Vài năm sau khi Hà Nội thành đất nhượng địa của Pháp, nhà máy đèn Bờ Hồ được khởi công ngày 6.12.1892. Còn nước Pháp “chính quốc” bước vào kỷ nguyên mà như nhà văn Paul Morand nhận xét: “Điện là tôn giáo của năm 1900”. Paris được gọi là thủ đô điện của thế giới, hay mỹ miều hơn: “Kinh đô ánh sáng”.
Dân gian những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lưu truyền giai thoại về những đại quan triều đình Huế sang Pháp ngỡ ngàng về những “ngọn đèn treo ngược”, tức những bóng đèn điện sợi đốt. Thực hư thế nào? Khi phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp năm 1863, Paris mới chỉ có đèn khí đốt, chưa có đèn điện. Còn năm 1894, đại thần Nguyễn Trọng Hợp, người làng Lủ (nay là Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) khi cùng phái đoàn triều đình Huế đến Paris thì thực sự choáng ngợp với ánh đèn điện khí của kinh đô nước Pháp: “Cứ ngỡ muôn sao từ không trung rơi xuống, ánh đèn từ vạn cái chén tỏa ra khiến đêm hóa ngày” và “Thành quách chen nhau nhấp nhô cao ngất trời xanh, đêm đêm ánh đèn rực sáng trên hai mươi bốn chiếc cầu” (Tạ Ngọc Liễn dịch nghĩa).
Đây chính là thứ ánh sáng rực rỡ đã quyến rũ các họa sĩ Ấn tượng Pháp bên cạnh những sắc màu thiên nhiên, để đưa vào tranh như Manet, Degas và Toulouse -Lautrec. Sự hào nhoáng của các quán rượu, sàn nhảy và sân khấu rực ánh đèn tỏ ra tương hợp với những nét vẽ tạo thành vết hay chấm gạch trên mặt toan, gợi ra cảm thức về những khám phá quang học đương thời. Khung cảnh đời sống được tái hiện trong những hình thức nghệ thuật đồ họa, gợi một cảm giác thần thoại về sức mạnh của ánh sáng điện. Khi xây dựng Hà Nội thành một “tiểu Paris” ở phương Đông, ánh điện có đóng vai trò cung cấp một mỹ danh tương tự không?
Có lẽ những câu chuyện “ngọn đèn treo ngược” được các nhà dân tộc chủ nghĩa tạo ra vào đầu thế kỷ XX cốt để hạ bệ những quan lại triều đình có liên quan ký kết những hòa ước đầu hàng thực dân. Ánh điện đã bước vào không gian truyền thông người Việt nhuốm màu chính trị rõ rệt.
Cũng năm 1900, thủ phủ Đông Dương thuộc Pháp là thành phố Hà Nội có hơn 500 bóng đèn điện trong các ngôi nhà dành cho người Pháp và chuyến tàu điện đầu tiên được chạy thử. Điện đã bắt đầu một thời đại văn hóa và rút ngắn quá trình hiện đại hóa cho thành phố này. Song trong thiết chế giáo dục bậc dưới, những cuốn sách học chữ quốc ngữ đầu tiên chưa có ngữ liệu về ánh điện.
Lúc này ánh sáng kinh kỳ vẫn chưa phải là thứ nổi bật trong truyền thông, ngoài những bài hát xẩm trên tàu điện, thứ mặc nhiên có tên gọi gắn với loại năng lượng vận hành: “Thằng Tây nghĩ lắm cũng tài, nghĩ ra đèn điện thắp hoài năm canh”, với lối diễn tả có phần bông lơn hoặc như một ám dụ hời hợt cho sự xa hoa lộng lẫy: “Phồn hoa đệ nhất kinh đô Bắc kỳ. Văn minh đèn điện sáng lòe” (Bắc kỳ vui nhất Hà thành), khắc họa một tư duy đơn giản: văn minh nghĩa là có đèn điện.
Vũ trường Ritz (tên chữ Hán là Lê Trì tửu gia) ban đêm năm 1954, các sĩ quan Pháp nhảy cùng phụ nữ Việt (ảnh phải). Nay là cửa hàng Uniqlo, số 1 Bà Triệu, Hà Nội.
