Khoản vay 100 triệu đồng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm La (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vừa đủ để gia đình ông Vũ Văn Hựng dựng lại bè ở mới, tạm ổn định chỗ ở sau khi bão Yagi đi qua.
Thoát chết, mất hết
Người đàn ông ngót lục tuần thuật lại thời điểm cơn cuồng phong ập đến. Năm giờ sáng ngày 7.9, gió bắt đầu nổi. Đến 11 giờ, mưa sầm sập. Sóng dập, gió quần. Dây neo một số bè bạn bắt đầu đứt. Chính ngọ đến lượt bè nhà. Ông Hựng liều mạng bám bè. Trôi đến Chương Cả (thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), bè vướng vào mảng phao nổi đa năng bằng nhựa nguyên sinh. Người còn nhưng tài sản mất trắng, gồm bè ở và 36 ô lồng thả cá song, vược, giò, chim.
Khối lượng thương phẩm khoảng 25 tấn, tương đương 4 tỷ đồng. Chắc mẩm xuất bán vụ này là dứt nợ. Ai ngờ bão mang đi hết, để lại khoản nợ 1 tỷ đồng gồm 400 triệu đồng vay ngân hàng, phần còn lại vay lãi ngoài. Nợ chồng nợ. “Ngân hàng giãn nợ, hứa cho vay thêm 300 triệu đồng làm bè nuôi. Cuối năm thả 2.000 cá song giống”, bà Lê Thị Thanh - vợ ông Hựng - cho biết trước mắt đi giăng lưới, như cách nay hơn hai thập niên cả gia đình dắt díu nhau ra Vân Đồn ăn lộc biển.
Ba năm trước, vợ chồng ông Hựng được chính quyền cho phép nuôi cá ở gần Hòn Cò (khu 9, thị trấn Cái Rồng). Xuống hết vốn liếng dành dụm suốt những năm tháng sung sức nhất của đời người. Không biết còn bao nhiêu gia đình như vợ chồng bà Thanh phải làm lại từ đầu ở tuổi xế chiều.
Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà, Hải Phòng tan hoang sau bão Yagi. Ảnh: TL
Vân Đồn là vựa nuôi thủy sản lớn nhất của Quảng Ninh cũng như miền Bắc, chịu thiệt hại nặng nề với 1.200 cơ sở bị hư hại, 130 tàu bị chìm và mất tích, hơn 32.000 tấn thủy sản sắp thu hoạch mất trắng, ước tính lên đến 2.280 tỷ đồng. Khu vực thị xã Quảng Yên, bão Yagi thổi bay 507 tỷ đồng của nhiều hộ nuôi thủy hải sản. Không có thông tin về việc những thiệt hại này được bảo hiểm bồi thường.
“Tôi chưa từng nghe đến bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Khi làm thủ tục vay ngân hàng, chúng tôi được tư vấn mua bảo hiểm cho hợp đồng tín dụng”, bà Thanh nói.
Lá chắn tài chính: từ đâu và từ ai?
Nhìn từ phía cung, lãnh đạo chi nhánh một công ty bảo hiểm (không muốn nêu tên) có nhiều năm hoạt động tại Quảng Ninh cho biết doanh nghiệp này chưa cung cấp dịch vụ BHNN trên địa bàn tỉnh vì hiệu quả kinh doanh. Ngành nông nghiệp rủi ro cao. “Doanh nghiệp tính phí cao thì bà con lại không chịu nổi. Biểu phí thấp, doanh nghiệp lỗ”, vị này thừa nhận.
Nhìn sang khía cạnh chính sách. Kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm BHNN 2011-2013 theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định 58/CP về BHNN, nêu rõ “không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn” (khoản 1, điều 5).
Tại điều 5.2 của nghị định này quy định: “Chính sách hỗ trợ BHNN được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí BHNN cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ”.
Thiếu công cụ tài chính chuyển dịch một số rủi ro thiệt hại tài sản và thu nhập trong hoạt động sản xuất nông nghiệp sang công ty bảo hiểm, trong bối cảnh thiên nhiên ngày càng bất trắc khiến ngành nông nghiệp khó thu hút đầu tư, còn nông dân gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng chính thức, giảm động lực đổi mới sáng tạo...
Căn cứ Nghị định 58/CP, Thủ tướng lần lượt ban hành 3 quyết định số 22/2019 (hiệu lực đến 31.12.2020), số 03/2021 (hiệu lực đến 31.12.2021) và mới nhất là số 13/2022 có giá trị thi hành đến 31.12.2025. So với hai quyết định đã hết hiệu lực, quyết định 13/2022 mở rộng đối tượng bảo hiểm: bổ sung cà phê, cao su, hồ tiêu và điều bên cạnh lúa; vật nuôi thêm heo cạnh trâu, bò và nuôi trồng thủy sản thêm cá tra cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 29/63 địa phương trên cả nước. Ngân sách hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo (gồm nghèo theo tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều); 20% đối với cá nhân không thuộc diện hộ nghèo và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Nghị quyết 26-NQ/TW khẳng định nông nghiệp là “lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”, bảo đảm sinh kế cho khoảng 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, chiếm 30% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng là ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết trong khi Việt Nam nằm trong danh mục những quốc gia chịu tổn thương nặng nhất từ biến đổi khí hậu. Yagi vừa là bằng chứng về mức độ hung hãn và khó lường của thiên tai, vừa là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những nỗ lực phòng, chống thiên tai từ cấp trung ương đến địa phương.
Bão Yagi thổi bay tài sản tích lũy hơn hai thập niên của gia đình ông Vũ Văn Hựng (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Quý
Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cứng kháng cự thiên tai, nên chăng xem xét BHNN như hạ tầng mềm chủ động ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra trong tầm nhìn quốc gia về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Luật Phòng, Chống thiên tai 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2020 nêu “ưu đãi, khuyến khích dành cho doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai” (khoản 5, điều 5) nhưng rõ ràng chính sách (hỗ trợ) BHNN hạn chế cả về đối tượng cũng như địa giới hành chính trong khi doanh nghiệp hoàn toàn thiếu động lực gia nhập thị trường.
Thiếu công cụ tài chính chuyển dịch một số rủi ro thiệt hại tài sản và thu nhập trong hoạt động sản xuất nông nghiệp sang công ty bảo hiểm, trong bối cảnh thiên nhiên ngày càng bất trắc khiến ngành nông nghiệp khó thu hút đầu tư, còn nông dân gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng chính thức, giảm động lực đổi mới sáng tạo…, chưa kể gia tăng gánh nặng an sinh xã hội khi rủi ro ập đến. Và ngược lại, nhận dạng ngoại tác tích cực của BHNN có ý nghĩa an sinh xã hội so với những sản phẩm bảo hiểm vì mục đích kinh doanh thuần túy, là cơ sở để Nhà nước can thiệp khi thị trường cơ bản đã thất bại.
Thượng Tùng - Nguyễn Quý