Y tế phương Tây ở Bắc kỳ: Đạo đức hay thực dân?

 22:40 | Thứ bảy, 09/03/2024  0
Bằng nguồn tài liệu phong phú và có giá trị cả trong cũng như ngoài nước, TS. Bùi Thị Hà đã phác họa một bức tranh chung về y tế phương Tây ở Bắc Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung trong giai đoạn 1873 – 1945. Đi cùng với quá trình xâm chiếm và cai trị thuộc địa, chủ đề nói trên hé lộ nhiều khía cạnh quan trọng trong chính sách thực dân.

Cũng như công trình Trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc 1898-1945 của nhà nghiên cứu Trần Thị Phương Hoa, y tế phương Tây ở miền Bắc là một trong những chủ đề chưa được khai thác trước đây. Theo TS. Bùi Thị Hà, có thể chia quá trình du nhập, hình thành và phát triển của chủ thể này thành 4 chặng đường, ứng với những thay đổi về bối cảnh lịch sử cũng như chính sách cai trị của thực dân Pháp. Ở từng giai đoạn, tác giả đã phân tích rõ về bối cảnh lịch sử, các loại hình cơ sở y tế, nguồn nhân lực y tế cũng như kết quả khám - chữa bệnh - phòng dịch...

Tàu - bệnh viện Le Bien Hoa. Được coi là một bệnh viện hàng hải di động, chuyên chở 500 bệnh nhân và thương binh. Nguồn: Geneawiki


Những giai đoạn đưa y tế vào Bắc kỳ

Giai đoạn đầu tiên ứng với quá trình thực dân hóa, bắt đầu từ năm 1873 – 1902. Theo tác giả, một trong những điểm chính nhất của giai đoạn này đó là y tế phương Tây đa phần phục vụ cho mục đích quân sự. Điều đó thể hiện ở các hình thức y tế, từ trạm cứu thương di động, tàu - bệnh viện (Navire-hôpital), trạm xá quân sự, bệnh viện quân sự… tất cả mang tính tình thế và chỉ phục vụ riêng cho quân sự. Ngoài hướng đi này, hoạt động y tế từ thiện của các dòng nữ tu Công giáo bên cạnh việc làm điều tốt theo những điều dạy của Chúa cũng mang màu sắc truyền bá tôn giáo, là “chân” thứ hai của quá trình thực dân hóa.

Một lớp học ở trường Y khoa Đông Dương. Ảnh: La Dépêche coloniale illustrée


Giai đoạn thứ hai ứng với chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất, diễn ra từ năm 1902 – 1918. Theo TS. Bùi Thị Hà, sau bước đầu đã căn bản hoàn tất quá trình bình định về quân sự, thì thực dân Pháp bắt đầu từng bước xây dựng và định hình cấu trúc cho y tế phương Tây trên toàn xứ Đông Dương. Các cơ sở dành cho mục đích quân sự bắt đầu giảm dần, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng để “hợp tác với người bản xứ”, từ đó chăm sóc cũng như đảm bảo sức khỏe cho những nhân công, xoa dịu phản ứng chống đối của xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc khai thác thuộc địa.

Một trong những dấu mốc quan trọng nhất của việc thiết lập y tế phương Tây ở Đông Dương nói chung và Bắc Kỳ nói riêng là sự ra đời của trường Y khoa Đông Dương (1902), bắt đầu đào tạo cho người bản xứ.

Thực hành phẫu tích ở tường Y khoa Đông Dương. Nguồn: La Dépêche coloniale illustrée


Tuy vậy chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất này không tập trung chủ yếu vào công nghiệp nặng, dẫn đến giai đoạn thứ 2 sau Đệ nhất thế chiến từ năm 1919 – 1930, để tái xây dựng lại nền kinh tế ở mẫu quốc chịu nhiều thiệt hại, Pháp đã mạnh tay hơn trong việc “bóc lột” ở thuộc địa. Điều này cũng dẫn đến việc ra đời nhiều trung tâm, cơ sở y tế hơn ở nông thôn thay vì chỉ tập trung ở thành thị như trước đó. Những người bản xứ cũng được đào tạo tại trường Y khoa Đông Dương ngày càng thuận lợi hơn về cơ sở vật chất, trước thực tế là số lượng người châu Âu ở miền Bắc đang giảm, và phải đảm bảo sức khỏe nhân công cho mục đích này.

Giai đoạn cuối cùng 1930 – 1945 gắn với cuộc Đại suy thoái kinh tế, khiến nguồn tài chính hỗ trợ dành cho y tế giảm sút nghiêm trọng so với hai mốc thời gian trước đó. Cũng chính do thực tế đó, những người bản xứ ngày càng dễ dàng tiếp cận với việc đào tạo, và lần đầu tiên trong gần 50 năm họ bắt đầu tự mở cho mình những cơ sở y tế tư nhân, và đây trở thành điểm khác biệt lớn so với các giai đoạn trước. Ngoài ra xu hướng kết hợp y học phương Tây và y học cổ truyền trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng dịch, sản khoa cũng đã bắt đầu rõ nét hơn trước, khi mà trước đó Đông y thường bị xem nhẹ.

