Truyền thông dịch bệnh phải đúng đắn, kịp thời

 21:02 | Thứ ba, 05/10/2021  0
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, fanpage và trang cá nhân của bác sĩ Trương Hữu Khanh đã chủ động nhập cuộc, trở thành nơi truyền thông tin cậy về dịch bệnh và tư vấn điều trị cho các ca nhiễm từ xa...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh tốt nghiệp Đại học Y Dược năm 1988. Từ năm 1996 đến tháng 6.2021, ông đảm trách cương vị Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Hiện ông là cố vấn chuyên môn. 

Trong hơn 30 năm làm nhi nhiễm, nhiều đề tài nghiên cứu của bác sĩ Khanh về HIV/AIDS, viêm não, tay chân miệng... đã phát huy hiệu quả, gây tiếng vang trong giới khoa học Việt Nam và quốc tế. Năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới phát hành Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng cộng đồng đối với bệnh tay chân miệng, phần lâm sàng do bác sĩ Khanh và 3 bác sĩ nước ngoài chấp bút.

Năm 2001, bác sĩ Khanh là người đầu tiên đưa ra “Nghiên cứu lâm sàng điều trị bệnh nhi HIV/AIDS”. Trong cuộc chiến với dịch bệnh viêm màng não năm 1999, nghiên cứu của ông “Viêm màng não do siêu vi và viêm màng não do vi trùng” đã giúp khoảng 200 trẻ giảm được chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện và mang lại hiệu quả điều trị cao... 

Bác sĩ Khanh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Ông là chuyên gia dịch tễ có uy tín, hiện là thành viên hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia. Từ năm 2015 đến nay, bác sĩ Khanh đã lập và điều hành fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” trên Facebook, để tương tác với các ông bố bà mẹ và giải đáp thắc mắc về bệnh trẻ em.

Đầu năm 2018, bác sĩ Khanh cho ra mắt cuốn sách Hỏi bác sĩ nhi đồng: Giải đáp thắc mắc của cha mẹ về bệnh con nít. Tháng 4.2020, bác sĩ Khanh cùng Anbooks phát hành cuốn sách Đại dịch tim không đập thình thịch, là một cẩm nang giải thích y khoa về các bệnh lây nhiễm cộng đồng với trường hợp cụ thể là COVID-19, bằng văn phong hài hước, bình dân.

“Tôi quan niệm công việc đó mình làm không phải để sinh lời, cũng không phải chuyên nghiệp gì, nên nếu được trả nhuận bút, tôi cũng không lấy mà gửi lại số tiền đó cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ước nguyện lớn nhất và mong muốn nhất của tôi luôn luôn là giúp ích cho các bệnh nhân. Tôi cũng có nhiều ý tưởng về việc viết sách mới nhưng thực sự thời gian không cho phép, vì quá bận rộn”, bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh được mệnh danh là “Hiệp sĩ tiên phong” trong hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Mạnh Linh

Trong hơn 25 năm mở “Phòng mạch 15.000 đồng” ở Hóc Môn nhằm tạo điều kiện cho bệnh nhi nghèo có cơ hội được khám bệnh, bác sĩ Khanh cũng thường trăn trở khi thấy các phụ huynh ở xa đưa con về TP.HCM khám, điều trị bệnh, vất vả và tốn kém mà nhiều khi bệnh chỉ là những triệu chứng bình thường nhưng họ không biết nên lo lắng. Từ đó ông bắt đầu nhận tư vấn miễn phí cho phụ huynh qua điện thoại, mạng xã hội. Việc này ngày càng tốn nhiều thời gian. Để có thể giúp được nhiều người, năm 2015 bác sĩ Khanh quyết định đóng cửa phòng mạch và tập trung tư vấn online.

Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” của ông hiện đã có gần 312.000 người theo dõi: “Tôi luôn muốn giúp bệnh nhân càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình. Tôi mở fanpage để tư vấn, trả lời những thắc mắc, giải đáp những sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh, lắng nghe và chia sẻ những nỗi lo của họ. Tôi cũng có dự định phát triển thêm thành một giao diện, nền tảng nào đó như một trang web nối tiếp những gì đạt được từ fanpage, để giúp được nhiều bệnh nhân hơn nữa…”.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, fanpage và trang cá nhân của bác sĩ Khanh đã chủ động nhập cuộc, trở thành nơi truyền thông tin cậy về dịch bệnh và tư vấn điều trị cho các ca nhiễm từ xa. 

“Đối với cộng đồng, tất cả mọi người ai cũng muốn đại dịch COVID-19 nhanh chóng qua đi để trở lại cuộc sống bình thường, nhưng muốn vậy thì chúng ta phải phụ. Phụ ở cả ý thức và cả hành vi, tuân thủ các quy định về phòng bệnh, bảo vệ bản thân và gia đình. Để người dân không lơ là mà cũng đừng quá hoang mang, cần phải có chiến lược truyền thông đúng đắn, đồng thời cần phải lắng nghe ý kiến của cộng đồng mạng để có thể đưa ra các truyền thông kịp thời. Không nên để mọi việc đi quá xa mới bắt đầu sửa sai thì sẽ không tốt. 

Chúng ta phải hiểu, nếu có giãn cách thêm vài chục lần nữa mà không có vaccine cũng sẽ không có hiệu quả. Vaccine gần như là điều tiên quyết để tất cả chúng ta có thể trở lại với cuộc sống bình thường mới”, bác sĩ Khanh bày tỏ. 

Lê An

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.