Đề xuất 9 phân khu đô thị để tái thiết Đà Lạt là 'rừng trong phố - phố trong rừng'

 17:06 | Thứ hai, 04/03/2024  0
Định hướng quy hoạch công viên chuyên đề tại khu vực Đồi Cù, bổ sung chức năng đỗ xe ngầm và dịch vụ nhằm giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm hiện hữu. Xác lập không gian Đồi Cù trở thành điểm cao và là nền cảnh quan của khu vực. Hạn chế xây dựng phá vỡ không gian cảnh quan…

Tòa nhà câu lạc bộ golf trong Đồi Cù Đà Lạt không chỉ là cụm công trình sai phép và không phép, mà còn sai quy hoạch khi chắn núi Langbiang, biểu tượng Đà Lạt - cao nguyên Lâm Viên, theo hướng nhìn từ hồ Xuân Hương. UBND tỉnh Lâm Đồng đã gia hạn thời gian Sở Xây dựng báo cáo đề xuất việc xử lý sai phạm tòa nhà này đến ngày 29.2 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ảnh: Khánh Hương


Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Phạm vi lập điều chỉnh tổng thể bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, một phần huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà). Hiện đồ án đã được niêm yết tại một số địa phương và lấy ý kiến đến ngày 22.3.2024.

Thuyết minh tổng hợp điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 cho biết, Quyết định số 704 ngày 12.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định không gian bên trong đô thị là không gian cây xanh cảnh quan nhằm tái thiết hình ảnh đô thị “rừng trong phố - phố trong rừng”.

Tuy nhiên phương án quy hoạch này gặp phải một số vấn đề: Quy hoạch hạn chế sự phát triển mở rộng của thành phố Đà Lạt; Mức độ đô thị hoá thực tế quá nhanh, hơn 90%, dẫn tới sự phát triển của mô hình đô thị nén. Từ đó không thể thực hiện mô hình “rừng trong phố - phố trong rừng”.

Cũng theo thuyết minh tổng hợp, mô hình “rừng trong phố - phố trong rừng” bắt nguồn từ cấu trúc đô thị nghỉ dưỡng và thành phố vườn đã được định hình từ những bản quy hoạch đầu thế kỷ 19 với định hướng quy hoạch đô thị gắn với cảnh quan và tạo ra những không gian ở mật độ thấp.

Mô hình hiện nay do định hướng quy hoạch của đồ án quy hoạch chung 704 tập trung phát triển đô thị lõi và hạn chế phát triển tại những vùng đệm, dẫn tới phát triển tự phát và không thể tạo lập cấu trúc “rừng trong phố - phố trong rừng” như ý tưởng đề cập.

Dự thảo đồ án quy hoạch đề xuất định hướng mở rộng công viên Yersin (ảnh trên: Trần Mai Hưởng) gắn với hồ lắng phía đường Trần Quốc Toản và Yersin, kết nối với ga Đà Lạt (ảnh dưới: Giang Huy) với hệ thống kênh nước và mở rộng về phía đường Trần Hưng Đạo, nhằm kết nối trục di sản Đông Tây với trục cảnh quan chính của đô thị


Từ cơ sở đánh giá trên, dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 đề xuất định hướng phát triển không gian đô thị kế thừa định hướng phát triển Đà Lạt theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, địa hình và hệ thống công viên cây xanh.

Theo đó, đề xuất tổ chức không gian đô thị thành phố Đà Lạt với 3 phân vùng phát triển: Vùng lõi đô thị (gồm: phân khu đô thị lịch sử, phân khu đô thị phía Đông, phân khu đô thị phía Bắc, phân khu đô thị phía Tây); Vùng đệm sinh thái (gồm: phân khu du lịch sinh thái chất lượng cao, phân khu nông nghiệp sinh thái phía Đông, khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, khu đô thị xanh Lạc Dương); Vùng bảo tồn sinh thái (khu vực bảo tồn sinh quyển vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà).

“Các phân khu đô thị sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong định hướng phát triển và là nền tảng cho các dự án quy hoạch chi tiết được triển khai trong các bước kế tiếp nhằm phát triển thành phố Đà Lạt trở thành một đô thị với đặc trưng “rừng trong phố - phố trong rừng”, thuyết minh tổng hợp cho biết.

Phân khu 1: Phân khu đô thị lịch sử

Quy mô dân số đến 2035 là 79.000 người, đến 2045: 90.000 người. Diện tích 1.708 ha.

