Đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị và quy hoạch bán đảo Quảng An:

Xâm hại thô bạo vùng cảnh quan độc đáo, duy nhất của Hà Nội

 15:49 | Thứ sáu, 15/07/2022  0
Đồ án Quy hoạch chi tiết trung tâm bán đảo Quảng An đang lấy ý kiến cộng đồng có nhiều điểm sai về nguyên lý quy hoạch đô thị đương đại. Trong đó, đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị không chỉ là hành động chiếm dụng diện tích cây xanh mặt nước bình thường, mà còn là một hành động phá hoại bản sắc thành phố, xoá sổ cảm thức về nơi chốn của mọi người dân Hà Nội…

Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm bán đảo Quảng An của Hồ Tây (Hà Nội) do UBND Quận Tây Hồ tổ chức lập, trong đó đáng chú ý có đề xuất xây dựng một nhà hát trên Đầm Trị đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội với nhiều ý kiến bất đồng. Đồ án này hiện trong giai đoạn lấy ý kiến cộng đồng dân cư, dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 7 để chuyển sang giai đoạn hoàn tất đồ án.

Có lẽ, thời điểm này là cơ hội cuối cùng và chính đáng để tất cả chúng ta, mỗi người dân Hà Nội hay yêu Hà Nội cùng chia sẻ cách nhìn, quan điểm của mình, nhằm đóng góp cho thành phố, để Hà Nội ngày càng đáng sống hơn.

Đồ án Quy hoạch chi tiết trưng bày tại bán đảo Quảng An, phục vụ lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Sau một thời gian đáng kể thu thập và nghiên cứu các thông tin xung quanh sự việc nói trên, tôi thấy có hai khía cạnh cần được xem xét, phân tích và mổ xẻ đối với đồ án quy hoạch này: một là khía cạnh chuyên môn về quy hoạch và thiết kế đô thị; hai là khía cạnh pháp lý của toàn bộ quá trình lập quy hoạch các cấp độ cho đến việc đầu tư xây dựng các dự án cụ thể.

Trong bài viết này, tôi tập trung chia sẻ khía cạnh chuyên môn về quy hoạch và thiết kế đô thị. Khía cạnh pháp lý sẽ được bàn trong một bài viết khác.

Quy hoạch bán đảo Quảng An nhiều điểm sai về nguyên lý quy hoạch đô thị đương đại

Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm bán đảo Quảng An được lập trên cơ sở cụ thể hoá Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (phân khu A6) được phê duyệt theo Quyết định 4177/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội vào ngày 8.8.2014, và Điều chỉnh cục bộ phân khu A6 nói trên, được phê duyệt theo Quyết định 2078/QĐ-UBND ngày 10.5.2021.

Ý tưởng về nhà hát lớn trên Đầm Trị xuất hiện ở lần điều chỉnh cục bộ này, cùng với một số điều chỉnh tăng quy mô, tầng cao, mật độ đối với một số lô đất sát mặt hồ - tạo cơ sở cho dự án Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View do Tập đoàn Sun Group đầu tư xuất hiện ngay sát mép Hồ Tây, và các điều chỉnh mở rộng mặt cắt các đường giao thông trong khu vực để phù hợp với các điều chỉnh mới về sử dụng đất.

Hình ảnh nhà hát và khối cao ốc xuất hiện trong phương án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000. Vị trí khối cao ốc hiện là Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View. Ảnh: Đ.A


Sẽ là không công bằng khi phản biện Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 mà không xem xét, nghiên cứu Đồ án Quy hoạch Phân khu và phần điều chỉnh cục bộ của nó. Thực chất, Quy hoạch chi tiết 1/500 chỉ cụ thể hoá về mặt thiết kế các nội dung chính đã chốt ở Quy hoạch phân khu và phần đã điều chỉnh ở bước phân khu.

Tuy nhiên, mặc dù đã có quy định theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị về việc công khai thông tin các quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được đến nội dung cụ thể của Quyết định điều chỉnh cục bộ phân khu A6, khu vực Quảng An.  

