Nobel Y sinh 2023 vinh danh hai nhà nghiên cứu vắc-xin COVID-19 mRNA

 18:06 | Thứ hai, 02/10/2023  0
Hai nhà khoa học người Mỹ Katalin Karikó và Drew Weissman đã được xướng tên trong lễ công bố giải Nobel Y sinh 2023 nhờ những khám phá quan trọng trong việc phát triển vắc-xin mRNA chống lại COVID-19.

Kết quả vừa được công bố chiều 2.10 bởi Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska (TP Stockholm - Thụy Điển), mở màn cho mùa giải Nobel năm 2023.

Theo Hội đồng Nobel, hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissma đã có những khám phá có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển vắc-xin mRNA hiệu quả chống lại COVID-19 ngay từ năm 2020. 

Hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman.

Những phát hiện mang tính đột phá này đã thay đổi căn bản hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch, góp phần vào tốc độ phát triển vắc-xin chưa từng có trong thời điểm xảy ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thời hiện đại.

Bà Katalin Karikó là một giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực hóa sinh và sinh học phân tử, trong khi ông Drew Weissma là một bác sĩ, nhà nghiên cứu y học nổi tiếng.

Sau Nobel Y sinh, các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế lần lượt được công bố từ ngày 3-9.10. 

Mỗi giải thưởng sẽ trị giá 11 triệu SEK (krona Thụy Điển, tương đương hơn 986.000 USD), dự kiến được trao cùng bằng chứng nhận và huy chương vào ngày 10.12, là ngày mất của nhà sáng lập Alfred Nobel.

Lễ trao giải Nobel Y sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế sẽ được trao tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển; riêng giải Nobel Hòa bình trao tại thủ đô Oslo của Na Uy.

Anh Thư

Hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman từng được vinh danh bởi Giải thưởng VinFuture

Theo đó, tại sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất diễn ra tối 20.1.2022, Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu đô la Mỹ đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Karikó, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine phòng chống COVID-19 hiệu quả.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng VinFuture trị giá 3 triệu đô la Mỹ đã được trao cho ba nhà khoa học Katalin Karikó, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada).


Theo đó, công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ.

Dựa trên khám phá của các nhà khoa học Karikó và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống COVID-19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

Không chỉ tạo ra vũ khí ngăn chặn nguy cơ lây lan và tử vong do đại dịch trên phạm vi toàn cầu, công nghệ mRNA còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư, miễn dịch và các bệnh di truyền… có thể bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên thế giới trong tương lai.

T.H

Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.