Hai thập niên sau khi nhà máy đèn Bờ Hồ cùng những nhà máy điện khác ở Đông Dương ra đời như nhà máy điện Cửa Cấm (Hải Phòng), Chợ Quán (Sài Gòn), sự tăng trưởng của ngành điện thuộc địa khá ì ạch. Đến tận đầu thập niên 1920, điện phục vụ sinh hoạt vẫn chưa có sự khác biệt so với việc mở rộng các thành phố. Dân số Hà Nội tăng từ 50 nghìn người năm 1902 lên 104 nghìn vào năm 1921, trong đó có 4.000 người Âu, dẫn đến một sức ép về điện năng.
Cùng thời gian, ở nước Nga Xô-viết, Lênin thúc đẩy một chương trình kinh tế mới với câu nói nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”. Tính vị lai của ngành điện khiến chúng trở thành phép thử kinh tế quan trọng bậc nhất không chỉ ở đế quốc phương Tây như Pháp hay thuộc địa mà còn ở nước cộng sản đầu tiên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Một bài báo trên tuần tin L'Éveil économique de l'Indochine (Thức tỉnh kinh tế Đông Dương) ngày 9.11.1924 cho biết năm đó thành phố Hà Nội đề nghị một khoản vay lên tới 2,5 triệu franc để mở rộng gấp đôi quy mô nhà máy điện và cho biết nếu như lại tăng gấp đôi quy mô tiếp thì số tiền là 4-5 triệu franc. Điều này cho thấy tốc độ phát triển thị trường tiêu thụ điện ở Hà Nội rất lớn mà dường như chính quyền ở mẫu quốc, cụ thể là Bộ Thuộc địa, chưa sẵn sàng và bài báo kết luận đó là “một biểu hiện đáng tiếc”.
Dẫu sao thì sức ép của sự phát triển cũng dẫn đến việc năm 1925, nhà máy điện Yên Phụ được khởi công xây dựng và mất hơn 7 năm mới hoàn thành. Trong khoảng thời gian ấy, điện vẫn tựa như một ảo ảnh hơn là một thứ gắn liền đời sống thường nhật. Lê Vũ Thái, một nhà kinh doanh làm cho công ty Hỏa xa Vân Nam, cũng là người đầu tư ngân hàng, song có tâm hồn văn chương và kịch nghệ, lấy bút danh Việt Sơn viết một cuốn truyện vừa có tên Ánh điện lừa người (1929). Người kể chuyện về bạn mình, một anh sinh viên cao đẳng khi nhìn thấy một cô gái trong căn nhà thắp đèn điện thì say mê: “Hễ nhìn dưới bóng đèn điện một trăm (cent bougies) thấy bộ mặt trát phấn trắng xóa như men, lộ hai con mắt lóng lánh đen như hột nhãn, cũng có cô thêm cặp môi đỏ chót như mào gà - là mê ngay”.
Bìa tập sách Ánh điện lừa người của Việt Sơn (1929).
Sau khi được giải thích là ánh điện làm cho anh ta bị lóa mắt, “bạn tôi hồi tỉnh thời cho “bông hoa giấy biết cử động” kia là một vật chỉ bày chơi dưới bóng đèn điện mới đẹp mới xinh!”. Tác giả kết luận: “Thế là từ rày bác khỏi phải mắc lừa cái ánh đèn điện sáng trưng kia đó… Bác mê cô Song chỉ là vì cô Song khéo trát bộ mặt phấn… rồi lại có cái ánh đèn sáng nó làm cho tôn vẻ thuyền quyên”.
Câu chuyện không khỏi khiến người thời nay cười mỉm vì ấn tượng của người sống cách đây 100 năm về sự “lừa người” của ánh đèn điện, nhưng quả thực vào thời điểm đó, cảnh tượng và dung nhan con người dưới ánh sáng ngọn đèn rực rỡ vẫn còn khiến người Việt chưa quen, chúng tương phản với vẻ đẹp gương mặt được ví như ánh trăng rằm hay sự hư ảo của bóng người trên vách được rọi từ những ngọn đèn dầu lạc. Câu chuyện điện đóm vẫn là những quầng sáng chỉ rọi đến những phố lớn, những chợ phiên kéo dài đến đêm khuya, hay khuất dạng hơn là những nhà máy, công xưởng lam lũ.
*
Cùng năm nhà máy điện Yên Phụ khởi công, trường Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa đầu tiên, mở ra một chương mới cho quan niệm thẩm mỹ và tạo hình của người Việt: “Những cuộc phô bày mỹ thuật, những phòng triển-lãm làm cho mọi người chú ý đến cái đẹp một cách hiểu biết hơn. Mỹ-thuật thay đổi cả cách sống nữa; chúng ta hoạt động trong một hoàn cảnh đẹp đẽ. Đời chúng ta thêm vẻ thanh lịch” (Ông Tardieu, báo Ngày Nay số 64, 20.6.1937).