Khi xem xét bản Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, có thể thấy đây là một bản quy hoạch rất vụng về, và có nhiều điểm sai về nguyên lý quy hoạch đô thị đương đại:

Trước tiên, cần phải khẳng định và nhấn mạnh bán đảo Quảng An là một địa điểm, một không gian mang tính biểu tượng và là một phần tạo nên bản sắc của Hà Nội. Vì vậy, khu vực này đòi hỏi một cách can thiệp quy hoạch đặc thù, không thể dập khuôn, quay cóp hay bắt chước ở nơi khác.

Được ôm trọn ba phía bởi mặt nước Hồ Tây, bán đảo Quảng An từ xa xưa và trong nhiều năm đã được bảo vệ khỏi những ồn ào bụi bặm của đô thị, tạo nên một vùng cảnh quan tĩnh lặng, trầm mặc, linh thiêng với mặt nước, cây xanh, làng xóm và những ngôi chùa, ngôi đền, ngôi phủ hàng trăm năm tuổi. Người Hà Nội có nếp văn hoá lên Phủ Tây Hồ cầu an xin phước vào những dịp lễ Tết, thưởng ngoạn cảnh quan nơi đây như tìm đến một vùng đất thiêng, thấm đẫm các tầng giá trị về lịch sử, văn hoá và danh thắng.

Bán đảo Quảng An với tất cả bối cảnh vốn có của nó đã là một "nơi chốn", một ĐỊA ĐIỂM DUY NHẤT (vì không có khu vực nào giống như thế tại Hà Nội) nên quy hoạch cho nó cũng phải là một quy hoạch xứng tầm, với các can thiệp “may - đo” cho địa điểm, và cũng phải là một QUY HOẠCH DUY NHẤT.

Bán đảo Quảng An với giá trị cảnh quan độc đáo ba phía là mặt nước Hồ Tây. Ảnh: T.A.T


Trong các lần nghiên cứu Quy hoạch chung thành phố Hà Nội, ý tưởng về một trục không gian tâm linh nối Hồ Tây, qua bán đảo Quảng An, vượt sông Hồng và kéo thẳng đến Cổ Loa là một ý tưởng độc đáo, nhưng cần phải hiểu rằng “trục” này là “trục tâm linh" và "trục trừu tượng", là “trục tinh thần” chứ không phải trục vật lý, trục thị giác; vì không có một đường kết nối vật lý trực tiếp nào có thể được thực hiện nối những địa điểm thiêng trên.

Thế nhưng, khi triển khai ý tưởng “trục” trên vào thực tế, những nhà quy hoạch đã ngây ngô “thọc” một trục không gian vật lý vừa to vừa thô gồm 2 trục đường mỗi bên 4 làn xe chạy song song, ở giữa có nhưng vườn hoa, tiểu cảnh thô thiển kiểu không gian đại lộ dành cho vua chúa Châu Âu thế kỷ 17, 18, từ đường đê Âu Cơ đi vào giữa lòng bán đảo.

Đây là một thủ pháp vụng về về thiết kế, thường thấy trong các đồ án của sinh viên quy hoạch năm đầu, khi họ mới chỉ hình dung quy hoạch là chuyển những thứ có vẻ lộn xộn thành ra vuông vắn trật tự. Nếu là các nhà quy hoạch có trình độ, họ sẽ hiểu được "trật tự" của sự lộn xộn để có can thiệp đúng đắn, vừa nâng cao chất lượng không gian, vừa duy trì được bản sắc của khu vực, đặc biệt là những khu vực lịch sử hay khu vực nhạy cảm về cảnh quan.

Bán đảo Quảng An với tất cả bối cảnh vốn có của nó đã là một "nơi chốn", một ĐỊA ĐIỂM DUY NHẤT (vì không có khu vực nào giống như thế tại Hà Nội) nên quy hoạch cho nó cũng phải là một quy hoạch xứng tầm, với các can thiệp “may - đo” cho địa điểm, và cũng phải là một QUY HOẠCH DUY NHẤT.

Xét riêng về ngôn ngữ thiết kế “trục không gian hoành tráng” đặt tại đây, ngoài việc không phù hợp với “bối cảnh tinh tế vốn có" thì còn không đúng với thủ pháp kinh điển về thiết kế trục hoành tráng. Chiều dài trục quá ngắn so với độ rộng chiều ngang, và nó không dẫn từ đâu tới đâu. Không có mở đầu, không có kết thúc bằng một yếu tố thị giác hay biểu tượng nào đáng kể. Vì vậy nó hoàn toàn không đạt về mặt thiết kế. Ở đây, vừa vận dụng thủ pháp sai (không hợp bối cảnh), vừa thiết kế sai thủ pháp.

