Vốn dĩ là trung tâm giao thương từ xưa, người Hà Nội sớm tiếp xúc cái mới, nhất là những tiện nghi, từ nhà cửa đến xe cộ. Khi con đường đầu tiên được rải đá dăm và gắn biển - phố Hàng Khảm (tức trục Hàng Khay - Tràng Tiền - Tràng Thi ngày nay) ở góc nam Hồ Gươm - thì phương tiện giao thông ngoại nhập đầu tiên là chiếc xe kéo tay của Nhật Bản. Đó là năm 1884. Những chiếc xe đầu tiên kiểu này làm dân chúng kinh ngạc: “Đám đông không biết phải làm gì khi thấy chiếc xe đi tới. Mọi người bỏ chạy trong khi chỉ cần tránh một bước”.
Xe kéo tay và xích lô trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) năm 1940. Ảnh Harrison Forman
Đó là những ghi chép trên sách báo Pháp đương thời, được André Masson tổng hợp lại trong cuốn Hà Nội giai đoạn 1873-1888 (Lưu Đình Tuân dịch). Chiếc xe kéo tay chiết tự tiếng Nhật, đã biến âm sang tiếng Anh là rickshaws, theo nhiều nguồn ghi chép thì được sáng chế vào năm 1869 và mau chóng phổ biến khắp châu Á, nơi những người nông dân ra thành phố chọn cách kiếm sống nhanh nhất mà không cần kỹ năng gì nhiều. Ở Việt Nam, chúng đã thay thế những chiếc cáng hay kiệu vốn chỉ dành cho giới quan lại hay nhà giàu.
Chiếc xe kéo hiển nhiên bình dân hơn và hiệu suất vận chuyển cao hơn hẳn, khi chỉ cần một người phu mà có thể kéo tới hai người An Nam hoặc một ông Tây nặng ký. Xe kéo cũng đánh dấu sự ra đời của dịch vụ vận tải hành khách ở đô thị, đồng thời hình thành một nghề: kéo xe nhà, tức xe kéo tay riêng của các gia đình khá giả. Anh xe, chị bếp, vú nuôi, cô khâu đầm, những công việc của giới gia nhân đã xác định tính chất phong lưu của những gia đình người Pháp hay các hộ giàu có Hà Nội.
Cuốn tiểu thuyết được xem như mốc quan trọng của văn học hiện đại Việt Nam - Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách - ra đời năm 1922, kể về một bi kịch tình yêu được đông đảo nam thanh, nữ tú hâm mộ. Câu chuyện về nàng Tố Tâm và chàng Đạm Thủy yêu nhau mà không lấy được nhau, rồi Tố Tâm chết vì đau buồn, để lại vết thương lòng cho người yêu.
Tranh biếm họa về tình cảnh thuộc địa Đông Dương thuộc Pháp của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria số 5 ra ngày 1.8.1922
Nhiều cô gái đã khóc cho số phận của Tố Tâm mà quyên sinh, tạo nên một trào lưu gây lo lắng cho các bậc cha mẹ. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan sau này đã chỉ ra: “Những nhân vật trong Tố Tâm đều phảng phất giống những thanh niên Hà Nội năm xưa ấy. Tố Tâm “nền” lắm. Cô là “con nhà gia giáo” nên bao giờ cũng đi xe sắt - tức xe kéo bánh sắt - chứ không bao giờ “đi xe cao su” như bọn me Tây” (hồi ký Những năm tháng ấy).
Ở đây Vũ Ngọc Phan chỉ ra một chi tiết tuy nhỏ song nói lên nhiều điều. Chi tiết này khiến độc giả thời nay suy nghĩ: tại sao nhà gia giáo lại bắt buộc đi xe bánh sắt, thứ bánh xe có ma sát khi tiếp xúc mặt đường cao hơn bánh cao su nhiều, lại không êm bằng? Như lời Vũ Ngọc Phan nhận định, là để tỏ ra mình “con nhà gia giáo” và phân biệt mình với “bọn me Tây”.