Tranh của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương khai thác cảnh đời sống, chịu ảnh hưởng bút pháp hội họa Ấn tượng rõ nét, lấy khung cảnh có ánh sáng tự nhiên để diễn họa hình khối. Điều đáng nói ở đây là khác với tranh của Manet hay Toulouse-Lautrec, không có tranh vẽ của các họa sĩ Đông Dương diễn tả cảnh sinh hoạt ban đêm dưới ánh đèn điện, dù chắc chắn điện cũng là thành tố thêm vào “vẻ thanh lịch” của thị dân Hà thành. Các danh tác thời kỳ trước năm 1945 đều là cảnh ban ngày, ánh nắng nhiệt đới thậm chí còn làm nên một mỹ cảm đặc trưng tranh sơn dầu của họa sư Inguimberty hay Tô Ngọc Vân.
Năm 1937, triển lãm thế giới tổ chức tại Paris, là dịp tụ hội nhiều thành tựu công nghệ, kiến trúc, mỹ thuật mà nay đã trở thành những dấu mốc trong lịch sử phát triển nhân loại. Triển lãm dành riêng gian Ánh sáng và Điện lực với điểm nhấn là bức tranh tường khổng lồ Thần thoại về ngành điện của Raoul Dufy, rộng tới 600m2. Trong khi đó, bức tranh tường lớn nhất mỹ thuật hiện đại Việt Nam do họa sĩ Victor Tardieu vẽ cho giảng đường chính trường Đại học Đông Dương trong thập niên 1920, với diện tích 77m2, diễn tả khung cảnh 200 nhân vật đứng trong một không gian ngoài trời, thể hiện ánh nắng và bóng râm nhiệt đới.
Rất có thể do cách đào tạo không nặng về kiểu cách salon, không sử dụng nguồn chiếu sáng nội thất kiểu hội họa hàn lâm cổ điển dẫn tới tranh của các họa sĩ học trường Mỹ thuật Đông Dương đều trong cảnh ban ngày, nhưng liệu điều này có thể gợi ý rằng ánh đèn điện không thật sự được các họa sĩ tìm kiếm như một yếu tố thẩm mỹ? Trong khi đó, các triển lãm tranh lại cần có ánh đèn để chiếu sáng. Khung cảnh triển lãm Duy Nhất (Salon Unique) năm 1944 được mô tả: “Trong gian phòng rộng rãi, trang hoàng giản dị, những ánh đèn điện nhẹ tỏa ánh sáng vào mấy trăm bức tranh, vẽ đủ lối, đủ màu sắc, người ta có cảm giác như bước chân vào một khu vườn có hoa trăm thứ đang đua nhau” (Nhất Tâm, Phòng Triển lãm Duy Nhất 1944, Trung Bắc tân văn 233, 24.12.1944).
Đây cũng là thời điểm Chiến tranh thế giới Thứ hai. Do bị Nhật chiếm đóng, Hà Nội trở thành một trong những nơi bị máy bay Đồng minh ném bom. Ánh đèn điện trong thời chiến tranh mờ nhạt như dấu ấn của nó trong văn nghệ đương thời, nếu có cũng không gợi cảm giác rực rỡ. Bức tranh Cuộc khiêu vũ của những người tự tử của Văn Cao tham dự triển lãm Duy Nhất 1944 dường như là tác phẩm hội họa đương thời hiếm hoi có chất liệu ánh điện, song chỉ còn được biết qua mô tả rằng đấy là khung cảnh ban đêm trong một sàn nhảy...
*
Sự hiếm hoi những sản phẩm tạo hình của người Việt thể hiện ánh điện dường như gợi ý rằng người Việt chưa thực sự cảm nhận mình “hiểu” điện đến mức độ thành nguồn cảm hứng thẩm mỹ.
