Toán học Việt vang danh bởi thi tủ, luyện “gà”?
Cuộc toạ đàm của Ngày hội Toán học nhỏ quy tụ nhóm diễn giả khá đặc biệt, gồm: GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Hoa Kỳ), kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên (thủ khoa đầu ra ĐH Bách khoa TP.HCM, giám đốc CNTT tập đoàn Masan), nhà báo Phạm Hy Hưng (nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị - SGTT) và TS Trần Nam Dũng (giảng viên khoa Toán - Tin học trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM). Biết trước dàn diễn giả hùng hậu, đại diện cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề như vậy nên nhiều câu hỏi đã được gửi trước đến ban tổ chức. Và có lẽ không để mọi người đợi lâu, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất: Học toán để làm gì đã được “mở hàng”.
Các diễn giả tại cuộc toạ đàm.
Là người "nổ phát pháo" đầu tiên của toạ đàm, GS Vũ Hà Văn, trong một phong thái điềm đạm, với lối diễn ngôn khúc chiết, chia sẻ rằng học toán có bốn mục đích. Mục đích cơ bản nhất, mang tính đại chúng mà ai cũng phải học để ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày, tức cộng - trừ - nhân – chia. Thứ đến, thiên về những người thích giỏi toán, thích học toán, có thể ví đó như là trò chơi thể thao trí tuệ, hướng đến rèn luyện cho con người ta tính vượt khó (như các kỳ thi toán Olympic, IMO). Vì như vậy nên như những môn thể thao khác, muốn đạt được mục tiêu thì phải chịu khó tập luyện, phải có “thể lực” về mặt suy nghĩ.
Mục đích thứ ba, cần toán để ứng dụng vào kỹ thuật, để ứng dụng cho những công việc sinh lợi lợi nhuận (làm giàu). Mục đích thứ tư mà theo GS Vũ Hà Văn, là quan trọng nhất: học toán để nâng cao kiến thức, tư duy logic, bồi đắp cho những kỹ năng trong cuộc sống. GS đến từ ĐH Yale cho rằng, toán mang lại tư duy độc lập, nhìn thế giới quan có chủ kiến, đề cao tính phản biện và vì vậy không chạy theo đám đông. Toán học giúp người ta nhìn sự vật, hiện tượng theo con mắt riêng của mình.
Câu hỏi trực diện trên cũng gợi cho nhà báo Hy Hưng nhiều dòng suy tưởng. Ông Hy Hưng chia sẻ từ quan điểm người làm truyền thông nhìn về toán, là khi chuẩn bị buổi này đã tìm lại những bài viết chuyên mục học hành trên tờ SGTT đăng tải trước đó. Từ khoá “Trần Nam Dũng + SGTT” cho ra hàng chục bài báo, với mục tiêu khơi gợi cảm hứng về phong trào học toán: “Tôi chưa đặt vấn đề với cộng đồng đó học như thế nào, học để làm gì nhưng tôi để ý thấy một quan điểm truyền thông không biết từ đâu ra, là cứ nghĩ người học toán thì kỹ năng sống không cao, hay cứ nghĩ một người giỏi toán là người hơi lơ ngơ. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Quá trình viết về phong trào toán, về những học sinh giỏi toán, tôi thấy một số phẩm chất chung ở họ: người giỏi toán là người có kỹ năng viết rất tốt, học sinh giỏi toán là học sinh có khả năng trình bày một vấn đề tốt, tự tin. Như GS Vũ Hà Văn nói, họ có điểm mạnh là tư duy độc lập, sắc sảo, sẵn sàng bảo vệ quan điểm riêng. Từ những tố chất như vậy, tôi tin họ có khả năng thành công trong cuộc đời”, ông Hy Hưng nhận định.
