Người Việt xấu hổ khi hôn nhau ngoài đường, thậm chí “mà sao bối rối khi cầm tay nhau”. Đấy là lời những bài hát tình yêu chân chính nhé! Còn trong đời sống giao tế thường nhật, người Việt dường như bị giằng xé giữa sự nghiêm cẩn do quy định của nền nếp Nho phong với sự phồn thực phóng túng bản năng sẵn có.
Một mặt họ dùng lễ giáo để ngăn ngừa những thứ “chướng tai gai mắt”, mặt khác lại đầy ắp cả kho tiếu lâm và “tục ca” xoay quanh chuyện tứ khoái. Kết quả là người ta đành chọn giải pháp “đùa” khi nói đến tình dục, như rất nhiều lĩnh vực khác vốn cũng phải đùa khi nhắc đến ở Hà Nội.
Tranh biếm họa về hát cô đầu ở Hà Nội trên Hà thành ngọ báo năm 1933. Ảnh: TLTG
Người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng quan niệm rất cụ thể về “địa phương tính”. Hễ nói đến ai là phải xác định quê hương bản quán vùng miền xuất thân, kèm theo đó là gán ngay các giá trị. Trong nhiều trường hợp, địa danh bị tính từ hóa. Những năm 1930, “cái nôi văn nghệ của Hà Nội” mà Vũ Bằng nhắc đến chính là phố cô đầu Khâm Thiên với từ viết tắt “K.T” trứ danh. Khâm Thiên vốn dĩ không phải địa phận Hà Nội mà trên đất tỉnh Hà Đông, ở đúng chỗ giáp ranh với nội thành cũ. Việc ở giáp ranh và cửa ngõ có cái lợi sẽ nói dưới đây.
Sau năm 1954, Khâm Thiên không còn dấu vết của các nhà hát cô đầu, vốn ngay từ thời những năm 1930 việc hát đã lép vế so với việc các văn nhân tài tử tìm sự sung sướng, biệt danh “phường Dạ Lạc” (chữ của Văn Cao trong bài thơ viết năm 1945) đã biến mất. Đến thời bao cấp, hai chữ “K.T” làm người ta nghĩ đến loại vải “kỹ thuật” được phân phối ở các cửa hàng mậu dịch, vốn bị gắn với câu “Cái cứt gì cũng phân, mà phân thì như cứt”. Câu nói tương truyền là vế đối này của Thanh Tịnh cũng liên quan thứ cuối cùng của tứ khoái.
Tranh biếm họa về ngoại tình trên báo Phong hóa. Ảnh: TLTG
Gần đây, ở nghị trường xuất hiện ý kiến bàn về việc hợp pháp hóa nghề mại dâm và cho phép hình thành các khu phố đèn đỏ có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Xem ra dư luận chẳng đùa được nữa. Cái nghề cổ xưa nhất của nhân loại đến giờ mới được nhìn nhận nghiêm túc ở Hà Nội kể cũng là muộn.
Dịch vụ mát mẻ này có mặt ngay từ khi quân Pháp chiếm được thành Hà Nội năm 1884. Một đoạn trong bài báo của Dumoutier được các nhà nghiên cứu như Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng bóng gió nói đến việc một bà già tự xưng hậu duệ nhà Lê trong coi một ngôi đền trong thành Hà Nội đã làm nghề môi giới cho lính Pháp “trú thân qua đêm” một cách vui vẻ. Trong khi các nhà nho Việt Nam sỉ vả cô Tư Hồng lấy chồng Tây và tham gia phá thành Hà Nội lấy gạch (“Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc” – Đĩ cầu Nôm, Nguyễn Khuyến) thì đồng hương của văn hào Victor Hugo thực tế hơn khi quan tâm đến khả năng lây các bệnh tình dục của các Fantine xứ thuộc địa.
Ngay khi vừa thành lập thành phố Hà Nội năm 1888, nghề mại dâm đã được quản lý và còn là đối tượng của ngành y tế. Trong phóng sự Lục xì của Vũ Trọng Phụng xuất bản năm 1937, ông đã dẫn ra tỉ mỉ các thống kê của bác sĩ Tây về số lượng gái điếm đi điều trị bệnh lậu hay giang mai.
Người Việt bây giờ thực ra mang một nỗi ưu tư lớn hơn thông qua vấn đề quan niệm tình dục: sự thỏa mãn liệu có đồng nghĩa hạnh phúc?
