Tuyển sinh Đại học Khoa học tự nhiên:

Học ngành nào để nhận được lương cao?

 22:32 | Thứ bảy, 07/05/2022  0
Học ngành gì để có thể có việc lương cao luôn là nỗi băn khoăn không chỉ của sinh viên mà còn của phụ huynh. Câu hỏi này một lần nữa trở thành chủ đề được đưa ra thảo luận, chia sẻ tại buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho các học sinh quan tâm đến trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM.

Chương trình nằm trong chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp mang tên “Chọn chuẩn trường – đi chuẩn đường” do Cổng Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp của HOCMAI tổ chức miễn phí cho học sinh THPT.

Các chuyên gia khách mời tại buổi tư vấn.


Chú trọng vào kết quả thi Đánh giá năng lực

Trả lời trong buổi tư vấn, ông Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN) TP.HCM cho biết các phương thức tuyển sinh của trường vẫn cơ bản giữ như năm rồi nhưng có điều chỉnh chỉ tiêu các nhóm ngành ưu tiên hơn cho phương thức tuyển sinh thông qua kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo đó, có 6 phương thức tuyển sinh, trong đó phương thức 1 và 2 là phương thức xét tuyển ưu tiên, giành suất cho các học sinh có thành tích xuất sắc đạt các giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hay quốc tế. Phương thức này chiếm khoảng 20% tổng chỉ tiêu. Phương thức 3 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT. Phương thức 4 là dựa trên kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM, phương thức này được dành đến 60% chỉ tiêu. Phương thức 5 là dựa trên các chứng chỉ quốc tế và phương thức 6 là dựa trên kết quả xuất sắc về tiếng Anh.

Ông Trần Vũ cho biết, khi kết quả kỳ thi THPT ngày càng cạnh tranh hơn về mặt điểm số, tuy nhiên, kết quả này chưa cho thấy toàn diện năng lực của học sinh thì kết quả kỳ thi ĐGNL cho một đánh giá toàn diện hơn - không chỉ ở các kiến thức phổ thông mà còn là ở sức mạnh tư duy, khả năng giải quyết vấn đề… những điều cần thiết cho một môi trường học tập ở bậc cao hơn. “Các thí sinh có thể đăng ký cả hai phương thức tuyển sinh nếu muốn, riêng về kỳ thi ĐGNL, nếu lần một các bạn không có kết quả hài lòng, các bạn có thể đăng ký thi lại lần hai. Hãy chuẩn bị tốt nhất để có kết quả cao như mong muốn”, ông Trần Vũ tư vấn.

Ngoài ra, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông ĐH KHTN TP.HCM cũng khuyên các học sinh có khả năng tiếng Anh và có khả năng tài chính nên đăng ký thi IELTS, chứng chỉ ấy sẽ giúp ích rất nhiều khi xét tuyển, nhất là với các ngành về máy tính.

Học CNTT vẫn có thể trở thành một MC giỏi

CNTT là ngành mũi nhọn của trường ĐH KHTN TP.HCM, khối ngành này được dành 960 trên 3.600 chỉ tiêu của toàn trường. Ông Lâm Quang Vũ, Phó Trưởng khoa CNTT lý giải đó là do lĩnh vực CNTT ứng dụng trên mọi mặt xã hội, trải rộng ở tất cả các lĩnh vực, kể cả sức khỏe, tài chính, du lịch… Đó là ưu điểm của ngành để các bạn sinh viên yêu thích công việc và lĩnh vực xã hội khác vẫn có thể học và sử dụng trong các ngành riêng biệt đó.

Khoa CNTT của ĐH KHTN TP.HCM là một trong bảy khoa trọng điểm của ngành đào tạo CNTT ở Việt Nam. Để tạo ra môi trường học tập tốt cần có đội ngũ giảng viên rất tốt, khoa này đã có được kế thừa từ các chuyên gia kỳ cựu ngành Toán và đội ngũ chuyên gia trẻ học tập ở nước ngoài trở về. Hiện khoa có 100 giáo sư và phó Giáo sư đầu ngành về CNTT tham gia giảng dạy - đáp ứng sự thay đổi liên tục, nhanh đến bất ngờ của thế giới công nghệ. Chương trình đào tạo của khoa được cập nhật liên tục theo nhu cầu thực tế. Khoa CNTT này còn là một trong số ít khoa CNTT ở các trường có phòng lab, hạ tầng được đầu tư lớn. 80 tỷ đồng đã được đầu tư để tạo hạ tầng tính toán để sinh viên có thể nghiên cứu thực tại ảo, AI.

Các thành viên CLB Robotics của trường ĐH KHTN TP.HCM tham gia giao lưu tại Ngày hội toán học mở “Toán học ở khắp mọi nơi”. Ảnh: Trung Dũng


Để trả lời câu hỏi về việc nếu chọn không đúng ngành, chưa tìm thấy đam mê học tập khi đã thành sinh viên thì sao, ông Quang Vũ đã kể câu chuyện của một MC nổi tiếng. MC này vốn là sinh viên của khoa CNTT của trường KHTN, từ việc dẫn chương trình cho các hoạt động sinh viên của khoa, người đã tìm thấy niềm đam mê của mình và trở thành một MC chuyên nghiệp. Có bằng CNTT và kiến thức chuyên ngành đã giúp MC này trong nhiều chương trình, trong nhiều góc nghề mà các đồng nghiệp khác khó có được.