"Nên nhớ, xếp hạng thi toán học có năm chúng ta lên thứ 3 nhưng hiện nay nền toán học chúng ta đang phấn đấu vào Top 50" - TS Trần Nam Dũng |
Những kiến giải ấy mở ra một cách đặt vấn đề khá thực dụng, là nếu vậy chỉ cần các phép tính cộng – trừ - nhân – chia, sao cứ bắt học sinh phổ thông học tích phân, đạo hàm. Là người đang làm công tác giảng dạy, TS Trần Nam Dũng cho rằng đúng là đại chúng thì chỉ cần cộng - trừ - nhân - chia nhưng nếu đi vào công nghiệp, sản xuất mà cũng có tư duy như thế thì sẽ xây dựng một nền kinh tế, một nền công - nông nghiệp 1.0. Suốt đời đi làm cu li cho người ta.
TS Nam Dũng minh hoạ, và đây cũng là dẫn chứng vẫn dùng khi đứng lớp: “Người ta qua Việt Nam mua cà phê nguyên liệu, 1kg giá 3 USD. Sau chế biến bán ra 50 USD. Cho nên phải học giỏi (không chỉ toán) để gia tăng giá trị cho cà phê cũng như những mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Để đưa những sản phẩm ấy vào các chuỗi bán lẻ không chỉ trong nước mà quốc tế. Học để làm giàu cho bản thân và đất nước”.
Theo TS Nam Dũng: “Thực sự nếu chỉ học cộng - trừ - nhân - chia thì chúng ta sẽ đưa đất nước trở về với thế kỷ mà người ta chỉ ứng dụng những phép tính này”. Nói đến đây, TS Trần Nam Dũng cũng mở rộng vấn đề, khi đề cập đến sự tụt hậu của nền giáo dục nước nhà: “Hôm trước xuống một địa phương ở miền Tây, tôi gặp hiệu trưởng một trường chuyên và nghe chia sẻ về câu chuyện đáng suy ngẫm. Số là trường vị này muốn áp dụng một phương pháp dạy mới, tự do một chút thì cán bộ ngành giáo dục lại xuống thanh kiểm tra.
Trước áp lực đó, vị này không ngại nói thẳng với họ: Tôi cảm giác rằng các anh vẫn đang xây dựng ngành giáo dục này như một cửa hàng thời bao cấp. Cứ bán cho một người một ít, chia bình quân sản phẩm. Người không hút thuốc lá cũng bắt phải mua một bao. Tôi đang muốn xây dựng trường của tôi trở thành một siêu thị mini, và chúng ta phải hướng đến như thế. Ai cần gì thì có thể lựa, mua chứ không có chuyện nhà đang đầy ra lại áp đặt phải mua. Tệ hơn là cứ như bao cấp thì cũng phải mua thôi vì không mua thì biết mua ở đâu bây giờ?! Nếu còn tư duy bao cấp thì còn mắc phải lỗi như vậy, người thì thừa mứa, kẻ thì thiếu. Giáo dục cần tạo cho người ta tâm thế cần gì học đó và toán học cũng vậy”.
Không khí trao đổi "nóng" lên trước câu hỏi: Việt Nam là nơi “luyện gà chọi” để thi toán rất tốt, còn những người áp dụng toán học trong đời sống thì ít hơn nhiều?! Chạm vào đúng tâm tư, TS Nam Dũng - vẫn phong thái sôi nổi và cách trả lời không ngại đụng chạm như đã từng - thừa nhận đúng là có chuyện luyện “gà” mà suy cho cùng cũng do người ta nơi này nơi kia còn đặt nặng thành tích, để học sinh đoạt giải cho trường, cho địa phương.
Bày tỏ quan điểm ghét hai chữ “luyện gà”, TS Nam Dũng khẳng định: “Bản thân tôi không bao giờ đi theo con đường đó. Những năm đầu dạy trường Phổ thông năng khiếu – ĐHQG TP.HCM, tôi cũng bị áp lực khi những năm đầu thành tích thi khá bết bát. Đồng nghiệp cũng như phụ huynh cũng nóng ruột về điều này. Tôi chỉ trả lời, học toán là chúng ta phải nhắm đến nền tảng để sau này học sinh còn học lên các bậc cao hơn. Học toán kỹ thì sau này mới vào ĐH Stanford được chứ? Tôi không dạy theo kiểu bắt tủ nhưng càng ngày tôi càng có kinh nghiệm hơn, vẫn hài hoà được chuyện mình dạy để học trò còn đi đường xa nhưng vẫn có thành tích khích lệ trước mắt”.