Đoạn cuối của trục này được thiết kế là một đoạn phố đi bộ náo nhiệt kiểu lẩu thập cẩm các chức năng: trung tâm ẩm thực, phố bán đồ lưu niệm, không gian trưng bày nghệ thuật đương đại, nghệ thuật truyền thống, vui chơi giải trí ồn ào...  

Phố đi bộ này là một nhát cắt thô thiển tách rời hai công trình tâm linh cổ là Chùa Hoằng Ân và Chùa Phổ Linh (dẫu trước đây hai chùa này vốn vẫn tách nhau nhưng đều nằm gọn xinh trong không gian làng Quảng An yên tĩnh). Tạo ra các không gian văn hoá không phải là nhét tất cả các “món” văn hoá từ xô bồ đến tĩnh lặng vào một chỗ. Văn hoá đòi hỏi sự hiểu biết và tinh tế.

Kết thúc trục không gian đi bộ náo loạn này là khu vực Đầm Trị với 1/3 diện tích mặt nước hiện hữu được vẽ thành một Nhà hát Opera tầm cỡ Châu Á!

Về mặt nguyên lý tổ chức giao thông, trục chính đó sẽ thu hút và làm tăng nhu cầu giao thông cơ giới lưu lượng lớn đâm sâu vào bán đảo Quảng An. Do không thông phía cuối nên lượng giao thông này sẽ quanh quẩn trong bán đảo và đi sâu vào các đường làng ngõ xóm vốn dĩ nhỏ hẹp yên tĩnh, gây mất an toàn cho người dân, ô nhiễm tiếng ồn và không khí, phá huỷ hoàn toàn sự bình an linh thiêng vốn có của bán đảo.

Quy hoạch phục vụ ô tô và phương tiện cơ giới, cứng hoá đường bờ nước đều là những giải pháp quy hoạch lỗi thời trên thế giới, đã bộc lộ rất nhiều mặt trái và được thay thế bằng các nguyên lý quy hoạch đương đại, lấy môi trường và con người làm trọng tâm của các can thiệp. 

Cách tiếp cận mới này (giờ thực ra cũng không còn là mới mà đã trở nên phổ quát trên thế giới) là tối ưu, đặc biệt đối với các khu vực nhạy cảm về sinh thái, văn hoá và lịch sử như bán đảo Quảng An. Vậy mà điều tối ưu đó đã không hiện diện trong bản đồ án đang lấy ý kiến cộng đồng.

Ngoài ra, để mở trục đường này sẽ phải di dời giải toả lượng lớn dân cư hiện đang cư trú ở đây, "mở cửa" cho việc xây dựng các công trình cao tầng hai bên trục đường, tăng dân số và áp lực hạ tầng. Nếu đất hai bên đã được giao hết cho các chủ sử dụng thì nhà nước sẽ không thu được nguồn lợi nào đáng kể cho việc mở đường này, trong khi phải đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và khắc phục rất nhiều các vấn đề sẽ phát sinh sau này bằng tiền ngân sách.

Khu vực quy hoạch tuyến phố thương mại theo Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Các cao ốc đang xây dựng thuộc dự án Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View của Sun Group. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Thật trớ trêu và khôi hài, từ những năm 1990 Hà Nội đã có những tuyên bố về việc bảo vệ khu vực nội đô lịch sử, hạn chế xây nhà cao tầng trong khu vực trung tâm, giảm dân số vùng lõi để dân số tương xứng với năng lực hạ tầng của thành phố. Quan điểm này được khẳng định và lặp đi lặp lại trong tất cả các diễn ngôn về quy hoạch của Hà Nội suốt 30 năm qua, qua các lần điều chỉnh và mở rộng, trong cả các quyết định của Thủ tướng, trong Luật Thủ đô.

