Trên vỉa hè:

Chỉ cần một bức tường vàng

 09:19 | Chủ nhật, 01/10/2023  0
Một quán cà phê Sài Gòn có mặt ở trung tâm từ năm 1993, bỗng đóng cửa sửa sang từ 2019 và mới đây trở lại đón khách.

Một số tờ báo trực tuyến có tính đại chúng cao đã hào hứng đưa tin, không ngại giật tít “sự trở lại của một biểu tượng Sài Gòn” (kenh14.vn) hay nhắc lại thời điểm trước khi đóng cửa, quán cà phê này đã “trở thành điểm đến ưa thích của khách hàng trẻ”, “nhiều người đến đây để check in và chụp ảnh với bề ngoài nổi bật - mặt tiền màu vàng và khung cửa sơn màu đỏ” (zingnews.vn). Lại vàng và đỏ!

Kênh 14 nhắc thêm rằng ngay từ khi ra đời, quán này nhanh chóng “trở thành một ‘huyền thoại’ của các thế hệ người Sài Gòn”. Họ đang nói về Ciao Cafe trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Ciao Cafe quả tình là đã chiếm tình cảm của nhiều người với không khí ấm cúng nhẹ nhàng, phong cách thanh lịch kiểu Âu pha chút exotic (hương xa). Chừng trên dưới 10 năm trước, phong cách, không khí ấy nhất quán, dù là ở quán chính Nguyễn Huệ hay quán phụ cách đó không xa, trên đường Ngô Đức Kế. 

Trước khi quán này đóng cửa, đã có lúc khách lui tới Ciao trong nhiều năm tạo ra một sự chuyển hướng khi con phố bao quanh trở thành phố đi bộ và cơn khát check in đang cồn cào không chỉ trong giới trẻ. Ta thấy các cửa sổ Ciao mở toang ra bên ngoài, không còn những ô khung kín đáo với những khoảng sáng âm gợi cảm giác ẩn mật, những hàng ghế bày ra vỉa hè và các góc bàn gỗ dường như luôn ám mùi khói thuốc. Ciao là lời chào. Nếu hôm qua là lời chào hướng vào bên trong thì lúc này là lời chào hướng ra mặt tiền triệt để.

Tôi đã nghĩ rằng những người từng thích một góc khuất của Ciao để lặng ngắm thành phố qua các ô cửa sẽ không mấy dễ khi ở đâu, ngóc ngách nào cũng có thể lọt vào các khung hình của các cô cậu say sưa check in, tha hồ phà khói thuốc lá điện tử để tỏ ra hiện đại và cá tính (dù cũng không nên tự tin thái quá rằng các cô cậu ấy sẽ đăng tải các bức ảnh có màu sắc retro long lanh với hậu cảnh là một gã mặt mày nhàu nhĩ âm u như tôi lên mạng xã hội để câu like). 

Một góc quán Ciao Café nhìn từ gác xép.


Một quán cà phê lâu năm làm nơi ẩn náu của những người thích chậm rãi và dừng chân đã bị mở toang và bất lực trước làn sóng ghi chép hình ảnh mọi nơi mọi lúc của cái nhân loại mắc chứng ái kỷ trong thời đại con người dành quá nhiều tâm sức vào việc ve vuốt hình ảnh mình trên màn hình. Tất cả là nạn nhân. Tất cả vui vẻ để bị đồng hóa và khoác lên những khuôn mặt nạn-nhân-hân-hoan. 

Thế rồi có một sự chuyển dịch, bây giờ và ở đây. Ciao trình bày một phong cách khác, đóng kín với máy lạnh, không còn khói thuốc (hay nói đúng, nếu cần khói thuốc thì lên tầng trên, có một quầy bar nhỏ, tha hồ!). Từ chỗ mở ra để ai cũng có thể sống ảo, thì bây giờ anh cũng có thể sống ảo nhưng không phải ai cũng có thể đủ mạnh dạn đẩy cửa bước vào, vượt qua hàng rào lạ lẫm của vẻ thanh lịch mới mẻ.

Cần phải nhắc lại ở đây, trong các bản tin về sự trở lại của Ciao, các tờ báo mạng đều nhắc tới bản nhạc Buổi sáng ở Ciao Cafe của Võ Thiện Thanh, Hà Anh Tuấn hát. Nội dung tóm lược của bài hát này (bạn sẽ nghĩ rằng, trình bày một cách thô thiển như thế về cảm nhận âm nhạc là không nên), nói về tâm trạng chàng trai chờ người yêu ở Ciao, bên dòng người đi qua chầm chậm, bắt đầu một ngày mới thật bình yên. Và chàng trai bày tỏ tình yêu với Ciao (nơi chốn) thay vì với cô gái.

Thật ra, cái nội dung chờ đợi người yêu nơi góc quán thì không ít, thậm chí quá dễ nhàm trong âm nhạc Việt Nam giai đoạn hậu đổi mới nói riêng và nền tân nhạc nói chung. Nhưng đây là của biểu hiện cảm xúc bằng icon thì nghĩ được thứ gì lãng đãng cộng thêm thực tế là một bức tường vàng để lên màu ảnh sâu, đã đáng quý. Hãy ráng hiểu cho những lời tung hô nâng tầm “huyền thoại” hay “biểu tượng” của những tờ báo thức thời.