Những năm gần đây đều có học sinh đoạt huy chương, nhưng TS Nam Dũng bày tỏ chỉ tự hào một phần, vì: “Nhìn các em sau này vào được các trường Top của thế giới, tham gia vào nhiều lĩnh vực toán ứng dụng trong dịch thuật, trí tuệ nhân tạo các tập đoàn đa quốc gia tôi rất mừng. Nhìn các bạn ấy thành công như vậy thì tôi tự hào hơn rất nhiều so với tấm huy chương vàng quốc tế trước mắt. Tôi đang “chiến đấu” để lan toả tinh thần đó”.
"Về cộng đồng toán, thông điệp truyền thông không phải hướng đến mục tiêu là một cuộc thi, danh hiệu hay một một tấm huy chương" - nhà báo Phạm Hy Hưng. |
GS Vũ Hà Văn tiếp lời: “Các kỳ thi quốc tế không đại diện cho toán học của một nước, nếu dựa vào đó để đánh giá nền toán học thì khập khiễng, nói đúng ra là không có ý nghĩa gì. Báo chí lại cứ thích đưa những thông tin thành tích đó lên rất nhiều”. Đồng tình với quan điểm này, TS Nam Dũng bổ sung: “Truyền thông cứ nâng tầm mỗi khi có học sinh đoạt huy chương thì coi đó là thành tựu đáng tự hào của nền toán học Việt Nam. Hay dù năm trước mới thua te tua, năm sau đoạt mấy huy chương vàng lại nói sự trở lại ấn tượng của toán học Việt Nam... Cứ gán thành tích IMO là đại diện cho nền toán học Việt Nam thì không hề đúng. Nên nhớ, xếp hạng thi toán học có năm chúng ta lên thứ 3 nhưng hiện nay nền toán học chúng ta đang phấn đấu vào Top 50”.
Tuy nhiên, theo TS Trần Nam Dũng, nói đi thì cũng phải nói lại. Nói thi toán xong rồi không dùng đến, hay những tài năng ấy biến đi đâu mất thì hơi cực đoan: “Rất nhiều người thi toán quốc tế sau này vẫn thành công. Những bạn trẻ như Đào Hải Long, Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đắc Tuấn... đi theo con đường toán học. Nhiều người khác lại đi theo con đường kinh doanh hay thành công trong các lĩnh vực khác. Có người nói: Người giỏi đi học toán thì lãng phí. Nghe thì nhiều người tự ái nhưng cá nhân tôi nhận xét đó đúng. Chúng ta cũng phải đi vào những lĩnh vực khác. Thế hệ đội tuyển toán ngày trước, chỉ mình tôi đi theo toán, dùng toán nhiều nhất. Hai người khác đi làm kinh doanh trở thành tỉ phú. Hai người khác đi làm sinh học, có vị thế cao ở Mỹ”.
Nhà báo Hy Hưng tiếp lời bằng hoài niệm: “SGTT lúc đó có rất nhiều bài viết về phong trào học toán. Tôi nhớ TS Trần Nam Dũng, trong một buổi giao lưu, thẳng thắn nói: Với học sinh chuyên toán, không cần bắt các em ấy học mà hướng dẫn cách học như thế nào để đi xa. Họ đều là những người có tinh thần tự học tốt vì vậy họ chỉ cần phương pháp. Về cộng đồng toán, thông điệp truyền thông không phải hướng đến mục tiêu là một cuộc thi hay những danh hiệu, một tấm huy chương. Quan điểm thi toán gắn với “gà nòi, gà chọi” đó là một cách nhìn của xã hội, nhưng theo tôi là không đúng và trong quá trình làm truyền thông tôi cố gắng tránh và chống lại điều đó”.
