'Muốn hóa đồi Cù lăn dưới chân em...'

 22:07 | Thứ hai, 10/06/2024  0
Từ giữa thập niên 1990, một đồi Cù đại chúng và thắm thiết đã thành đồi Cù của thiểu số thượng lưu với vài chục người nơi xa thi thoảng lên đánh gôn, an dưỡng, hưởng lạc, khoe khoang...

Em nhắn tin hỏi thăm: "Đồi Cù có “còn” không anh?". Khổ thật, thiếu gì nơi để học, lên xứ này chi để giờ lưu luyến nhớ, mà hết cái để nhớ hay sao lại nhớ... “đồi Cù”! 

Tội nghiệp cô sinh viên tha phương lạc đến phố núi mãi ao ước được bước vào, đặt chân lên đồi Cù. Nhưng cho đến ngày học xong, rời khỏi Đà Lạt mà mơ ước ấy vẫn chưa thực hiện được! 

Ta may mắn hơn em là có được hai năm lững thững chơi ở ngọn đồi, nhất là thường mang sách ra đấy tựa gốc ngo (thông) học bài và làm rất nhiều chuyện khác trước khi nó bị xới tung lên để trồng cỏ - cỏ Thụy Sỹ, Mỹ hay Thái Lan gì đó. Trái banh gôn thì cần lăn trên cỏ đẹp. Phải trồng cỏ để phục vụ trò chơi đó. 

Trước thập niên 1990, giới trẻ phố núi Đà Lạt thường lên đồi Cù để vui chơi. Góc xa hậu cảnh là công trình kiến trúc duy nhất - một biệt thự Pháp cổ nhỏ nhắn ẩn dưới bóng thông - “Câu lạc bộ gôn” của vua Bảo Đại thuở xa xưa. Ảnh: MPK


Khi cỏ lạ đã thay xong, ta tự biết từ đây khép lại việc bước vào đồi Cù, du khách hạ màn du hí trên đồi, còn người Đà Lạt thì bị đóng cửa vĩnh viễn những lối sinh hoạt thường thấy ở họ là dạo đồi, picnic, cắm trại, thả diều, mang đờn lên hát... Từ giữa thập niên 1990, một đồi Cù đại chúng và thắm thiết đã thành đồi Cù của thiểu số thượng lưu với vài chục người nơi xa thi thoảng lên đánh gôn, an dưỡng, hưởng lạc, khoe khoang.

Bao la những tấm hình về đồi Cù thuở thân thương thanh bình ấy còn lưu trong album ảnh của nhiều gia đình người Đà Lạt qua các thế hệ, và nữa là trong album của lữ khách phương xa, của những đôi nhân tình yêu thích Đà Lạt.

*

Chừng đó đã xót cay.

Nhưng thế cuộc chưa nương tay. 

Nơi đây, phía ngoài của hàng rào đồi Cù, chiều lại anh thường đi vòng quanh nó như thế nhiều lần. Cũng vậy, vòng quanh hồ Xuân Hương, vì hai thực thể này là một khối cấu trúc không rời: đồi - vực - mặt nước - mạch dòng và cũng là vị trí “trái tim” của Đà Lạt. Từ nơi đây, giữa lòng Đà Lạt mọi người hay “thưởng thức” phố núi bằng cái thú nhìn về ngọn núi cao nhất cao nguyên Lâm Viên là đỉnh Langbian, bởi nó chung một tầm liên thông. Ôi cái hướng xứ thiêng liêng, mọi thời qua đều xem là trục “bất kiến tạo”- cấm tuyệt đối xuất hiện hoạt động xây dựng, công trình bất kỳ, nhằm bảo vệ giá trị thiên nhiên quan trọng nhất và cũng là hồn cốt của xứ sở! 

Nhưng, giờ - từ mùa khô năm 2023 đến nay - thì người ta đang cho xây tổ hợp công trình khách sạn khổng lồ trên trục thị giác đó. Xây “chui”, em ạ. Nhìn đỉnh núi Langbian bị lấp dần, lấp dần đến hôm nay thì tổ hợp khách sạn kia đã nuốt chửng ngọn núi thiêng. 

Đại công trình khách sạn đang xây dựng trên đồi Cù che lấp ngọn núi thiêng Langbian. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình


Xây khách sạn trên “trái tim Đà Lạt” là tiễn biệt cả đồi Cù lẫn ngọn núi thiêng kia. 

Hai khối công trình khổng lồ xây “không phép” và “sai phép” từ lòng đất lên trời 5 tầng cao, tổng diện tích sử dụng đến 17.000m2, với khối tích đồ sộ và số lượng trên một trăm phòng lưu trú nhưng lại “núp” dưới cái tên “Câu lạc bộ golf”. 