Tính chất phân khu: Kế thừa các định hướng phát triển không gian là trung tâm hành chính - chính trị cấp thành phố và cấp tỉnh, trung tâm thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp, trung tâm du lịch văn hoá, di sản cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp vùng và quốc tế, trung tâm bảo tồn không gian cảnh quan - không gian mở - không gian kiến trúc đô thị, trung tâm giáo dục - đào tạo cấp thành phố và cấp vùng.

Đề xuất điều chỉnh trung tâm hành chính - chính trị cấp tỉnh về phía Đức Trọng theo định hướng của quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Định hướng phát triển không gian: Kế thừa định hướng tạo lập trục di sản Đông Tây và tái tạo trục cảnh quan sông Cam Ly nhằm tạo lập tính chất đô thị di sản và tái tạo không gian cảnh quan để cải thiện môi trường sống cũng như chất lượng không khí;

Kế thừa và bổ sung định hướng tạo lập khu vực đi bộ và không gian thương mại từ các khu vực trung tâm thương mại Hòa Bình - Hồ Xuân Hương - Đồi Cù, kết hợp hệ thống không gian công viên cây xanh, quảng trường bao quanh hồ Xuân Hương;

Định hướng quy hoạch cải tạo không gian cảnh quan của hệ thống hồ lắng quanh hồ Xuân Hương với mục tiêu mở rộng không gian cây xanh mặt nước tại khu vực trung tâm; Định hướng mở rộng công viên Yersin gắn với hồ lắng phía đường Trần Quốc Toản và Yersin, kết nối với ga Đà Lạt với hệ thống kênh nước và mở rộng về phía đường Trần Hưng Đạo nhằm kết nối trục di sản Đông Tây với trục cảnh quan chính của đô thị;

Định hướng điều chỉnh hướng tuyến của đường Nguyễn Văn Cừ về phía đường Ánh Sáng để tạo điều kiện hoàn thiện công viên Ánh Sáng, gắn kết với hệ thống cảnh quan hồ Xuân Hương trong tương lai;

Định hướng quy hoạch công viên Trần Quốc Toản trở thành công viên chuyên đề kết hợp vui chơi giải trí, kết hợp dịch vụ du lịch, thương mại với vui chơi giải trí mang tính chất mở phục vụ cho cộng đồng người dân và khách du lịch;

Định hướng quy hoạch công viên chuyên đề tại khu vực Đồi Cù, bổ sung chức năng đỗ xe ngầm và dịch vụ nhằm giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm hiện hữu. Xác lập không gian Đồi Cù trở thành điểm cao và là nền cảnh quan của khu vực. Hạn chế xây dựng phá vỡ không gian cảnh quan này;

Tái lập hệ thống nông nghiệp hữu cơ nhằm thay thế không gian nhà kính hiện hữu; Định hướng mở rộng, hoàn thiện kết nối tuyến đường Nguyễn Đình Quân - An Sơn kết nối với tuyến Trúc Lâm Yên Tử - Trần Thánh Tông - đèo Prenn nhằm tạo lập tuyến đường vành đai phía Đông Nam của thành phố Đà Lạt và tăng cường kết nối tới khu vực hồ Tuyền Lâm.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 1 - Khu đô thị lịch sử. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Phân khu 2: Khu đô thị phía Đông
Quy mô dân số đến 2035 là 100.000 người, đến 2045 là 125.000 người. Diện tích 7.336 ha.

Tính chất phân khu: Kế thừa các định hướng là trung tâm du lịch hỗn hợp, trung tâm điều dưỡng cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm văn hoá - nghệ thuật - công viên rừng cảnh quan cấp vùng và cấp quốc gia, trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng, trung tâm bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan, trung tâm văn hóa - nghệ thuật và trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng;

Đề xuất phát triển trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia và quốc tế; Đề xuất quy hoạch thêm các chức năng trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm giới thiệu sản phẩm và chợ hoa đầu mối của khu vực tại khu đô thị phía Đông...; Đề xuất quy hoạch tính chất là đầu mối giao thông TOD mới của thành phố Đà Lạt, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ mới của thành phố;

Kế thừa định hướng quy hoạch phát triển khu du lịch hồ và thác prenn, định hướng phát triển một khu du lịch tham quan, ngắm cảnh, khu vui chơi giải trí tập trung, khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc bản địa gồm đất phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đất du lịch hỗn hợp, đất rừng phòng hộ và mặt nước cần bảo tồn.

