Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, vừa có kết luận liên quan an toàn hàng không.
Vẫn còn trộm cắp, hành hung nhân viên sân bay
Theo kết luận, năm 2019 hàng không Việt Nam đạt được nhiều thành tựu: Sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa tiếp tục gia tăng, an ninh trật tự và an toàn hàng không được đảm bảo.
Cục Hàng không Việt Nam chính thức đạt Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không quốc gia mức một của Cục Hàng không Liên bang Mỹ…
Tuy vậy, vẫn còn một số vụ việc uy hiếp an ninh trật tự và an toàn hàng không. Các hành vi vi phạm tập trung vào một số vi phạm như: Trộm cắp tài sản tại các cảng hàng không và trên máy bay. Có tình trạng hành khách mang theo vũ khí và vật phẩm nguy hiểm trái phép, gây rối trật tự công cộng, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không trên máy bay và tại cảng hàng không.
Các sự cố an toàn nghiêm trọng và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao đều có nguyên nhân là yếu tố con người.
Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất có tình trạng xuống cấp của đường cất/hạ cánh, đường cất/hạ cánh cũ của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Vẫn có tình trạng xuất hiện vật thể lạ trên khu bay.
Một số cảng hàng không, sân bay chưa được trang bị hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính xác. Đặc biệt, các thiết bị máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đang phát triển mạnh trong khi việc quản lý chưa chặt chẽ, dẫn tới bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn hoạt động hàng không dân dụng. Các thế lực thù địch có thể sử dụng máy bay không người lái để xâm nhập, theo dõi cơ quan nhà nước và khu vực quân sự để thực hiện các hành vi chống phá...
Sớm làm chủ công nghệ máy bay không người lái
Để bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn hàng không năm 2020 và trong các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm tuyệt đối quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn hàng không trong mọi tình huống.
Máy bay không người lái tạm thời bị cấm bay trong phạm vi 8 km quanh các sân bay. Ảnh: Thanh Thuỷ
Theo đó, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ liên quan rà soát, đề xuất bổ sung các chế tài đủ tính răn đe (đưa vào xử lý ở mức hình sự) đối với các vi phạm về máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Bộ KH&CN phối hợp với các đơn vị sớm triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống kiểm soát máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng.
Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu, bảo đảm xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành khách bị từ chối nhập cảnh, phù hợp quy định của Việt Nam và ICAO, đảm bảo quyền nhân thân của hành khách cũng như các yêu cầu an ninh, chính trị của Việt Nam.
Bộ Công an cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan của ngành hàng không có kế hoạch đấu tranh với tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách đi máy bay.
Các bộ cũng cần khẩn trương xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng; phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp vào mạng thông tin chuyên ngành hàng không.
Cấm flycam trong phạm vi 8 km tại sân bay
Tháng 11.2019, trước hàng loạt vụ việc máy bay dân dụng trong không phận Việt Nam bị móp mũi che radar thời tiết nhưng không có biểu hiện va đập của chim trời, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tạm thời ban hành chỉ thị cấm phương tiện bay không người lái hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận trong phạm vi 8 km tính từ ranh giới cảng hàng không, sân bay trở ra.
Trước đó, ngày 16.10.2019, máy bay Airbus A321-271N (NEO) đăng ký số VN-A607 bay chặng TP.HCM - Phú Quốc bị móp mũi che radar thời tiết của máy bay nhưng không có biểu hiện va đập của chim trời.
Ngày 19.9.2019, máy bay Boeing B737 của Hàn Quốc thực hiện chặng bay Incheon - TP.HCM cũng bị móp và rách mũi che radar thời tiết...
Tuyến Phan