Từ thảm họa cháy chung cư mini ở Hà Nội: Cần tư duy và phương pháp mới quản trị an toàn đô thị

 21:48 | Thứ năm, 05/10/2023  0
Sau vụ cháy thảm khốc tại chung cư mini ở Hà Nội, ngày 12.9 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thị sát hiện trường và ngay sau đó yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, quy chế phòng cháy, chữa cháy với các chung cư mini, các khu vực đông dân cư nhưng đường giao thông chật hẹp.

Trong các năm qua cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy trên cả nước làm thiệt mạng nhiều người, gây chấn động xã hội. Từ góc độ nghiên cứu pháp luật và thể chế, Người Đô Thị phỏng vấn luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Sau vụ cháy mới nhất, nhiều ý kiến đặt ra là cần phải loại bỏ chung cư mini cho dù loại hình này có quy định tại các văn bản pháp lý của Nhà nước (cũng cần nói thêm chung cư vừa bị cháy có nhiều sai phạm trong xây dựng và an toàn phòng cháy chữa cháy mà vẫn được vận hành từ 2015). Theo ông, quan điểm như trên có phù hợp hay không?

LS. Nguyễn Tiến Lập. Ảnh: CTV

Trước hết, về mặt chính thống theo quy định pháp luật, tên gọi “chung cư mini” hay “chung cư nhỏ” được hiểu là các bất động sản có đất thuộc sở hữu cá nhân, trên đó xây dựng nhà nhiều tầng với mục đích cho thuê hay bán cho các cá nhân, hộ gia đình sử dụng. Việc xây dựng nhà khá đơn giản vì thuộc diện cấp phép cho nhà đơn lẻ, ở thành phố chỉ cần thông qua cấp quận, không cần lập dự án theo quy trình của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Xây dựng.

Tuy nhiên, các công trình đó về cơ bản được xây dựng và đưa vào kinh doanh hợp pháp, được các quy định của pháp luật điều chỉnh, gồm cả Luật Nhà ở. Mà đã hợp pháp cả về mặt tài sản và quyền kinh doanh thì không thể loại bỏ được, đó là chưa nói tới nhu cầu lớn trong xã hội về nhà ở và việc bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân, đặc biệt đối với nhóm đa số là người lao động có thu nhập thấp. Ý tôi muốn nhấn mạnh tới vai trò, tác dụng lớn và còn lâu dài cũng như phù hợp với chủ trương chính sách của loại hình chung cư mini trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM từ góc độ “nhà ở xã hội”. 

Vấn đề nóng đặt ra vì vậy không phải là chính sách chung mà là các biện pháp quản lý về an toàn cháy nổ của chung cư mini thế nào! Vấn đề này “nóng”, theo tôi không phải vì mới có vụ cháy với hậu quả rất đau thương mà chính là nếu không quản lý được yếu tố an toàn thì với tình trạng phát triển rầm rộ, tự phát như vừa qua, rất có thể chung cư mini sẽ trở thành các “quả bom nổ chậm” len lỏi vào tận ngóc ngách ở trung tâm các thành phố lớn.

Dư luận đã thức tỉnh nhưng tôi vẫn thấy sự bàn luận khá hẹp, chủ yếu xoay quanh các thủ tục hành chính về cấp phép khi xây dựng, hoàn công đưa vào hoạt động của các tòa nhà, hay liệu rằng có gì sai phạm cũng như buông lỏng, tiêu cực trong quản lý? Trong khi đó, quản lý an toàn một công trình nhà ở vốn là vấn đề hàng ngày, thường xuyên và lâu dài, gắn với suốt quãng đời sử dụng, vận hành nó, cho mục đích bảo đảm an ninh và phục vụ lợi ích của tất cả các đối tượng có liên quan, bao gồm người sử dụng, chủ đầu tư và sở hữu, người quản lý vận hành, cộng đồng xung quanh và chính quyền sở tại.   

Xét trên quan điểm như vậy, cái chúng ta đang bàn luận, nếu chỉ là vấn đề các giấy phép của chính quyền, sẽ dẫn đến kết quả cao nhất là tìm được thủ phạm và quy trách nhiệm, giúp giải tỏa bức xúc dư luận cho một vụ việc cụ thể nhưng rất khó để tìm ra giải pháp quản lý tổng thể cho chung cư mini. 
  
Đúng là nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, nhất là những người có thu nhập thấp. Thời gian qua, loại hình được gọi là chung cư mini cũng góp phần giải quyết phần nào nhu cầu đó. Tuy nhiên, khi ứng xử với các vấn đề phát sinh, dường như vẫn có sự lúng túng, bao gồm cả phía cơ quan chính quyền. Vậy theo ông cần thiết lập hành lang pháp lý như thế nào cho loại hình nhà ở này?

