Hãy trả lại và củng cố những tập quán tốt đẹp của nhân dân

 12:53 | Thứ năm, 04/11/2021  0
LTS. TP.HCM cho biết sẽ công bố phương án tôn tạo tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chỉnh trang công viên Mê Linh (quận 1). Sau khi công bố, thành phố mời người dân góp ý phương án trùng tu tượng, phù điêu, màu sắc, lư hương… Trong số chuyên đề này, Người Đô Thị ghi nhận ý kiến của các chuyên gia đô thị, nhà quản lý văn hóa, nghiên cứu lịch sử và điêu khắc gia, luận bàn sâu hơn về tượng đài và không gian đô thị. Các ý kiến phân tích, không chỉ liên quan đến cảnh quan đô thị, mỹ thuật kiến trúc mà còn đề cập đến yếu tố tín ngưỡng trong tâm thế người Việt đối với tiền nhân, những người có công đức lớn với đất nước (*).

Ông Dương Trung Quốc

(Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

Tượng đài dựng lên để tưởng niệm các nhân vật hay sự kiện lịch sử đặt tại những không gian công cộng là loại hình nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của người phương Tây (trực tiếp là người Pháp thời thuộc địa du nhập vào nước ta).

Ở Hà Nội, sớm nhất là bức tượng Tổng trú sứ Bắc và Trung kỳ Paul Bert tại trung tâm thành phố Hà Nội bên bờ hồ Gươm (nay là không gian đặt tượng Đức Lý Thái Tổ), tiếp đó là nhiều tượng đài khác rải rác trên nhiều công viên, quảng trường của Hà Nội.

Sài Gòn, Hải Phòng cũng xuất hiện các tượng đài tương tự… Vì theo phong cách của người phương Tây, nên tượng chỉ mang ý nghĩa tôn vinh như những biểu tượng (chủ yếu là những người góp phần gây dựng quyền lực của nước Pháp trên thuộc địa). Và hình thức duy nhất, vào những dịp kỷ niệm có liên quan là tập trung tưởng niệm với những lẵng hoa và những bài diễn văn (nếu có).

Tuy nhiên, chúng ta cũng sớm ghi nhận, ban đầu sự bắt chước của một số người Việt Nam dựng tượng để tưởng niệm những giá trị của riêng mình. Tiêu biểu nhất là bức tượng Đức Lê Thái Tổ cũng được dựng bên bờ hồ Gươm (gần như đối mặt với tượng Paul Bert). Thời đó, phải có quyền lực nhất định mới làm được việc này, nên trong danh sách những người chủ trương dựng tượng có những nhân vật vẫn mang tiếng là gắn bó với chế độ thuộc địa, như Tổng đốc Hoàng Cao Khải. Tượng được thiết kế hoàn toàn theo phong cách phương Tây. Tượng nhỏ, đặt trên đỉnh của một cây cột cao. Hơn thế, tượng đài lại dựng ngay kề một ngôi đền cổ và đương nhiên những nghi thức tưởng niệm nhân vật được tôn vinh (một anh hùng cứu nước) không thể thiếu. Nghi thức truyền thống, trong đó có việc thắp nhang, đôi dịp còn có cả tế lễ…

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quê hương Ngài, thành phố Nam Định. Tượng đài tọa lạc trên Quảng trường 3.2 thuộc thành phố Nam Định và ngay bên hồ Vị Xuyên thơ mộng, có lư hương để người dân đến dâng hương. Ảnh: TL


Quanh sự việc này, dân gian cũng ghi nhận ở những nhân vật chủ trương dựng tượng có tấm lòng thành với truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước. Dân gian nhìn nhận bức tượng như ẩn ý vị anh hùng dân tộc thời Lê đang chỉ lưỡi gươm không phải xuống lòng hồ để trả gươm báu cho rùa thần mà chĩa mũi kiếm vào kẻ đô hộ phương Tây…

Kể lể chuyện cũ như vậy là để thấy được sức sống của người Việt Nam chúng ta. Khi tiếp cận với một nền văn minh xa lạ và trong bối cảnh bị đô hộ, người Việt biết cách tiếp thu cái hay của thiên hạ mà vẫn giữ được cái bản sắc, tập quán riêng của mình một cách nhuần nhuyễn.

Do vậy, bên cạnh việc xóa bỏ những dấu tích của chế độ thực dân bằng việc hạ bệ những bức tượng của chế độ cũ (ngay từ thời Chính phủ Trần Trọng Kim), rồi sau này, khi chế độ thuộc địa bị xóa bỏ, mỗi chính thể của người Việt Nam đều học hỏi cách dựng tượng đài của người phương Tây, để tôn vinh những giá trị bản địa và dân tộc theo cách thể hiện của mình. Vì thế, những tượng đài, nhất là gắn với các nhân vật có công với dân tộc đều hầu hết có đặt lư hương để người dân thể hiện tâm thành bằng các tập quán truyền thống. Do vậy, trên đất nước ta dù ở đâu, dù dưới chính thể nào cũng đều thể hiện như nhau.