Thế nhưng, như một sự bất chấp luật lệ, người dân Hà Nội vẫn chứng kiến các cụm nhà cao tầng tiếp tục mọc lên dày đặc trong thành phố, kể cả ở những khu vực nhạy cảm nhất như trường hợp toà nhà 8B Lê Trực (trong khu trung tâm chính trị Ba Đình); hay chính Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View mới “mọc” lên thô thiển trong bán đảo Quảng An. Nó đi ngược hoàn toàn với các quy định trong Quyết định 4177/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 8.8.2014 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu A6 (Chúng tôi sẽ đề cập cụ thể hơn trong bài viết khác), và xâm hại thô bạo đến vùng cảnh quan độc đáo, duy nhất của Hà Nội.

Xây nhà hát trên Đầm Trị là hành động xoá sổ cảm thức về nơi chốn của người dân Hà Nội

Liên quan đến quy hoạch một Nhà hát Opera khoảng 1.600 chỗ ngồi tầm cỡ Châu Á trên diện tích khoảng 13.000m2 của Đầm Trị, ý tưởng này cũng có rất nhiều lỗi chuyên môn lớn xét về khía cạnh quy hoạch và thiết kế đô thị:

Vị trí Đầm Trị hoàn toàn bất lợi xét về mặt tiếp cận. Một công trình công cộng quy mô lớn mang tính biểu tượng của thành phố sẽ cần đặt ở vị trí cho phép tiếp cận dễ dàng, tiện lợi cho số đông, và số đông ở đây có thể lên đến hàng vạn người.

Hãy hình dung Nhà hát lớn Hà Nội hiện nay, với vị trí được cân nhắc một cách thông thái, đây không chỉ là nơi dành cho các hoạt động biểu diễn bên trong nhà hát. Không gian phía trước Nhà hát lớn tự nó là một sân khấu vĩ đại cho cuộc sống đô thị tuôn chảy ở mọi thời điểm, theo thời gian. Hàng ngày dòng xe dòng người qua đây, nhìn hình ảnh biểu tượng văn hoá của thành phố và cảm nghiệm ta đang ở trái tim thành phố. Vào các dịp lễ Tết, các buổi hoà nhạc ngoài trời, các sự kiện được tổ chức ở đây, cho phép hàng vạn trái tim hoà chung một nhịp…

Khu vực Đầm Trị, nơi quy hoạch sẽ xây một nhà hát trên đầm. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Quảng An, với một lối vào ra duy nhất sẽ là bùng nổ đến hỗn loạn về người và xe cộ vì nó không thể cho phép đón lượng người, lượng giao thông nhiều đến vậy. Việc đầu tư nhà hát tại một vị trí như thế là một sự lãng phí lớn trên mọi khía cạnh các cơ hội và nguồn lực của xã hội.

Một DỰ ÁN VĂN HÓA nếu không được nghiên cứu cẩn trọng từ ý tưởng, đến quy hoạch, đến thiết kế và khai thác hiệu quả vì mục đích văn hoá thì rất có thể lại là một DỰ ÁN PHẢN VĂN HÓA khi thay thế những nét văn hoá dung dị bản địa vốn có bằng những ý tưởng sáo rỗng, lai căng, vay mượn.

Khi chọn vị trí Đầm Trị, xét về mặt cảnh quan, có lẽ cả chủ đầu tư và chính quyền đã nghĩ rằng với vị trí này có thể “mọc” lên một nhà hát mỹ miều kiêu hãnh như Nhà hát con sò ở thành phố Sydney của nước Úc. Hơn một lần trên truyền thông người ta cũng đã nghe thấy ý tưởng như vậy được Tập đoàn Sun Group thông báo sẽ triển khai tại Quảng An.

Họ đã hoàn toàn nhầm lẫn, vì chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc. Nhà hát Opera Sydney nằm ở vị trí phô diễn 360% ra không gian vịnh Sydney và nằm trong một vùng đi bộ rộng lớn chạy từ khu vực The Rock (đối diện), qua Circular Key, đến Opera Sydney rồi nối với Royal Botanic Garden rộng lớn. Tất cả được kết nối và phục vụ hiệu quả bởi mạng lưới giao thông công cộng dày đặc gồm 6 tuyến tàu điện ngầm, 9 tuyến ferry (giao thông thuỷ công cộng), hàng chục tuyến bus và 2 tuyến tàu điện nhẹ chạy trên mặt đất (light train) mới xây dựng xong năm ngoái.

