình thức PPP). Các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư không được áp dụng hình thức này.
Về cơ chế phí, hiện nay Luật Phí và lệ phí quy định danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ có nêu một loại phí là “phí sử dụng đường bộ”, chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc thu qua trạm trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Theo Bộ GTVT, việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc là một trong các công cụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý. Ngoài việc cân bằng lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành, khi thu phí sẽ có nguồn lực, điều kiện để thực thi các giải pháp khác như kiểm soát tải trọng xe, giám sát và hạn chế các phương tiện xe thô sơ, xe không được phép lưu hành trên đường cao tốc… sẽ giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường cao tốc, tăng cường các lợi ích do đường cao tốc đem lại.
Mặt khác, đường cao tốc có chất lượng cao hơn đường quốc lộ thông thường, người sử dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện, theo ước tính việc di chuyển trên đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60% và giảm chi phí khai thác so với lưu thông trên quốc lộ.
Do đó, trường hợp không tổ chức thu tiền sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc. Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông trên đường cao tốc, làm giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, phương án thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao hơn phương án thu theo cơ chế giá.
Số tiền phí thu được sẽ nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách. Trong đó, nguồn thu ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện trách nhiệm của nhà nước đối với các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.
Nguyên tắc phân chia số tiền phí thu được trên từng tuyến cao tốc được nộp vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư tuyến cao tốc đó.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư và bổ sung vào danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Tú Viên