Định vị lại câu chuyện trồng rừng

 08:58 | Thứ tư, 11/12/2024  0
LTS: Hoạt động trồng rừng nhiều năm nay ở Việt Nam ngày càng được chú ý và nhận được nguồn đóng góp không nhỏ từ xã hội, cộng đồng. Đây là một biểu hiện của câu chuyện xã hội hóa trong ngành lâm nghiệp, cho thấy sự ủng hộ của xã hội đối với chính sách của Chính phủ hiện nay về phủ xanh, trồng rừng.

Câu chuyện nhiều tổ chức, doanh nghiệp xã hội tìm kiếm nguồn lực để trồng rừng cũng cho thấy họ đã khẳng định được việc mình làm có kết quả dù ở quy mô nhỏ, đáp ứng được mong muốn chính sách cũng như phát triển lâm nghiệp. Nhưng đồng thời đây cũng là lúc nhìn lại câu chuyện xã hội hóa trồng rừng - phục hồi rừng.

Hoa hậu H'Hen Niê và nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An là những gương mặt quen thuộc trong các dự án trồng, bảo vệ rừng, tích cực quảng bá cho các danh lam, thắng cảnh của đất nước. Ảnh: FB nhân vật


Trồng rừng trên “sa mạc” 

Tháng 8 đã là mùa mưa, nhưng những đồi cát ven biển thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu (Bình Thuận) nắng nóng như rang. Những mảng cỏ chân đế vẫn còn cháy khô, nằm lặng im, đợi đủ mưa để bung mầm. Ở nơi cát nóng này, cỏ chân đế là một chỉ dấu vùng khô hạn bởi sự tồn tại mãnh liệt của nó. Nhờ bộ rễ ăn lan ra như bàn tay xòe, cỏ chân đế hấp thu được nhiều nước nhất khi mưa về. Đất xấu, nên không phải cứ muốn trồng cây là được. Nhưng nơi đây thực sự cần cây. 

Mặc dù đóng vai trò quan trọng - là đất rừng phòng hộ, nhưng nơi đây lại là những sinh cảnh rừng nghèo kiệt ven biển trên đất cát, hiện chỉ có một số cây bản địa thưa thớt hoặc hầu như trống trọc, với tình trạng cát bay. Trong khu bảo tồn còn hơn 100 ha rừng nghèo kiệt ven biển như vậy cần được phủ xanh để hạn chế hiện tượng cát bay, sa mạc hóa, góp phần giữ nguồn nước ngầm cho khu vực. 

Cùng với sự đồng hành của 9 doanh nghiệp, năm nay Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên (Gaia) lần đầu tiên “phủ xanh” được 5,17 ha đất cát nghèo kiệt ven biển ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu với gần 6.500 cây. Đây là những loài cây bản địa chịu hạn như bằng lăng, giáng hương, xoay, thiết đinh lá bẹ, sắn me, mận rừng, cách, nhãn rừng… Để giúp cây sống sót, các hạt tích nước và phân vi sinh được bổ sung vào hố trồng. Và những cây này phải được trồng với mật độ rất dày, chỉ cách nhau khoảng 1,5m. 

Chủ rừng Hồ Văn Liêm, thôn Raly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa - Quảng Trị trong chương trình trồng rừng của VARS.


“Các hạt tích nước làm từ tinh bột sắn có khả năng hấp thụ và tích trữ nước lên đến 300 lần. Còn trồng dày giúp cây mau khép tán. Tán tới đâu, rễ tới đó. Điều này cũng có nghĩa hệ rễ các cây sẽ nhanh chóng đan được với nhau giúp đất giữ ẩm tốt hơn, khi gió lớn những cây này nương nhau, đỡ gây đổ gãy” - ông Hồ Thanh Tuyền, Phó giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, giải thích.

Hiện đang duy trì lịch tưới nước cho cây (phải dùng xe bồn chở từ cách đó 5 km), ông Tuyền bảo rằng sau hai tháng, khoảng 20% cây đã bị chết do trồng trúng những ngày nắng nóng. Cây mới được trồng dặm. “Chúng tôi đang tranh thủ đợt mưa vét cuối mùa. Nếu qua được 6 tháng mùa nắng nóng năm sau, khả năng cây sống sẽ cao”, ông Tuyền nói. Để quyết định cho trồng cây ở vùng “sa mạc” cát bay này, ông Tuyền đã phải có ba năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm trên vùng đất cát tương tự với kết quả khả quan. 

“Trong 5 năm liên tục, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu cùng Gaia sẽ thường xuyên giám sát sinh trưởng, tưới bổ sung định kỳ và can thiệp bằng kỹ thuật lâm nghiệp khi cần để cây được phát triển tốt nhất. Hình ảnh, số liệu cụ thể về sự phát triển của cây cũng sẽ được chúng tôi tổng hợp trong các báo cáo giám sát rừng và gửi đến nhà tài trợ hàng năm trong vòng 5 năm” - bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Gaia, cho biết.

Trồng rừng khó, giữ rừng khó hơn 

Với nhiều năm trồng rừng đầu nguồn tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam, Gaia là một trong những đơn vị được tặng bằng khen trồng rừng hiệu quả từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023. Nhưng dù rất nỗ lực, từ kỹ thuật, nguồn lực, cho đến bằng chứng khoa học thực nghiệm, thì hơn 5 ha cây mới trồng ở vùng cát bay Tà Kóu vẫn cần thời gian, ít nhất là 3 năm, mới biết được có thành công hay không. 

Tà Kóu chỉ là một câu chuyện.     

