Những lứa dưa đèo đẹt. Ảnh: Lê Quỳnh
Các nhà khoa học cho rằng, nguy cơ ô nhiễm phóng xạ tại các khu vực khai thác titan là đặc biệt nghiêm trọng.
Như thông tin bài trước, qua khảo sát thực tế, các dự án du lịch, người dân vùng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hoạt động khai thác titan đang phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm, mặn hóa nguồn nước, đất bị sa mạc hóa, cát bay, sạt lở… Tuy nhiên, người dân lại gần như không biết đến sự tồn tại của nguy cơ ô nhiễm phóng xạ tại đây.
Ông Nguyễn Văn Phú, ở tiểu khu 13 (Long Sơn, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết), ngay dưới đồi cát mà công ty TNHH Phú Hiệp đang khai thác titan, với diện tích hơn 800 ha.
Ông cho biết, từ khi các công ty khai thác “đất đen”, nguồn nước ở đây nơi thì bị nhiễm mặn, nơi thì bị phèn, không thể trồng hoa màu được gì nữa. Gần đây, ông Phú thử đào ao, lọc phèn để nuôi cá. Ông nói hi vọng cá sẽ sống được.
Tuy nhiên, khi hỏi ông có biết khai thác titan có thể gây ô nhiễm phóng xạ trong không khí và nguồn nước không, ông Phú lắc đầu. Bà Phương, vợ ông Phú thì rầu rĩ cho hay: “cách đây mấy hôm, đám dưa, bầu, bí lại bị chết. Khó hiểu quá! Dân chúng tôi phản ánh chính quyền đã rất nhiều nhưng không được giải thích gì cụ thể.”
Gần chục năm qua, gia đình ông Phú đã phải bị sống chung với cảnh nguồn nước nhiễm mặn, phèn, cây trái thất thu,... nhưng cũng như nhiều người dân khác, ông không hề được biết về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ tại đây. Ảnh: Lê Quỳnh
Năm 2013, tổ Giám sát hoạt động khai thác công ty Phú Hiệp đã lấy mẫu nước tại moong khai thác, hố thu quặng và nước ngầm nhà dân. Kết quả phân tích cho thấy, mẫu nước thải tại hố quặng có hoạt độ phóng xạ α vượt quy chuẩn cho phép 22,5 lần và β vượt 4,5 lần.
Kết quả phân tích mẫu giám sát hai lần liên tiếp sau đó của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cũng với công ty Phú Hiệp vào năm 2013 cũng cho thấy, nước mặt tại hố thu quặng có tổng hoạt độ phóng xạ α vượt từ 4,8 – 152 lần, hoạt độ phóng xạ β vượt 33,7 lần.
Riêng mẫu nước được lấy tại giếng khoan nằm trong vườn xoài một người dân gần đó cho thấy, tổng hoạt độ phóng xạ α vượt 5 lần, β vượt 1,35 so với quy chuẩn cho phép.
Kết quả của Viện Hạt nhân Đà Lạt với mẫu nước giếng khoan nhà dân thì có hoạt độ phóng xạ α vượt 2,2 lần, hoạt độ phóng xạ β vượt 1,12 lần.
Ở đâu cũng ô nhiễm
Phú Hiệp không phải trường hợp duy nhất bị ô nhiễm phóng xạ. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay, các dự án khai thác titan hiện chủ yếu tập trung ở các khu vực thuộc tiểu khu Lương Sơn – Hòa Thắng (huyện Bắc Bình), Nam Phan Thiết, khu vực Chùm Găng, Bàu Dòi (Hàm Tân) và Suối Nhum (Hàm Thuận Nam). Đây đều là các khu vực cồn, đồi cát – nơi là tầng chứa nước quan trọng cung cấp cho dân sinh trong khu vực và các khu du lịch ven biển.
Vùng mỏ Thiện Ái, khu vực xã Hòa Thắng và Hồng Thắng, huyện Bắc Bình đã bị ô nhiễm phóng xạ. Ở đây có 5 công ty khai thác titan hoạt động, gồm công ty Sao Mai, Dương Anh, Đường Lâm, Hưng Thịnh Phát và công ty chế biến khoáng sản Đô Thành. Hiện các công ty này đã khai thác xong.
Theo báo cáo khoa học của Viện Địa lý tài nguyên TP HCM năm 2011, kết quả phân tích nước thải và nước ngầm (giếng khoan của hộ dân) vùng mỏ Thiện Ái cho thấy: hoạt độ phóng xạ α vượt quy chuẩn cho phép 4 – 5 lần, phóng xạ β vượt 1,2 – 5,7 lần.
