Hầu như mỗi khu phố Hà Nội đều có một ngôi đền, miếu hay chùa. Gắn với sinh hoạt làng xã hay phường hội trước thời đô thị hóa theo mô hình phương Tây, các di tích tín ngưỡng này đóng vai trò trung tâm tinh thần của cộng đồng cư dân khu vực. Ngày nay, tưởng chừng thời hiện đại có thể làm mất dần những không gian phố cổ hay nhà xưa, nhưng ngạc nhiên thay, các chốn tín ngưỡng này vẫn phủ bóng lên sinh hoạt thường nhật của thị dân.
Làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), tranh bột màu 2017, Nguyễn Trương Quý
Cho đến giữa thế kỷ XX, không gian Thăng Long - Hà Nội mới xuất hiện khái niệm những bộ tứ di tích kiểu “Thăng Long tứ trấn” hay “Thăng Long tứ quán”. Tứ trấn là bốn ngôi đền quan trọng ứng với bốn phương của kinh thành: Huyền Thiên Trấn Vũ (hay Trấn Vũ quán, dân gian gọi là đền Quán Thánh, phía Bắc), Bạch Mã (phía Đông), Voi Phục (phía Tây), Kim Liên (phía Nam).
Tứ quán là bốn đạo quán ban đầu cho Đạo giáo, gồm đền Quán Thánh, nơi kiêm cả chức năng trấn thành đã nói tới, Huyền Thiên (nay là chùa Huyền Thiên, Hàng Khoai), Đồng Thiên (chùa Kim Cổ, Đường Thành) và Đế Thích quán (chùa Vua, Thịnh Yên). Bản thân các di tích này đều có gốc gác từ nhiều triều đại trước, song sự tập hợp nên hệ thống là kết quả của một ý thức về Thăng Long nghìn năm được truyền thông mạnh mẽ vài thập niên trở lại đây.
Danh sách trên bỏ qua một số ngôi đền nổi tiếng và có dấu ấn trong các sự kiện lịch sử được chép thành văn. Ngôi đền nổi tiếng nhất thời Lý-Trần, đền Đồng Cổ (nay ở 353 Thụy Khuê), còn gắn với câu chuyện vua tôi cam kết giữ yên nội bộ đời Lý Thái Tông năm 1028: “Ở trước thần vị, vua đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”.
Các quan đi từ cửa Đông đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường” (Đại Việt sử ký toàn thư). Lễ thề này được tổ chức ngày 4.4 âm lịch hàng năm, tiếp tục dưới thời nhà Trần. Gần đây, ngôi đền được Nhà nước tu bổ và tô đậm trên truyền thông, như một cách tiếp nối các thể chế kiến tạo tư duy quốc gia nguyên bản.
Là một di tích có mặt từ sớm, miếu thờ Hai Bà Trưng ở đường Bạch Đằng cùng đền thờ chính bên cạnh đình làng Đồng Nhân cũng gắn với một việc định hình không gian dựng nước và giữ nước của người Việt trên đất Hà Nội. Cụm đền thờ được nâng tầm lên mức di tích quốc gia đặc biệt và dịp lễ hàng năm vào 6.2 âm lịch chính là một trong những phương thức định vị các truyền thuyết dân tộc như vậy.
Trong khi đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân đem lại cái tên cho một quận đông dân của Hà Nội thì gò Đống Đa cũng thành tên của quận lớn khác của Hà Nội. Gò Đống Đa thực tế được định danh khá muộn, từ khi Kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải quy hoạch khu Thái Hà ấp thành lăng mộ của cha con vị đại thần này từ lúc còn sống vào cuối thế kỷ XIX.
Trên ngôi gò còn lại tương truyền là nơi quy tập hài cốt quân Thanh sau khi bại trận đồn Khương Thượng trước quân Tây Sơn mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng Cao Khải cho dựng miếu Trung Liệt để thờ các vị anh hùng, rồi qua dâu bể, chỉ còn lại cổng miếu trên ngôi gò mang tên Đống Đa đi vào tâm thức đại chúng.
Ở khung cảnh được quy hoạch nên thành phố hiện đại, một số công trình được người Pháp nhìn nhận như những mốc cảnh quan đô thị, góp vào việc kiến tạo một hình ảnh thành phố hòa trộn văn hóa Á Đông và phương Tây. Nổi bật nhất là quần thể đền Ngọc Sơn cùng rải rác các công trình quanh hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) như tháp Rùa, tháp Hòa Phong…
Cúng trước miếu ở Hà Nội năm 1954. Ảnh: Howard Sochurek
Vẻ đẹp thanh nhã của những công trình như đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, tháp Bút, các cổng vào đền ẩn bên những cây cổ thụ soi bóng nước hồ Gươm tạo ra một không gian huyền hoặc nhờ chính giá trị thẩm mỹ tự thân.
Một loại di tích khác lại xác lập vị trí bằng chính chức năng tâm linh nguyên thủy của nó. Đầu tiên phải kể tới phủ Tây Hồ, nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, một nhân thần trong tứ bất tử của người Việt. Nơi này chỉ là một trong rất nhiều di tích trong hệ thống đạo Mẫu, song đã được khoác chiếc áo huyền thoại từ lâu bởi dấu ấn của tín ngưỡng dân gian này trong cộng đồng khá đậm nét. Những tập tục như nghi thức hầu đồng, trừ tà, trấn yểm… vẫn tồn tại ở một dạng thức dị biệt của văn hóa thị dân buôn bán, khi người tham gia cầu mong tài lộc, phúc đức, hay những giá trị thực tế có thể nhận diện được.
