Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2022 dự báo tới năm 2030, cứ 6 người trên thế giới sẽ có một từ 60 tuổi trở lên. Từ năm 2020 đến năm 2050, dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi, từ 1 tỷ người lên tới 2,1 tỷ người.
Thử phác thảo diện mạo hiện hữu
Đối với Việt Nam, theo số liệu từ tổng điều tra dân số, năm 2019 số người từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam là 11,41 triệu người, tăng gấp gần 3 lần sau 40 năm, chiếm 11,89% dân số. Dự báo đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Đến năm 2039, dự báo số lượng người cao tuổi ở Việt Nam sẽ vượt quá số lượng trẻ em.
Vậy Việt Nam đã chuẩn bị được gì cho một xã hội đang lão hóa? Khái niệm nền “kinh tế bạc” thường được sử dụng trong trường hợp này, với hàm nghĩa theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là “một môi trường mà những người trên 60 tuổi tương tác và phát triển tại nơi làm việc, tham gia vào hoạt động sáng tạo, thúc đẩy thị trường với tư cách là người tiêu dùng và có cuộc sống lành mạnh, năng động, hiệu quả”.
Từ góc độ thị trường tiêu dùng, theo Báo cáo Nghiên cứu Thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc phối hợp thực hiện năm 2021, thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam có tiềm năng cao, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của thị trường đang ở mức rất khiêm tốn hoặc còn nhiều bất cập.
Mức độ đáp ứng của dịch vụ chăm sóc người già ở Việt Nam còn rất khiêm tốn hoặc nhiều bất cập. Theo thống kê, cả nước có khoảng trên 400 viện dưỡng lão (32/63 tỉnh thành), với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư. Ảnh minh họa một khuôn viên viện dưỡng lão ở Việt Nam. Ảnh: TL
Khảo sát trong báo cáo nêu trên cho thấy 3 nhu cầu cao nhất của người cao tuổi là vận động, thể thao; mạng lưới các cơ sở điều trị y tế có chất lượng và được cung cấp dinh dưỡng theo chế độ phù hợp với cơ thể.
Ở nhu cầu đầu tiên, so với cứ 10 người thì tới 7-8 người có nhu cầu, nhưng lại chỉ có 3 người thấy ở địa phương có cơ sở, địa điểm hay dịch vụ (29%). Ở nhu cầu thứ hai, chỉ 14% người được khảo sát biết được mạng lưới cung ứng dịch vụ chuyên biệt cho người cao tuổi này ở địa phương mình. Tình trạng cung ứng nhu cầu thứ ba phức tạp hơn, bởi số lượng sản phẩm thực phẩm chức năng tương đối đa dạng, được quảng bá tràn lan, thiếu thông tin về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Vấn đề nằm ở chỗ dù nguồn cung các nhu cầu này sớm được hoàn thiện, khả năng chi trả của người cao tuổi trong giai đoạn hiện tại là một vướng mắc khó giải quyết. Theo Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (VNAS) 2019, 52,4% người cao tuổi trả lời phỏng vấn cho biết thu nhập đủ chi tiêu hàng ngày, trong đó tỷ lệ ở nông thôn trả lời đủ thu nhập là 46,5% - thấp hơn so với thành thị là 65,3%. Tỷ lệ người cao tuổi không có tiết kiệm (vàng và tiền) là 71,8% ở nhóm sơ lão (60 - 69 tuổi), 76,7% ở nhóm trung lão (70 - 79 tuổi), và 85,2% ở nhóm cao lão (80 tuổi trở lên).
Từ góc độ thị trường lao động, cũng theo báo cáo của VCCI, dù nhu cầu làm việc đứng thứ tư trong nhóm nhu cầu của người cao tuổi, chỉ 10% người tham gia khảo sát thấy được cơ hội hay dịch vụ để tiếp tục làm. Có vẻ như sự thiếu hụt đang nằm ở cả nguồn cung dịch vụ giới thiệu việc làm cho nhóm người cao tuổi và cả ở số lượng vị trí việc làm phù hợp.
Rõ ràng, cải thiện năng lực tài chính của người cao tuổi thông qua các hình thức tiết kiệm, đầu tư tự nguyện và các khoản đóng góp bắt buộc, đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm cho nhóm người này là điều kiện tiên quyết cho “kinh tế bạc” phát triển.
Chính sách chưa đồng nhất
Trong bức tranh “kinh tế bạc” vẫn chưa thực sự khởi sắc tương xứng tiềm năng, vẫn phải ghi nhận sự chủ động chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đón đầu xu thế mới của một số doanh nghiệp nội địa. Là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học của dân số lão hóa, GS-TS. Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thường nhận được đề nghị tư vấn từ các doanh nghiệp. Ông đã chia sẻ câu chuyện có tính chất điển hình của hai doanh nghiệp có sản phẩm phục vụ “kinh tế bạc”.
