Nhận định này được PGS-TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nêu ra tại cuộc hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”, tổ chức chiều 30.6 tại Trường Đại học Văn Lang (TP.HCM).
Theo bà Thủy, việc tham gia khai thác và phát triển OER tại các trường đại học trong nước chưa dựa trên một cơ sở pháp lý đầy đủ, chưa được quan tâm thỏa đáng và chưa có tính kế hoạch chiến lược rõ ràng. Đó là lý do khiến cho việc sử dụng OER ở các trường đại học chưa phổ biến, rất ít các trường đại học triển khai OER trong đơn vị, hầu hết giảng viên cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các nguồn học liệu miễn phí, chưa ý thức được việc tạo lập và chia sẻ OER.
PGS-TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, chia sẻ tại Hội thảo.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết trước nhu cầu cấp bách của việc xây dựng một khung pháp lý hướng dẫn việc xây dựng các OER dùng chung trong giáo dục đại học, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong gần hai năm qua, Vụ Giáo dục Đại học đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về chủ đề xây dựng OER trong giáo dục đại học, đã xin ý kiến của các bộ ngành và Sở giáo dục đào tạo trên cả nước, lấy ý kiến bằng văn bản của hơn 200 trường đại học, đồng thời đã thực hiện khảo sát qua đường link với ba đối tượng: cơ sở đào tạo, giảng viên và sinh viên.
Sau gần hai năm thực hiện với rất nhiều nội dung, đến nay Quyết định ban hành Đề án xây dựng OER cho giáo dục đại học đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng ý cho phép trình Thủ tướng Chính phủ và Vụ Giáo dục Đại học đang thực hiện những bước cuối cùng để Thủ tướng ký ban hành Đề án. "Đây là một khung pháp lý hết sức quan trọng, chính thức mở ra một kỷ nguyên số trong giáo dục đại học mà ở đó một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về các nguồn học liệu, nguồn tài nguyên có chất lượng sẽ chính thức được triển khai ở mọi cấp bậc khác nhau", bà Thủy chia sẻ.
Báo cáo kết quả nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng OER phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, PGS-TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, cho biết dự án được khởi động vào những ngày tháng đất nước căng mình đối phó với đại dịch Covid-19. Cũng trong bối cảnh đó, ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, cũng đứng trước yêu cầu đổi mới về mô hình hoạt động, trong đó chuyển đổi số và phát triển các nền tảng trực tuyến là một phần tất yếu.
PGS-TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, báo cáo kết quả dự án Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng OER phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, dưới góc độ quản lý vĩ mô về giáo dục đại học, việc khuyến khích các trường chia sẻ các tài nguyên giáo dục phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng đại học Việt Nam nói chung. Bộ GD&ĐT đã nhận thấy xu thế về OER trên thế giới cũng như nhu cầu của các trường ở Việt Nam, nên đã xúc tiến việc xây dựng khung pháp lý, tiến đến phát triển nền tảng OER phục vụ nhu cầu của các trường.
Với sự chỉ đạo của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Văn Lang, cùng với Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, đã được đồng hành cùng Bộ phát triển dự án Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính (50.000 Euro) từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). "Sau hơn một năm triển khai, dự án đã đạt được kết quả như mục tiêu đề ra, được hiện thực hóa trong đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học được Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Đây là khung pháp lý quan trọng trong việc phát triển OER trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam", PGS-TS. Trần Thị Mỹ Diệu nhận định.
Một số thông tin về kết quả Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề xoanh quanh chủ đề khung pháp lý và nền tảng tài OER cho giáo dục đại học của Việt Nam. Ông Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên hiáo dục mở, chia sẻ góc nhìn về khung pháp lý phát triển OER cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở. TS. Nguyễn Đức Trung – chuyên viên chính, Vụ Giáo dục Đại học cũng giới thiệu dự thảo Đề án Xây dựng mô hình nguồn OER trong giáo dục đại học.
Đặc biệt, PGS-TS. Mokhtar Ben Henda, Đại học Bordeaux Montaigne, chuyên gia ISO về tiêu chuẩn giáo dục từ xa, cố vấn AUF về OER và các hệ thống học tập kết hợp, đã trình bày trực tuyến về kinh nghiệm xây dựng, quản lý và sử dụng tài nguyên học liệu mở ở Pháp. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến chia sẻ thảo luận từ các chuyên gia, các nhà quản lý, lãnh đạo các trường về nhiều khía cạnh thực tế trong phát triển tài nguyên học liệu mở.
Quang cảnh buổi Hội thảo.
PGS-TS. Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ: "Trường Đại học Văn Lang mong muốn được đồng hành cùng cộng đồng đại học Việt Nam đẩy mạnh phát triển nguồn OER, cho phép các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường và công chúng được chia sẻ, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực chung quan trọng này. Về lâu dài, nguồn tài OER được kỳ vọng sẽ trở thành một trong các nguồn tài nguyên giáo dục quan trọng của cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, tạo cơ hội để mọi người dân có thể truy cập, sử dụng, hướng đến một xã hội học tập suốt đời".
Kết quả khảo sát 273 cơ sở giáo dục (phụ trách công nghệ thông tin), 7.233 giảng viên/cán bộ quản lý, 78.514 sinh viên đã được khảo sát với các câu hỏi tìm hiểu sơ bộ mức độ nhận thức về tài nguyên số, đặc biệt là OER và khả năng ứng dụng, phát triển OER trong dạy và học.
Kết quả cho thấy hiểu biết chung của các giảng viên về bản quyền, sở hữu trí tuệ và giấy phép gắn với các tài nguyên giáo dục chưa cao; Năng lực làm việc, khai thác OER của giảng viên cũng còn rất hạn chế.
Đối với sinh viên, đa số không biết hoặc chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề này.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, 41% cơ sở đào tạo/tổ chức giáo dục sẵn sàng chia sẻ tài liệu điện tử cho cơ sở đào tạo khác, 52% đồng ý chia sẻ ở mức độ nhất định.
Hơn 58% cơ sở đào tạo/tổ chức giáo dục cam kết tham gia các dự án chia sẻ OER cấp quốc gia, nhóm các cơ sở/hội/hiệp hội và sẵn sàng đóng góp nguồn lực (nhân lực, vật lực, thời gian, tiền bạc) cho các dự án đó.
Bài, ảnh: Trà My