Định hướng phát triển không gian: Đề xuất mở rộng không gian đô thị về phía Xuân Trường, Xuân Thọ. Xây dựng khu đô thị kết hợp trung tâm thương mại - tài chính kết hợp nhà ga mới. Hình thành trung tâm CBD hiện đại (Central Business District - khu vực trung tâm hành chính, thương mại và là bộ mặt của một thành phố - PV) và có hệ thống tiện ích đô thị được tích hợp nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm và tạo động lực phát triển kinh tế đa ngành cho thành phố Đà Lạt;

Đề xuất phát triển khu đô thị nghỉ dưỡng được quy hoạch hệ thống chức năng trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia và quốc tế. Tận dụng khả năng kết nối trực tiếp từ sân bay Liên Khương và hệ thống đường cao tốc mới < Prenn - Xuân Thọ >, hệ thống giao thông công cộng < Tram - Monorail > đã được quy hoạch để xây dựng một khu phức hợp đô thị - nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe có khả năng tiếp cận thuận tiện trong tương lai;

Đề xuất phát triển không gian khu du lịch hồ Prenn với hệ thống công viên vườn hoa Mimosa, công viên chủ đề, công viên nước, công viên thực vật, công viên thiền… kết hợp với hệ thống công trình du lịch dịch vụ tạo lập điểm đến hấp dẫn cho du khách trong tương lai;

Tổ chức không gian chợ hoa, trung tâm giới thiệu sản phẩm hoa của vùng tại khu vực chân đèo Prenn, tại nút giao giữa tuyến cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, tuyến Prenn - Xuân Thọ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao thương và vận chuyển hàng hóa.

Phân khu 3: Khu đô thị phía Bắc
Quy mô dân số đến 2035 là 70.000 người, đến 2045 là 105.000 người. Diện tích 3.872 ha.
Tính chất phân khu:
Kế thừa các định hướng về phát triển trung tâm giáo dục - đào tạo - nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp quốc gia và quốc tế hiện hữu, trung tâm du lịch nông nghiệp sinh thái đô thị, trung tâm du lịch cảnh quan, khu bảo tồn không gian cảnh quan tự nhiên và công viên thể dục thể thao;

Đề xuất quy hoạch thêm chức năng thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm tại khu vực phía Bắc tại khu vực thị trấn Lạc Dương nhằm tạo động lực phát triển đô thị và kết nối trực tiếp với khu du lịch trọng điểm quốc gia Đankia – Suối Vàng.

Định hướng phát triển không gian: Kế thừa các định hướng về phát triển trung tâm giáo dục - đào tạo - nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp quốc gia và quốc tế hiện hữu, trung tâm du lịch nông nghiệp sinh thái đô thị, trung tâm du lịch cảnh quan, khu bảo tồn không gian cảnh quan tự nhiên và công viên thể dục thể thao;

Đề xuất quy hoạch thêm chức năng thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm tại khu vực phía Bắc tại khu vực thị trấn Lạc Dương nhằm tạo động lực phát triển đô thị và kết nối trực tiếp với khu du lịch trọng điểm quốc gia Đankia – Suối Vàng.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 3 - Khu đô thị phía Bắc. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Phân khu 4: Khu đô thị phía Tây

Quy mô dân số đến 2035 là 56.000 người, đến 2045 là 100.000 người. Diện tích 5.780 ha.

Tính chất phân khu: Kế thừa các định hướng về phát triển trung tâm dịch vụ thương mại, giải trí, trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hỗn hợp, du lịch cảnh quan, du lịch nông nghiệp sinh thái đô thị;  Đề xuất phát triển các trung tâm nghệ thuật, trung tâm sáng tạo về nghệ thuật và văn hóa tại phân khu phía Tây;

Đề xuất tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của trường cao đẳng du lịch Đà Lạt để phát triển thành một trung tâm đào tạo về nghành du lịch dịch vụ của vùng và tỉnh. Tạo ra nghành đào tạo đặc trưng của địa phương trong tương lai.