Dự án 28,5 ha rừng ngập mặn của chương trình Hạnh Phúc Xanh thuộc Quỹ Sống trồng ở bãi bồi ven biển Lạc Hòa, Vĩnh Châu - Sóc Trăng là một ví dụ khác. Mặc dù cây đã phát triển tốt, cho những bộ tán sum suê sau 3 năm trồng (từ 2021), nhưng những cú sốc “thiên tai” dồn dập từ cuối năm 2023 sang đầu năm 2024 như gió chướng, sạt lở, triều cường, lũ bùn, hạn mặn kéo dài, vỡ cống khu vực... đã khiến 16,5 ha (khoảng 57% tổng diện tích cây ngập mặn) bị thiệt hại, bao gồm diện tích cây non trồng năm ngoái và cả những cây đã 3 năm tuổi. Để khôi phục diện tích cây rừng đã mất, hiện Hạnh Phúc Xanh đã trồng dặm lại được gần 41.000 cây với chi phí thêm khoảng 1,8 tỷ đồng. Và sẽ còn tiếp tục. 

Doanh nghiệp xã hội Hạnh Phúc Xanh trồng rừng ngập mặn ở bãi bồi ven biển Lạc Hòa, Vĩnh Châu - Sóc Trăng.


Lựa chọn mô hình xã hội hóa, nghĩa là huy động tất cả nguồn lực từ chính quyền, các đơn vị chuyên môn, các chủ rừng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp… để trồng rừng, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam (VARS) định hướng rừng trồng là cây bản địa thuộc sở hữu cá nhân, người dân chủ động chăm sóc và thụ hưởng toàn bộ lợi ích. Với mô hình này, VARS cũng có thể tối giản các chi phí vận hành và tối đa hóa nguồn lực cho công tác thực địa. 

Sau 4 năm hoạt động, đến nay VARS đã nhận được hơn 19 tỷ đồng từ hơn 4.000 lượt đóng góp của hơn 20 tổ chức, doanh nghiệp cùng hàng nghìn cá nhân. Hơn 511 ha đã được trồng cây rừng tại 24 xã thuộc Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La. Nông - lâm kết hợp, cây nông nghiệp ngắn ngày như sắn, ngô, chuối lùn... được trồng xen kẽ với cây rừng như dổi, lim, lát, tếch, xoan, gáo vàng... Khi rừng khép tán, người dân sẽ được hướng dẫn nghiên cứu trồng thêm những cây nông sản, cây gỗ khác, hoặc cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập. 

Nhưng rừng gỗ lớn cần thời gian dài mới có thể phát triển vững vàng trong khi cuộc sống người dân còn rất khó khăn, không nhiều gia đình có đủ tiềm lực kinh tế để “nuôi rừng” hàng chục năm. 

Chia sẻ nguồn lực vì lợi ích chung  

Theo Cục Lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng Việt Nam dù đã tăng so với trước nhưng chất lượng còn rất thấp, chủ yếu là rừng nghèo, nghèo kiệt và rừng phục hồi (chiếm tỷ lệ khoảng 75%). Trong khi quỹ đất để trồng rừng mới hiện nay ngày càng hạn chế và thường bị điều chỉnh quy hoạch sang đất khác do phát triển kinh tế xã hội, thì điều kiện trồng rừng phòng hộ ven biển, đặc dụng lại càng khó khăn do ở địa hình núi cao, chia cắt, độ dốc lớn, đất đai nghèo kiệt, xói lở… 

Trước thực tế này, sự linh hoạt của người dân - chủ rừng, đồng hành cùng VARS; hay của những tổ chức, doanh nghiệp như Gaia, Hạnh Phúc Xanh... để trồng, chăm sóc, “nuôi rừng” là một trong những đóng góp quý. Hoạt động này không thể thành nếu thiếu nguồn lực đóng góp của xã hội. 

Công ty VARS tập huấn trồng rừng cho người dân.


Bên cạnh sự hỗ trợ từ các sáng kiến quốc tế như USAID, The Canada Fund for Local Initiatives… thì hiện nay hoạt động trồng rừng đang thu hút được nhiều đóng góp từ cộng đồng người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Điều này một phần có lẽ xuất phát từ việc chứng kiến nhiều hậu quả thảm khốc sau mỗi trận bão lũ đi qua với một trong những nguyên nhân chính là mất rừng. 

Câu chuyện chia sẻ nguồn lực từ các doanh nghiệp cho môi trường hiện nay đã chuyển biến không chỉ từ hình thức thiện nguyện hay chính sách khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà đã có những ràng buộc khác liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung. Các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) mà nhiều doanh nghiệp buộc phải làm là một ví dụ. 

“Ngoài tính thiện nguyện, thì sự đồng hành trồng rừng của các doanh nghiệp, tổ chức trong trồng rừng hiện nay đã còn là mối quan hệ đối tác, chia sẻ nguồn lực vì lợi ích chung” - ông Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia độc lập về quản trị môi trường, bình luận. Các đơn vị trồng rừng đóng vai trò thúc đẩy, kết nối, cung cấp kỹ thuật, dịch vụ và tăng cường năng lực, cung cấp dịch vụ về truyền thông.

“Mối quan hệ xã hội ở đây là tất cả các bên cùng làm việc, chia sẻ nguồn lực để tạo lợi ích cho xã hội về môi trường, lâm sản, hay lợi ích về dịch vụ môi trường trong tương lai. Tất nhiên, cần thời gian để hoạt động trồng rừng mang lại kết quả đa lợi ích lâu dài”, ông Dũng nói.

Bài: Lê Quỳnh - Ảnh: CTV 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.