Khi khu phố trung tâm Hà Nội quanh Hồ Gươm được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, bên cạnh Tòa Đốc lý là một nhà máy điện nhỏ. Tuy nhiên, đây vẫn là nhà máy điện ra đời muộn hơn một năm so với nhà máy điện Cửa Cấm ở Hải Phòng (1894), nơi có nguồn than sẵn từ các mỏ Hòn Gai lân cận.
Cho đến thời điểm đó, điện vẫn là một thứ xa vời với nông thôn, và ánh đèn chỉ sáng quanh Hồ Gươm cùng những phố lớn, nơi có nhà máy điện Bờ Hồ có công suất ban đầu đủ để thắp 523 bóng đèn, phục vụ chủ yếu người Âu ở Hà Nội. Dù quy mô khiêm tốn, nhưng hệ thống chiếu sáng công cộng cùng với các tuyến xe điện có từ lúc giao thời thế kỷ XIX bước sang thế kỷ XX đã trở thành ưu thế vượt trội của Hà Nội so với làng mạc xung quanh. Một bài xẩm đã bắt đầu với ánh đèn của phố lớn, được khắc họa bằng sự tưởng tượng của những người mù hát rong trên tàu điện:
Thằng Tây nghĩ lắm cũng tài
Nghĩ ra đèn điện thắp hoài năm canh
Thằng Tây nghĩ lắm cũng sành
Nghĩ ra tàu điện chạy quanh phố phường…
Ánh đèn điện đi kèm một loạt những tiện ích hiện đại khác. Khi viết về cuộc đời bác sĩ Yersin, người từng ra Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Viện Pasteur và Hiệu trưởng Trường Y khoa năm 1902, tác giả Patrick Deville đã cho biết thành phố này “là những khu phố đầu tiên ở châu Á có điện, nước sạch và đèn công cộng”. (Yersin: dịch hạch & thổ tả, Đặng Thế Linh dịch, NXB Trẻ 2016: 169-170).
Huyền thoại về ánh đèn và nước máy đã trở thành một thứ tạo giá trị cho Hà Nội, như câu chuyện nhờ uống nước máy mà giọng nói thanh tao và có đèn điện mà chụp được ảnh. Cột đèn - máy nước thành cặp biểu tượng đô thị. Một trong những nơi bán bóng đèn lại chính là các hiệu ảnh vào thập niên 1920, ví dụ hiệu Vạn Xuân số 12 và 28 Hàng Điếu, Hương Ký số 84 Hàng Trống.
Nhà máy điện Bờ Hồ 1902. Ảnh: TL
Ánh đèn đô thị đã thành chủ đề của một truyện ngắn quen thuộc, Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Thiên truyện khắc họa cảnh ga xép ở một phố huyện mà thời gian một ngày xác định bằng ánh mặt trời lặn và hồi trống thu không cầm canh. Ở đấy không có điện chiếu sáng, chỉ có những ánh đèn thắp bằng dầu của các cửa hiệu nhỏ, đèn của người gác ghi ở ga hay “ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”.
Câu chuyện kể lại một cuộc đợi đoàn tàu đi qua lúc chín giờ đêm, để hai đứa trẻ nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Đứa trẻ đã hoài niệm về Hà Nội với “kỷ niệm nhớ lại không rõ rệt, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá!”.
Hành vi ngóng đợi chuyến tàu là một cái cớ sống lại những khoái cảm non dại: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”.
Quảng cáo đèn điện Hà Nội thập niên 1920.
Hồi ức của người thân Thạch Lam cho biết ông đã sống và học ở Cẩm Giàng thuở nhỏ, nơi người mẹ có một ngôi nhà bên cạnh ga đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, cùng thời gian đó người cha mất khi đi làm thông phán ở Lào năm Thạch Lam lên bảy tuổi (1917). Cẩm Giàng chỉ cách Hà Nội 40 cây số, chừng một giờ đi tàu, nhưng không khí cách biệt của “đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng” là thứ góp phần dệt nên ảo mộng về ánh sáng kinh kỳ.
Đèn điện đã trở thành một thiết chế làm nên lối sống mới. Năm 1921, Công ty Điện khí Đông Pháp bá cáo “về việc dùng đèn điện trong những ngày thành phố Hà Nội nghênh tiếp quan Thống chế Joffre”, cho biết do không đủ điện nên sau 9 giờ tối mới có điện, nếu muốn thắp đèn thì phải báo trước để “thương thuyết với Tòa Đốc lý” (“Các nhà thắp đèn điện nên biết!”, Khai hóa Nhật báo 20.12.1921). Tương tự như vậy, những ngày kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14.7 hàng năm, các báo có đăng thông cáo về việc “nhà nào muốn dùng thêm bao nhiêu đèn phải nói rõ cho công ty biết”.
