Xu hướng du lịch đô thị:

Nhường nhà cho khách ở

 17:03 | Thứ ba, 15/10/2024  0
Vài năm trước, tôi đến Frankfurt và lưu trú trong các thị trấn ngoại vi như Eschborn, Hofheim... ngay trong mùa thu - mùa cao điểm du lịch - thì việc lưu trú vẫn không lấy gì làm căng thẳng khó khăn. Dễ dàng và chu đáo nữa là đằng khác.

Năm nào cũng thế, tôi thuê được những nhà vườn của người dân địa phương. Có khi chủ nhà nhường cả một căn biệt thự cho khách rồi kéo nhau ra bìa rừng cắm trại... Không phải vì họ hiếu khách bất thường đâu, mà vì đó là cách đưa du lịch vào đời sống một cách hài hòa của nhiều nơi ở châu Âu.

Tự nhiên như ở nhà mình. Nhưng lại kỳ thú vì ngay trong lúc lưu trú, khách có thể khám phá một không gian sống mới mẻ về văn hóa ở trong nhà người khác. Được sống tự do trong nhà người lạ, ở một thành phố khác, một quốc gia xa xôi, với tôi và có lẽ nhiều người, đó là một trải nghiệm du lịch đô thị thực thụ. Thật thú vị khi được hưởng thụ một thứ dịch vụ hòa nhuyễn vào trong lối sống đến độ ta không còn thấy dấu vết sòng phẳng vô hồn và thực dụng của nó.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Mona Krusch ở Hofheim có khoảng vườn sau khá xinh đẹp. Ở đó, có một chiếc bàn ăn dài ngoài trời, hai chiếc ghế lười nấp dưới bờ cây dại, một thảm cỏ xanh vừa cắt tỉa vào đầu mùa thu và một cây táo già, giữa vườn còn dựng một chiếc thang gỗ mà thằng bé sáu tuổi con trai của họ thường leo trèo. Đồ chơi, là xẻng và súng nhựa, xe hơi và lego của thằng nhóc còn quăng rải rác ở góc vườn. Cứ như thể ngày hôm qua họ còn ở đây, vợ chồng họ còn ngồi ngắm nắng chiều và theo dõi lũ quạ bay về trú ẩn trong tán cây tiêu huyền, thằng bé còn xúc đất và leo trèo nghịch ngợm, thì hôm nay, họ đã thu xếp gọn ghẽ mọi thứ thiết yếu lên một cái xe pick-up hay camper và đi ra bìa rừng cách đó chừng nửa ngày đường. Một cuộc lánh đi tạm thời khi nhà có khách.

Một góc thanh bình của Hofheim với những giá trị xưa cũ được nhập vào tâm hồn ẩn khuất của một vùng thị tứ ngoại ô.


Toàn bộ không gian căn nhà, từ bàn ghế, tủ kệ, rượu và sách, góc sưu tập tượng Phật Nam tông và Bắc tông sau những chuyến du lịch đến châu Á của anh chồng, cả một gian bếp còn đầy đủ gia vị, tủ lạnh đầy trái cây ôn đới..., tất cả, nhường hết cho khách. Chị Mona giao lại chiếc chìa khóa cổng cũ kỹ - loại được sản xuất vào thập niên 1970 nhưng còn dùng tốt. Chính vật dụng cũ kỹ này khai mở dần bí mật về các đồ vật khác có tuổi đời tương đương bên trong ngôi nhà.

Về sau, ông khách ở cái xứ nhà nghèo nhưng sính mốt cũng nhận ra một lối sống khá bình thản của người Đức ở vùng này - và có lẽ cũng là tính cách con người ở các nước phát triển nói chung - không còn câu nệ vào sự mới cũ ở vật chất. Một ổ khóa đã nửa thế kỷ, không biết hàng bao nhiêu lượt mở ra khóa vào, mà hễ còn dùng được thì không nhất thiết phải đi thay một thứ công nghệ rầy rà chỉ để thực hiện một công năng đơn giản là đóng và mở (có lẽ người ta thay vì dùng tiền mua ổ khóa xịn xò, thì sẽ mua vé xem hòa nhạc hay đặt ngay những cuốn sách văn học mới xuất bản chăng?). 

Thế giới sính công nghệ và ưa thay đổi theo thời trang thì có vẻ ở tận đâu đó, không hiện hữu nơi căn nhà mà tôi được chủ hào phóng để lại với mức giá rẻ chỉ ngang một phòng khách sạn hạng bình dân ở khu trung tâm.

Khoảng vườn sau của ngôi nhà tác giả từng lưu trú ở Hofheim.


Vài năm trước, khi đến Eschborn, tôi cũng được ở trong một ngôi nhà tươm tất của một cụ bà 80 tuổi. Mùa thu đến, bà giáo chức về hưu cũng nhường cho khách nguyên căn biệt thự để dọn sang một căn phòng biệt lập ở phía vườn sau. Chủ và khách không chung lối đi. Nhưng qua hàng rào lòa xòa lá và quả kiwi xanh, khách có thể nhìn thấy bà cụ nằm đọc sách ở khoảng sân nhỏ của căn phòng giản dị. Trên tay bà là một cuốn sách ảnh viết về lịch sử Eschborn qua các thời kỳ của một nhà nghiên cứu gốc Czech.

