Niềm hy vọng của Sharing

 15:45 | Thứ sáu, 19/02/2021  0
Không có trụ sở, cũng chẳng có nhân viên hành chính, những người làm nhiệm vụ kết nối, điều hành hoạt động của Sharing đều hoàn toàn tự nguyện, không hưởng bất cứ khoản thù lao nào mà còn gương mẫu đi đầu trong vận động cứu trợ người nghèo, nơi khó bằng chính tiền bạc, thời gian, công sức của mình.

Cách đây hơn một tháng, VTV truyền hình trực tiếp Đại hội Thi đua toàn quốc Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, trong đó có đoạn tặng bằng khen, biểu dương và giao lưu với đại diện Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing ở TP.HCM. Sau chương trình, có người gọi điện hỏi tôi: “Trụ sở của nhóm ở đâu để tôi tìm hiểu, tham gia?”.

Và, tôi còn nhớ rõ sự ngạc nhiên của người ở đầu bên kia đường dây khi nghe tôi trả lời rằng nhóm thiện nguyện này không có trụ sở mà cũng chẳng có nhân viên hành chính. Những người làm nhiệm vụ kết nối, điều hành hoạt động của nhóm đều hoàn toàn tự nguyện, không những không hưởng bất cứ khoản thù lao nào mà còn gương mẫu đi đầu trong các đợt vận động cứu trợ người nghèo, nơi khó bằng chính tiền bạc và thời gian, công sức của cá nhân. 

Làm thiện nguyện bằng… công nghệ

Chia Sẻ - Sharing tổ chức mối liên hệ công việc và tình cảm giữa các thành viên bằng một địa chỉ Viber Group và một trang Facebook mang tên Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing. Bằng các hình thức liên lạc công nghệ tiện lợi này, cả nhóm đều biết công việc cứu trợ của nhóm vừa qua đạt được kết quả cụ thể ra sao, công việc sắp tới như thế nào. Rất chi tiết về mục tiêu, về nguồn lực tài chính và hiện vật cần đóng góp.

Các thành viên của nhóm đều biết trước thời gian của từng đợt cứu trợ để sắp xếp tham gia theo hình thức thanh toán tự túc toàn bộ các khoản chi phí cá nhân cho mỗi chuyến đi. Kết thúc mỗi đợt cứu trợ là một báo cáo chi tiết trên Viber và Facebook kết quả đóng góp của từng thành viên và hiệu quả cụ thể của sự đóng góp ấy. 

Bà Nguyễn Thị Tranh (bìa phải), Trưởng nhóm Sharing.


Không chỉ thông tin công việc, các địa chỉ liên lạc công nghệ này còn gắn kết tình cảm trong nhóm bằng những thông tin hữu sự buồn, vui của từng thành viên. Cách làm ấy thể hiện đúng tinh thần tên gọi của nhóm, đó là chia sẻ khó khăn với những người có cảnh ngộ không may mắn và chia sẻ tinh thần với chính những người đang đồng hành trên con đường thiện nguyện không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Sao cho nhanh nhất, đàng hoàng nhất

Làm việc thiện mà cũng có lúc không thuận lợi ư? Có đấy. 

Đã từng nảy sinh đây đó những suy nghĩ: sao không thành lập quỹ này, quỹ khác để có danh nghĩa khi vận động tài chính cho việc giúp người nghèo và trang trải chi phí quản lý quỹ? Sao không chuyển hết phần vận động được về cho một đầu mối là Mặt trận Tổ quốc các cấp? 

Góp ý, tranh luận với nhau không phải lúc nào cũng đạt được sự  đồng thuận. Vậy thì, không việc gì phải chờ đợi sự đồng thuận ấy nữa. Thay vì mất thời gian thuyết phục nhau, tốt nhất là tìm giải pháp để tiếp tục triển khai hoạt động thiện nguyện một cách đàng hoàng nhất. Đó là lập một tài khoản và giao cho một thành viên có uy tín về phẩm chất và khả năng quản lý để tiếp nhận và tổng kết các nguồn tiền vận động nhằm thực hiện mục tiêu đã xác định của nhóm. Đó là tạo lập mối quan hệ phối hợp lâu dài với một vài tổ chức xã hội đã có giấy phép hoạt động để cùng thực hiện mục tiêu giúp người nghèo nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đó là phân công rõ ràng việc đề xuất các nơi, các hoàn cảnh thực sự khó khăn cần sự trợ giúp về cầu đường, về nhà ở, về học bổng, về cây trồng vật nuôi, về điều kiện chữa bệnh... Sau đó phân công trách nhiệm khảo sát mục tiêu cần giúp để tránh giúp sai đối tượng. 

Bà Mai Thị Hạnh (trái) trong đợt trao tặng 200 giếng nước tại Ba Tri, Bến Tre (16.1.2021).


Có mục tiêu rõ ràng rồi mới lập kế hoạch dự toán thu – chi để tiến hành vận động tiền và thông báo đóng góp. Cần bao nhiêu, vận động bấy nhiêu, không để tồn tiền dư trong tài khoản. Việc nhóm đề ra quy định bắt buộc công khai nhanh chóng kết quả đóng góp cùng với hiệu quả cụ thể của sự đóng góp đã tránh được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, thể hiện đầy đủ trách nhiệm với những người hưởng ứng các đợt vận động giúp người nghèo khó, đồng thời cũng ngăn chặn được tiêu cực trong công tác cứu trợ xã hội. 