Thông báo về đăng ký thắp đèn điện ở Hà Nội, Khai hóa Nhật báo 23.12.1921.
Một bài báo năm 1923 cho biết tình trạng đèn điện thất thường ở Hải Phòng: “Sở Điện khí có công bố rằng về hồi 11 giờ đêm hôm 23, hỏng máy, vậy phải độ ba bốn tối mới chữa xong được như cũ” (Khai hóa Nhật báo, 15.9.1923). Sơn Tây năm 1929, như một tin báo cho biết: “Tỉnh Sơn ngày nay đã có vẻ sầm uất. Những đội binh ở Việt Trì sang đóng cả tại chùa Thông. Các cửa hàng buôn bán vui vẻ nhộn nhịp. Song chỉ phiền một nỗi tối đến đèn điện thiếu sức sáng không đủ dùng cho dân trong tỉnh lỵ. Phố nào có đèn điện đã vậy, còn các ngõ thì tối om” (“Có nên xin dựng thêm những cột đèn điện ở các ngõ hẻm tối không?”, Hà thành Ngọ báo 18.3.1929).
Trong khi đó cùng năm, một bài báo về “một cái cột đèn nguy hiểm” ở Nam Định, thuật việc “cái cột đèn số 893, ở cuối phố Hàng Dầu, gần hiệu thuốc lào Phú An, có điện truyền xuống đất… Hôm 4 Octobre vừa rồi, một người đàn bà, đi bán gà về qua đây, nắm tay vào cột điện đó, bị điện hút chặt! Người này kêu rầm, may có một người đứng gần đấy vội lôi ra được, ngã bổ chảng, gà vịt thúng mẹt đổ lung tung. Cái cột đèn này có điện truyền xuống đã hàng tháng nay mà sao Sở Máy đèn không biết đến” (Hà thành Ngọ báo, 11.10.1929).
Là công cụ “khai hóa”, ánh đèn điện là sức mạnh thực dân, nhưng cũng là đặc điểm của đô thị, những nơi thời trước chỉ có những tiếng trống thu không trên những vọng lâu các tòa thành cổ.
Những tin bài này xuất hiện khá thường xuyên phản ánh một thực tế rằng nhu cầu sử dụng điện năng gây sức ép lên hệ thống điện ở các đô thị, hầm mỏ và nhà máy, mà những trung tâm công nghiệp như Hải Phòng, Hòn Gai, Nam Định, Bến Thủy… là nóng bỏng nhất. Cuộc khai thác thuộc địa và nhu cầu công nghiệp - thương mại đã tạo ra một sự vận động của năng lượng.
Là công cụ “khai hóa”, ánh đèn điện là sức mạnh thực dân, nhưng cũng là đặc điểm của đô thị, những nơi thời trước chỉ có những tiếng trống thu không trên những vọng lâu các tòa thành cổ. Tiếng trống thu không của Thạch Lam uể oải tương phản với tiếng còi tàu hỏa rầm rộ xé màn đêm tịch mịch phố huyện, nhưng là cặp bài trùng với không gian một ngục thất nơi thành phủ “Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường” của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn Chữ người tử tù, có ánh nến bập bùng của viên cai ngục soi cho Huấn Cao viết chữ trong đêm trước ngày ra pháp trường, bồi đắp thành biểu tượng quá khứ. Trong thế giới “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, không có chỗ cho đèn điện mà có những “lửa nến trong tranh” hay “tàn đèn dầu lạc” (tên các truyện ngắn và tùy bút của ông).
Áp phích của Phan Hòa Phi, 1982 (trái) và áp phích thời chống Mỹ của Đỗ Mạnh Cường.
Cùng thời với Thạch Lam, thậm chí đồng hội Tự lực văn đoàn với ông, đáng ngạc nhiên là nhiều văn sĩ, thi nhân không viết về cái ấn tượng của ánh đèn điện như ông, với họ, ánh trăng chẳng hạn, vẫn là ánh sáng gây cảm hứng hơn cả, từ Nguyễn Bính chân quê “ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè” đến Xuân Diệu tân thời “trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ”. Nhưng rút cục, họ đều “đi dan díu với kinh thành” như lời thơ Nguyễn Bính, nơi mà những ngôi nhà cho thuê thường quảng cáo có đèn điện và máy nước.