Lời đề từ của ông vua phóng sự đất Bắc đã ghi: “Kính tặng Bác sĩ Joyeux. Người đã hết lòng nghĩ đến nhân đạo trong công cuộc bài trừ nạn hoa liễu và nạn mại dâm”. Mở đầu cuốn phóng sự, Vũ Trọng Phụng dẫn lời của đốc lý H. Virgitti nói rằng Hà Nội có năm nghìn gái mại dâm trên tổng số dân thành phố là mười tám vạn.
Vũ Trọng Phụng gay gắt mà bảo “nghĩa là cứ ba mươi lăm người lương thiện lại có một người thường nhật sinh sống bằng sự gieo rắc vi trùng hoa liễu”. Nói chung, Vũ Trọng Phụng khá mẫn cảm với đề tài tình dục, nhất là tình dục ngoài vòng lễ giáo.
Cô Tư Hồng trước ngôi nhà ở ngõ Hội Vũ (Hà Nội), ảnh Léon Busy, khoảng 1915
Bên cạnh phóng sự Lục xì, nhà văn còn có tiểu thuyết Làm đĩ – nguyên cái tên đã quá rõ! – và hai tiểu thuyết lớn nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của ông là Số đỏ và Giông tố, đều không ít thì nhiều cho thấy một xã hội nhốn nháo quanh dục vọng. Ông tỏ ra khá quyết liệt với những vấn đề tình dục và xem chúng như căn nguyên của những sự băng hoại đạo đức.
Tuy nhiên, ở Số đỏ, Vũ Trọng Phụng lại đem tới một cảm giác khác nữa về tình dục: sự hài hước. Trong khi văn thơ cùng thời hễ động đến tình dục là “khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới/ Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn” (Vũ Hoàng Chương) thì tình dục giữa Xuân Tóc Đỏ với các nhân vật nữ như bà Phó Đoan “thủ tiết với hai đời chồng”, cô Tuyết “vì tư tưởng giải phóng muốn bị mang tiếng hư hỏng” khiến người ta bật cười. Thậm chí thời nay đọc lại, thấy cách nói chuyện phòng the của vợ chồng Văn Minh chủ hiệu Âu hóa chuyên bán quần áo khêu gợi cho phái nữ mang những cái tên “ỡm ờ xin chờ một phút”, hay ông phán “tôi là một người chồng mọc sừng”, tất cả đều phảng phất một ý vị tinh nghịch bên cạnh nhào nặn nên những con người méo mó khổ sở vì tình dục.
Trí tuệ dân gian biết cách làm cho tình dục luôn sinh động, ngay cả khi ngồi ghế phán quan đạo đức. Thời những năm 1930, làng tranh Đông Hồ đã sớm cập nhật các vấn đề đương thời vào kho tàng của mình, kể cả những thứ bị coi là tệ nạn, chẳng hạn cặp đôi tranh “Giai tứ khoái – Gái bảy nghề”. Chắc hẳn có ý vị tập Kiều ở câu “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, những cặp số đếm này khiến người ta bật cười vì quan điểm phê phán thay vì cảnh cáo lại thành ra có màu ngộ nghĩnh.
Giai tứ khoái ở đây dĩ nhiên không phải tứ khoái thông thường đã nói, mà là “nhà tơ, hút phiện, ăn tiệc, đánh bài”, còn gái bảy nghề là “đăng sê 1, theo mốt 2, đánh bài 3, đàn ca 4, trốn nhà 5, đi săm 6, mang cháu 7” (lưu ý phải đọc chữ số thành tiếng để hiệp vần với từ ở vế tiếp theo). Bảy nghề ở đây lại mang tính chuỗi nhân quả, trong ấy có “đi săm” chính là hành vi cô Tuyết rủ Xuân tóc đỏ trong Số đỏ. “Săm” là âm bồi của từ tiếng Pháp chambre, để chỉ cái phòng ngủ khách sạn, nơi mà vào thời trước không phụ nữ đoan chính nào dám bén mảng tới. Thời nay, phụ nữ trẻ dễ tưởng đi săm là đi xăm mình, thứ có thể khiến họ sexy hơn, nổi loạn hơn theo quan điểm hiện đại.
Xăm mình cũng lại nằm trong phạm trù “theo mốt” – được thể hiện qua hình tượng người phụ nữ mặc áo dài tân thời đi guốc cao gót trong bức tranh Đông Hồ kia. Khi chiếc áo dài được chiết eo, vải mỏng hơn, tà xẻ cao hơn, thân thể người phụ nữ tân thời lộ ra những đường cong rõ hơn, nhất là khi cô ta chuyển động, khiến cho dáng đi trở nên “ngực tấn công, mông phòng thủ”, chưa kể những loại áo dài xẻ tà cao để hở ra một khoảng tam giác da thịt hay loại áo lót “mang hình viên đạn” (bullet bra) đầy khiêu khích. Áo dài đã bị đặt vào thế chênh vênh chấp chới giữa biểu tượng đức hạnh truyền thống và sự khêu gợi không giấu diếm.
