'Sốc' với kết quả xếp hạng đại học Việt Nam

 10:45 | Thứ năm, 07/09/2017  0
Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 2, trong khi nhiều trường danh tiếng như ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính... xếp thứ hạng trung bình...

Bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Việt Nam năm học 2016-2017 của nhóm 6 chuyên gia đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã được công bố chiều 6-9. 

TS Lưu Quang Hưng giới thiệu về bảng xếp hạng đại học.

Kết quả của bảng xếp hạng này gây nhiều bất ngờ khi nhiều trường đại học (ĐH) tuổi đời khá trẻ lại có thứ thứ hạng cao, như Trường ĐH Tôn Đức Thắng thứ 2, Trường ĐH Duy Tân thứ 9, trong khi nhiều đại học lâu đời, điểm chuẩn đầu vào cao lại đứng giữa hoặc cuối bảng, nhóm các trường khối kinh tế bị rớt xuống hạng trung bình như Trường ĐH Ngoại thương thứ 23, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thứ 30, Học viện Tài chính thứ 40, Học viện Ngân hàng ở vị trí 47... Nguyên nhân của việc bị xếp thứ hạng "bậc trung" là do ấn phẩm khoa học quốc tế mờ nhạt, quy mô đào tạo quá lớn so với năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Trong bảng xếp hạng này, các đại học quốc gia và đại học vùng đều có thứ hạng cao. 3/5 trường top đầu là Đại học quốc gia Hà Nội (số 1), ĐH Đà Nẵng (số 4) và ĐH Quốc gia TP.HCM (số 5). Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 và Học viện Nông nghiệp xếp thứ 3.

TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Úc, chủ biên báo cáo xếp hạng, cho biết nguyên tắc xếp hạng được nhóm chuyên gia áp dụng gồm phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Trong đó, 3 tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).

TS Hưng nói thêm, công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế, chuyên ngành và có phản biện là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của cơ sở đại học. Tiêu chí này được các bảng xếp hạng uy tín thế giới như Times Higher Education, QS, ARWU sử dụng. Chính vì điều này mà nhiều đại học thuộc khối kinh tế được dư luận xã hội đánh giá cao không nằm trong top đầu. Tuy nhiên, TS Hưng nhấn mạnh bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi có những tham số không thể định lượng được.

ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: TL

TS Hưng cũng cho hay nhu cầu và sự thôi thúc cần xếp hạng trường đại học là cần thiết nhưng họ chờ đợi đã lâu chưa có một tổ chức nào làm việc này mà chỉ có phân tầng chung chung.

Được xem là nhóm xây dựng bảng xếp hạng đại học tổng thể đầu tiên tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho biết gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổng hợp dữ liệu. Chẳng hạn, mô hình đại học tại Việt Nam không thống nhất, các trường chuyên ngành và đa ngành có nhiều khác biệt, thiếu số liệu, hoặc có số liệu nhưng không đáng tin cậy và không cập nhật.

Các chuyên gia cũng lường trước các phản ứng trái chiều sau khi công bố kết quả này nhưng vẫn quyết tâm làm với mong muốn đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay. Góp phần tạo nên động lực cho các trường ĐH Việt Nam nhìn nhận lại mình và chuyển động.

Bảng xếp hạng đại học Việt Nam của nhóm nghiên cứu (nguồn Zing.vn):

Cơ sởgiáo dụcđại học Điểmxếp hạng tổng thế Vị trí xếp hạng
Tổng thể Nghiên cứu khoa học Giáo dục và đào tạo Cơ sở vật chất và quản trị
ĐH Quốc gia Hà Nội 85.3 1 2 1 1
ĐH Tôn Đức Thắng 72.0 2 1 5 24
Học viện Nông nghiệp Việt Nam 70.6 3 4 8 6
ĐH Đà Nẵng 68.7 4 6 4 18
ĐH Quốc gia TP.HCM 67.8 5 5 2 39
ĐH Cần Thơ 64.6 6 12 6 3
ĐH Bách khoa Hà Nội 64.1 7 7 11 25
ĐH Huế 62.2 8 14 3 15
ĐH Duy Tân 61.1 9 3 16 46
ĐH Sư phạm Hà Nội 60.4 10 9 13 20
ĐH Quy Nhơn 59.6 11 8 22 22
ĐH Mỏ - Địa chất 57.8 12 15 10 26
ĐH Sư phạm Hà Nội 2 56.9 13 10 34 4
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM 56.7 14 13 25 10
ĐH Lâm nghiệp 56.4 15 17 17 9
ĐH Thủy lợi 56.4 16 16 18 11
ĐH Thái Nguyên 54.2 17 20 7 34
ĐH Y - Dược TP.HCM 53.3 18 18 40 2
ĐH Xây dựng 52.9 19 27 9 23
ĐH Y Hà Nội 51.2 20 11 44 19
ĐH Vinh 50.4 21 24 15 30
ĐH Công nghiệp Hà Nội 50.2 22 19 23 37
ĐH Ngoại thương 47.3 23 25 35 17
ĐH Công nghiệp TP.HCM 46.1 24 21 20 48
ĐH Đà Lạt 45.9 25 28 37 12
ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội 45.7 26 26 12 49
ĐH Hàng hải 45.1 27 37 24 7
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông 44.1 28 23 28 45
ĐH Thương mại 43.4 29 41 14 5
ĐH Kinh tế Quốc dân 43.3 30 29 19 43
ĐH Kiến trúc TP.HCM 41.4 31 33 43 13
Trường ĐH Luật TP.HCM 41.3 32 34 45 8
ĐH Tây Nguyên 40.6 33 32 29 36
ĐH Kiến trúc Hà Nội 39.7 34 35 26 40
ĐH Dược Hà Nội 39.6 35 22 48 27
ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM 39.5 36 36 31 33
ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên 39.0 37 31 32 42
ĐH Hoa Sen 37.3 38 30 36 47
ĐH Hà Nội 36.6 39 40 41 16
Học viện Tài chính 36.0 40 44 27 14
ĐH Sư phạm TP.HCM 35.8 41 38 38 32
ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội 35.5 42 39 33 29
Học viện Báo chí và Tuyên truyền 29.7 43 49 21 31
ĐH Y - Dược Thái Bình 27.4 44 48 30 28
Học viện Ngoại giao 26.3 45 43 47 21
ĐH Luật Hà Nội 24.4 46 46 39 44
Học viện Ngân hàng 24.2 47 47 42 38
ĐH Văn hóa 23.7 48 45 46 35
ĐH Y - Dược Hải Phòng 23.2 49 42 49 41

Sáu thành viên chính tham gia dự án gồm: TS Lưu Quang Hưng (Melbourne, Úc); TS Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN, Việt Nam); TS Giáp Văn Dương (GiapGroup, Việt Nam); TS Ngô Đức Thế (Đại học Manchester, Anh quốc); ThS Trần Thanh Thủy (DEPOCEN, Việt Nam) và ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (Đại học Sư phạm TP HCM, Việt Nam).

Cố vấn và góp ý để hoàn thiện báo cáo là GS Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Úc), GS Lê Văn Cường (Đại học Paris 1, Pháp).

Yến Anh 

Theo Nld.com.vn

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.