Nhưng cho đến thời điểm ấy, điện vẫn là thứ quá đỗi xa xỉ với đại đa số người dân. Ngay cả người thành thị vẫn phải mua đèn măng-sông (manchon) hay đèn tọa đăng thắp bằng dầu để phòng khi mất điện và để đỡ tốn tiền. Chỉ cách nhà máy điện Nam Định chừng 7 cây số, làng quê của Nam Cao được ông khắc họa trong những truyện ngắn hay tiểu thuyết không có ánh điện. Ở đấy chỉ có ánh trăng và ngọn đèn dầu lạc thức cùng những trằn trọc, dằn vặt lương tâm của những ông giáo khổ trường tư ôm mộng làm văn sĩ.
“Ðiền rất yêu giăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Ðiền đẫm văn thơ… Trăng, ơi trăng! Cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mơn man!… Và Ðiền rất phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ Ðiền. Ðối với thị, giăng chỉ là... đỡ tốn hai xu dầu! Dầu lạc lúc này mỗi chai lít hai đồng. Mới biết các nước đánh nhau cũng có thiệt cho con nhà nghèo thật. Mỗi tối, thị đốt đèn một lát. Nhưng một lát cũng đủ tốn hai xu rồi. Những tối có trăng đỡ tốn hai xu. Hai xu chẳng là bao nhưng mười cái hai xu đã được hai hào; mười cái hai hào đã được hai đồng bạc; và mười cái hai đồng bạc... chao ơi! Nếu cứ tính toán mãi thế, thì biết đến bao giờ cũng được?” (Nam Cao - Giăng sáng, Tiểu thuyết thứ Bảy 14.11.1942).
17 năm sau khi nhà “máy đèn” Nam Định ra đời (1925), quê hương “làng Vũ Đại ngày ấy” của tác giả Chí Phèo chưa hề có ánh điện. Trong đoạn truyện ngắn trên, Nam Cao tự trào bằng việc nhắc lại câu thơ của Xuân Diệu: “Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ/ Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy” (Ca tụng) và đây cũng không phải lần duy nhất ông nhắc đến những câu Thơ Mới với thái độ phần nhiều tự giễu hoàn cảnh của mình hơn là lên án chúng. Chính bản thân thi sĩ cũng tự nhắc: “Trăng của xa xôi, trăng của hão huyền”!
Một ví dụ đơn lẻ cho ánh điện về đến thôn quê là Cự Đà, thuộc tỉnh Hà Đông. Đây là một làng giàu có vào loại nhất nhì Bắc kỳ thời thuộc Pháp, cách Hồ Gươm chừng 14km, bắt đầu có điện từ 1929, theo dòng chữ số năm đắp nổi trên cây cột điện của riêng làng còn giữ được đến giờ. Những nhà giàu ở làng này đã ra Hà Nội làm ăn và phát đạt từ nhiều đời, các ngôi nhà ở làng rất giống kiểu nhà mới ở phố, điều này cho thấy vị thế của ngôi làng ven sông Nhuệ. So với phố huyện Cẩm Giàng của Thạch Lam hay làng quê vùng Phủ Lý của Nam Cao, hiển nhiên ngôi làng Cự Đà quá đỗi khác biệt.
***
Chuông đồng hồ điểm tám giờ
Đèn điện bỗng rủ nhau tắt ngấm
(Hoài Anh - Nhớ ngày thủ đô kháng chiến)
Đôi câu thơ phục hiện lại thời khắc nhà máy điện Yên Phụ ngừng hoạt động lúc 8 giờ tối ngày 19.12.1946, cùng lúc tiếng súng nổ báo hiệu toàn quốc kháng chiến bắt đầu, cuộc chiến đấu chống quân Pháp tái chiếm suốt tám năm sau. Ánh đèn điện trở thành một mã hiệu hòa bình. Cũng từ đây, có thêm một Hà Nội của nỗi niềm chia ly và nỗi hoài niệm không khác với thời Thạch Lam, vẫn là “ánh đèn giăng mắc muôn nơi” (Hoàng Dương - Hướng về Hà Nội).
Cột đèn ở làng Cự Đà có từ năm 1929. Ảnh tác giả chụp năm 2009.
Khi những người kháng chiến trở về tiếp quản sau năm 1954, ánh đèn trở thành biểu tượng của cuộc kiến thiết xây dựng miền Bắc. Người ta gắn ánh điện với sự đổi đời của cách mạng đưa tới: “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì trong đêm khuya vẫn còn rọi về, trong muôn lòng nhân dân hát ca” (Hoàng Hà – Ánh đèn cầu Việt Trì, 1955). Người công nhân điện được phóng chiếu thành người hùng thời đại, nhất là trong hoàn cảnh bom đạn: “Có phải không anh, anh tô đẹp tờ tranh cho trái tim Tổ quốc” (Thái Cơ - Khi thành phố lên đèn, 1972).
