Nét tuyệt mỹ không chỉ nằm ở bản thân các công trình kiến trúc, mà ở chỗ kiến trúc đã hòa trong khung cảnh, địa hình đặc thù khiến người xem bộ ảnh sẽ nghĩ rằng, các công trình đã thoát khỏi tính chức năng hay phô trương thẩm mỹ. Nói cách khác, thẩm mỹ hay chức năng công trình được đặt đúng nơi đúng chỗ, trong không gian chúng nhất thiết phải được tạo tác.
Tác giả của bộ ảnh là ai, ông ta đã thực hiện bộ sưu tập này như thế nào, từ nỗ lực cá nhân hay một chủ trương nào đó (?) tới nay người biên khảo chưa thể lần ra manh mối. Chưa có một kết quả tìm kiếm nào có thể chỉ ra được lai lịch bộ ảnh chi tiết hơn ngoài những thông tin “đơn sơ” mà người sưu tầm ghi cẩn thận trên góc một bức ảnh trong album này: “Ảnh dinh thự và biệt thự thuộc Phủ Tổng thống tại Đà Lạt, được chụp bởi nhiếp ảnh viên Phùng Văn Trực vào 1959”. Nhưng từ những ghi chú ngắn gọn của nhà sưu tầm, ta có thể lấy ngay cái mốc thời gian của năm 1959 để lần manh mối về sự ra đời của cuốn album.
1959 là năm mà chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm gần như hoàn thành hồ sơ và thực thi việc tịch thu tài sản của chế độ trước. Với Đà Lạt, thành phố thủ phủ của Hoàng triều cương thổ (tồn tại trong khoảng 1950 - 1954), là nơi đặt văn, võ phòng cùng nhiều dinh thự, tài sản của quốc trưởng Bảo Đại và bộ hạ, thì chính quyền ông Ngô Đình Diệm đã ra sức thâu tóm tài sản một cách hệ thống và quyết liệt khoảng từ 1954, sau khi lên nắm chính quyền mới.
Các dinh thự, biệt thự được chuyển quyền sở hữu Phủ Tổng thống. Chúng được đặt lại các tên mới. Điều này vừa là một sự thể hiện quyền lực của phe thắng cuộc trên bàn cờ chính trị vừa mang tính biểu tượng.
Ngoài ra, việc tịch thu các dinh thự, tài sản từ tay hoàng gia về cho chính phủ mới cũng không loại trừ một mục đích rất thực tế được ghi trong cuốn Thành tích năm năm hoạt động của Chánh phủ (Đệ-Ngũ Chu-Niên Chấp-Chánh của Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm; Ngày Quốc-Khánh 26.10.1959; Saigon 1959): “Chánh-phủ lại tăng thêm được Nguồn-Lợi cho ngân-sách bằng việc tịch-thu tài-sản của các bọn phiến-loạn cùng của Bảo-Đại và bộ-hạ”.
Có một sự việc cần dẫn ra như một xâu chuỗi thú vị, đó là một năm trước khi bộ ảnh trên được thực hiện, trên tờ Xây dựng mới (số 3, tháng 6.1958), do KTS. Võ Đức Diên làm thư ký tòa soạn có giới thiệu một chuyên đề về biệt thự Đà Lạt. Trong chuyên đề này, hình ảnh biệt thự, dinh thự Đà Lạt đa số là các tài sản của Hoàng triều cương thổ được chuyển hóa thành tài sản của Phủ Tổng thống.
Nhưng trong sự ồn ào của cuộc thâu đoạt tài sản của phe thắng cuộc đang diễn ra, ta lại thấy giới kiến trúc sư đã tìm được một điểm nhìn chừng mực về giá trị để tỏ bày cái nhìn có màu sắc lãng mạn khi cần nói về biệt thự, dinh thự Đà Lạt - di sản thời Pháp thuộc. Có thể trích dẫn một bài viết nhan đề Vài kiểu nhà đặc biệt của Đà Lạt:
“Dưới một nền trời trong sáng, và giữa khung cảnh hoa lá xanh tươi, những biệt thự hiện ra với những cửa kính bóng loáng mà bên trong là những rèm lụa, với đăng ten đủ mầu, ta cảm thấy sự sạch sẽ ấm cúng và sang trọng sau những khuôn cửa ấy.
Rất ít nhà làm cân đối, vừa bởi sự cân đối khiến nhàm mắt người ta, vừa bởi các kiến trúc sư đã phải theo địa hình mà nghiên cứu về những kiểu nhà riêng cho từng chỗ một.
Đây là chỗ phải chịu đựng ánh nắng, thì mái lệch đi cho ống khói lò sưởi nhô lên, với vài viên đá đặt hờ hững vào giữa mảng tường vôi.
Kia là những dây leo từ dưới mái bám vào tường, lửng lơ như tà áo của người thiếu nữ buông lơi, để lộ cái bao lơn màu đỏ chói, với những cửa kính sáng choang bên những màu tường đá nhàn nhạt xanh.
