Tài nguyên đất và nước trên thế giới đang bị khai thác ở mức “chưa từng có”, một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cảnh báo, kết hợp với biến đổi khí hậu đang gây áp lực nghiêm trọng lên khả năng tự nuôi sống của nhân loại.
Báo cáo do hơn 100 chuyên gia từ 52 quốc gia chuẩn bị và được công bố dưới dạng tóm tắt tại Geneva, cho thấy rằng cánh cửa để giải quyết mối đe dọa đang đóng lại nhanh chóng. Theo báo cáo, khoảng nửa tỷ người đã sống ở những nơi biến thành sa mạc và đất đang bị mất đi nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với quá trình hình thành.
Biến đổi khí hậu còn đe dọa nặng nề hơn viễn cảnh nhiệt độ hành tinh tăng 1,5 độ C so với mức trước công nghiệp, vì lũ lụt, hạn hán, bão và các loại thời tiết khắc nghiệt khác làm gián đoạn canh tác. Theo thời gian, nguồn cung lương thực toàn cầu sẽ bị thu hẹp.
Hiện tại, hơn 10% dân số thế giới vẫn thiếu dinh dưỡng.
Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng là một trong những động lực chính đằng sau sự bùng phát trở lại của nạn đói và nhiều dạng suy dinh dưỡng. Ảnh: World Vision
Những thay đổi này có nguy cơ vượt quá khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp.
Trong một số trường hợp, báo cáo cho biết, khí hậu thay đổi đang thúc đẩy sản xuất lương thực. Ví dụ, nhiệt độ ấm hơn có nghĩa là năng suất sẽ lớn hơn đối với một số loại cây trồng ở vĩ độ cao hơn. Nhưng nhìn chung, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực vì sản lượng giảm và đất bị mất do xói mòn, sa mạc hóa và nước biển dâng, cùng nhiều ảnh hưởng khác.
Aditi Sen, cố vấn chính sách cấp cao về biến đổi khí hậu tại Oxfam America, cho biết: “Bạn sắp đạt đến điểm cực hạn với đất đai và chính khả năng trồng lương thực, cũng như duy trì sự sống của cây cối.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế dự báo rằng vào năm 2050, các vùng đất trồng trọt thích hợp cho bốn loại nông phẩm hàng đầu - ngô, khoai tây, gạo và lúa mì - sẽ thay đổi, trong một số trường hợp, thúc đẩy nông nghiệp theo cách mới. Ảnh: National Geographic
Madagascar là nơi đầu tiên trên thế giới đang trải qua nạn đói hoàn toàn do biến đổi khí hậu gây ra. Trong lịch sử, nạn đói được tạo ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố như sâu bệnh, thiên tai, xung đột con người và tham nhũng chính trị. Nhưng Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo khác nói rằng đây là nạn đói đầu tiên chỉ được tạo ra do tác động của phát thải khí nhà kính.
Đây dường như là một điều bất công kỳ lạ vì quốc gia này đóng góp ít hơn 0,01% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Do đó thực tế là người Madagasca đang trở thành nạn nhân chính của biến đổi khí hậu.
Báo cáo từ những người có mặt tại Grand Sud cho biết tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức nào. Beasley cho biết: “Các gia đình đã sống nhờ những quả xương rồng đỏ, lá dại và cào cào trong nhiều tháng nay”.
Madagascar bên bờ vực của nạn đói do biến đổi khí hậu gây ra. Ảnh: BBC
Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi biến đổi khí hậu làm cho nông nghiệp trở nên khó khăn hơn, thì bản thân nông nghiệp cũng đang góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Báo cáo cho biết, các hoạt động như khai thác các vùng đất ngập nước - ví dụ như đã xảy ra ở Indonesia và Malaysia để tạo ra các đồn điền trồng dầu cọ - đặc biệt gây thiệt hại. Khi thoát nước, các vùng đất than bùn, nơi lưu trữ từ 530 đến 694 tỷ tấn carbon dioxide trên toàn cầu, giải phóng carbon dioxide đó trở lại bầu khí quyển. Điôxít cacbon là một loại khí nhà kính lớn, giữ nhiệt của mặt trời và làm hành tinh nóng lên. Cứ 2,5 mẫu đất than bùn thải ra lượng carbon dioxide tương đương với việc đốt cháy 6.000 gallon xăng.