Giữ cho ánh đèn sáng Hồ Gươm, giữ cho tiếng loa truyền về tin thắng trận là những hành vi có tính biểu tượng cho sự trụ vững của Hà Nội trong cuộc chiến tranh. Ánh đèn vẫn là một ám dụ cho sự hấp dẫn của đô thị đối với tuổi trẻ, chúng gợi ra những cảm giác của hòa bình, êm ấm. Tập thơ Hương cây – Bếp lửa của hai tác giả Lưu Quang Vũ và Bằng Việt in năm 1968 được xem như đại diện cho tuổi trẻ Hà Nội thời đại mới, với những cái nhìn trong trẻo, có phần sách vở:
Ôi những hàng ô-rô ta vẫn xén
Làm vui mắt mỗi người đi kháng chiến
Từ ánh nê-ông pha biếc buổi chiều
Đến khóm hoa trong hơi mưa màu tím
Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm
Lá thiếp mừng đám cưới mát trên tay…
(Bằng Việt - Trở lại trái tim mình, 1967)
Ánh đèn nê-ông là một lối biểu đạt cho tiện nghi đô thị, thứ tạo nên cảm giác say mê có chút ngây ngất, thứ mà Lưu Quang Vũ diễn đạt mộc mạc hơn, cũng một ánh đèn chiều tà: “Ta cúi xuống xòe tay hứng nước/ Vốc lên làn mi rửa sạch bụi đường/ Nghĩ việc dựng xây Hà Nội đẹp hơn/ Khi ngẩng lên đèn chiều đã thắp/ Ôi hạnh phúc thấm đầy nước mắt/ Lăn lên má ta những giọt sáng ngời” (Máy nước đầu ngõ, 1967). Một lần nữa, ánh điện và nước máy được nhà thơ diễn tả như biểu tượng chất thơ của cuộc sống. Những ánh điện ban chiều này gợi nhớ ký ức ấm áp của hai chị em cô bé Liên của Thạch Lam ba thập niên trước.
Hà Nội đêm giải phóng, tranh bột màu của Lê Thanh Đức, 1954.
Nhưng chỉ vài năm sau, cũng Lưu Quang Vũ viết về tuổi trẻ Hà Nội thời chiến mang khuôn mặt khác - khắc khổ và chán nản, không có ánh đèn nê-ông xanh biếc nào:
Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba thằng da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
(Lưu Quang Vũ - Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn)
Bài thơ trên cùng nhiều bài thơ buồn bã khác chưa từng được xuất bản lúc Lưu Quang Vũ còn sống. Những năm chiến tranh và bao cấp, mỗi gia đình Hà Nội gần như chỉ có những ánh đèn đỏ đòng đọc, đi kèm một cái súp-von-tơ (survolteur), tức bộ tăng điện áp. Khung cảnh điển hình của Hà Nội trong đêm là những “Ánh đèn vàng ngoại ô, đưa em về phố vắng. Ôi nhớ Hồ Gươm soi đêm Hà Nội…” (Nguyễn Tiến - Chiều mưa Hà Nội).
Màu đèn vàng gợi nhớ một ánh sáng từ một không gian văn hóa khác của thập niên 1960 ở những thành thị miền Nam: “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, đèn phố nghe mưa tủi hờn, nghe ngoài biển động buồn hơn” (Trịnh Công Sơn – Biển nhớ). Năm 1988, Nhà máy Điện Yên Phụ chấm dứt hoạt động. Một năm sau đó, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình bắt đầu phát điện, theo sau là những nhà máy điện khác, dần chấm dứt tình trạng thiếu điện ở Hà Nội và miền Bắc. Lưu Quang Vũ mất trong một vụ tai nạn tháng 8 năm 1988, không kịp chứng kiến thành phố bình thản thắp đèn thâu đêm.
Giờ đây mối bận tâm của người thành phố không còn là điện chiếu sáng, mà là điện cho máy điều hòa không khí, cho những tiện nghi phức tạp hơn chiếc bóng đèn sợi đốt hay nê-ông từng là niềm khao khát. Nếu là hai đứa trẻ của thời nay, chúng sẽ nhớ gì khi xa Hà Nội? Nếu phải viết về một điều gì khiến người ta nhớ mong khi đi xa Hà Nội, thì người ta sẽ gọi tới ánh sáng nào?
Nguyễn Trương Quý