Như tôi đã nói, trên thực tế chúng ta đã có tất cả các quy định pháp luật liên quan đến chung cư mini, xét từ khái niệm đó là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ sử dụng riêng. Tuy nhiên, tại sao dư luận vẫn cho rằng chưa đủ hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản đặc thù này? Lý do, theo tôi là về kỹ thuật lập pháp, chúng ta đi theo xu hướng làm các đạo luật lớn, tổng thể với các quy định chung mang tính nguyên tắc và bao trùm cho cả một lĩnh vực.

 Chung cư mini số 37 ngõ 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12.9 đã xảy ra cháy khiến 56 người chết và hàng chục người bị thương. Ảnh CTV


Chẳng hạn, mặc dù đã có Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, và trên tất cả là bộ Luật Dân sự nhưng chúng ta lại có Luật Kinh doanh bất động sản, song hành với Luật Nhà ở, trong đó có nhiều quy định thực ra đã có ở tất cả các luật trên. Tiếp đó, bởi bị neo vào cả tư duy và cơ chế quản lý hành chính theo ngành dọc, mỗi luật lại do một “cơ quan chủ quản” là các bộ phụ trách, dẫn đến khi có một sự vụ xảy ra thì phải bàn thảo xem luật nào áp dụng và bộ, ngành nào, cấp nào phụ trách, chịu trách nhiệm?

Về vấn đề này, kinh nghiệm chung ở các nước như tôi thấy, ngay cả trong hệ thống luật dân sự của châu Âu thì họ lấy vài bộ luật lớn như Luật Dân sự và Luật Thương mại làm nền tảng, còn lại sẽ ban hành các luật đơn hành theo nhu cầu thực tế. Chẳng hạn chúng ta có Luật Đất đai rất đồ sộ, chi phối mọi lĩnh vực liên quan đến đất, làm cho cả khi xây dựng lẫn khi sửa đổi đều rất khó khăn do động chạm đến nhiều luật khác. Các nước không làm như vậy, họ không có Luật Đất đai mà chỉ có các luật cụ thể điều chỉnh những vấn đề cụ thể, thiết thực phát sinh như thu hồi và đền bù thiệt hại về đất hay quyền đối với tài sản, tài nguyên trong lòng đất...

Nói như vậy là tôi cho rằng không cần ban hành thêm bất cứ luật nào mới và thêm nữa về chung cư mini, mà nếu cần hãy có thêm các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết trên nền tảng các văn bản luật sẵn có. Tuy nhiên, đối với các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật và nhóm đối tượng liên quan khác, cũng theo thông lệ các nước, chúng ta rất cần có các tài liệu hướng dẫn như sổ tay thực hành, được biên soạn bởi các chuyên gia và luật sư cho từng lĩnh vực, dựa trên các quy định của pháp luật và thực tiễn cuộc sống. Nó giúp cho việc nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng và tuân thủ pháp luật trong đời sống hàng ngày của mọi người, trong đó có nhóm đối tượng liên quan đến chung cư mini.  

Thời gian qua, quá trình rà soát, kiểm tra phát hiện nhiều công trình, cơ sở chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng chống cháy nổ theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, buộc phải tạm dừng hoạt động, làm gián đoạn hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh. Đây là một thực tế khác gây ách tắc, khó khăn cho xã hội. Quan điểm của ông về mặt quản lý, cần có sự đổi mới tư duy và hành động thế nào để vừa đảm bảo an toàn lại vừa thông suốt cho các hoạt động kinh doanh?

Thực ra, đó là điều chính mà tôi muốn trao đổi và gửi gắm qua cuộc phỏng vấn này. Bởi nếu không có tư duy và phương pháp luận đổi mới, thích hợp gắn với bối cảnh thực tiễn của kinh tế thị trường thì dù có huy động thành công “cả hệ thống” vào cuộc để giải quyết các sự vụ, sự cố phát sinh như cháy chung cư mini thì vẫn không đạt hiệu quả mong muốn. Đã từng sống và làm việc ở các nước phát triển, tôi thấy họ có một kinh nghiệm rất hay và có ích. Đó là khi xử lý các vấn đề hay lĩnh vực rủi ro cao, trước hết cần dựa vào và khai thác các lực lượng, nguồn lực của thị trường.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, TP.HCM hiện có 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu “chung cư mini”, trong khi đó con số này ở Hà Nội là 2.000.

Trong trường hợp này, tôi muốn nói tới ngành bảo hiểm cháy nổ các công trình và tòa nhà nói chung, trong đó có chung cư mini. Trên thực tế, chúng ta đã có ngành nghề này và cả các quy định pháp lý về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với một số đối tượng công trình, bao gồm cả nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đô thị. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ dường như mọi người vẫn nhìn nhận bảo hiểm là một lĩnh vực kinh doanh và thực hiện quyền dân sự hơn là sử dụng nó như một thiết chế quản lý xã hội. 