Hệ thống hạ tầng giao thông khổng lồ này đảm bảo cho việc tiếp cận Nhà hát con sò chủ yếu bằng giao thông công cộng kết hợp đi bộ trên các tuyến cảnh quan. Tất cả đường bờ nước ở khu vực vịnh Sydney đều là đường đi bộ và giao thông cơ giới bị đẩy ra vòng ngoài. Vì vậy nó tiếp nhận lượng khách khổng lồ hàng ngày mà không có sự bất tiện hay nguy hiểm nào do giao thông cơ giới gây ra.

Khu vực này cũng nằm ngay cạnh khu trung tâm CBD của Sydney và tạo ra một sự song hành, tương hỗ, bổ sung hoàn hảo về chức năng giữa khu tài chính thương mại và khu vực văn hoá tiện ích công cộng.

Nếu xem xét tất cả các yếu tố trên trong bối cảnh, Đầm Trị - Hồ Tây khác xa với vịnh Sydney, và đương nhiên Nhà hát Đầm Trị không thể tạo nên hiệu ứng như Nhà hát con sò.

Hệ thống hạ tầng giao thông rộng lớn đảm bảo cho việc tiếp cận Nhà hát Opera Sydney, chủ yếu bằng giao thông công cộng kết hợp đi bộ trên các tuyến cảnh quan. Ảnh: CTV

Phối cảnh công trình Nhà hát Opera được đề xuất xây trên Đầm Trị thuộc bán đảo Quảng An. Ảnh: TL


Về khía cạnh môi trường và sinh thái, nhà hát ngốn mất 1/3 diện tích cây xanh mặt nước Đầm Trị. Cây xanh mặt nước vốn đã quá khan hiếm ở Hà Nội. Đã bao nhiêu lần, chúng tôi nhấn mạnh thực tế diện tích cây xanh mặt nước của Hà Nội đã thấp đến mức báo động, chỉ khoảng 1m2/người, thấp hơn quy chuẩn Việt Nam là 7m2/người và chuẩn chung của thế giới là 9m2/người.

Thiếu không gian công cộng cây xanh mặt nước là một trong các nguyên nhân khiến sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng. Vậy mà thật ngạc nhiên, các đồ án do các cấp chính quyền lập rồi phê duyệt lại đề xuất tiếp tục bê tông hoá mặt nước vốn đã khan hiếm.

Mặt khác, theo Ủy ban Môi trường hồ quốc tế, Hồ Tây được xếp vào danh sách 500 hồ cần được bảo tồn trên thế giới (ILEC, 2009). Hồ thuộc hệ sinh thái đất ngập nước đô thị, có hệ động thực vật phong phú (ngày trước có nhiều chim sâm cầm sinh sống, nhưng bị truy cùng diệt tận nên nay đã không còn thấy sầm cầm ở Hồ Tây), và được coi là điển hình nhất của hệ sinh thái nước ngọt, nước đứng của đồng bằng Bắc Bộ.

Cần lưu ý rằng, Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của Hà Nội, vì vậy nó đóng vai trò trữ nước ngọt; điều tiết nước ngầm và chế độ thủy văn; tiếp nhận nước thải sinh hoạt; bảo vệ hệ sinh thái, và cân bằng tiểu khí hậu khu vực, đặc biệt là cơ chế điều hoà ngập ứng đô thị, tạo cảnh quan thoáng đãng, mát mẻ. 

Khi mùa khô đến, Hồ Tây giúp cung cấp nguồn nước tưới cho các làng trồng hoa cổ truyền quanh hồ như làng hoa Nghi Tầm, Nhật Tân, Quảng Bá... Chính vì khả năng điều hoà nước mưa lớn, mà khi các trận lụt lịch sử của Hà Nội, mức độ thiệt hại tài sản quanh khu vực Hồ Tây thấp hơn so với các khu vực khác.

Hồ Tây đã được Ủy ban Môi trường hồ quốc tế xếp vào danh sách 500 hồ cần được bảo tồn trên thế giới (ILEC, 2009). Ảnh: Tiến Tuấn


Nghiên cứu chỉ ra, những nơi ao hồ, đầm bị san lấp hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác thường trở thành những nơi xuất hiện nhiều điểm ngập lụt. Vì vậy, khi xây dựng quy hoạch, cần đặc biệt lưu ý đến các chức năng và giá trị sinh thái vô cùng quan trọng của Hồ Tây đối với thành phố, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Thêm nữa, vùng mặt nước Đầm Trị cũng là vùng có ý nghĩa biểu tượng và duy nhất. Những đầm sen ngát hương ở Quảng An, Quảng Bá... đã đi vào thơ ca nghệ thuật, và vẫn còn nguyên giá trị với người Hà Nội đương đại. Những buổi chụp hình cùng sen đã là một hoạt động văn hoá quần chúng đẹp đẽ, lãng mạn, rất tinh tế và rất Hà Nội.