Họ tưởng dân chúng cả nước này ngây ngô...

Trong khi đó, người đổ vốn khôi phục sân gôn ở đây ban đầu (vào đầu thập niên 1990) là tỷ phú người Mỹ, Larry Lee Hillblom, đưa ra quan điểm dứt khoát: chỉ sử dụng mỗi công trình kiến trúc duy nhất là căn biệt thự Pháp cổ sẵn có nằm ở một góc ngọn đồi này làm chỗ giải quyết thủ tục “ra sân” đánh gôn cho khách chơi. Còn lại chuyện ăn, ngủ cho khách chơi thì tập trung trọn về khách sạn Palace. 

Tầm vóc của doanh nhân tử tế nó thế. Ông đã bỏ ra 9 triệu USD để trùng tu khách sạn Palace đang bỏ hoang dù thời điểm đó xây mới một khách sạn quy mô tương tự Palace chỉ mất tối đa 3 triệu USD. Để trùng tu đạt đến nguyên gốc, Larry Hillblom đã cử người sang Pháp và Ý để tìm lại đúng những nơi, cơ sở, công ty sản xuất vật liệu xây cất, chất liệu mỹ thuật, cũng như tất cả vật dụng để làm khách sạn Da Lat Palace vào 80 năm trước và cố thuyết phục họ sản xuất lại “hàng xưa cổ” đó. Đúng “doanh nhân” trên phông nền tao nhã, văn minh thì hệ tư duy nó thế.

Tỷ phú Larry Lee Hillblom và cú đánh gôn của ông vào buổi sáng khánh thành phục hồi sân golf Đà Lạt tháng 5.1995. Ảnh: Ngô Tuấn Cường (ảnh nhỏ tư liệu)


Chỉ hai lần đặt chân tới Đà Lạt, Larry Hillblom đã có triết lý tổng thể: dùng nguyên trạng Đà Lạt để làm giàu trên giá trị gốc của nó, nâng niu thiên nhiên và di sản đô thị cùng văn hóa của thành phố đặc biệt này. Còn muốn xây dựng mới các loại công trình thì đưa ra những nơi cách xa, những khu vực chưa có phố thị hoặc chưa định hình giá trị đô thị. Vì phố xứ là sáng tạo của con người, mất nhiều đời, nhiều thời gian, công sức, tâm lực, vật chất và tinh thần, là văn hóa và cũng là “nostalgia” (hoài niệm, ký ức người đời lên vật thể, sự kiện, nơi chốn), không thể “thu hoạch” du lịch nghỉ dưỡng theo tư duy đồng bắp, đậu, lúa mì. Doanh nhân Mỹ này còn dự định trùng tu nhiều biệt thự hoang cổ ở Đà Lạt nữa, tiếc là ít lâu sau đó ông bị tai nạn rơi máy bay mất tích tại vùng biển Philippines ở tuổi 52. 

Từ khi Larry Hillblom mất, quyền “được thuê” đồi Cù và khách sạn di sản Palace để kinh doanh đã qua tay vài lần “chủ” là doanh nhân Việt “lạ” và nó trở nên lao nhao, lờ mờ, xuất hiện kiểu “tận thu”, khôn lõi thế đấy. 

*

Đồi Cù ngày càng “xa” Đà  Lạt.  

“Xa” lắm, thật đó.

Cái cảm giác, mà không phải cảm giác nữa, nó là sự thật bởi nào ai thường dân cầm, nắm, ve vuốt, cưng nựng, thậm chí “nhìn” được nó công khai đâu. Nó đã được “trùm” lại, trùm bằng nhiều kiểu, trong đó có cả kiểu mỹ miều nhưng thâm hiểm là dùng cây xanh, dây leo bụi. 

Nó đang ở trên thành phố quê nhà mà như thuộc về đâu đó. 

Nó thuộc về đâu đó nhưng không liên quan đến anh, em, hay bất cứ người Đà Lạt nào cả. 

Nó rơi vào tay người, người từ phương xa mới, từ ngữ gọi là “nhà đầu tư”, nghe rất mỹ miều và “hợp pháp”. Nó thành “đồ chơi”. Nó không còn là văn hóa. Tư nhân đã biến nó thành chỗ làm tiền của riêng mình. Thành “cõi riêng” không phải ở tính vật lý với cái hàng rào dựng lên vây kín chu vi của ngọn đồi sáu mươi hai hécta kia mà ở mục đích công năng của nó. Từ công năng công cộng, phúc lợi tinh thần của toàn dân trở thành cõi riêng để “làm tiền”. 

