Quận 1 là nơi có hệ thống cống thoát nước đầu tư bài bản và hiện đại nhất TP.HCM. Thế nhưng, những cơn mưa gần đây kết hợp với triều cường đã khiến nhiều tuyến đường của quận này chìm trong biển nước.
Ngỡ ngàng và chờ đợi
Nhắc đến hai cơn mưa ngày 22 và 24.10 kết hợp triều cường khiến hàng loạt cụm dân cư ở quanh cầu Calmette (quận 1) ngập gần nửa bánh xe máy, ông Nguyễn Văn Toàn, nhà ở khu vực này, không khỏi ngỡ ngàng.
"Ngập sâu đến mức xe cứu hộ của Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1 cũng bị chết máy vì nước vào pô. Chưa khi nào khu vực đường Nguyễn Thái Bình bì bõm nước như vậy. Chỉ trong vòng 10 phút, nước mưa cộng với nước từ miệng cống dâng lên đã khiến con đường ngập đến đầu gối" - ông Toàn kể và cho hay ông rất khó hiểu khi khu vực bị ngập chỉ cách con kênh Bến Nghé chưa đầy 100 m.
Cũng trong 2 cơn mưa kết hợp triều cường kể trên, bà Quyên, chủ một quán ăn trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), đăng tải bức ảnh gây xôn xao mạng xã hội. Bức ảnh được bà chụp từ sân thượng nhà xuống con đường. Phía dưới, nước từ Kênh Tẻ tràn vào, không phân biệt được đâu là đường đi, đâu là bờ kênh. Xe máy lướt trên nước như ca nô chạy trên sông.
Hình ảnh đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM mỗi khi triều cường xuất hiện.
Nói về bức ảnh này, bà Quyên cho biết đây là cảnh thường xuyên diễn ra ở khu vực bà sinh sống. "Nhà tôi lúc nào cũng theo dõi ngày rằm và mùng một, nếu quên là coi như tát nước mệt nghỉ. Đây là thời điểm triều cường xuất hiện gây ngập" - bà nói.
Theo bà Quyên, khi dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với tổng vốn 10.000 tỉ đồng khởi công, không chỉ bà mà cả khu phố này mong ngóng ngày dự án hoàn thành để không phải bì bõm mỗi khi mưa kết hợp triều cường. Vậy mà, đến nay đã quá 3 năm theo mốc dự kiến hoàn thành ban đầu nhưng dự án vẫn chưa thể biết ngày về đích, khiến ai cũng thất vọng. "Mỗi khi ngập, tôi lại ngóng nhìn về phía sông Sài Gòn, nơi có cống ngăn triều được kỳ vọng chống ngập cho bà con và hy vọng dự án này mau chóng được gỡ vướng để hoàn thành" - bà Quyên tâm sự.
Nhiều năm chịu cảnh nước ở kênh Đôi (quận 8) tràn vào khi triều cường xảy ra, ông Năm Thành - chủ nhà trọ tại số 5 đường Hồ Học Lãm, phường 16 - đã dành diện tích 20 m2 cạnh nhà trọ đào hố ga để thoát nước khi ngập. Theo ông Năm Thành, chi phí đầu tư xây hơn 50 triệu đồng nhưng cũng chỉ cải thiện được phần nào tình trạng nước chảy trực tiếp vào phòng trọ. "Muốn triệt để thì chỉ còn chờ dự án giải quyết ngập do triều mà thôi" - ông Năm Thành nhận xét.
Sẽ làm việc với các nhà đầu tư dự án chống ngập
Liên quan dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, ngày 26.10, UBND TP.HCM đã có văn bản cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố được UBND TP.HCM giao trách nhiệm chủ trì phối hợp với nhà đầu tư dự án và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức, triển khai thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao.
"Hiện đã thực hiện đúng quy trình xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành của dự án làm cơ sở để giải ngân khoản vay. UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện theo trình duyệt báo cáo giám sát đánh giá đầu tư và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án" - UBND TP.HCM nêu rõ
Người dân nhiều nơi mong ngóng là dễ hiểu, bởi dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với tổng vốn 10.000 tỉ đồng được khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4.2018. Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn "mịt mù" ngày hoàn thành dù khối lượng thực hiện đã đạt hơn 90%.
Đại diện nhà đầu tư dự án (Trung Nam Group) cho hay mọi hạng mục ở khu vực các cống ngăn triều đã hoàn thành, chỉ còn bờ kè và nhà quản lý. Tại các công trình vẫn có một số công nhân bảo trì, bảo dưỡng.
Khối lượng cụ thể tại 6 cống kiểm soát triều gồm cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 1) đạt 92%, cống Tân Thuận (quận 7) đạt 93%, cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đạt 95%, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đạt 90%, cống kiểm soát triều Cây Khô (huyện Nhà Bè) đạt 90% và cống Phú Định (quận 8) đạt 92%. "Tuy khối lượng công việc chỉ còn vài phần trăm nhưng kế hoạch sắp tới và tiến độ hoàn thành vẫn chưa thể biết đích xác bởi đang chờ các quyết định từ UBND TP.HCM" - đại diện nhà đầu tư nói.
Một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết khúc mắc lớn nhất hiện nay là thành phố vẫn chưa tiến hành ký phụ lục hợp đồng, dẫn đến việc nhà đầu tư giải ngân số tiền 1.800 tỉ đồng từ ngân hàng chưa được. Theo vị cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM, không riêng gì dự án trên, trong tuần này, sở sẽ có buổi làm việc với nhà đầu tư liên quan các dự án chống ngập. Bởi lẽ, tính đến thời điểm hiện nay, rất nhiều công trình đã khởi công nhưng vẫn chưa hoàn thành như tiến độ đề ra.
6,5 triệu người hưởng lợi
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 là dự án trọng điểm của thành phố.
Dự án được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM; điều tiết mực nước trong kênh rạch với khả năng tiêu thoát nước đô thị ra các sông lớn thông qua hệ thống máy bơm được lắp đặt ở các cống thuộc dự án, đặc biệt là khi xảy ra hiện tượng triều cao kết hợp mưa lớn (hệ thống cống ngăn triều khép kín); hỗ trợ trữ nước mưa trong vùng bảo vệ của dự án khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và cải tạo cảnh quan, môi trường.
Dự án triển khai với quy mô 7 hạng mục, gồm 6 cống ngăn triều lớn và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn. Địa điểm xây dựng dự án thuộc địa bàn các quận, huyện 1, 4, 7, 8, Nhà Bè và Bình Chánh.
Bài và ảnh: Lê Phong