Định hướng phát triển không gian: Đề xuất mở rộng đô thị về phía Tây, chuyển đổi chức năng khu vực sân bay quân sự và các không gian nông nghiệp nhà kính quanh sân bay sang chức năng đô thị, khai thác lợi thế kết nối giao thông giữa đường Trường Sơn Đông và quốc lộ 20 tạo lập không gian cửa ngõ phía Tây cho thành phố Đà Lạt;

Đề xuất tạo lập không gian về nghệ thuật và sáng tạo tại khu vực sân bay nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt trở thành một thành phố về nghệ thuật sáng tạo; Đề xuất cải tạo mở rộng không gian chức năng của trường cao đẳng du lịch Đà Lạt, trở thành hạt nhân cho khu vực đô thị phụ trợ cho trung tâm giáo dục đào tạo du lịch dịch vụ phía Tây thành phố;

Tạo lập không gian cây xanh cảnh quan đa chức năng, là không gian cách ly ven sông Cam Ly, kết hợp chức năng công viên bán ngập và là vùng chuyển tiếp cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan cây xanh mặt nước trong đô thị của thành phố Đà Lạt;

Định hướng phát triển tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn đi qua thành phố trở thành tuyến đường Vành Đai mới của thành phố Đà Lạt. Các cụm dân cư mới được định hướng phát triển theo cụm, tạo lập khoảng cây xanh ngăn cách để tránh việc phát triển đô thị bám sát mặt đường, lưu giữ hình ảnh con đường sinh thái và hình ảnh đô thị “rừng trong phố - phố trong rừng” của đô thị.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 4 - Khu đô thị phía Tây. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Phân khu 5: Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao

Quy mô dân số đến 2035 là 30.000 người, đến 2045 là 57.000 người. Diện tích 8.612 ha.

Tính chất phân khu: Kế thừa các định hướng phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch hỗn hợp, khu vui chơi giải trí cao cấp, khu du lịch tâm linh, sân golf, casino, cáp treo,… Quy hoạch các chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hỗn hợp, văn hóa dân tộc bản địa và bảo tồn rừng phòng hộ, không gian mặt nước nhằm lưu giữ đặc trưng cảnh quan của khu vực.

Định hướng phát triển không gian: Đề xuất tạo lập hình ảnh cửa ngõ phía Nam của thành phố với hình ảnh một thành phố du lịch trong thiên nhiên. Bảo vệ không gian rừng và mặt nước đặc trưng của khu vực. Hệ thống công trình du lịch nghỉ dưỡng xây dựng với mật độ và tầng cao thấp, sử dụng vật liệu hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Tạo các hành lang rừng tự nhiên kết nối đa dạng sinh học của hồ Tuyền Lâm và các không gian tự nhiên lân cận;

Mở rộng không gian của phân khu du lịch nghỉ dưỡng về phía Tà Nung, quy hoạch mở thêm 1 tuyến kết nối mới từ thành phố Đà Lạt về phía Tà Nung nhằm tăng cường kết nối từ thành phố tới khu vực phía Tây Nam và đô thị Nam Ban trong tương lai;

Đề xuất quy hoạch các cụm du lịch - nghỉ dưỡng trên tuyến đường mới, khai thác yếu tố cảnh quan rừng và không gian tự nhiên hiện hữu để phát triển du lịch dịch vụ cho phân khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 5 - Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Phân khu 6: Khu nông nghiệp sinh thái phía Đông

Quy mô dân số đến năm 2035 là 31.000 người, đến năm 2045 là 50.000 người. Diện tích 28.316 ha.

Tính chất phân khu: Kế thừa các định hướng về phát triển vùng nông nghiệp đặc trưng của thành phố Đà Lạt và phát triển các điểm dân cư theo mô hình dịch vụ du lịch và du lịch văn hóa bản địa, phát triển mô hình nông thôn mới theo hướng cụm làng đô thị xanh, gắn kết và hòa nhập cùng không gian cảnh quan tự nhiên và không gian nông nghiệp sinh thái.

Định hướng phát triển không gian: Đề xuất tạo lập các mô hình làng đô thị xanh gắn với không gian rừng và nông nghiệp hiện hữu của khu vực. Nhấn mạnh không gian cảnh quan của rừng và tạo lập không gian sống hài hòa với thiên nhiên. Tạo lập cảnh quan đặc trưng về một vùng đô thị sinh thái nông nghiệp tự nhiên của Đà Lạt.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 6 - Khu nông nghiệp sinh thái phía Đông. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Phân khu 7: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng
Quy mô dân số đến 2035 là 15.000 người, đến 2045 là 30.000 người. Diện tích 25.019 ha.

