Di tích trăm tuổi trong dự án Làng Vân: Đừng để mất di sản như thủy xưởng Ba Son

 07:17 | Thứ ba, 22/10/2024  0
Việc chậm trễ thực hiện các thủ tục xếp hạng di tích và xác định khu vực bảo vệ di tích đối với hai công trình hơn 165 tuổi là đồn Chơn Sảng và trạm Nam Chơn ở Làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có thể sẽ dẫn đến nguy cơ mất di sản như đã từng xảy ra với ụ tàu cổ trong thủy xưởng Ba Son ở TP.HCM.

Như Người Đô Thị đã thông tin, tại Quyết định ngày 30.12.2023 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây - Khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc tỷ lệ 1/2.000 (nơi triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân - PV), khu vực có hai nền móng công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá, được xác định:

“Để làm cơ sở nghiên cứu, đánh giá các giá trị và khả năng xếp hạng di tích, đề nghị đưa vào danh mục kiểm kê di tích và xác định khu vực cần thăm dò, khai quật khảo cổ. Trong thời gian tới, huy động nguồn lực phát lộ toàn bộ diện tích hai công trình và có phương án bảo vệ, quản lý hai công trình trước khi tiến hành thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ.

Trong bước tiếp theo tiếp tục nghiên cứu cụ thể sau khi thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ trên nguyên tắc đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hoá (nếu được công nhận), đảm bảo giao thông - cảnh quan khu vực và đảm bảo sự tiếp cận của người dân, du khách…”.

Khu vực dự kiến xây dựng và Đồ án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng với với quy mô sử dụng đất ban đầu khoảng 1.067,9 ha. Ảnh: Phương Uyên - CTV


Trước đó, báo Tuổi Trẻ đưa tin khi góp ý đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây - Khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, liên quan đến hai công trình đồn Chơn Sảng và trạm Nam Chơn, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã cho rằng vị trí hai nền móng công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn có ảnh hưởng trực tiếp đến bố cục và định hướng phát triển không gian cũng như tiến độ thực hiện đồ án. Do vậy, cần cân nhắc đưa ra các giải pháp ứng xử phù hợp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững hài hòa với quy hoạch của khu sinh thái.

Quan điểm của Sở là cần ưu tiên thực hiện dự án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây - Khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, để đảm bảo tiến độ dự án nhằm làm động lực phát triển kinh tế của thành phố, lựa chọn vị trí phù hợp để phục dựng mô hình kiến trúc hiện trạng và trình chiếu phim bằng công nghệ 3D về hai công trình nói trên nhằm lưu giữ ký ức lịch sử về các công trình phòng thủ ven biển của triều Nguyễn tại Đà Nẵng.

Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao, hai công trình này đang bị che phủ bởi cây cối và đất đá, nhiều đoạn tường thành bị sập và rễ cây ăn sâu, việc xác định hình dạng và đặc điểm chỉ ở mức tương đối. Ngoài ra, về giá trị lịch sử, hai công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn tại Làng Vân cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học hay tọa đàm nào khẳng định về vai trò, chức năng cũng như tầm quan trọng. Do đó chưa đủ cơ sở khoa học để nhận dạng và xếp hạng di tích.

Sau nhiều ý kiến, đánh giá của các đơn vị liên quan đến hai công trình đồn Chơn Sảng và trạm Nam Chơn, tháng 11.2023 UBND thành phố Đà Nẵng có kết luận giữ nguyên trạng hai nền móng công trình kháng Pháp này. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đo đạc tổng thể đối với hai công trình được hình thành từ cách đây hơn 165 năm.

Sơ đồ bố trí trạm Nam Chơn và đồn Chơn Sảng - hai công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn (hiện thuộc khu vực làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc). Ảnh: Tư liệu

Từ vị trí trạm Nam Chơn, có thể đoán định được vị trí đồn Chơn Sảng. Ảnh: Google map


Nhận định về diễn biến trên với Người Đô Thị, chuyên gia quy hoạch - di sản Phạm Anh Tuấn đã bày tỏ lo ngại việc Đà Nẵng chậm trễ thực hiện các thủ tục xếp hạng di tích hai công trình đồn Chơn Sảng và trạm Nam Chơn, bởi đó là căn cứ để xác định các khu vực bảo vệ di tích, mà nếu tiến hành sau khi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân triển khai thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, “hoặc cũng có thể vì vậy mà người ta sẽ tìm cách để không xếp hạng di tích cho hai công trình đó nữa, họ sẽ chọn cách bảo tồn như đã từng ứng xử với ụ tàu cổ trong thủy xưởng Ba Son ở TP.HCM. Khi đó thì không phải xác định khu vực bảo vệ di tích…”, chuyên gia nói.