Nếu đọc rộng ra khung cảnh thời bấy giờ, người ta cảm nhận có một sự phản ứng tiêu cực của thị dân Hà Nội trước các biểu tượng tân thời thuở ban đầu tiếp xúc. Tất nhiên thái độ phân biệt bản thân với “bọn me Tây” xuất phát từ một cảm thức ái quốc, mà trong tâm lý cộng đồng, những người như me Tư Hồng, cô Bé Tý, những người đàn bà lấy chồng Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng dân tộc bị “bảo hộ”, thậm chí mang những cái án tày trời như phá thành Hà Nội, biểu tượng của đế đô tự chủ hàng trăm năm.
Xe kéo tay trên phố Tràng Tiền năm 1915. Ảnh Léon Busy
Các cô này vốn dĩ khi sống cùng các ông chồng “mẫu quốc” thì tiếp cận các tiện nghi văn minh sớm nhất, trong khi đám nhà nho tẩy chay hoặc cánh đàn ông hãy còn do dự. Nhưng chính từ vựng cũng góp phần: “cao su” là một danh từ mới mẻ, phiên âm của từ tiếng Pháp caoutchouc để gọi thứ cây được bác sĩ Yersin mang giống vào trồng ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Nó mau chóng tạo ra một trường nghĩa ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng làng xã miền Bắc với cụm từ khét tiếng “đi phu cao su”. Thuật ngữ “cao su” có lúc dùng thế chỗ “Tây” chính là vì tính ngoại lai của tên gọi một thứ chất liệu dai, bền, co giãn uốn éo đầy ma quái. Trong khi sắt là một từ vựng “tốt” đi liền với những gì chỉ đức tính truyền thống: sắt son, sắt đá, có công mài sắt có ngày nên kim.
Nhưng lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan bộc lộ một phức cảm rộng hơn về “những thanh niên Hà Nội thời ấy”: Tố Tâm “nền” lắm. “Nền” chính là “sự thanh lịch” hay mở rộng thành “nền nếp văn hóa của người Tràng An”, chúng cho thấy nỗ lực phân biệt mình với “kẻ khác”. Kẻ khác có thể là người phương Tây, cũng có thể là người không ở địa bàn Hà Nội, nhưng nhất định thuộc về thế giới bên ngoài, không cùng chung quan niệm thẩm mỹ và văn hóa sống.
Tiêu chuẩn thanh lịch là một sự đánh dấu lãnh thổ văn hóa. Sự thanh lịch được gọi tên qua hệ thống văn chương, sách vở, đều dẫn tới cái gốc là nền tảng gia phong, nghịch lý thay lại là thứ vốn kiềm tỏa những khát vọng cá nhân của những người như Tố Tâm và Đạm Thủy trong vòng lễ giáo, hay xa hơn nữa là sự phiêu lưu khám phá cái mới.
Diễn viên Trà Giang và Thu Hà trong Lửa cháy đường chân trời, tập 2 phim Hoàng Hoa Thám (1987)
Người Hà Nội vốn tự hào về nét thanh lịch có cội rễ truyền thống, song họ cũng phải chấp nhận một thực tế là khuôn khổ tạo nên nền tảng văn hóa đó chứa đầy những hạn chế. Cái chết của Tố Tâm trong tiểu thuyết cũng như của nhiều cô gái tân thời Hà Nội hẳn nhiên không chỉ là một cái mốt của “bọn thiếu niên nhẹ dạ” mà là kết quả của sự mâu thuẫn từ chính thứ được xưng tụng suốt một thời gian dài.
Tất nhiên, sau đó một vài năm, xe cao su đã được phổ biến rộng rãi, thậm chí có quảng cáo “bán đại giảm giá xe cao su nhà giá 120 đồng” (Hà thành ngọ báo 4.4.1927). Từ “me em ngồi cáng tre” (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp) đến “me ngồi xe cao su”, chiếc xe kéo bánh sắt có lẽ chỉ đóng vai trò quá độ, vậy mà đã kịp ghi dấu một định kiến sống.