Tính chất phân khu: Kế thừa các tính chất về khu dịch vụ du lịch tổng hợp với các chức năng: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trung tâm hội nghị, khách sạn, đào tạo và nghiên cứu, bệnh viện, chăm sóc sức khỏe, sân golf, trung tâm thể thao quốc gia, vui chơi giải trí, trồng cây dược liệu, trồng rừng và bảo vệ rừng.

Định hướng phát triển không gian: Kế thừa các định hướng quy hoạch của khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đã được phê duyệt về định hướng phát triển điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng. Phát triển các sản phẩm du lịch bao gồm nghỉ dưỡng, sinh thái, golf, thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao, phát triển các sản phẩm văn hóa có tính đặc trưng bản địa, khai thác đặc trưng khí hậu, cảnh quan và nông nghiệp của khu vực;

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trên cơ sở kết hợp các yếu tố cảnh quan đặc thù trong khu vực như địa hình đồi núi, cảnh quan hồ thượng nguồn, hồ Đankia, hồ Suối Vàng, cảnh quan đồi thông và các yếu tố văn hóa bản địa;

Xây dựng các khu du lịch mật độ thấp, lấy yếu tố cây xanh làm nền cho các không gian kiến trúc. Tạo lập không gian mặt nước trải dài từ Bắc xuống Nam và tạo lập các không gian chuyển tiếp cảnh quan;

Đề xuất bảo vệ không gian mặt nước hồ Đankia - Suối vàng, là cảnh quan chung của khu du lịch, bố trí các công trình dựa trên nguyên tắc bố trí sau hành lang cây xanh cảnh quan ven hồ.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 7 - Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Phân khu 8: Khu đô thị xanh Lạc Dương

Quy mô dân số đến 2035 là 15 .000 người, đến 2045 là 33.000 người. Diện tích 22.554 ha.

Tính chất phân khu: Kế thừa định hướng xây dựng các khu du lịch kết hợp hệ thống các điểm dân cư nông thôn dọc tuyến quốc lộ 27C với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị về hệ sinh thái cảnh quan, phòng hộ và duy trì vùng đệm bảo vệ nguồn nước cho các vùng hồ thủy điện ở hạ lưu;

Hình thành các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đa chức năng, kết hợp các loại hình tham quan, vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên; Hình thành mô hình khu đô thị đặc trưng và các điểm dân cư nông thôn kiểu mới, mang đậm nết văn hóa địa phương.

Định hướng phát triển không gian: Đề xuất tạo lập mô hình làng đô thị xanh cho các điểm dân cư nông thôn kiểu mới, đề cao tính chất sinh thái tự nhiên, kiến tạo môi trường và khí hậu đặc trưng của Đà Lạt và tạo lập mô hình “rừng trong phố - phố trong rừng”;

Tổ chức không gian cấu trúc làng xanh kết nối với hình ảnh đặc trưng của khu vực là các yếu tố tự nhiên để hình thành các cụm đô thị nghỉ dưỡng riêng biệt tại Đà Lạt; Tạo lập điểm dân cư mới tại xã Đạ Sar gắn với tuyến đường vành đai mới của thành phố Đà Lạt, tạo động lực phát triển đô thị cho khu vực phía Đông Bắc của Lạc Dương;

Quy hoạch tuyến đường kết nối giữa Đạ Sar về phía thành phố Đà Lạt, kết nối với khu vực hồ Than Thở và phân khu phía Đông của thành phố; Tổ chức hệ thống du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dưới tán rừng dọc theo tuyến quốc lộ 27C và hồ Đa Nhim Thượng, khai thác cảnh quan tự nhiên và địa hình, khí hậu đặc trưng của địa phương.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 8 - Khu đô thị xanh Lạc Dương. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Phân khu 9: Khu vực bảo tồn sinh quyển vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Quy mô dân số đến 2035 là 7.500 người, đến 2045 là 17.000 người. Diện tích 67.114 ha.

Tính chất phân khu: Khu vực bảo tồn vùng sinh quyển tự nhiên Bidoup – Núi Bà.

Định hướng tổ chức không gian: Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng, không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tự nhiên theo quy định. Không thực hiện các hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; Bổ sung, nâng cấp hệ thống tiện ích, hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển khu vực dân cư nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian phân khu 9 - Khu vực bảo tồn sinh quyển vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh trích từ thuyết minh quy hoạch


Anh Tuấn - Minh Hoàng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.