Ngày 1.11, thông tin từ Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, đơn vị vừa có bản tin dự báo nguồn nước từ ngày 31.10 đến ngày 9.11.2024. Theo đó, trong 4 ngày tới, mưa trên vùng ĐBSCL ở mức thấp, phổ biến từ 20- 50 mm và có xu thế tăng.
Cụ thể, tại trạm Thạnh Hóa (Long An): dự báo ngày 1.11 là 3,90 mm, đến ngày 4.11 là 4,40 mm. Tương tự, trạm Bến Tre lần lượt là 4,30 mm và 7,20 mm; trạm Vĩnh Long 6,80 mm và 7,10 mm; trạm Cần Thơ 3,90 mm tăng lên 11,60 mm.
Còn Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu trên các sông ĐBSCL lên chậm trong 24 giờ qua. Đến 7 giờ ngày 1.11, đỉnh triều cao nhất ngày thực đo tại các trạm ở mức như sau: trạm Cần Thơ 1,75 m, dưới báo động (BĐ) I 0,05 m; trạm Mỹ Thuận 1,65 m, ở mức trên BĐI 0,05 m.
Trong những ngày tới, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu trên các sông ĐBSCL tiếp tục lên chậm theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch.
Đỉnh triều cao nhất ngày tại hầu hết các trạm trong đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 3 đến 4.11 và ở mức như sau: trạm Mỹ Thuận ở khoảng 1,85-1,90 m (trên BĐ III 0,05-0,10 m); trạm Cần Thơ 1,90-1,95 m (xấp xỉ hoặc trên BĐII 0,05 m); các trạm vùng cửa sông ở mức BĐ I-BĐ II, riêng trạm Gành Hào xấp xỉ BĐ III.
Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu ở cấp 2.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, tuy lũ hiện nay trên các trạm thượng nguồn Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long đã xuống thấp nhưng triều cường từ nay đến cuối năm 2024 dự báo ở mức cao.
Mặt khác, theo nhận định của các tổ chức trong và ngoài nước từ nay đến cuối mùa lũ vẫn còn khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có nguy cơ gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông. Vì vậy, viện kiến nghị các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo.
Tin, ảnh: Ca Linh