Theo Luật Di sản văn hóa, khu vực bảo vệ I của di tích đã xếp hạng là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu những diễn biến tiêu biểu của sự kiện lịch sử, những công trình lưu niệm gắn với danh nhân liên quan đến di tích đó. Đối với di tích là địa điểm khảo cổ thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm khu vực đã phát hiện các di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó;…

Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường - sinh thái của di tích, và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích…

“Đến nay vẫn chưa có thông tin Đà Nẵng tiến hành xếp hạng di tích đối với hai công trình đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn trong khi tin tức về Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân đang ráo riết hoàn tất các thủ tục pháp lý để sớm khởi công thì báo chí đã đăng những ngày qua. Đó có thể là tín hiệu xấu cho nguy cơ mất mát di sản như đã từng xảy ra với ụ tàu cổ…”, chuyên gia nói.

Một góc bờ thành trạm Nam Chơn bằng đá cao, có đoạn hai lớp thành, có đoạn ba lớp thành và hào sâu đến đầu người vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Đình Tăng

Từ trên cao có thể đoán định đồn Chơn Sảng từng hiện diện ở vị trí sát mép biển, phía trong, gần mũi Isabelle II. Ảnh: Hoàng Sơn


Cần nhắc lại, ụ tàu cổ (ụ tàu lớn) xây dựng từ giữa năm 1884 và đưa vào sử dụng tháng 12.1888 trong thủy xưởng Ba Son (Pháp lập ra ở Sài Gòn từ năm 1863). Năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM có đề nghị bổ sung ụ tàu cổ vào di tích lịch sử xưởng cơ khí - địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cục Di sản văn hóa đồng ý và yêu cầu lập hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hồ sơ đã được lập nhưng việc xếp hạng di tích thì dừng lại, cho đến khi triển khai dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son thì dư luận mới biết tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo bảo tồn một phần ụ tàu lớn (ụ tàu cổ), không xếp hạng di tích.

Ụ tàu lớn (ụ tàu cổ) là ụ tàu duy nhất của thuỷ xưởng Ba Son gần như còn nguyên vẹn sau hơn 130 năm. Công trình dài 156 m, rộng 21 m, sâu 10 m, móng lót đá, thành ụ lát đá ong Biên Hòa, sử dụng vật liệu xây mang từ Pháp sang, kinh phí hơn 7,8 triệu franc. Trong thuỷ xưởng Ba Son còn có ụ tàu nhỏ được người Pháp làm tạm bằng ụ đất lắp ván gỗ dài 65m... Ảnh: TL


Tại tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 - 1860” nhân kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 1860), TS. Lưu Anh Rô (Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng) đã đề nghị:

“Khẩn trương bảo vệ, xây dựng hồ sơ cho di tích trạm Nam Chân để đưa vào quản lý kịp thời, tránh để nhà đầu tư dự án khu du lịch và đô thị sinh thái biến thành của riêng hoặc phá hủy nó. Bởi đây là trạm duy nhất còn sót lại khá nguyên vẹn của con đường thiên lý Bắc - Nam trên bình diện cả nước ta thời các vua Nguyễn. Hiện nay, nhà đầu tư đã thiết lập một trụ sở cạnh di tích trạm Nam Chân, nếu chậm chân di tích này có nguy cơ bị phá bỏ”.

Theo TS. Rô, cần xác quyết rằng Nam Chơn cũng chính là Nam Chân (người Pháp gọi là Kien Chan), Chơn Sảng cũng chính là Chân Sảng trong hầu hết các tài liệu ghi chép về hai địa danh này, cũng như trong cách gọi quen thuộc của người dân địa phương. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ cửa Hàn năm 1858 - 1860, thì Nam Chơn, Chơn Sảng nằm trong một khu vực phòng thủ rộng lớn khắp tây bắc Đà Nẵng vòng qua vịnh và đến bán đảo Sơn Trà của triều đình Huế.