Đối với nước ngầm ở các giếng khoan hộ gia đình, hoạt độ phóng xạ α vượt từ 1,78 – 2,34 lần, hoạt độ phóng xạ β vượt 1,58 lần.
Kết quả phân tích nước biển ven bờ khu vực này cho thấy, hoạt độ phóng xạ α cao hơn từ 2,5 - 9 lần so với quy định, β cao hơn từ 5,4 - 10,4 lần. Phông phóng xạ gamma tại nơi tập kết sa khoáng rất cao so với mức tối thiểu của dị thường phóng xạ, có nơi cao gấp 26 - 36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên.
Nước bị chuyển sang màu đỏ tươi gần chục năm nay, gia đình ông Mai Văn Nô cho biết: chỉ biết nó bị ô nhiễm, nhưng hoàn toàn không biết về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do khai thác titan gây ra cho nước thải, ngấm xuống tầng nước ngầm... Ảnh: Lê Quỳnh
Còn theo kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 4.2011 về hoạt động khai thác tian ở Bình Thuận, hầu hết nước thải vào nguồn nước trong quá trình khai thác titan của 5 dự án khai thác titan (gồm công ty TNHH Thương Mại Việt Phát, công ty Tân Cường Quang, công ty cổ phần du lịch Sài Gòn Hàm Tân, công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận, công ty liên doanh quốc tế Hải Tinh ) đều có hoạt độ phóng xạ α vượt quy chuẩn từ 1,38 – 124 lần; hoạt độ phóng xạ β vượt 1,16 lần,…
Theo các nhà khoa học, dù trải qua bao nhiêu năm thì thải phóng xạ vẫn tồn tại đó, đặc biệt khi bị thải ra môi trường, nó sẽ thông qua dây chuyền thức ăn và chuyển lại đến con người.
Tuy nhiên cho đến nay, qua chất vấn của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Thuận các năm cho thấy, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm phóng xạ tại các khu vực đã, đang khai thác titan trên địa bàn chưa hề được giải quyết. Từ kết quả giám sát công ty Phú Hiệp, Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) đã đề nghị Sở Khoa học công nghệ (KHCN) tổ chức kiểm tra lấy mẫu phân tích tổng hoạt độ phóng xạ α, β. Theo đó, UBND Bình Thuận giao Sở KHCN kiểm tra báo cáo. Nhưng cho đến nay, Sở KHCN vẫn không thực hiện với lý do công ty Phú hiệp đang tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân khu vực này suốt những năm qua, và qua khảo sát thực tế vào tháng 8.2017 của chúng tôi cho thấy, công ty Phú Hiệp vẫn đang khai thác.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh cho rằng: tổng hoạt độ phóng xạ tại nơi khai thác và nước giếng người dân vượt tiêu chuẩn cho phép đã được một số cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ năm 2010 và liên tục các năm sau đó. Nhưng các cơ quan thẩm quyền trong tỉnh không biết vì lý do gì mà không lấy mẫu kiểm tra, đối chứng tại các dự án khai thác titan.
“Ở đây có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát an toàn phóng xạ; coi thường sinh mạng, sức khỏe của nhân dân”, ông Thiện nói.
Nguy cơ ô nhiễm đặc biệt quan trọng
Theo các nhà khoa học, quặng sa khoáng titan không chỉ là “cát đen” vô hại, mà trong đó có các khoáng vật Zircon, Monazite chứa các nguyên tố phóng xạ thuộc dãy Thorium và Uranium. Tại các cồn cát ven biển khi chưa tác động, phông phóng xạ ở mức bình thường so với suất liều chiếu xạ tự nhiên toàn cầu, không ảnh hưởng đến môi trường và con người vì lớp sa khoáng nằm ở độ sâu dưới mặt đất.
Địa hình bị biến dạng là một trong những nguy cơ khiến titan chứa chất phóng xạ dễ dàng phát tán ra môi trường hơn. Ảnh chụp tại khu mỏ Thiện Ái 2. Ảnh: Lê Quỳnh
Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy, các thân quặng sa khoáng titan ven biển Việt Nam thường nằm trong các cồn cát ít được cây cối, thảm thực vật che phủ, và lớp phủ thường tương đối mỏng. Đây là yếu tố khiến quặng sa khoáng titan chứa chất phóng xạ dễ dàng phát tán ra môi trường xung quanh hơn khi bị tác động.
