Tại hội nghị, ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Giao thông công chính TP.Thủ Đức, cho biết Thủ Đức đã tập trung nhiều dự án, công trình chống ngập. Dự kiến từ nay đến cuối năm TP sẽ thực hiện 17 công trình chống ngập, nhất là ở một số khu vực mà thời gian qua ảnh hưởng nhiều đến người dân, như điểm ngập chợ Thủ Đức.
Ông Nghĩa cũng giải thích hệ thống chống ngập đường Võ Văn Ngân mà TP.Thủ Đức đã đầu tư không phải là giải quyết chống ngập cho chợ Thủ Đức mà là để thu nước, thoát nước mạnh trên đường Võ Văn Ngân, không để xảy ra ngập cục bộ. Còn để giải quyết ngập ở chợ Thủ Đức, TP sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trước mắt là nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước. Trung hạn là tập trung đẩy nhanh các dự án mà HĐND TP.HCM vừa thông qua và căn cơ nhất là nâng cấp, cải tạo rạch Thủ Đức kết hợp với chỉnh trang đô thị với kinh phí 4.400 tỉ đồng.
Do đó, TP.Thủ Đức kiến nghị TP.HCM quan tâm bố trí vốn để TP.Thủ Đức cải tạo rạch Thủ Đức, phục vụ chống ngập, có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng các hồ để trữ nước, chống ngập khi mưa…
Chỉ đạo vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng hiện nay biến đổi khí hậu tác động nặng nề đến nhiều thành phố trên thế giới, trong khi TP.HCM là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất. Tuy nhiên, chúng ta không nên vin vào đó để "đổ thừa" mà phải chủ động khắc phục đến mức tối đa có thể trong khả năng, hạn chế thấp nhất những thiệt hại của người dân.
Trước mắt, TP.HCM sẽ tổ chức các buổi hội thảo để trao đổi, lắng nghe, tìm ra nguyên nhân, giải pháp, trong đó có giải pháp nạo vét những tuyến kênh, những cống thoát nước để lưu thông.
Giải pháp thứ 2, theo Bí thư Thành ủy, là rà soát hệ thống mà nước đổ dồn về trung tâm TP.HCM để chia bớt cho những ngả khác. "Tất cả nước đều đổ dồn về trung tâm thì chịu sao nổi", ông Nên nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nên cho rằng TP.HCM cũng như TP.Thủ Đức phải có những cái hồ điều tiết. Thành ủy sẽ họp để tính toán ưu tiên đầu tư nhằm giải quyết vấn đề này.
Ánh Dương