*
Chiếc xe kéo hiện diện trong truyền thông sau này lại mang một ý nghĩa lịch sử. Người phu kéo xe áo rách, đội nón lá, chân đi đất, đã trở thành hình ảnh có tính biểu tượng về thân phận người Việt thuộc địa khi được Nguyễn Ái Quốc vẽ trên tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1.8.1922 vẽ cảnh người phu An Nam chở một ông Tây to béo đang nằm ngả ngớn thúc anh ta chạy mau (“Mau lên! Thể hiện lòng trung thành đi!”).
Chưa kể, các nhà tổ chức đấu xảo thuộc địa, mà báo chí cánh tả Pháp gọi là các “vườn thú người”, còn đưa cả phu xe An Nam sang Marseille để trình diễn một phương tiện giao thông; thậm chí những người Pháp chính quốc cũng có dịp được thử ngồi lên đi vài cuốc!
Xe kéo tay tại Đấu xảo thuộc địa Marseille 1906.
Hình ảnh người phu xe đội nón lá được phổ biến trong hệ thống các ấn phẩm chính trị, tạo ra một nhận diện về thời thuộc địa. Những người phu xe da vàng gầy gò đội mũ hay nón lá chạy khắp nẻo đường đô thị Viễn Đông, bất kể Hồng Kông, Jakarta hay Hà Nội, nhịp chạy lạch bạch hợp với tốc độ giật cục của những thước phim tài liệu đen trắng, tạo nên một ẩn dụ không thể rõ rệt hơn về tình trạng đời sống bản xứ. Một hình ảnh đầy sức nặng tiếp sức cho công cuộc giải phóng dân tộc ở các thuộc địa.
Một nghiên cứu đã nhận xét: “Xe kéo tay trở thành nỗi xấu hổ của tầng lớp thị dân tinh hoa đang hiện đại hóa ở các nước thế giới thứ ba. Nó bị cấm rộng rãi một phần vì là biểu tượng, không chỉ vì vấn đề tính hiện đại, mà còn của một thế giới phong kiến công khai phô bày sự phân biệt giai cấp. Có lẽ chỗ ngồi của hành khách quá gần với lưng của người kéo xe, mà người này tạo ra ẩn dụ về một động vật bị thắng cương giữa hai cái càng xe” (Chris Carlsson, 2002).
Điều này chẳng mới, khi năm 1931 Nguyễn Công Hoan đã viết thiên truyện Người ngựa, ngựa người kể về phận phu kéo xe đêm ba mươi Tết cố đi nốt chuyến giao thừa để mang tiền về cho vợ con. May sao anh gặp một cô ăn mặc tươm tất gọi xe, mặc cả 6 hào xuống 2 hào, nhưng cô ta vay trước 2 hào mua thuốc lá và hạt dưa ngồi trên xe nhằn cho đỡ buồn mồm.
Chạy quanh các phố xá vắng vẻ Hà Nội đến tận nửa đêm mà cô ta vẫn không xuống, lúc này mới hay cô cũng đang đi kiếm khách. Nhưng đêm ba mươi gió rét làm gì có khách nào cần mua dâm ở một Hà Nội ai về nhà nấy hết? Cô xin trả công anh bằng thân xác mình nhưng bần cùng như anh phu cũng có tự trọng (“Tôi lạy cô. Nhỡ cô đổ bệnh cho tôi thì bỏ mẹ tôi”), hay là chẳng bụng dạ nào ham muốn một sự sung sướng khi vợ con nheo nhóc đợi ở nhà. Rút cục cô gái tẩu thoát, còn anh phu trắng tay trong “tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch”.
Xe xích lô năm 1988.
