Ngập úng đô thị, trách nhiệm thuộc về ai?

 08:44 | Thứ ba, 21/06/2022  0
Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra mỗi khi có mưa lớn hay vào mùa mưa gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân và gây thiệt hại kinh tế cho các đô thị. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trong quy hoạch, thiết kế và triển khai thực hiện quy hoạch dẫn đến hậu quả này?

Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh, về nội dung này.

Thưa Luật sư, trong các văn bản pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm của những người quy hoạch sai, thực hiện sai quy hoạch dẫn đến ngập úng đô thị hiện nay như thế nào?

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty Luật Phạm Danh.

Luật sư Phạm Thành Tài: Khi có sai phạm xảy ra thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ thanh tra, kiểm tra xác định trách nhiệm thuộc về cơ quan, tổ chức nào và lỗi cụ thể thuộc về cá nhân nào? Không chỉ Kỹ sư trưởng, người đứng đầu chính quyền đô thị, các cơ quan quy hoạch kiến trúc mà bất kể cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có sai phạm sẽ đều phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan đoàn thể quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, tùy vào mức độ sai phạm mà pháp luật quy định hình thức xử lý hay mức phạt được áp dụng cho từng trường hợp, từng đối tượng có thể khác nhau.

Các hành vi vi phạm về xây dựng, quy hoạch đô thị sẽ bị xử lý ra sao theo các văn bản pháp luật hiện hành?

Căn cứ Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28.1.2022 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng thì việc quy hoạch sai và thực hiện sai quy hoạch sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tối thiểu từ 60 triệu đồng và có thể lên đến 300 triệu đồng tùy từng hành vi vi phạm, cụ thể như sau:

- Vi phạm quy định về lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh hoặc đồ án điều chỉnh quy hoạch không đúng yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và thời gian quy định;

+ Không lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định;

+ Tổ chức lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng.

Ngập ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội "bơi" trên đường sau trận mưa lớn. Ảnh: Vnexpress


- Vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng nếu điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng; Điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh; hoặc Điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng.

- Vi phạm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, cụ thể: là phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

- Vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị: Nếu thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo quy hoạch đô thị hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu  đồng đến 100 triệu đồng;

Trong trường hợp để chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc tiến độ dự án đã được phê duyệt sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

- Vi phạm quy định về trật tự xây dựng, cụ thể: Trong trường hợp xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt, sẽ bị  phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác; Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 180 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

- Vi phạm quy định về lập quy hoạch xây dựng: Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối hành vi lập quy hoạch xây dựng không thống nhất và không phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn.

- Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng công trình ngầm đô thị: Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với Chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, khu nhà ở không đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt.

- Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật: Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không tuân thủ quy hoạch đô thị, không có giấy phép xây dựng theo quy định hoặc sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

Tùy trường hợp vi phạm mà pháp luật còn quy định buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp.

Vào mỗi mùa mưa, TP.HCM đều rơi vào cảnh lụt lội. Ảnh: laodong.con.vn


Nghiêm trọng hơn, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 224 Bộ Luật hình sự nếu có hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định với mức phạt có thể lên tới 20 năm tù và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự với mức phạt có thể lên tới 12 năm tù và người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, dù là xử lý hành chính hay hình sự, nếu gây thiệt hại thì đối tượng vi phạm còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự và chịu các chi phí liên quan (nếu có).

Hiện có tình trạng các công trình nhà dân, công trình xây dựng không tuân thủ cao độ nền công trình xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và dòng chảy thoát nước. Hành vi này có bị xử lý hay không? Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Công trình nhà dân, công trình xây dựng không tuân thủ cao độ nền công trình xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và dòng chảy thoát nước đều sẽ bị xử lý.

Tùy từng trường hợp cụ thể và căn cứ kết luận của Cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm của đối tượng nào thì đối tượng đó phải chịu mức phạt tương ứng quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28.1.2022 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng như tôi đã trình bày nêu trên.

Ví dụ: Hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng…

Xin cảm ơn Luật sư!

Chuyên gia "bắt mạch" nguyên do gây ngập úng đô thị

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM: Thiết kế hệ thống thoát nước được thiết kế từ lâu trong tình trạng đô thị ổn định, dân cư thưa thớt, chưa có nhiều tình trạng bê tông hóa. Thiết kế này chưa dự liệu được tình trạng thời tiết cực đoan và không còn phù hợp với hiện trạng đô thị hiện tại.

Đô thị hiện đang phát triển lan tỏa, hệ thống thoát nước  chấp vá, không đảm bảo thoát nước kịp thời cho cả một khu vực rộng.

Các dự án thoát nước tại TP.HCM triển khai quá chậm quá chậm. Theo Đề án thoát nước và chống ngập đến năm năm 2012 phải hoàn thành nhưng đã quá 10 năm rồi chư

GS-TS. Trần Đức Hạ, Viện  trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước, Giảng viên cao cấp của trường ĐH Xây dựng Hà Nội: Ngập úng đô thị Hà Nội do hai nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do Hà Nội nằm ở vùng đất trũng, ven sông Hồng, có nhiều vũng đất thấp, có nhiều ao, hồ. Khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội phát triển về phía Tây, với địa hình không thống nhất, có vùng thấp trũng, có vùng đồi núi cao nên không thuận tiện về mặt thoát nước.

Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhất là những năm gần đây, dẫn đến sự quá tải của hệ thống hạ tầng.

Nguyên nhân chủ quan thuộc về năng lực của hệ thống thoát nước không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước. Hai dự án thoát nước giai đoạn 1, 2 kinh phí đầu tư tốn rất lớn nhưng cũng chỉ giải quyết cho lưu vực sông Tô Lịch. Còn lưu vực sông Nhuệ, hệ thống cống, trạm bơm chưa được xây dựng đồng bộ… ảnh hưởng đến khả năng thoát nước.

TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM): Tình trạng ngập úng của TP.HCM có liên quan đến vị trí địa lý, do thành phố này chịu tác động trực tiếp từ Biển Đông và lưu vực sông Đồng Nai rộng 40.000 km2. Địa hình của TP.HCM phức tạp, vùng cao nằm ở phía Bắc, phía Nam, phía Tây là vùng trũng thấp.

Nguyên nhân ngập úng của TP.HCM đến từ bốn yếu tố ngoại lai: Lũ từ hồ Dầu Tiếng, lũ từ hồ Trị An, lũ từ sông Mekong và thủy triều, nước biển dâng.

Ba yếu tố tại chỗ là mưa lớn tại chỗ, lún đất trên diện rộng và đô thị hóa. trong đó, hiện tượng lún đất xảy ra tại TP.HCM trên diện rộng, với tốc độ cao nhất trên 2,5cm/năm.

Quá trình đô thị hóa làm mất đi diện tích mặt phủ thấm nước, và dòng chảy tự nhiên bị triệt tiêu, lưu vực đã bị chia lại, hình thành lưu vực mới và tạo ra dòng chảy tràn lớn hơn rất nhiều so với trước đây.

Nguyễn Lê thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.