Cũng là quy luật tự nhiên và nhu cầu thực tế, giả sử rằng tất cả các tòa chung cư mini đều có bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì ai sẽ là người quan tâm đến vấn đề phòng ngừa cháy nổ nó trước tiên, nếu không phải chính các công ty bảo hiểm? Chính vì động cơ và tâm lý lo cho sự an toàn để không thua lỗ, phá sản của mình, chắc chắn các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ phải bằng mọi cách chăm sóc đến các biện pháp bảo đảm an toàn các tòa nhà và đưa nó vào các nội dung, điều kiện bắt buộc của hợp đồng bảo hiểm rủi ro.

Xin thưa rằng, bảo đảm an toàn trong sử dụng, vận hành tòa nhà là các công việc và ứng xử hàng ngày của các chủ thể liên quan, mà không phải các hành vi cao điểm hay chiến dịch hành động nhất thời. Đó còn là một vấn đề có tính phức hợp, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và chi phí vật chất mà không thể trông cậy hoàn toàn cho chức năng quản lý hành chính của cơ quan chính quyền. Bởi ngoài thẩm quyền cấp phép, thanh tra kiểm tra và xử phạt khi hậu quả phát sinh thì các cơ quan ấy có thể làm gì, nhất là một khi cả về kinh phí, biên chế nhân sự lẫn năng lực chuyên môn đều có giới hạn, chưa nói tới tình trạng tắc trách và tham nhũng, tiêu cực?

Cho nên, về nguyên lý cũng phù hợp với chủ trương chung gọi là “xã hội hóa”, huy động toàn dân vào cuộc, tôi cho rằng cần có tư duy quản lý xã hội mới. Đó chính là sự phối hợp, kết hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong xử lý các vấn đề có tính nhạy cảm, gây tác động lớn.

Một chung cư mini ở Hà Nội. Ảnh: CTV


Chẳng hạn trong vụ cháy chung cư mini thảm khốc vừa qua ở Hà Nội, nếu có hợp đồng bảo hiểm cháy nổ và sự phối hợp, kết hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, công ty bảo hiểm và ban quản lý tòa nhà thì chắc chắn không thể xảy ra các hiện tượng bất thường như: còi báo cháy không kêu, chủ xe máy tự ý sạc điện ngay ở ổ cắm tầng hầm, ông bảo vệ lúng túng không biết chữa cháy thế nào, các nạn nhân hành xử thiếu kỹ năng cơ bản trong hoảng loạn… Và nếu các việc đó được xử lý tốt thì có lẽ đã không có tai họa đáng tiếc như vừa rồi.  

Tôi muốn nói thêm là cơ chế quản trị an toàn đó đã là điều kiện sẵn có rồi và không khó thực thi, vấn đề là thiếu tư duy thích hợp để triển khai nó mà thôi.

Mặc dù chúng ta tập trung vào quản lý an toàn cháy nổ nhưng nhìn tổng quan vấn đề phát triển, vận hành chung cư mini thì ông có ý kiến hay khuyến nghị chính sách gì thêm về loại hình nhà ở này?

Thực ra bàn vấn đề này là chúng ta đang nói đến phạm trù quản trị đô thị vì an ninh và hạnh phúc con người. Đó là vấn đề lớn và phức tạp nhưng quan trọng nhất là cần bắt đầu hành động. Vì sẽ là câu chuyện dài nên trong khuôn khổ một bài báo, tôi chỉ xin nêu ra hai khía cạnh.

Trước hết là khắc phục các sai lầm trong quy hoạch, theo đó các cơ quan quản lý cần tư duy theo nhu cầu và lợi ích, cả sở thích và thói quen của người dân. Người ta không thể đơn giản dùng biện pháp cấm đoán hay ép buộc để con người không dồn về sống tập trung đông đúc ở trung tâm các đô thị bất chấp nhu cầu của họ, cho dù nó gây quá tải và mất an toàn. Nhưng để hạn chế, chúng ta có thể quy hoạch giao thông tốt để người dân có thể sống ở bên ngoài, trong các đô thị vệ tinh vẫn dễ dàng di chuyển vào trung tâm làm việc, kinh doanh và vui chơi, giải trí, từ đó làm giãn mật độ sinh sống ở đó, tránh chen chúc chật chội như hiện nay, dẫn đến khi có cháy nổ thì phương tiện cứu hỏa, cứu hộ không vào được.

Thứ hai, như tôi đã nêu trước đó, cần có một tư duy khác và mới về quản trị công cũng như quản trị xã hội, trong đó bao gồm quản trị đô thị, theo hướng không phải “xã hội hóa” về nguồn lực đóng góp tài chính mà là cơ chế phối hợp, kết hợp về hành động giữa các đối tượng có liên quan. Ở đây là bộ ba chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Cách tiếp cận mới này đã được quốc tế khái niệm hóa là “stakeholder society”, và đó chính là quá trình dân chủ hóa trong đời sống hàng ngày. 

Duy Thông thực hiện 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.