Đầu tiên là về một doanh nghiệp sản xuất sữa công thức chuyên về dòng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em. Vậy nhưng, từ 5 năm gần đây, họ đầu tư thêm các sản phẩm sữa cho người cao tuổi. Do doanh nghiệp này có tiềm lực sẵn và có mối quan hệ tốt với các thương hiệu sữa nổi tiếng nước ngoài chuyên về dòng sản phẩm này nên họ được hỗ trợ về công nghệ, quy trình sản xuất… Chính vì vậy, quá trình chuyển dịch hướng sản xuất diễn ra rất thuận lợi, suôn sẻ.
“Những doanh nghiệp đã hội đủ các yếu tố cần thiết để thực hiện chuyển dịch trong sản xuất như ví dụ kể trên không nhiều. Trên thực tế, với một doanh nghiệp nhỏ và vừa, không đủ năng lực về vốn, công nghệ, nhân lực, việc đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới gần như bất khả thi”, GS. Long nhận định.
Tiếp đến, vị chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm “dở cười dở khóc” của một doanh nghiệp đầu tư trung tâm dưỡng lão. Tại trung tâm, ngoài các tiện ích nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí cho người cao tuổi, doanh nghiệp còn đầu tư một phòng phục hồi chức năng với các máy móc, thiết bị hỗ trợ đầy đủ. Ngay lập tức, cán bộ y tế của địa phương đến thanh tra, giám sát, yêu cầu cung cấp thông tin về số lượng bác sĩ, điều dưỡng, y tá cùng chuyên môn, bằng cấp… Điều đáng nói hơn là khi trung tâm đổi tên thành phòng giải trí thì việc thanh tra, giám sát kia dừng lại!
Singapore có tuổi thọ bình quân cao thứ ba thế giới (83 tuổi). Trước xu hướng người già quốc gia này muốn làm việc để có thêm thu nhập, duy trì các mối quan hệ xã hội cũng như các hoạt động thể chất và tinh thần, chính phủ Singapore đã áp dụng lộ trình nâng độ tuổi về hưu lên 65 và độ tuổi tái tuyển dụng lên 70 tuổi trước năm 2030. Trong ảnh: một người cao tuổi làm công việc nhặt rác tại sân bay quốc tế Changi. Ảnh: HB
“Chính sách chưa đồng nhất đang cản bước doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào “kinh tế bạc”. Đã vậy, các quy định hỗ trợ cho lĩnh vực này chưa đầy đủ. Chẳng hạn trong vấn đề nhân lực, chúng ta chưa chuẩn hóa tiêu chuẩn điều dưỡng chuyên chăm sóc người cao tuổi, chưa có mã lương cho nhóm nhân lực đặc thù này”, GS. Long thẳng thắn.
Việt Nam cần một tầm nhìn đúng đắn, bao quát, toàn diện, từ đó xây dựng một chiến lược phát triển “kinh tế bạc” phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và dân số.
Một vài gợi mở
Tiếp cận theo góc nhìn trên, câu hỏi nảy sinh là chúng ta phải bắt đầu từ đâu, ưu tiên giải quyết những vướng mắc đang tồn tại hay hướng đến thời điểm “kinh tế bạc” trở thành tất yếu? Theo GS-TS. Giang Thanh Long, ba yếu tố tạo nên một nền “kinh tế bạc” thành công gồm sức khỏe, tài chính và sự tham gia xã hội của người cao tuổi. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn phương án thứ hai.
Điểm căn bản trong lựa chọn này là chúng ta cần chuẩn bị tốt về sức khỏe, việc làm, khả năng độc lập tài chính khi lớp thanh niên hiện tại trở thành người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư vốn con người để nguồn nhân lực trẻ ngày càng được nâng cao chất lượng, năng suất cũng như thu nhập, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiến tới mức đóng ngày càng cao và có các khoản tiết kiệm riêng. Vấn đề dân trí, bao gồm dân trí số, dân trí tài chính… cũng phải được cải thiện, một mặt chuẩn bị để người cao tuổi thích ứng với các sản phẩm công nghệ trên thị trường, mặt khác tăng cơ hội tiếp cận việc làm của họ trong tương lai.
Ngoài sức khỏe và nguồn tài chính, người cao tuổi cần được đáp ứng nhu cầu về trung tâm dưỡng lão, tập luyện, giải trí, tạo điều kiện tham gia các sự kiện chung… Việc chuẩn hóa và đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ người cao tuổi sẽ hỗ trợ sự tham gia xã hội của nhóm người này.
Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia đi trước trong phát triển “kinh tế bạc”. Dù vậy, học hỏi từ ai và như thế nào tùy thuộc vào vấn đề chúng ta cần đối diện giải quyết. Đơn cử, nếu để khuyến khích người cao tuổi tiếp tục lao động, bù đắp thiếu hụt trong lực lượng lao động trẻ, cần tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản hay Hàn Quốc với các quy định thiết thực như ưu đãi thuế thu nhập cho chủ sử dụng lao động là người cao tuổi, mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ sau giờ làm để giải phóng người cao tuổi khỏi các nghĩa vụ truyền thống…
“Chúng ta không nên chỉ chăm chăm vào một vài chính sách mà phải đặt mục tiêu xây dựng một chiến lược toàn diện, giải quyết tối ưu vấn đề của người già hiện tại và người già trong tương lai”, GS. Long kết luận.
Hoàng Hạnh