Công thức toán = “vũ khí” làm giàu
Không khí khán phòng rôm rả hơn khi chủ đề toán ứng dụng được đặt ra. Thay vì đi thẳng vào vấn đề học toán sẽ làm được gì, Kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên “phản đề” bằng việc nêu bất cập của việc dốt toán. Theo quan điểm của “Người làm thuê số một Việt Nam” thì hiện nay đang có căn bệnh, có thể ví như là ung thư, đó là bình quân hoá mọi thứ, theo kiểu: Nói chung là... Lấy ví dụ toán học giải quyết được những bài toán kinh tế hóc búa, kỹ sư Anh Nguyên đưa ra một ví dụ thực tế từ chính nơi mình đang quản lý liên quan đến kho vận, là chỉ cần giải quyết bài toán bố trí khi hàng, đường đi một cách thông minh, mỗi năm sẽ tiết kiệm cho công ty số tiền khổng lồ, đó là chưa kể giúp giải quyết những vấn đề như kẹt xe, ô nhiễm môi trường: “Một năm tập đoàn chúng tôi chi 700 tỉ để chuyên chở hàng hoá, chỉ cần tiết kiệm được 10% của con số đó là đã giảm chi phí rất nhiều”.
GS Vũ Hà Văn đồng tình quan điểm, khi chia sẻ: “Hướng phát triển kinh tế thế giới là công nghệ. Và muốn đi theo nền kinh tế đó thì thì cần một nền tảng toán học rất vững chắc. Như anh Anh Nguyên vừa ví dụ, chỉ cần tính toán vị trí để phân bố các kho hàng cũng đã tiết kiệm được rất nhiều tiền. Đó là ví dụ đã đúng cách đây 50 năm rồi nhưng rút gọn 20 năm gần đây, có ví dụ khác sinh động hơn. Tôi muốn nói đến một ứng dụng công nghệ mà mọi người đang sử dụng, thậm chí dùng hàng ngày là Google. Cha đẻ của Google Larry Page và Sergey Brin, hai sinh viên của ĐH Stanford, thực hiện ý tưởng trên nền tảng toán hiện đại”.
Theo quan sát của GS Vũ Hà Văn, những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng hiện nay, họ cần những người ngoài giỏi kỹ năng, rành lý thuyết chuyên ngành tài chính, kinh tế thì cũng cần giỏi toán để xây dựng mô hình toán như chứng khoán, bảo hiểm. Vì vậy, nhà tuyển dụng hoặc tuyển những người học tài chính rồi cho học toán sau; hoặc tuyển những người học toán sau đó dạy tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên cách thứ hai vẫn được ưu tiên hơn. Theo GS Vũ Hà Văn với những ngành mũi nhọn hiện nay thì cơ sở về toán học là không thể thiếu được.
“Hướng phát triển kinh tế thế giới là công nghệ. Và muốn đi theo nền kinh tế đó thì thì cần một nền tảng toán học rất vững chắc"- GS Vũ Hà Văn. |
Đúng mạch suy tư, kỹ sư Anh Nguyên nói thêm, không chỉ dừng lại ở mức tiết kiệm vài chục tỷ đồng như vừa nêu trên, toán học ở mức cao còn có thể tạo ra những sản phẩm trị giá hàng tỷ USD. Đơn cử, công thức cosine similarity, một công thức toán học rất đơn giản là cơ sở toán học của bốn công ty hàng đầu thế giới: Amazon, Facebook, Google, Netflix khởi nghiệp và trở thành những tập đoàn hang đầu thế giới như hiện nay. Tất nhiên, từ công thức “lõi”, các chuyên gia của họ sẽ phát triển thêm thành các công thức nâng cao có tính đặc thù – những bí quyết công nghệ: “Những tỉ phú ấy khởi nghiệp và thành công từ một công thức toán cực kỳ đơn giản nhưng công thức đó cho phép họ dự đoán tương lai, khách hàng đang chuẩn bị làm gì, sẽ cần gì”.