 “Chương trình tín chỉ tự chọn trong chương trình đào tạo là cách các bạn có thể chọn môn mình thích để duy trì đam mê học tập, nghiên cứu. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, gặp gỡ doanh nghiệp, kết nối với nhau sẽ giúp các bạn tìm thấy và rèn luyện các kỹ năng. Ở các mô hình mở rộng đó, các sinh viên phần nào khám phá ra mình (đam mê, sở thích - PV), nhà trường tạo điều kiện cho các khám phá đó”, Phó Trưởng khoa CNTT khuyên, đồng thời chia sẻ thêm, rằng “sự học là suốt đời, học cái gì và học như thế nào thì cũng phải nỗ lực, để khám phá, sự phát hiện ra niềm đam mê có thể đến một cách bất ngờ và đầy lý thú sau những nỗ lực ấy”.

Làm sao để biết ngành học đang 'hot'?

Triển vọng nghề nghiệp, cơ hội trên thị trường lao động luôn là mối quan tâm của mọi sinh viên. Đại diện ĐH KHTN cho biết nhà trường đã có sự chuẩn bị tốt cho việc này khi kết nối sâu với các doanh nghiệp. Nhà trường liên tục tổ chức các đợt thực tập thực tế, mời các chuyên gia trong từng môn học đến chia sẻ, rút ngắn khoảng cách kiến thức đến thực tiễn để các sinh viên có thể làm việc ngay sau khi ra trường, thậm chí, có thể làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp. Tuy nhiên, học gì để có thể có việc lương cao luôn là nỗi băn khoăn không chỉ của sinh viên mà còn của phụ huynh.

“Không có ngành nào là 'nóng bỏng', chỉ có bạn ‘hot’ trong ngành đó hay không. Chỉ cần nổi bật trong ngành thì bạn không lo bị bỏ lại”, ông Trần Vũ tư vấn. Ở một thời đại mà đòi hỏi các kiến thức rộng và sâu, chỉ cần có chuyên môn tốt ở một lĩnh vực, sinh viên có thể tìm thấy vị trí thích hợp trong xã hội. “Hãy có tư duy linh hoạt, thích ứng tốt với môi trường, khi các không tìm thấy sự yêu thích lúc này, bạn cứ thử hình dung 4-5 năm tới muốn mình sẽ ra sao, cố gắng linh hoạt để đáp ứng”, vị chuyên gia chia sẻ bằng cách này các sinh viên sẽ dần đi đến công việc mình muốn. Đó cũng là lý do mà ĐH KHTN TP.HCM mỗi năm mở mới một ngành, hướng đến sự liên ngành, xuyên ngành. Cụ thể năm nay là ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, trước đó là Vậy lý y khoa, những ngành có thể ứng dụng trong nhiều mảng ngành nghề khác nhau.

PGS-TS Quách Ngô Diễm Phương, Trưởng khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, ĐH KHTN, kể rằng vào những năm đầu của khoa, đa số sinh viên là những thí sinh rớt trường Y vào học, khi học khoa học cơ bản, họ hoang mang và có khi bỏ dở chương trình. Nhiều sinh viên kiên trì, sau khi tìm ra hướng nghiên cứu riêng đã học lên tới tiến sĩ - sáng tạo để nhìn thấy xã hội đang cần gì, thực tiễn hóa kiến thức, tìm thấy điều lớn lao.

Trả lời câu hỏi của thí sinh rằng học công nghệ sinh học ra thì làm gì và liệu lương có cao không, PGS-TS Quách Ngô Diễm Phương nói: “Tương tự như CNTT, công nghệ sinh học có các kiến thức phổ rộng, đáp ứng cho rất nhiều ngành nghề. Khi học xong chương trình, sinh viên có thể trở thành giáo viên dạy sinh học PTTH, đại học, hay làm ở các phòng xét nghiệm ở nhiều cấp độ. Có các sinh viên đã chủ động chế tạo, sản xuất các chế phẩm sinh học, trở thành người chủ. Như giữa đại dịch, các câu chuyện về giải pháp cho đại dịch đều bắt nguồn từ công nghệ sinh học. Người học có thể làm nghiên cứu phát triển sản phẩm như bột giặt, nuôi cấy mô… Mức lương cũng tùy thuộc vào khả năng và cả lựa chọn của mỗi người, như các bạn ở viện tế bào gốc, lương rất cao ở mức ‘trên trời’, người đi dạy thì bình ổn hơn - đó là lựa chọn”.

“Bản chất của việc đào tạo là cung cấp các kiến thức nền tảng và các kiến thức ấy người học dùng để thích ứng với hoàn cảnh công việc, xã hội. Sự thích ứng tốt sẽ giúp các bạn đi xa, trong nhiều mảng công việc khác nhau”, ông Trần Vũ kết luận. Có lẽ ngành có lương cao nhất, luôn là một ngành bí mật, mà các sinh viên phải nỗ lực học hỏi để khám phá.

Nhung Văn

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.