Lòng nhân ái được nhân lên

Với định hướng phương thức hoạt động như thế, mấy năm qua Sharing đã tìm được những người bạn đồng hành đáng tin cậy. Đó là Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Quỹ Hoa Hòa Bình. Cùng nhau làm việc thiện, cái được lớn nhất mà Sharing nhận ra đó chính là cả nguồn lực vận động, nhân sự thực hiện lẫn kinh nghiệm đều được cộng thêm, hiệu quả chăm lo cho người nghèo vì vậy được nhân lên nhanh chóng.

Để tạo dựng được thành quả của lòng nhân ái bao năm qua là nhờ sự góp sức của tất cả các thành viên Sharing, nhưng có công việc nào mà không cần những thành viên nòng cốt, tiêu biểu?  Sharing cũng vậy. Người đầu tiên của Sharing cần được nhắc tới là má Nguyễn Thị Phương. Tuổi tám mươi dường như không ngăn được bước chân tham gia của má trong hầu hết các cuộc vận động của nhóm. Mùa nắng hay mùa mưa, điểm cứu trợ gần hay xa, ở miền núi hay miền biển má đều ráng bươn theo các chuyến đi thiện nguyện. Nhóm vừa kêu gọi đóng góp làm 200 căn nhà cho đồng bào vùng lũ Quảng Trị, má Phương tặng ngay 10 căn trị giá 800 triệu đồng. Nhóm cần xây một cây cầu dài 45m cho bà con xã Đất Mới, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, má góp ngay 200 triệu đồng trong tổng kinh phí hơn 280 triệu đồng. Đó mới là đóng góp trong mấy tháng gần đây chứ nếu tính cả các năm trước nữa thì số tiền má Phương làm từ thiện còn nhiều hơn nữa. 

Đó còn là gia đình chị Huỳnh Bích Ngọc - TTC, gia đình chị Trần Thúy Nga - Kiến Á, gia đình chị Đặng Thu Thủy, Đặng Thu Hà - ACB, gia đình chị Nguyễn Kim Minh, gia đình chị Mai Thị Hạnh - thủ lĩnh mạnh mẽ và nhân ái của Sharing, gia đình chị Nguyễn Như Loan - QCGL, gia đình chị Trương Minh Tuyết, nhóm Sen Hồng của chị Hương An Giang, chị Võ Thị Xuân Trang - JRP, gia đình anh chị Nguyễn Thị Tranh - Lê Nhựt Tân... Có vai trò nòng cốt của các chị nên các thành viên khác của Sharing theo đó mà vững bước trên những nẻo đường thiện nguyện còn rất dài trên đất nước chưa giàu có này.

Vợ chồng TS. Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch Tập đoàn Kiến Á.


Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì các thành viên Sharing đang chuẩn bị đợt tặng quà Tết thường niên ở Cần Giờ - TP.HCM và cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng 5.000 chăn bông cho đồng bào vùng Tây Bắc lạnh giá. Niềm hy vọng tìm người kế nghiệp làm việc thiện của những người bà, người mẹ Sharing đã lóe lên đâu đó trong các dòng tin Sharing hỗ trợ cộng đồng phát triển, giúp người nghèo vượt khó: Những cái tên mới và số tiền đóng góp chăm lo người nghèo ăn Tết, mua chăn bông tặng đồng bào Tây Bắc của các con chị Kim Thanh - Kim Oanh, các cháu nội Uron - Uri và các em cháu gia đình chị Mai Thị Hạnh (tặng ngôi nhà mới cho cháu Gia Linh - một hoàn cảnh quá ngặt nghèo ở Hậu Giang), các học trò của chị Xuân Trang ở JRP, cháu Hòa con gái của chị Dương Thị Năm...

Con gái Ức Mi của anh chị Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch TTC cũng vừa tặng kinh phí 160 triệu đồng để xây chiếc cầu dài 18m ở Đại Ân, Cù Lao Dung... 

Sự nghiệp nhân ái của Sharing thế là đã được kế tục. Đó cũng là phần thưởng lớn nhất mà Sharing mong muốn nhận được trong mùa xuân này. 

15 năm thầm lặng làm việc thiện

Dịp Tết Tân Sửu này, Sharing kỷ niệm 15 năm hoạt động nhân đạo, thiện nguyện tính từ lúc nhóm còn chưa có tên gọi. Chẳng có bằng khen nào được trao cho ai. Cũng chẳng nhớ chính xác là bao nhiêu tiền đã được các thành viên trong nhóm đóng góp để giúp đỡ các cảnh sống ngặt nghèo. Chưa có cuộc tổng kết nào để biết có bao nhiêu ngôi nhà vững chãi đã được Sharing hỗ trợ xây lên thay thế những mái nhà dột nát. Chỉ tính mấy năm gần đây thôi đã có 356 căn nhà xây cho cựu chiến  binh Hà Giang, 200 căn nhà cho đồng bào vùng lũ Quảng Trị, mấy ngàn giếng nước cho miền Tây Nam bộ...

Hàng chục cây cầu bắc qua kênh, qua suối; hàng vài ngàn học bổng và xe đạp cho học sinh đi học; hàng ngàn con bò giống, heo giống và những vườn cây ăn trái ở Tây Bắc, ở miền Tây Nam bộ giúp người nghèo có kế sinh nhai để sống bền vững hơn. Hàng mấy chục ngàn phần quà Tết hàng năm đã được tặng cho gia đình nghèo ở các tỉnh miền Bắc, ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, ở Phan Thiết và ở Cần Giờ (TP.HCM)... Đó là những gì mà thời gian gần đây Sharing đã đóng góp và vận động để giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, cơ cực. 

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Thanh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.