Nhận ra “thiện cảm” của ông Anh Nguyên với những người học toán, có người đặt ngay câu hỏi: Nếu một học sinh giỏi toán xin vào công ty anh đang quản lý thì có nhận hay không? Về điều này, kỹ sư Anh Nguyên đáp: “Để tuyển dụng thì ứng viên cần đáp ứng nhiều điều kiện. Trong đó, ăn nói mạch lạc là kỹ năng quan trọng. Có một thống kê thú vị là những em học toán kha khá trở lên thường ăn nói, tư duy mạch lạc. Còn những em hụt toán một chút thì hay nói lòng vòng. Mà ứng viên có tư duy, kỹ năng ăn nói mạch lạc thì cơ hội để được tuyển dụng thì cao hơn nhiều. Hồi ở Uniliver, mỗi năm chúng tôi phỏng vấn 15.000 – 20.000 lượt để nhận vào khoảng 10 người. Sau hai năm giữ lại khoảng 5 người và họ thường trở thành lãnh đạo của tập đoàn, ở những cấp bậc khác nhau. Và thường đó là những người xuất sắc về tư duy, mạch lạc trong thuyết trình và sức sáng tạo tuyệt vời”.
Một câu hỏi chuyên ngành đặt ra cho GS. Vũ Hà Văn là người thông minh mới học toán hay học toán để thành người thông minh? và được GS ĐH Yale đáp: “Có cần thông minh để học toán hay không thì câu trả lời của tôi là không. Theo tôi thì học toán để thông minh. Nếu một người bình thường nhưng được hướng dẫn theo một trình tự nhất định thì có thể giỏi được. Học đúng trình tự thì thành công nhanh hơn. Về phần mình, hồi học phổ thông tôi không nghĩ mình là người thông minh nhất trong lớp”.
Lý do đến với toán học thay vì nối nghiệp cha (nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương), GS Vũ Hà Văn chia sẻ: “Tôi nghĩ học toán cũng tuỳ thuộc từng người. Ở trường phổ thông, có đam mê hay không là phụ thuộc vào năng lực của người dạy, truyền cảm hứng. Còn khi lớn, việc theo toán lại phụ thuộc vào cảm thụ, như xem một bức tranh. Tôi theo toán vì tôi vì thấy nó hay. Thời phổ thông, trước một bài toán ta phải tìm cách giải như thế nào, còn khi lớn lên, đi đến đâu, câu hỏi đầu tiên khi làm toán là tại sao mình lại làm bài toán này.
"Những tỉ phú dựng nên Amazon, Facebook, Netflix khởi nghiệp và thành công từ một công thức toán cực kỳ đơn giản nhưng công thức đó cho phép họ dự đoán tương lai, khách hàng đang cần gì" - kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên. |
Cuộc sống thì luôn đặt ra những bài toán rất trực quan, những điều ta phải hỏi chứ không phải bị hỏi. Nét đẹp của toán học là những sự việc, hiện tượng hàng ngày mà ta có thể dùng toán học để giải thích một cách sâu sắc hơn và có thể dùng nó để tiền giả định những gì sẽ xảy ra trong tương lai như anh Anh Nguyên vừa chia sẻ về công thức thành công của các tỉ phú”. Vậy theo toán lý thuyết thì ứng dụng như thế nào? Điều này, theo GS Vũ Hà Văn thì toán xác suất có nhiều ứng dụng: “Bản thân tôi làm cho Microsoft hai năm với tư cách là người nghiên cứu. Sau này tôi vẫn cộng tác với họ như một nhà tư vấn. Điều đó để nói rằng không những ứng dụng mà còn ứng dụng trực tiếp”.
