Tuy không phải trường đại học nghệ thuật, nhưng nhạc cụ dân tộc lại là môn học chính khóa của tất cả sinh viên tại đây. Từ năm nhất, sinh viên sẽ được học bộ môn nhạc cụ dân tộc. Sinh viên có thể lựa chọn các loại nhạc cụ mình yêu thích để theo học: sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, trống. Mỗi lớp học có tối đa 15 sinh viên. Mỗi môn học gồm 60 tiết chia làm 30 buổi theo khung chương trình của trường.
Học công nghệ hiện đại nhưng vẫn hướng về giá trị truyền thống là điều thật đáng trân trọng.
Trải nghiệm nhạc cụ dân tộc nằm trong những trải nghiệm thuộc nhóm văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông – một trong 6 nhóm trải nghiệm cốt lõi mà Đại học FPT triển khai cho sinh viên. Qua đây, sinh viên tự trang bị cho mình nhiều hiểu biết, kỹ năng văn hóa để thích ứng trong một xã hội toàn cầu, nơi mà người trẻ hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc dễ làm “mê đắm” thế giới.
Có lẽ đây là trải nghiệm lý thú mà nhiều bạn trẻ muốn một lần được thử. Sau khi hoàn thành bộ môn, sinh viên sẽ có kiến thức cơ bản về nhạc cụ và âm nhạc truyền thống. Vượt qua giới hạn một môn học với những bài tập, bài thi cuối kỳ, nhạc cụ dân tộc trở thành đam mê của nhiều sinh viên của trường dù các bạn học công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh hay ngôn ngữ… Các bạn tự thành lập một câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, cùng nhau đàn hát ở nhiều sự kiện, hoạt động ngoại khoá. Ở các buổi lễ quan trọng như khai giảng, tốt nghiệp, tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc với sự kết hợp của sinh viên và giảng viên bộ môn đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu của trường.
Bà Kim Long – giảng viên môn đàn tranh, chia sẻ: “Đàn tranh là một trong 5 bộ môn được trường đưa vào giảng dạy chính thức và cũng là môn bắt buộc. Tuy được đưa vào sau nhưng lại là bộ môn được các bạn sinh viên hứng thú tiếp nhận nồng nhiệt để học. Có thể thấy rõ những năm đầu tiên cho đến bây giờ, việc cảm thụ âm nhạc, sự yêu mến nhạc cụ âm nhạc dân tộc tăng dần theo thời gian, tăng dần theo khóa học. Điều này khiến giáo viên cảm thấy thêm động lực để truyền đạt kiến thức cho các bạn.
Chương trình đào tạo được thiết kế cho những bạn chưa từng học nhạc cụ, nhạc lí. Sinh viên phải đàn được ba bài: dân ca, ca khúc, nhạc nước ngoài thì sẽ được qua môn. Ngoài ra các bạn phải hoàn thành kiến thức âm nhạc dân gian, âm nhạc dân tộc, các loại hình âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trường luôn muốn sinh viên chú trọng bản sắc văn hóa dân tộc, nhớ và tự hào về những điều thuộc về cội nguồn.”
Ngày hội Tuyển sinh nằm trong khuôn khổ Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp tổ chức. Ngày hội hứa hẹn sẽ cung cấp những thông tin mới nhất cho học sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay, thu hút đông đảo thí sinh đến từ khắp các địa bàn tỉnh thành trên cả nước tham dự.
Nằm trong khuôn khổ chương trình, Đại học FPT đã mang đến cho học sinh THPT cái nhìn tổng quan về triển vọng của các ngành học; chi tiết chương trình đào tạo, môi trường học tập; cơ hội học bổng; cơ hội trúng tuyển vào trường năm 2022. Đặc biệt, với không gian hướng nghiệp tại Booth 156 – 165 của trường trong ngày hội tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 vừa qua đã giúp học sinh các nơi đến tham quan được trải nghiệm các công nghệ hiện đại và văn hóa thú vị của các nước – tương ứng với các ngành học là xu thế trong tương lai.
Gia Anh - Ảnh: KKD