GS. TS Đặng Trung Thuận, ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho biết, quá trình khai thác, tập kết, vận chuyển, tồn trữ, chế biến quặng titan làm phát tán các chất phóng xạ rất có hại đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả đo xạ thực tế nhiều tỉnh thành cho thấy cường độ phóng xạ ở đống quặng tuyển ướt, đặc biệt trong xưởng tuyển tinh, các sản phẩm sau tuyển tinh đều rất cao, vượt ngưỡng hàng trăm lần so với tiêu chuẩn an toàn phóng xạ.
Theo nghiên cứu của TS Tôn Thất Lãng, trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (nay là ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM - PV), trong các chất thải phát sinh của quá trình khai thác titan, nước thải từ công tác tuyển quặng có ảnh hưởng lớn nhất đến môi trường. Các hoạt động khai khoáng, tác động của môi trường (môi trường thay đổi trong quá trình tuyển quặng và chế biến sâu quặng titan) là những tác nhân khiến nước thải nhiễm phóng xạ.
Lượng nước thải sinh ra từ hoạt động tuyển quặng và chế biến titan chiếm hơn 20% lượng nước sử dụng, theo như công suất khai thác hiện nay thì lưu lượng nước thải ra là rất lớn.
Theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, giảng viên cao cấp trường Đại học Mỏ Địa chất, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, số liệu các mỏ đã phân tích về thành phần hoá học nước thải từ khai thác titan tại khai trường khai thác, tuyển quặng ở Bình Thuận cho thấy, tổng hoạt độ phóng xạ α, β đều tồn tại và vượt quy chuẩn ở mức từ 1 - 15 lần.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng cho rằng, số liệu đo xạ ở Bình Thuận còn quá ít, cần có chuyên đề nghiên cứu về phóng xạ tại các xí nghiệp chế biến quặng titan. GS Đặng Trung Thuận phân tích: quặng Titan tại Bình Thuận chứa nhiều monasit, zircon (là sản phẩm đơn khác cuối cùng có hàm lượng xạ cao), do đó độ phóng xạ sẽ có nguy cơ cao hơn hẳn so với vùng khác.
Một khu vực khai thác chế biến titan của Bình Thuận. Ảnh: Dương Văn Thọ
Cũng theo các chuyên gia, công nghệ sử dụng trong khai thác, tuyển quặng của phần lớn các doanh nghiệp khai thác hiện nay còn lạc hậu. Chế biến quặng titan hiện nay chủ yếu là tuyển tinh để tách các sản phẩm ilmenit(TiO2), Rutil, Zircon và quặng đuôi chứa Monazit và Leucoxen. Trong đó mới dừng lại ở việc nghiền zircon mịn và siêu mịn (theo công nghệ của Trung Quốc và Anivi – Tây Ban Nha) và sản xuất xỉ titan (theo công nghệ Trung Quốc).
Trong khi đó, báo cáo của Sở TNMT Bình Thuận cho thấy, nhiều Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác titan còn mang tính hình thức, thiếu các số liệu đo phông bức xạ tự nhiên tại khu mỏ ngay trước thời điểm tác động để làm cơ sở đánh giá mức độ nhiễm phóng xạ do tác động của hoạt động khai thác, chế biến; không hoặc ít đo kiểm soát, đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến.
Ngoài ra, trong quá trình khai thác, chế biến, hầu hết doanh nghiệp đều chưa cảnh báo và có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho công nhân và cộng đồng đối với nguy cơ nhiễm xạ.
Theo các nhà khoa học, ô nhiễm phóng xạ là ô nhiễm mà con người không cảm nhận được, nhưng lại rất nguy hiểm cho sức khỏe của công nhân khai thác, chế biến quặng titan và cư dân địa phương. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do hoạt động khai thác titan gây ra chỉ mới nhìn thấy ở hiện tượng, bề mặt, chứ chưa có những khảo sát, kiểm tra toàn diện về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ.
Báo cáo Sở TNMT, tính đến tháng 7.2017, toàn tỉnh có 25 dự án khai thác titan, trong đó có 7 dự án đã được cấp giấy phép khai thác, 11dự án đã đươc cấp giấy phép thăm dò và 7 dự án đang làm thủ tục thăm dò. Điều này cũng có nghĩa, theo nhiều chuyên gia, nếu chính quyền không phản ứng kịp thời, thì sắp tới sẽ có hàng trăm ngàn khối nước thải chưa được xử lý (trong đó có hoạt độ phóng xạ α, β vượt ngưỡng) bị đổ vào tầng nước ngầm, sau đó đổ vào vùng biển ven bờ Bình thuận.
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi độc tố tích lũy hàng ngày, cho đến lúc nó thành thảm họa môi trường?
(Còn tiếp)
Lê Quỳnh