Kia là những cửa vòng cánh cung với giàn hoa tươi tốt trên một hành lang, để kín hở năm ba cánh cửa, như người nấp trong hoa lá chờ đón ý trung nhân”.
Đọc những mô tả đó, ta có cảm giác người viết đã cộng thêm nguồn cảm hứng của kẻ quan sát đến từ bên ngoài với tâm tình trân quý. Cái nhìn tưởng chừng bề mặt, nhưng được gợi mở bởi nhãn quan lãng mạn hóa, lý tưởng hóa để thấy bề sâu. Đà Lạt như một đối cảnh trong mắt kẻ si tình.
Và cũng dễ dàng nhận ra sự gặp gỡ của văn bản này với cách nhìn của nhiếp ảnh viên ghi lại bộ ảnh được nhắc đến đầu bài viết: cái nhìn đặt chi tiết vật lý của công trình vào trong đặc thù sinh thái, đặt kiến trúc vào trong địa hình và hệ thảo mộc tự nhiên.
Từ đây, ta lại nhận ra một điểm tương thông tinh thần đặc biệt của giới kiến trúc, nghệ sĩ miền Nam trong giai đoạn này với những kiến trúc sư người Pháp đã tạo ra các công trình kiến trúc, dinh thự ở Đà Lạt thập niên 1930 - 1940. Sự đa dạng về kiến trúc, sự hài hòa trong hình thái được nói một cách dường như khó có thể giản dị và có tình hơn:
“Mỗi nhà đã được làm theo một vẻ đẹp khác nhau. Dù là một từng, hai từng hay ba từng, dù là ngay diện đường hay còn lùi vào sau một hàng rào, hay ở trên lưng chừng núi... nhà nào cũng có một duyên dáng của nó.
Cái thì lộng lẫy. Cái thì đơn sơ. Cái thì nhũn nhặn. Nhưng cái nào cũng trang nhã dường như không thể thiếu được những bóng kiều thấp thoáng bên trong. Điểm lạ nhất, mà cũng là điểm đặc sắc nhất của nhà Đà Lạt, là đó. Những nhà này là của các cơ quan công quyền. Có khi là nhà của các tư nhân làm ăn ở Sài Gòn thỉnh thoảng lên chơi ít ngày. Có khi là để cho du khách thuê ở trong nhà một tháng khi không muốn vào khách sạn”.
Tác giả bài báo, lại là một bút danh được viết tắt là C.N. Không rõ là ai. Nhưng cũng như ta không thể biết được Phùng Văn Trực, nhiếp ảnh viên đã ghi lại bộ ảnh tuyệt vời là ai, thân thế và sự nghiệp thế nào, nhưng ta biết bằng cách chớp bắt khoảnh khắc những biệt thự sống động trong không gian của nó, thông qua những đặc tả có thể từ bên kia hàng rào. Có thể nói khó có thể “Đà Lạt” hơn. Và một điều đáng nói thêm ở đây: không có một bức ảnh nào có sự hiện diện của con người. Không có sự hiện diện nào của con người nơi những ngôi biệt thự đang thay tên đổi chủ, mà phía sau là một cuộc thay đổi trật tự chính trị.
Bộ ảnh này, phải chăng chúng được tạo nên từ chính một chủ trương hệ thống hình ảnh của cải tài sản chính phủ? Thế nhưng trong phận sự thực thi tốt đẹp cái nhiệm vụ của một nhiếp ảnh viên, công chức nhiếp ảnh được giao việc, tác giả bộ ảnh đã trình bày một cái nhìn nhất quán, ở đó, ý đồ về những công trình kiến trúc chỉ thực sự là kiến trúc khi nó thuộc về thiên nhiên, dung hòa với cảnh quan và nhất thiết phải vắng vẻ hoặc triệt tiêu những nhân dạng (nói ra có vẻ đi ngược với quan điểm thực dụng ngày nay, coi con người với bản ngã và tham vọng trương phình của nó là trung tâm của kiến trúc). Xem ra thật nghịch lý, khung cảnh hoàn mỹ được sinh ra từ con người, cho con người nhưng những gì trong khung cảnh hoàn mỹ đó sẽ tiêu biến và tha hóa khi con người trở thành những sở hữu chủ không ngừng quấy nhiễu.
Bản ngã vắng mặt cùng nhân dạng. Bộ ảnh cho thấy sự vĩnh cửu của những khoảnh khắc ngay cả khi trên thực tế chúng đã bị xô đổ, thay thế, cô lập, biến dạng và thiên nhiên, cảnh quan đã không còn là điều được lưu tâm.
Bằng những bức ảnh ghi lại các ngôi nhà, bộ sưu tập đã vĩnh cửu hóa những khoảnh khắc tươi đẹp bên trong và bên ngoài kiến trúc của Đà Lạt.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
_________________
(*) Bộ sưu tập của Nguyễn Thi.