Một buổi tối, tôi trở lại Ciao và đúng là gặp một Ciao bình mới rượu cũ. Tôi vẫn tìm thấy cảm giác từ những đêm mưa của tuổi trẻ tìm về. Từ căn gác lửng của Ciao nhìn qua những ô cửa, có thể thấy từng bước chân người đi lại trên vỉa hè lát đá. Chỉ những bước chân và trang phục, nhưng luôn khuất những mặt người. Khi có mưa về qua góc phố, các bước chân đi lại thưa thớt như từng nốt đen, nốt trắng, móc đơn, móc kép, liên đôi, liên ba... trên một khuông nhạc nối dài. Những hình dung hệt như hai mươi năm trước tôi đã hình dung khi lần đầu đến đây với một người bạn gái.

Dù bây giờ, khách quanh tôi không còn là những gã bụi bặm lãng tử, không còn không gian trầm lắng, mà có cảm tưởng những nhóm khách du lịch ăn bận khá thoải mái và nói nhiều thứ tiếng trong âm thanh rì rầm hợp chủng nổi chìm trong các bản jazz. Họ ngồi quanh những chiếc bàn, trên ghế nệm và gọi những món Âu. Thi thoảng có người như tôi, vì hiếu kỳ về một sự trở lại của nơi chốn mà đến một mình, gặm nhấm ký ức. Họ cũng thả mình trên những chiếc sofa (không phải để “cô đơn trên sofa” như trong một bản hit!), để thả ánh mắt tìm về một cảm giác thân quen tưởng chừng đã mất. 

Khe cửa quen thuộc của cà phê Tùng - Đà Lạt.


Du khách là những người hưởng thụ lướt qua, lưu lại bằng các bức ảnh, còn lữ khách là người cũng tận hưởng và lưu lại những trải nghiệm bằng tâm tưởng. Tôi từng nghĩ như vậy rồi không cưỡng lại việc đưa điện thoại thông minh lên canh nét và chụp lại một góc quán từ gác xép. Tôi không chắc mình có thể trở thành một lữ khách ở đây khi ai nấy đều trong nghi-thức-của-thời-đại-hình-ảnh mà tôi có lúc sững sờ vì biết mình không là ngoại lệ.

Vài người xa lạ đi vào khung hình máy ảnh của tôi, và ngược lại, tôi có thể là kẻ xa lạ trong khuôn hình của nhiều người khác. Một trò thông đồng hổ lốn của con người thời đại máy ảnh kỹ thuật số trong một nơi chốn mà người ta quá dễ dàng khoác lên cho nó những thứ đại diện to tát cho cả một đô thị chỉ vì màu sơn của một bức tường bọn trẻ ưa chụp hình. Và chỉ vì tin theo những tờ báo đại chúng hay kênh YouTube của các KOL bảo vậy.

Từ đây, tôi lại nhớ đến những bức tường ở các thành phố khác. Là bức tường đối diện cà phê Tùng - Đà Lạt - nơi liên tục bị sơn phết đổi hết màu sơn nọ tới màu sơn kia cốt sao cho trở thành một bức tường thỏa mãn thị hiếu check in. Là bức tường tiệm cà phê Hoa Giấy trên đường Huỳnh Tịnh Của - Sài Gòn. Là bức tường vàng trên đường Nguyễn Hữu Huân - Nha Trang... Người ta nhân rộng mô hình những bức tường vàng ở nhiều nơi của nhiều thành phố trong cơn khát “so deep”. “Huyền thoại”, “thần thánh” cùng các bảng chỉ dẫn “top những bức tường lên hình bao đẹp” hay những góc phố “sống ảo cực đỉnh” sẽ là các bước tiếp theo.

Bức tường - thứ tạo ra tính khuôn định không gian trong các thành phố giờ trở thành thứ tạo ra ảo ảnh hoài niệm chỉ nhờ một lớp sơn.


Bức tường, thứ tạo ra tính khuôn định không gian trong các thành phố đến bây giờ trở thành một thứ tạo ra ảo ảnh hoài niệm chỉ nhờ một lớp sơn đang hot, hợp thị hiếu. Mọi đặc-loãng, đầy-khuyết, lành lặn-sứt mẻ, cố định-bồng bềnh, kể cả sâu đậm-thoáng chốc trong ký ức của những con người đến và đi ở một nơi chốn, cái mà ta gọi là kho tàng lịch sử ký ức mênh mông khiến ta gắn bó, thứ làm nên linh hồn và bản sắc từ góc quán đến ngõ phố bây giờ được diễn đạt bằng một thứ màu đồng phục, có khi bonus bằng những thông điệp ngô nghê với phông chữ nhại theo lối kẻ bảng hiệu của thời bao cấp, hay xa hơn, trước 1975. 

Thì ra lối liên hệ quá khứ nơi tâm trí con người đám đông bây giờ cũng thật giản đơn: chỉ bằng một nước sơn trên mặt phẳng là đủ thành “biểu tượng” (ở đây, ta nhận ra rằng hình dung biểu tượng trong tâm trí đại chúng của thời mình đang sống là thứ phù du và dễ bị thay thế ra sao!). Hãy tưởng tượng nếu công thức này tiếp tục thành công trong thời đại hình ảnh, thì ngành nghiên cứu tâm lý học về màu sẽ lên ngôi, kiến trúc sẽ đi về sự tối giản triệt để ở mức chỉ cần những bức tường để khoác lên những mảng sơn “thần thánh”, không cần công trình hay hình thái gì cho phức tạp và nhọc nhằn. 

Kết quả là, trong các bức ảnh check in, màu sơn bao phủ và làm nền để bật lên những lối tạo dáng công thức. Vậy là đủ. Thị hiếu - thứ phản ánh dục vọng đám đông - sẽ chuyển dịch trên sắc độ và sự thay đổi của những màu tường. 

Không biết tương lai thì sao, hiện tại vẫn chỉ thấy quẩn quanh hết đỏ lại vàng. 

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.