Bệnh viện De Lanessan thời thuộc Pháp. Đây là cơ sở tốt nhất của các thể loại y tế ở vùng Viễn Đông. Ảnh: hanoi.not.fr


Đạo đức hay thực dân

Tuy đã bước đầu mang đến nền y học khoa học vào Bắc Kỳ nói riêng và nước ta nói chung, thế nhưng theo TS. Bùi Thị Hà, đây chủ yếu vẫn là phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa. Điều này dễ thấy từ những bước đầu, khi các cơ sở y tế được lập ra chủ yếu mang tính tình thế, cũng như phục vụ cho binh lính Pháp bị thương. Ở giai đoạn 2, tuy các cơ sở phục vụ riêng cho quân sự giảm về số lượng, thế nhưng nó vẫn tập trung chủ yếu ở thành thị, là nơi có nhiều người Pháp sinh sống.

Ở giai đoạn 3 thì các Toàn quyền tuy đã quan tâm hơn đến vùng thôn quê, nhưng với thống kê về số lượng người chết không giảm do mắc các bệnh dại, cúm, lao... thì có thể thấy việc tiêm vaccine cho cư dân bản xứ cũng chỉ được thực hiện cầm chừng, và thay vì mục đích bảo vệ sức khỏe cho họ, thì điều này chủ yếu là để hạn chế người dân lây bệnh cho người nước ngoài. Giai đoạn này cũng đánh dấu nhân lực y tế người bản xứ có sự tăng mạnh, thế nhưng trong các bệnh viện, cơ sở y tế, họ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và cạnh tranh không lành mạnh với các nhân viên y tế ngoại quốc.

Bìa sách Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ 1873 - 1945. Ảnh: Minh Anh


Ngay từ giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất, những chính sách như nhân viên y tế bản xứ không được khám bệnh cho người nước ngoài nếu như không có đồng nghiệp phương Tây đồng hành (ngoại trừ trong các trường hợp đặc biệt) đã xuất hiện, thì ở giai đoạn khai thác lần 2, sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc ngày càng tăng lên. Như tác giả dẫn chứng, ở những buổi họp chuyên môn, trong khi các bác sĩ người Pháp chỉ nói chuyện với nhau thì những người Việt phải đứng ra góc. Bác sĩ người Pháp còn yêu cầu một số nữ bác sĩ bản xứ phải mặc váy cho giống người Pháp. Bên cạnh đó là những chênh lệch về tiền lương, phụ cấp chức vụ hoặc phúc lợi xã hội giữa các bác sĩ Pháp - Việt, sự kỳ thị trong việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân người bản xứ... cũng rất nặng nề.

Điều này còn được minh chứng bởi những số liệu thống kê cụ thể, khi tuy số lượng cơ sở y tế và số bác sĩ cho dù đã nhiều hơn kể từ giai đoạn thứ 2, nhưng số người chết vì bệnh tật vẫn còn rất lớn. Điều đó cho thấy hệ thống cơ sở y tế phương Tây hoạt động chưa thật hiệu quả, chưa tỏa rộng trên mọi miền lãnh thổ. Do đó, người dân chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với nền y tế, và người Pháp xây dựng ở Bắc Kỳ vẫn dành ưu tiên trước hết cho người Pháp mà không hoàn toàn hướng tới người bản xứ.

Tuy vậy cũng không phủ nhận có nhiều cá nhân đã ra sức giúp đỡ và hướng về ngành y học chỉ duy với một mục đích cao cả. Có thể kể đến bác sĩ Yersin – Hiệu trưởng đầu tiên của trường Y Đông Dương – trước khi nhậm chức đã đòi hỏi các sinh viên bản xứ cũng sẽ được dạy theo tiêu chuẩn ở các trường Y mẫu quốc. Hay bác sĩ Hocquard nổi tiếng với các ghi chép về quá trình chinh phạt thuộc địa, cũng rất coi trọng những bài thuốc Đông y...

Bằng các dẫn chứng chi tiết, cụ thể cùng các số liệu được thu thập đa dạng, phong phú; nguồn tài liệu lớn cả trong cũng như ngoài nước, công trình đặc biệt Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ giai đoạn 1873-1945 của TS. Bùi Thị Hà  đã làm rõ thêm nhận định nền y tế người Pháp dựng nên ở Đông Dương bấy giờ có nhiều đặc điểm mang tính thực dân, và là một ngành khoa học bổ trợ cho quá trình thực dân hóa.

Minh Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.