Hệ thống phòng thủ nơi đây bao gồm pháo đài Định Hải nằm trên ngọn núi thấp sát mé biển về phía đông bắc làng Chơn Sảng, cạnh đó là đồn Chơn Sảng (nằm gần bên đường thiên lý từ Hải Vân quan đi xuống, nay làm trạm biên phòng); rồi đến trạm Nam Chơn (nằm phía nam đồn Chơn Sảng, dấu tích nay vẫn còn khá rõ). Khu vực này được chốt chặn bởi Hải Vân quan, điểm chốt chặn cuối cùng ranh giới hai tỉnh để ra Huế.

Về tên gọi, trên giấy tờ hành chính dưới thời Nguyễn gọi là đồn Chơn Sảng, còn dân địa phương quen gọi là Đồn Nhất (Chơn Sảng) và Đồn Nhì (pháo đài Định Hải). Nếu tính từ Hải Vân quan vào, đồn gặp đầu tiên chính là Chơn Sảng, đồn thứ hai là pháo đài Định Hải, vì vậy nên ca dao có câu: “Tính từ Đồn Nhất tính vô - Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô, cửa Hàn”.

Thời vua Nguyễn, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhà Nguyễn đã đặt “thất trạm” để truyền tin của các tỉnh phía nam về kinh đô, gồm: Nam Chơn, Nam Ổ, Nam Giản, Nam Phúc, Nam Ngọc, Nam Kì và Nam Vân. Căn cứ vào dấu tích của đường thiên lý, bắt đầu từ Hải Vân quan, con đường mòn uốn cong hình cánh cung về hướng tây nam vài dặm thì đến trạm Nam Chính (tức Nam Chơn), đây là quán trạm cực bắc của Quảng Nam lúc đó. Trạm Nam Chơn đứng chân tại núi Sảng, đời Gia Long, đặt tên là trạm Chơn Sảng (tên ngôi làng có đặt trạm này). Năm Minh Mạng thứ ba (1823), trạm đổi tên là trạm Nam Chơn...

Bản đồ trận đánh ngày 15.9.1859 (Ảnh từ lịch sử Đà Nẵng)


“Hiện nay dấu tích trạm Nam Chơn còn rất rõ, đồn Chơn Sảng thì chỉ là đoán định, tuy nhiên trận Nam Chơn đã gây kinh ngạc cho chúng ta về tính quy mô, sự quý giá về giá trị lịch sử, văn hóa mà các vòng thành đá xếp chồng lên nhau là một ví dụ. Đây chính là cơ sở để chúng ta cần nhanh chóng bảo vệ, trùng tu, khai thác di tích quý giá này. Bởi lẽ, xét trên khắp các trạm trên đường thiên lý xưa, chỉ có trạm Nam Chơn còn khá rõ hình thù nguyên vẹn, sau hàng mấy trăm năm qua.

Nếu hỏi rằng trận “thư hùng đích thực” giữa quân dân Việt Nam tại Đà Nẵng với liên quan Pháp - Tây Ban Nha thì trận nào? Đó chính là trận đồn Chơn Sảng. Nếu hỏi rằng hiện nay tại Đà Nẵng cần gấp rút bảo vệ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử nào liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha thì đó phải là trạm Nam Chân”, TS. Rô nhấn mạnh. 

Nguyễn Hữu - Tấn Khải

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân của nhà đầu tư Công ty cổ phần Vinpearl, với quy mô sử dụng đất ban đầu khoảng 1.067,9 ha (sau đó, nhà đầu tư đã đề xuất giảm quy mô sử dụng đất dự án xuống 512,2 ha, bổ sung 59,6 ha đất ở), tổng vốn đầu tư sơ bộ ban đầu khoảng 3.000 tỷ đồng, sau đó nhà đầu tư đề xuất tăng tổng vốn đầu tư dự án lên hơn 43.922 tỷ đồng, tăng hơn 14 lần so với đề xuất ban đầu.

Đây là mức điều chỉnh rất lớn nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu rà soát nội dung, hạng mục đầu tư, làm rõ cơ sở điều chỉnh vốn, các chi phí thay đổi từng hạng mục của dự án, đặc biệt đối với các công trình chính như: nhà ở, nhà ở xã hội, thương mại, dịch vụ...

Đồng thời, cần làm rõ chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và chi phí có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, lâm nghiệp và quy định pháp luật khác có liên quan…

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.