Tương tự như vậy, gia súc là những "nhà sản xuất" đáng kể khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh khác, và sự gia tăng nhu cầu toàn cầu về thịt bò và các loại thịt khác đã thúc đẩy số lượng của chúng và gia tăng nạn phá rừng ở các hệ thống rừng quan trọng như Amazon.
Kể từ năm 1961, phát thải khí mê-tan từ gia súc nhai lại, bao gồm bò cũng như cừu, trâu và dê, đã tăng lên đáng kể. Và mỗi năm, lượng đất rừng bị phá - phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu đất đồng cỏ cho gia súc - thải ra lượng khí thải tương đương với việc lái 600 triệu chiếc ô tô.
Chợ gia súc tại Lagos, Nigeria. Ảnh: New York Times
Nhưng việc bảo vệ nguồn cung cấp lương thực và cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng có thể mâu thuẫn với nhau, buộc phải có những lựa chọn khó khăn.
Ví dụ, việc sử dụng rộng rãi các chiến lược như năng lượng sinh học - như trồng ngô để sản xuất ethanol - có thể dẫn đến việc hình thành các sa mạc mới hoặc suy thoái đất khác. Điều này cũng đúng với việc trồng một số lượng lớn cây xanh (một thứ thường được coi là một chiến lược mạnh mẽ để kéo carbon dioxide ra khỏi khí quyển), điều này có thể đẩy cây trồng và vật nuôi lên vùng đất kém năng suất hơn.
Theo Pamela McElwee, giáo sư sinh thái học tại Đại học Rutgers và là một trong những tác giả chính của báo cáo, trồng càng nhiều cây càng tốt sẽ làm giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển khoảng 9 gigaton mỗi năm. Nhưng nó cũng sẽ làm tăng giá thực phẩm lên tới 80% vào năm 2050.
Việc ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C có thể đòi hỏi cả việc trồng cây rộng rãi cũng như nguồn năng lượng sinh học “đáng kể” để giúp giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Và nếu nhiệt độ tăng cao hơn thế, áp lực sản xuất lương thực cũng sẽ tăng theo, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Biển bạt nhựa” tại Almeria, Tây Ban Nha. Ảnh: iresiduo.com
Tại vùng Almeria, Tây Ban Nha, dưới biển bạt nhựa này là vườn rau lớn nhất châu Âu. Được tưới nhân tạo, trồng để xuất khẩu. Hàng triệu tấn cà chua, ớt, dưa chuột và các loại khác được vận chuyển từ đây, chủ yếu đến Đức.
Nhưng thâm canh cũng có giá của nó. Thuốc trừ sâu và phân bón góp phần dẫn đến thực tế hầu như không có thứ gì phát triển được bên ngoài nhà kính. Và những người nông dân trồng rau ở Tây Ban Nha đang chịu cảnh cạn kiệt nước. Toàn bộ khu vực đang khô cạn.
Ngành nông nghiệp sử dụng lượng nước gần gấp bảy lần so tổng lượng nước sinh hoạt ở Tây Ban Nha. Việc sử dụng nguồn tài nguyên của trái đất như vậy có thể gây ra thiệt hại nặng nề.
Theo EU, khoảng 1/4 các tầng chứa nước của nước này đang bị khai thác quá mức.
Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán tại Almeria. Ảnh: Megatrend Investments
Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) là cơ quan của Liên Hợp Quốc để đánh giá khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. Được thành lập vào năm 1988 bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mục tiêu của IPCC là cung cấp cho chính phủ các cấp thông tin khoa học mà họ có thể sử dụng để phát triển các chính sách khí hậu.
Các báo cáo của IPCC cũng là đầu vào quan trọng trong các cuộc đàm phán Quốc tế về biến đổi khí hậu.
Còn tiếp...
Phương Linh
_______________
Tư liệu tham khảo:
1. The New York Times - Climate Change Threatens the World’s Food Supply, United Nations Warns
2. National Geographic - 5 Ways Climate Change Will Affect You- Crop Changes
3. IFLScience - Madagascar Is Experiencing The World’s First Famine Caused Entirely By Climate Change
4. DW Documentary - When food becomes scarce