Tuy nhiên điều này đã khác vào giữa thế kỷ XX, khi người Việt có nhiều chủ động hơn trong bối cảnh kiến tạo nhà nước mới. Điện hiển nhiên được nhận diện là công cụ phục vụ sự tiến bộ của cộng đồng và nhiều khi là quốc gia dân tộc.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp “chín năm rừng lòng vẫn thủ đô” (Hoài Anh - Nhớ ngày thủ đô kháng chiến), những người chiến thắng trở về tiếp quản Hà Nội, việc tiếp cận di sản ngành điện của thời thuộc địa trở thành vấn đề mấu chốt trong thiết lập đời sống, đặc biệt với nhu cầu phát triển công nghiệp theo hướng kế hoạch lớn giống mô hình Liên Xô và Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp đến thăm các nhà máy điện Yên Phụ và Bờ Hồ, với những thông điệp mang tính biểu tượng cao: “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” (chuyến thăm nhà máy điện Yên Phụ 21.12.1954). Ánh điện bắt đầu bước vào những diễn ngôn về thời đại cách mạng, đặc biệt khung cảnh Hà Nội mang ý niệm đại diện cho những gì đẹp đẽ nhất của thành tựu xây dựng.
Công nhân cơ khí, tranh sơn dầu của Nguyễn Đỗ Cung (1962), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Những bức tranh có dấu ấn đèn điện rõ rệt đầu tiên là Hà Nội ngày giải phóng (Lê Thanh Đức) và Giao thừa bên hồ Gươm (sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm), đều được vẽ sau ngày Hà Nội được tiếp quản 10.10.1954. Một số bức tranh đề tài công nghiệp như Bác Hồ thăm nhà máy cơ khí Gia Lâm (1960), Công nhân cơ khí (Nguyễn Đỗ Cung, 1962) hay Phân xưởng nhuộm (Bùi Xuân Phái, 1969) không thật sự đặc tả rõ ràng nguồn điện chiếu sáng.
Sự hiếm hoi những bức tranh có ánh đèn điện được khỏa lấp bằng hệ thống tranh cổ động, những bài ca tuyên truyền mang chủ đề kiến thiết xây dựng thủ đô xã hội chủ nghĩa mà ở đó điện được đặt vào vị trí tiên phong. Nghệ thuật tạo hình sau 40 năm vẫn rất khiêm tốn trong việc khắc họa trực quan một phương tiện được các diễn ngôn chính trị về kiến thiết đất nước đưa lên hàng đầu.
Vì vậy, tựa như một sự san sẻ, ánh điện tìm thấy vai trò chất men cho những bài thơ chứa đầy khẩu khí lên đường, nhất là thời điểm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất “hỏi đâu thác nhảy cho điện quay chiều?” (Tố Hữu - Bài thơ xuân 1961). Bức tranh đô thị Hà Nội nằm trong khung cảnh đất nước, với những mô tả thơ hóa bàn tay người thợ điện, từ “anh tô đẹp tờ tranh cho trái tim Tổ quốc” (Thái Cơ - Khi thành phố lên đèn) đến “Đất nước ta như cây đàn vĩ đại, anh mãi đi căng những sợi dây đàn” (Xuân Giao - Những đường dây hát). Người thợ điện hóa thân thành người nghệ sĩ, trong một phóng chiếu mang tính thần thoại.
Bài thơ Chú thợ điện của Vương Trọng, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, tập I, NXB Giáo dục 1997.
Nếu những trang sách học vần thời nửa đầu thế kỷ XX vắng bóng ánh điện thì giai đoạn sau xuất hiện một ký ức về những ánh điện trong sách giáo khoa. Nhiều người vẫn còn nhớ bài tập đọc Cua đồng thức giấc của Phong Thu hay bài thơ Chú thợ điện của Vương Trọng:
Như chim gõ kiến
Bám dọc thân tre
Ồ, chú thợ điện
Đu mình tài ghê!
… Cháu đứng quên chơi
Ngắm nhìn chú mãi…
Đứa trẻ trong sách Tiếng Việt lớp 3 thập niên 1990 thán phục người thợ điện vì “tài” đu mình bắc dây điện tựa như một nghệ sĩ xiếc hay một nhà ảo thuật. Giữa thập niên 2020, ánh điện vẫn không hết sức nóng trong tâm trí cộng đồng lẫn bức tranh kinh tế xã hội. Rốt cuộc, kinh đô nào cũng là kinh đô ánh sáng và “phi ánh điện bất thành đô thị”.
Giống như đứa trẻ trong sách giáo khoa kia, với số đông chúng ta, điện cho đến lúc này vẫn là một thứ có khả năng lan truyền cảm xúc vượt ra khỏi sự hữu hình của những cột hay dây dẫn.
Nguyễn Trương Quý