Tranh dân gian Đông Hồ: “Giai tứ khoái, gái bảy nghề”
Nhưng rồi Hà Nội bước vào giai đoạn Đổi mới, các nhà nghỉ kiêm nhà hàng karaoke được xem như hậu sinh của các xóm cô đầu xưa. Các địa danh thay thế Khâm Thiên mau chóng xuất hiện, lần này trấn ở các cửa ngõ mới vào thành phố. Vị trí giáp ranh giữ hai phường, hai quận thường có đặc điểm là dễ khiến các lực lượng chức năng bối rối khi muốn lập lại trật tự, bởi việc mua bán dâm lưu động không quy được trách nhiệm xử lý về địa bàn nào. Người ta vẫn đùa “ra Trần Duy Hưng”, “sang Gia Lâm”, “xuống Giáp Bát” hay “vào Hà Đông” như một thứ khẩu ngữ trêu ngươi về một loại tứ trấn mới ở đúng bốn hướng cửa ngõ của thành Thăng Long thời hiện đại, trong đó cửa ngõ Gia Lâm bên kia sông Hồng đem lại danh xưng đặc thù nhất.
Vô vàn câu chuyện làm quà để khoác cho việc đi sang Gia Lâm như một huyền thoại mới về xóm Bình Khang hiện địa. Người ta truyền tụng việc khi các cặp đôi hay các ông đi tìm cảm giác lạ, nhà nghỉ mến khách hay không là ở chỗ nhân viên luôn tinh tế trong việc giúp khách quay biển số xe vào phía trong hoặc lấy bạt phủ che đi, đề phòng các bà nhà đi qua nhìn thấy (mà các bà đi qua khu nhà nghỉ làm gì chứ?). Gia Lâm thành ra một khu phố đèn đỏ khuất mắt dân nội thành, cho đến khi chính huyện ngoại thành Gia Lâm cũng tách một nửa làm lấy tên quận Long Biên thì Hà Nội đã kịp đẻ ra các phố “sung sướng” mới.
Tuy nhiên, mại dâm chỉ là một phần nổi của đời sống tình dục. Kho tàng ngôn từ ẩn dụ về tình dục ngoài hôn nhân thời hiện đại tỏ ra phong phú hơn nhiều, mà phần lớn mượn hành vi số một của tứ khoái cổ điển làm phép ẩn dụ: ăn nằm, bóc bánh ăn tiền, ăn ốc đổ vỏ, chán cơm thèm phở, sáng đèo cơm đi ăn phở, trưa đèo phở đi ăn cơm. Khi được ví như phở, thức quà quốc hồn quốc túy ra ngõ là gặp quán, thì đủ cho thấy dân gian xem tình dục ngoại hôn có phần… dễ dàng.
Người ta không còn đàm tiếu việc các người đẹp lên quan tắt khi làm vợ kế các vị chính khách ngang tuổi bố mình. Các bậc “phụ mẫu của dân” ngày nay ắt là dễ thở hơn vua chúa xưa ở khoản không bị các sử gia kết án ham mê sắc dục. Đến bậc minh quân như Lê Thánh Tông được các bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư tôn vinh là bậc đế vương bậc nhất thời quân chủ Việt Nam nhưng cũng không thoát được tiếng “tiếc rằng vua nhiều phi tần quá nên mắc bệnh nặng” (lời sử gia Vũ Quỳnh, thế kỷ 16).
Người Việt bây giờ thực ra mang một nỗi ưu tư lớn hơn thông qua vấn đề quan niệm tình dục: sự thỏa mãn liệu có đồng nghĩa hạnh phúc? Hình như không có câu trả lời, tựa như hành vi phẫu thuật thẩm mỹ, không bao giờ có kết quả hoàn hảo. Năm 2017, Việt Nam có đến 20 cuộc thi sắc đẹp. Nhiều nhà hoạt động nữ quyền gây tranh cãi khi bảo rằng có sự liên hệ giữa thi hoa hậu và xem phụ nữ như biểu tượng tình dục. Nhưng quả thực, khi xã hội không thể yên tâm với chỉ một ngôi vị hoa hậu trong năm đó, có thể nói họ chưa được thỏa mãn. Họ chưa hạnh phúc.
Nguyễn Trương Quý