Một nhà văn khác còn thâm nhập thực tế trước cả thời phương pháp văn nghệ “ba cùng” phổ biến là Tam Lang, khi ông này cần tư liệu viết phóng sự Tôi kéo xe. Nhưng kéo xe như một bài báo trên tuần san Indochine năm 1941 đã khảo sát, vốn là một công việc nhọc nhằn mà thu về chẳng bao nhiêu, do bản thân cuộc sống vô định của những người phu xe ở phố lớn. Họ bỏ tiền vào hút xách, cờ bạc và gái điếm, nên vài đồng đem về cho vợ con rất ít ỏi so với số kiếm được ban đầu. Phương tiện thể hiện sự bần cùng hóa lao động khi người nông dân mất đất hoặc trốn điều kiện sống khắc nghiệt sau lũy tre xanh, rút cục bần cùng hóa cả tư tưởng của họ.
Trên thực địa, xe kéo dần biến mất khi một phương tiện mới ra đời là xích lô. Xích lô lai giữa xe kéo tay và xe đạp, giải phóng sức nặng đè lên thân trên để người điều khiển xe dùng sức mạnh của đôi chân nhờ vào trợ lực của hệ thống bàn đạp và dây xích truyền động tới trục xe, và nhất là người đạp xích lô luôn ngồi cao hơn khách, trông có vẻ không còn giống nô lệ khom lưng như trước. Sự kết hợp này hóa giải thần tình nan đề người ngựa - ngựa người.
Đạp xích lô là lựa chọn phổ biến của những người thất cơ lỡ vận. Vào cuối thời bao cấp vắt sang đổi mới, hình ảnh sang cả nhất mà xích lô có thể đạt được là cảnh một đoàn dài có lọng vàng chở các mệnh phụ Hà thành mặc áo dài nhung bê tráp đi ăn hỏi cho con trai, hay các khách du lịch nước ngoài hồi hộp trải nghiệm cảm giác “sans souci”, nghĩa là không lo lắng, cũng là tên một doanh nghiệp xe xích lô du lịch sau này.
Chiếc lọng vàng dường như cố gắng tạo ra một kiểu cách để phân biệt với xích lô thường như xe kéo thời đầu thế kỷ XX chọn bánh sắt hoặc bánh cao su. Bộ phim đình đám của Trần Anh Hùng đã đoạt giải Sư tử vàng năm 1995 cũng lấy cái tên Xích lô, trình chiếu trước thế giới khung cảnh một Sài Gòn bề bộn hư ảo thời Đổi mới. Chiếc xích lô như ẩn dụ của sự bần cùng kiểu mới, của sự trong trắng tuổi trẻ bán sức lao động, của chút lọc lõi giang hồ nơi phố lớn.
Xích lô trên phố Tràng Tiền trong bối cảnh phim Điện Biên Phủ (1991).
Cùng thời gian của những chiếc xe kéo trong Tố Tâm hay tranh vẽ của Nguyễn Ái Quốc, những năm sau thế chiến thứ nhất, thủ đô Pháp đón nhận một đợt sóng các tài xế taxi lịch sự và dáng vẻ đầy quý phái, song song với các lớp dạy balê mọc lên như nấm, các ca sĩ phòng trà mặt sầu cùng những nhà văn và họa sĩ lưu vong bổ sung vào bầu trời đã sẵn nhiều tinh tú nghệ thuật của kinh đô Ánh sáng. Họ là những quý tộc Nga, tầng lớp vương giả bị phế truất đã trôi dạt sang đây sau Cách mạng tháng Mười, lần hồi kiếm sống và khôn nguôi hoài niệm về những khóm tử đinh hương trong trang viên tuyết trắng.
Nếu Paris có xe kéo như Hà Nội, Sài Gòn hay Nam Vang, không biết các quý tộc Nga kia có sẵn lòng cầm đôi càng xe chạy dọc bờ sông Seine không?
Nguyễn Trương Quý