Những ngôi đền dạng này còn có những đền tư có khá nhiều từ thời Nguyễn đến Pháp thuộc như đền Dâu ở phố Hàng Quạt, cũng là một con phố chuyên bán đồ thờ cúng và phục vụ nghi thức hầu đồng cho con nhang đệ tử của đạo Mẫu hay tục thờ Đức Thánh Trần. Một số đền nổi lên trên truyền thông gần đây theo hướng mê tín như đền Quán Đôi ở Quan Hoa (Cầu Giấy), nơi người ta cho rằng gắn với dấu tích Cao Biền trấn yểm sông Tô Lịch.
Những ngôi đền như vậy từng có trong quá khứ mà nay đã mất dấu hoặc biến đổi, chẳng hạn đền Sầm Nghi Đống của Hoa kiều thờ viên tướng nhà Thanh treo cổ tự tử khi thua trận đồn Khương Thượng, được biết là nhờ những câu thơ truyền tụng của Hồ Xuân Hương:
Ghé mắt trông lên thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
Những ngôi đền, chùa nổi tiếng Hà thành có nét riêng so với các vùng miền khác là chứa đựng những huyền thoại trải hơn nghìn năm, không chỉ liên quan các vương triều ở kinh kỳ thời Đại Việt mà cả những sự tích dân gian. Từ những ngôi chùa gắn với các triều đại tiền Thăng Long và định đô như Trấn Quốc, Diên Hựu (Một Cột), đến những ngôi chùa gắn với các bậc chân tu như Chiêu Thiền (chùa Láng) với Từ Đạo Hạnh, chùa Lý Triều Quốc Sư với thiền sư Nguyễn Minh Không, hay các ngôi chùa tổ các phái tu như chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai), Hoằng Ân (Quảng Bá) của phái Tào Động, hay chùa Liên Phái của phái Liên Tông.
Mỗi di tích trên đất Hà Nội tuy không to lớn hoặc chỉ còn dấu vết sau nhiều lần trùng tu, trở nên hấp dẫn vì chứa đựng một huyền thoại hay sự tích, trở thành tập hợp của một thứ gọi là “phức hợp biểu tượng thần bí” (myth-symbol complex) như nhà xã hội học lịch sử Anthony D. Smith luận giải. Phức hợp này chứa đựng những cội rễ của một dân tộc hay cộng đồng, từ những thứ như thần thoại, sự tích dân gian hay các nội dung lưu truyền qua các thế hệ, bên ngoài hệ thống các sử liệu chính thống hay các thiết chế kiến tạo nhà nước dân tộc.
Chùa Một Cột năm 1898. Ảnh: TL
Câu chuyện vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm dắt lên tòa sen để rồi chùa Diên Hựu (nghĩa là phúc lành lâu dài) được xây dạng một đài sen trên cột đá năm 1049 là một ước vọng trong cộng đồng. Đồng thời hình tượng ngôi chùa được đại chúng hóa bằng cái tên “chùa Một Cột” gợi nhớ một ngôi chùa trước đó cũng mang tên “một cột” (Nhất Trụ tự) ở cố đô Hoa Lư.
Ngôi chùa Bộc ở gần gò Đống Đa được tái khám phá huyền thoại khi vào năm 1962, một số học giả phát hiện dòng chữ đề phía sau bức tượng Đức Ông được thờ trong chùa có khả năng cho thấy là tượng Quang Trung. Ngay lập tức, chùa được xếp hạng di tích lịch sử đợt đầu và từ đó một huyền thoại về việc thờ Quang Trung bí mật dưới triều Nguyễn được tạo dựng gắn với hào quang của chiến thắng quân Thanh xuân Kỷ Dậu 1789. Tuy nhiên, có những phản biện cho rằng chưa đủ cơ sở. Điều này gợi ý một điều hiển nhiên rằng các huyền thoại và sự tích luôn chờ được sinh ra…
Hà Nội có trên nghìn năm tuổi tính từ thời điểm trở thành kinh đô triều Lý, nhưng số di tích nguyên bản còn lại rất ít, ngoại trừ những phế tích thu từ khai quật khảo cổ học. Tuy nhiên, nơi chốn nào cũng có khả năng chứa đựng những huyền thoại riêng từ lâu đời và sẵn sàng tạo ra những huyền thoại mới, làm nên một mạng lưới di sản phi vật thể. Chúng tựa như những người thuyết minh thú vị của các thời đại, khiến cho khách vãn cảnh hoặc sống giữa hệ thống các di sản cảm thấy được trầm tích quá khứ sống động hơn những viên ngói, bờ tường hay những bức tượng trầm tư lặng lẽ.
Chúng là những lớp rêu xanh, là làn sương mờ của ký ức phủ lên di tích, thứ đã đi vào thơ nhạc họa, thành vốn văn hóa đắt giá của mảnh đất này.
Nguyễn Trương Quý