Bên dưới khoảng nắng, đeo mục kỉnh dày, bà lật đi lật lại những trang ảnh của bộ sách nhuốm màu hoài niệm. Khung cảnh đó dường như ngưng đọng, trở thành một mã ký hiệu để người khách dễ bị xiêu lòng với những thứ xưa cũ được nhập vào tâm hồn ẩn khuất của một vùng thị tứ ngoại ô. 

Vào ngày trao chìa khóa phòng (cũng là một loại khóa cửa cũ rích tuổi đời có lẽ không dưới nửa thế kỷ), bà cụ đã lật cho khách xem qua bộ sách này, bà nói rằng con đường đi ngang đây có được ông tác giả nhắc đến một vài dòng ở một trang vị trí hai phần ba cuốn sách, và vì thế, bà sẽ tự lấy ảnh trong album gia đình để ghép vào đó. Bà muốn khách hình dung rằng, lịch sử của ngôi nhà này và những người sống qua trong nó có gắn bó với một phần lịch sử của con đường, thị tứ đìu hiu được đề cập trong cuốn sách này.

Việc tạo ra mối liên kết lạ kỳ và thủ công của chủ nhà càng làm cho người khách đến từ một đất nước xa lạ cảm giác rằng, trong khoảnh khắc dừng lại giữa hai trang sách, y đã được rơi vào một chiều thời gian, không gian khác. Và những ngày tiếp sau đó, là những ngày mọi ngõ ngách trong khu vườn, khoảng patio đổ bóng nắng cho đến căn gác hẹp có bức tranh thêu hình chân dung một cậu bé ngơ ngác trên tường, tất cả dường như nhuốm đơn sắc như màu của nét mực in điệp trên nền ảnh cũ.

Những tiện ích của thế giới công nghệ như phương thức quét mã lên tàu điện, bản đồ chỉ dẫn trên điện thoại thông minh, cả kết nối internet wifi hiện diện trên mọi tọa độ của căn nhà, khu vườn, thị tứ, màn hình quảng cáo của các trục đường chính... chúng dường như là những gì rất thứ cấp thêm vào, chẳng hề quan trọng lắm với đời sống ở đây. Nếu không muốn nói là lắm lúc chúng tẻ nhạt và sao nhãng, nhất thời và mong manh trước cái thế giới lưu trữ ký ức tự nhiên này. Chúng không thể xâm nhiễm bầu không khí của quá khứ và cũng thật nhanh chóng lụi tàn, phù du trước tương lai. 

Từ đó, tôi nhận ra, tôi đã được chủ nhà nhường cho một phần lịch sử của gia đình, ngôi nhà, mảnh vườn, vùng đất. Điều đó, nếu tôi chọn lưu trú trong các khách sạn hay căn hộ du lịch, tôi không thể có được. Tôi đã tha hồ du hành bên trong một ngôi nhà, khu vườn. Du hành cả khi hít thở, ăn uống, nhìn ngắm hay ngồi yên. Thức và ngủ. 

Xu thế du lịch khám phá văn hóa đô thị sẽ ngày càng tăng (chụp tại đường phố Frankfurt, tháng 10.2019).


Chủ nhà nhường cho khách một không gian sống. Họ rút đi, nhưng vẫn ở đâu đó bên cạnh. Họ ẩn hiện bên cánh rừng hay căn phòng góc vườn. Sự đi vắng mà hiện hữu của họ vừa đủ cho khách thấy tự do, lại vừa đủ nuôi cảm giác được chung sống trong một lối sống, trải nghiệm chung một lịch sử văn hóa. 

“Nhường nhà cho khách ở”, rất gần với khái niệm du lịch homestay gần đây đã phát triển rộ khắp các đô thị du lịch. 

Homestay, hiểu theo nghĩa thông thường, là sống cùng, sinh hoạt cùng với người dân. Nôm na hơn, là lưu trú trong nhà người dân địa phương. Nhưng trên thực tế, khi nó được biến thành gói sản phẩm du lịch đại chúng, thì yếu tố “bản địa” bị mai một, các khía cạnh tự nhiên của đời sống bản địa sẽ bị đẽo gọt, các lớp thô nhám và khoảng gồ ghề tự nhiên hằng ngày vát nhẵn, bo tròn để dễ đưa vào các hạng mức định sẵn của đẳng cấp dịch vụ tour tuyến phổ biến. 

Nghĩa là có khả năng nó còn dịch vụ hóa hơn cả dịch vụ lưu trú căn bản (như hotel, motel, resort, căn hộ cho thuê airbnb...). Du lịch homestay luôn bị đặt vào thế giằng co giữa tính chuyên nghiệp phổ biến và tính đặc thù bản sắc, và thường thì tính bản sắc bao giờ cũng bị đặt ở phía cán cân nhẹ. Dễ hiểu, cho cùng, dịch vụ sinh ra là để mang lại sự nuông chiều nhu cầu. 

Xu thế du lịch toàn cầu trong các đô thị gia tăng mạnh sau giai đoạn bị kìm hãm bởi đại dịch. Và dự báo nó sẽ còn gia tăng trong thập niên tới. Du lịch đếm lượt tại các đô thị với hình ảnh những đám đông ồn ào nhộn nhịp sẽ góp phần định hình văn hóa nhiều đô thị xem du lịch là chức năng chính yếu. Và bấy giờ câu hỏi lớn được đặt ra: làm sao để làn sóng du lịch không bào mòn và áp đảo giá trị văn hóa của nơi chốn mà ngược lại, văn hóa đặc thù của mỗi nơi chốn sẽ làm cho hoạt động du lịch thêm bội phần thú vị? 

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.