Người ta xới tung cảnh quan thơ mộng lâu nay của đồi Cù để xây tổ hợp công trình lưu trú khổng lồ (ảnh chụp bằng flycam). Ảnh: Trường Nguyên


Sự thật rốt ráo là thế, nên đừng ai dùng lý lẽ mơ hồ của chữ nghĩa rằng đất đai là sở hữu của toàn dân mà biện hộ khác đi được. Bởi nếu không thế, thì một thường dân Đà Lạt bất kỳ có thể vào trong đó để rảo bước?!                    
Ao ước đơn giản rằng, cái gì đã thuộc về trái tim bá tánh thì không thể cho phép nó thành “vật dụng riêng” của một người, hay vài người. 

*

Câu cửa miệng em thường trào lộng về một điều em cứ tưởng không bao giờ diễn ra: “Có khi nào, lúc nào đấy người ta mang cả đồi Cù ra cho xây khách sạn không ta?!”. 

Thì giờ đã thành sự thật. 

“Cứu” em khỏi trở thành cô gái cô độc thì ta cứu được, chứ làm sao cứu được ngọn đồi lừng danh đặc biệt nhất nước. Nó khó như thanh lọc mục đích cùng tâm hồn của doanh nhân thời “hiện đại” vậy.

Các quy hoạch gia, kiến trúc sư tài ba và tận tâm với Đà Lạt xuyên qua nhiều thời kỳ như Jean O’Neill, Ernest Hébrard, Louis Georges Pineau, Jacques Lagisquet, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Bá Đang, Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Luận, Nguyễn Văn Tất, Doãn Minh Khôi, Ngô Trung Hải... khi kiến lập hoặc tư vấn cho định hình thành phố Đà Lạt, nhất là nhà thám hiểm Alexandre Émile Jean Yersin ấy mà có “trở lại” chắc thấy Đà Lạt giờ là đô thị xa lạ nào đó chứ không phải cái thành phố mà họ kiến tạo, làm nó nổi tiếng, nghiên cứu, hoặc đề xuất bảo tồn. 

Đồi Cù Đà Lạt trong mùa khô với vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng trước khi trở thành sân gôn như hiện nay. Ảnh: MPK


Và, trong 3 bản quy hoạch tổng thể định hướng cho Đà Lạt của Thủ tướng Chính phủ kể từ sau 1975 đến nay, không có bản quy hoạch nào cho phép xây dựng khách sạn trên đồi Cù cả, thậm chí còn yêu cầu khu vực trung tâm thành phố không được xây dựng, nhồi nhét thêm công trình, ngoại trừ việc chỉnh trang công trình cũ, vì khu trung tâm đã quá tải công trình xây mới, bế tắc lối thoát bởi dồn nén cư dân và độ “hội tụ” du khách - giao thông, yêu cầu gìn giữ bảo tồn những giá trị thiên nhiên, kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt là nhiệm vụ cốt yếu. Làm ngược lại với trí tuệ của chuyên gia và định hướng chỉ đạo của Chính phủ là “bóp nghẹt” trung tâm Đà Lạt, đưa Đà Lạt lún sâu vào ngõ “chết”, sụp đổ cấu trúc bản sắc.

Chao ôi, “lô” đất ngon nhất ở thiên đường du lịch này vẫn là đồi Cù. Nó như trêu ngươi người ta! 

*

Đất nước thống nhất nhưng đồi Cù vẫn chưa về được với nhân dân. Càng bị đẩy đi “xa” hơn. 

“Tầm nhìn lớn” cho một ngọn đồi bỗng chốc bị “tầm nhìn vặt”, “tranh thủ”, “tận thu” đánh úp, thao túng. 

Văn minh nhường chỗ cho quê mùa. 

Công năng đang vận hành xứng tầm châu báu, vàng kho thì mang đổ đi để lấy nhanh gói xôi và chiếc quạt mo. 

Chao ôi, cái nơi chốn phúc lợi của toàn dân, cái công viên thơ mộng nhất, thân thuộc nhất, “mở” nhất, đáng giá nhất và duy nhất mà bá tánh không phải bỏ tiền mua vé mới được vào khi nó vốn đã từng “sống” rất tự nhiên và phong lưu thế - giờ nó lù lù ở đó mà như đã chết. 

Du lịch Đà Lạt “sống” nhờ cái đẹp thiên nhiên và di sản kiến trúc Pháp để lại. Đơn giản thế thôi. 