Cho nên đây không chỉ là hành động chiếm dụng diện tích cây xanh mặt nước bình thường, mà còn là một hành động phá hoại bản sắc thành phố, xoá sổ cảm thức về nơi chốn của mọi người dân Hà Nội.

Ngoài ra, khi cứng hoá một không gian thiên nhiên, là ảnh hưởng tổng thể đến hệ sinh thái, đến sự đa dạng sinh học muôn loài ở Hồ Tây nói chung, và Đầm Trị nói riêng. Điều mà một quy hoạch của chính quyền - phải tiên phong về các nhận thức môi trường và sinh thái, không thể được phép phạm phải.

Đầm Trị nhìn từ đường Đặng Thai Mai, nơi đây vốn là đầm sen nổi tiếng nằm trong quần thể thiên nhiên của Hồ Tây. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Về khía cạnh văn hoá - xã hội, đã không có bất cứ thông tin nào được công bố về cách đánh giá tác động môi trường và xã hội đối với bản quy hoạch này: Bao nhiêu quần cư truyền thống ở vùng Quảng An bị xoá sổ và xáo trộn? Bao nhiêu người dân đang sở hữu hợp pháp nhà đất ở đây sẽ mất nhà mất vườn, mất sinh kế và buộc phải rời bỏ mảnh đất tổ tiên để lại một cách miễn cưỡng?

Đã có cuộc khảo sát ý kiến của mọi người dân ở đây và thống kê tỷ lệ ủng hộ hay phản đối như thế nào chưa? Những không gian tôn giáo tâm linh ở đây sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Các không gian nặng tính vật chất thương mại tiêu dùng ồn ào sẽ tàn phá và làm băng hoại các không gian tâm linh truyền thống ở đây như thế nào?...

Một DỰ ÁN VĂN HOÁ, nếu không thực sự được nghiên cứu cẩn trọng từ ý tưởng, đến quy hoạch, đến thiết kế và khai thác hiệu quả vì mục đích văn hoá (chứ không phải nhân danh văn hoá để thu lời) thì rất có thể lại là một DỰ ÁN PHẢN VĂN HOÁ khi thay thế những nét văn hoá dung dị bản địa vốn có bằng những ý tưởng sáo rỗng, lai căng, vay mượn. Không thể nhân danh văn hoá để xoá bỏ văn hoá đích thực mà chúng ta đã có.

Một số nhà dân trong khu vực gần Đầm Trị treo băng rôn phản đối dự án nhà hát. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Suốt hơn 20 năm qua, Hồ Tây và đặc biệt là bán đảo Quảng An đã bị xâm hại quá nhiều bởi làn sóng đầu tư và chiếm hữu mặt hồ. Quy luật thị trường đương nhiên có những mặt trái của nó, và vai trò quản lý Nhà nước thông qua Quy hoạch và Quản lý việc thực hiện quy hoạch phải là “quyền trượng” để ngăn chặn và hạn chế tất cả những mặt trái của thị trường, đảm bảo các giá trị tốt đẹp, bền vững cho toàn thể.

Thế nhưng, đọc các bản quy hoạch, các kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, người dân thấy rằng chúng có quá nhiều vấn đề. Các khía cạnh văn hoá, môi trường và xã hội đích thực đã bị xem nhẹ, thay vào đó là những diễn ngôn màu mè, sáo rỗng. 

Quy hoạch liệu có đang "dọn đường", và hợp thức hoá cho các thế lực thị trường mở rộng sự xâm hại ngày càng thô bạo hơn đến vùng cảnh quan độc đáo, duy nhất, cần phải bảo vệ này của Hà Nội?

Phạm Kiều Anh


(*) Tác giả là phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư; có thâm niên hơn 20 năm làm công tác chuyên môn và quản lý

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.