Đương nhiên, người Việt Nam rất có ý thức, nếu như với tượng đài tôn vinh người nước ngoài như Pasteur hay Lênin thì không hương khói, mà theo kiểu thức người phương Tây, chẳng cần đặt lư hương. Tuy nhiên đối với cụ Yersin gắn bó với dân ta, nhất là ở Nha Trang thì người dân vẫn hành lễ như một người đồng bào theo phong tục của mình…

Nói điều đó để thấy rằng, cái gì dân ta đã chọn, đã làm, đã có trải nghiệm thử thách thì nên tôn trọng và phát huy. Nhà nước không nên can thiệp thay đổi hay tước bỏ những tập quán tốt đẹp mà chỉ nên làm cho tốt hơn, đẹp hơn.

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh (Sài Gòn) đang hoàn thiện năm 1967 đã có lư hương. Ảnh: Ron Ryan

Ảnh: Carl W. Cole (chụp năm 2004).


Câu chuyện liên quan đến chiếc lư hương gắn với Tượng Đức Trần Hưng Đạo tại TP.HCM cũng nên như vậy và càng nên như vậy.

Xin nói thêm một việc chúng tôi đã chứng kiến, là năm  2016, tỉnh Bình Định chủ trương chỉnh trang lại quảng trường và bức tượng anh hùng Quang Trung tại trung tâm thành phố Quy Nhơn. Đây là bức tượng được dựng ngay sau ngày giải phóng (1976) bằng bê tông. Bốn mươi năm sau, tỉnh chủ trương (với sự đóng góp của xã hội) đúc lại bằng đồng cho bền, đẹp hơn và cũng do chính tác giả (họa sĩ Lưu Danh Thanh) tạo tác.

Mọi việc làm rất cẩn trọng, kể cả nguyên tắc là chỉ khi nào có tượng mới thì mới nhấc tượng cũ ra thay thế một cách kín đáo và nghiêm cẩn. Vậy mà chỉ do sự bất cẩn khi tượng mới đúc tại Hà Nội chưa đưa vào đến nơi, đã nhấc tượng cũ xuống để tu sửa phần đế… Rồi thì xảy ra vụ cháy rất lớn chợ Quy Nhơn. Nguyên nhân thì chắc các cơ quan điều tra có thể tìm ra. Nhưng trong tâm thức của dân vẫn cho là do sự thiếu cung kính với tiền nhân mà gây nên chuyện.

Người dân là như vậy nên người cầm quyền cũng nên biết chiều thuận lòng dân mới nên nghiệp lớn. 

Dương Trung Quốc

 Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng:

“Tượng khác có thể không cần lư hương, nhưng tượng Thánh Trần phải có”

Có thể một số tượng đài không cần đặt lư hương như tượng đài đô thị, tượng đài kỷ niệm… nhưng với Đức Thánh Trần, trong tâm thức người Việt, ông không chỉ là một nhân vật lịch sử có công chống giặc ngoại xâm phương Bắc, mà còn được tôn vinh như một vị thánh.

Nhiều danh nhân khác chưa phải là thánh trong tâm thức người Việt nhưng Trần Hưng Đạo là một vị thánh. Cho nên với các bức tượng khác tôi không nói, riêng Thánh Trần cần có lư hương. 

Trong văn hóa người Việt, đốt một cây hương là cách bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ tiền nhân. Dưới chân bức tượng, không chỉ là nơi để người dân đến dâng hoa, mà với nhiều người còn là nơi để cầu xin đấng linh thiêng phù hộ đi biển, đi sông, đi đánh cá, đi ra biển Cần Giờ...  
Ở phương Tây người ta thường bày tỏ lòng kính ngưỡng bằng cách đặt một bó hoa, còn người Việt mình có khi còn là một nén nhang nguyện cầu. Hành động đó là một nét văn hóa tín ngưỡng rất đáng trân trọng.

Trước đây chính quyền TP.HCM đã mang lư hương đi nơi khác, tôi cho rằng đó là điều đáng tiếc. Trả lại lư hương cho tượng Đức Thánh Trần là một cách sửa sai nhằm an dân. Tôi ước ao như vậy.  

TP.HCM dự định cải tạo lại công viên, nơi đặt tượng Thánh Trần, dịp này theo tôi cần trả lại lư hương cũ về vị trí cũ, và tôn tạo sạch sẽ trang nghiêm, đừng làm diêm dúa.

_______________

(*) Bài viết này tác giả gửi Người Đô Thị ngày 21.10.2021. Bài viết nằm trong chuyên đề báo in Người Đô Thị số 113, phát hành ngày 28.10.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.