Chia sẻ câu chuyện toán ứng dụng, học toán để làm giàu với những dẫn chứng sinh động nhưng các diễn giả cũng không quên nhất mạnh không chỉ toán mà bất cứ ngành nào, cái quan trọng là ngoài niềm đam mê phải có động lực học, luôn có ý thức trau dồi kiến thức, hoàn thiện các kỹ năng, nắm bắt những chuyển biến của thời cuộc. Đây cũng là điều trăn trở của kỹ sư Anh Nguyên: “Đa số các anh chị em sinh viên ra trường sau 1 – 2 năm thường đánh mất thói quen đi học, chủ yếu tập trung đi làm kiếm tiền, sếp bảo gì làm nấy, học lẫn nhau là chính. Mất đi kỹ năng đấy thì thiệt thòi vô cùng. Thế giới biến động liên tục, đòi hỏi cao. Nếu đánh mất đi niềm đam mê học hỏi thì gần như đánh mất đi phần còn lại của cuộc đời, lại ảnh hưởng trực tiếp tới nhân viên. Vì bạn không học thì nhân viên cũng sẽ không ham học hỏi nữa. Vì vậy, không chỉ cộng đồng toán mà cả những cộng đồng khác, không chỉ truyền lửa cho sinh viên mà cần tìm những cơ hội, diễn đàn để truyền lửa cho những người đã bắt đầu đi làm rồi”.
Chia sẻ câu chuyện bản thân, kỹ sư Anh Nguyên cho biết ở tuổi 49, đang làm quản lý cấp cao nhưng vẫn xách cặp đi học, tối về vẫn học đến 2 giờ sáng dù 5h30 ngày hôm sau đã phải dậy đi làm: “Nếu ai còn khi ngờ khi ngờ học xong rồi thì học tiếp làm gì, thì tôi chia sẻ: Tất cả những đề toán bạn đã, đang và sẽ học áp dụng vào 100% các công việc mà bạn sẽ làm. Nếu đủ đam mê, chắc chắn một điều là những gì đang học ngày hôm nay sẽ là vũ khí lợi hại trong tương lai. Những người giỏi toán đi làm nghề ở nước ngoài, vừa ra trường là có việc làm ngay và lương rất cao. Thế giới đang đặt cược vào những người giỏi toán” – kỹ sư Anh Nguyên khẳng định.
Bí quyết học toán
GS Vũ Hà Văn: Thứ nhất ta phải thích nó. Thứ hai là có những người bạn, người thầy chỉ dẫn cho mình. Những người có kinh nghiệm đi trước hướng dẫn mình đi con đường nào phù hợp và ý nghĩa.
TS Trần Nam Dũng: Đều tiên là anh phải nghiêm túc, học ra học, chơi ra chơi, ngồi ngay ngắn, suy nghĩ ngay ngắn, tập trung. Học phải có giao tiếp, có thầy, có bạn. Nêu cao tinh thần tự học. Khổng Tử nói: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ nhưng đó là câu sau, câu trước là: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm. Đấy là con đường học.
Kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên: Phải có động cơ. Cái này không phải dễ kiếm nhưng có đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ thì tốt. Thứ hai là sử dụng công cụ trực quan, nhờ vậy tiếp cận những công thức cũ rất nhanh. Thứ ba là năng khiếu, hãy đi tìm những bài toán thật đơn giản, thực tế để dùng toán giải nó.
Ngày hội Toán học nhỏ do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán bảo trợ chuyên môn và các công ty và tổ chức giáo dục tại TP.HCM và Hà Nội đồng tổ chức, diễn ra ngày 17.9. Ngày hội với nhiều hoạt động, như: Giới thiệu ngôn ngữ lập trình Scratch; các gian hàng trò chơi, đố vui, toán IQ, thi thử, giới thiệu và bán các đầu sách/báo về toán của các đơn vị CLB toán APC, Titan Education, tạp chí Pi, Sputnik Education, Math4Everyone, CLB học thuật ĐH KHTN TP.HCM.
Trung Dũng lược thuật