*

Chấn động cả đất trời lẫn lòng người là việc gần đây bất ngờ người ta xây tổ hợp lưu trú (khách sạn) trên đồi Cù, xây ngay trước mắt bá tánh lẫn du khách thập phương, thì em biết thiên hạ giờ bạo liệt bất chấp đến độ nào. 

Việc xây khách sạn trên ngọn đồi đặc biệt như thế đồng nghĩa đào mồ chôn đồi Cù. 

Nó cũng giống như trước đây ít năm trong cảnh quan đặc biệt của tòa kiến trúc cổ tráng lệ di sản kiến trúc và lịch sử là khách sạn Palace người ta không hiểu bằng cách nào đã “khiến” được các ngài lãnh đạo Lâm Đồng cho “nhét” thêm một khối khách sạn xây mới rõ to với hình hài dị hợm lạc điệu để tăng số phòng lưu trú. Giàu có mà nền nhân văn không chắc thường dễ sinh nhu cầu hưởng thụ lạc thú, hoặc khoe khoang, không còn biết nguyên lý ngàn đời đúc kết rằng “thiểu dục (mới là) tri túc”. 

Ta đứng chết lặng bên hồ Xuân Hương khi nhìn khối khách sạn khổng lồ như bóng ma đang lù lù hiện ra trên đồi Cù. Có cái gì đó đang đánh đố nhân dân. Mà không chỉ nhân dân, nó như “trêu ngươi” cả các vị lãnh đạo ở các nhiệm kỳ trước từng chủ trương nâng niu Đà Lạt, dùng tiềm năng để phát triển nhưng không xáo trộn, đánh mất bản sắc Đà Lạt.        

*

Nếu tự thân đồi Cù bỗng có phép mầu, vo tròn lại và lăn đi đâu đó để tìm chỗ tồn tại, không biết thế nhân có kéo nhau rượt theo để cất khách sạn không (!?).

Em ao ước rồi một ngày sẽ đưa những đứa con em sinh ra quay lại nơi má nó từng đến học để chúng được thong dong thả bước trên đồi Cù vào những sớm mai, đứng trưa, hoặc những chiều tàn nắng. 

Nhưng em ơi, bây giờ nếu không có 43 triệu đồng để mua một cái thẻ hội viên đánh gôn ở sân cù này thì không ai được dạo bước trên đó. Tính “toàn dân” của đồi Cù đã chết từ  mùa khô năm 1995, và nay bị bồi thêm một đòn đấm “lạ” nữa. Người ta tợ như luôn muốn “thu nhỏ” đồi Cù lại để bỏ lọt túi, nên ta chỉ muốn hóa đồi Cù lăn dưới chân em ngây thơ.

Căn biệt thự cổ này là công trình xây dựng duy nhất hơn thế kỷ qua được phép xuất hiện trên đồi và giờ là nơi làm thủ tục “ra sân”/ Câu lạc bộ Dalat Palace Golf. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình


Chúng ta vẫn đang “thấy” đồi Cù hàng ngày nhưng mà sao nó quá “xa” phải không em, không thuộc về mình, là “của người ta”. Chúng ta là những đứa con mà bước vào điểm du lịch nào trên quê hương đất nước cũng thấy mình là “khách”, như “lưu vong”, giữa cổng và vé, công dân và “thượng đế”, phúc lợi và bán mua. 

Những gì đang diễn ra trên đồi Cù là cú “knock out” cuối cùng của đồi Cù. À,“knock out Đà Lạt!”.

*

Cứ qua lại đồi Cù là thấy người dân đứng ngoài hàng rào tách lá cây, màng lưới nhựa để nhìn vào. Cái sự thấy đã ba mươi năm nay kể từ ngày nó được rào lại khi người ta bắt đầu chơi golf. Quần chúng cố ngắm nhìn nó qua kẽ lá như anh thôi. 

Những tháng năm thế này anh chợt nhớ lời thơ của lữ khách nào đó: “Em ơi Đà Lạt vô tình quá/ Muốn hóa đồi Cù lăn dưới chân em”... 

Ngày 21.5.2024, UBND thành phố Đà Lạt đã gửi văn bản cho Công ty CP Hoàng Gia ĐL (thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu), thông báo buộc tháo dỡ công trình - phần công trình xây dựng sai phép, không phép trong sân golf đồi Cù mà công ty này nhiều tháng qua không thực hiện. Công ty Hoàng Gia ĐL phải thực hiện tháo dỡ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Cơ quan Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng xác định, Công ty Hoàng Gia ĐL đã tác động và xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf trong đồi Cù trên diện tích đất rừng phòng hộ nội ô với tổng diện tích 4.629m2

Nguyễn Hàng Tình

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.