Hà Nội liên tiếp thu hồi dự án nhà ở "ôm" đất bỏ hoang

 11:57 | Thứ tư, 09/09/2020  0
Thời gian qua, Hà Nội liên tiếp thu hồi dự án nhà ở do chủ đầu tư không thực hiện theo tiến độ đã được chấp thuận.

Mới đây, Sở Kế hoạch và đầu tư TP.Hà Nội đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 6.2008 cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam.

Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư trên là do sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ được chấp thuận, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

Trước đó, tháng 7.2020, Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cũng ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư.

Lý do chấm dứt hoạt động là do Công ty CP Quốc tế Sơn Hà không thực hiện dự án theo tiến độ quy định của pháp luật.

Nhiều dự án khu đô thị ở Hà Nội "ôm" đất bỏ hoang... thành chỗ chăn thả trâu bò. Ảnh: T.K

Liên quan tới việc dự án "ôm" đất bỏ hoang, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao bộ Tài nguyên và môi trường cùng UBND TP.Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện.

Trước đó, trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND TP.Hà Nội cho biết trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.

Theo phản ánh, tại Hà Nội hiện có tới hơn 300 dự án "treo" rải rác khắp các địa bàn quận, huyện, trong đó có không ít dự án có vị trí đắc địa, "đất vàng" thủ đô, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án, gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ như chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm; thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Báo Dân Việt đã nhiều lần phản ánh về tình trạng dự án bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Đơn cử như, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi làm chủ đầu tư. Dự án được giao đất từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn nằm "đắp chiếu".

Tương tự, tại dự án Khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 12 (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư bất động sản Thuận Thành làm chủ đầu tư. Mặc dù đã thu tiền của khách hàng từ nhiều năm qua, nhưng dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án "ôm đất" gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Theo đó, tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất...

Một số ý kiến khác cho rằng, việc xử lý các dự án "treo" tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì "tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư". Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.

Trần Kháng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.