Từ ngày 1.1.2020, khẩu hiệu "Đã uống rượu bia, không lái xe" chính thức được luật hóa. Cụ thể, một trong những quy định quan trọng tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây.
Cùng với đó, mức xử phạt người vi phạm cũng khá cao, khiến người dân lo sợ và ý thức hơn khi sử dụng rượu bia. Điều này đồng nghĩa với việc các quán nhậu, đại lý bia trên địa bàn TP.HCM trở nên vắng vẻ hơn ngày thường.
Một quán nhậu trên đường Trường Sa chỉ có hai nhân viên ngồi coi tivi. Ảnh: T.Hà
Một quán nhậu khác ở quận 1 cũng đìu hiu khách, trên bàn không chỉ bia mà còn xuất hiện những lon nước ngọt, dù chỉ toàn nam. Ảnh: T.Hà
Khúc đường đông đúc người qua lại nhưng quán nhậu xung quanh vắng vẻ, im lìm. Ảnh: T.Hà
Không chỉ đơn lẻ một quán nhậu mà nhiều quán nhậu khác cũng gặp tình trạng thừa bia nhưng thiếu khách. Ảnh: T.Hà
Dù ngồi trong quán nhậu nhưng người tiêu dùng vẫn gọi nước ngọt thay cho bia vì lo sợ bị phạt nồng độ cồn. Một chủ quán trên đường Trường Sa cho hay quán hỗ trợ chỗ giữ xe qua đêm cho khách và hỗ trợ mỗi người 30.000-50.000 đồng để đi xe ôm hoặc taxi sau khi uống rượu bia tại quán. Ảnh: T.Hà
Dọc con đường Hoàng Sa, Trường Sa từ quận 3, Phú Nhuận, quận 1, nếu trước kia dày đặc khách uống bia thì nay chỉ còn lại thưa thớt.
Trên bàn nhậu, nước lọc nước ngọt được thay thế cho bia, rượu. Bạn Thùy Linh (sinh viên năm 4) cho biết nhóm đi sáu người thì ba người uống bia, còn ba người còn lại sẽ uống nước lọc hoặc nước ngọt để còn chở nhau về. Tránh bị công an xử phạt nồng độ cồn. Mặc dù lo sợ nhưng Linh rất đồng tình và ủng hộ Nghị định 100 bởi tính thiết thực và cần thiết đối với những tác hại mà rượu bia gây ra cho xã hội và sức khỏe.
Vì lo sợ mất khách nên nhiều quán nhậu tại TP.HCM tung chiêu giữ khách bằng cách cử đội ngũ xe để chở khách về nhà hoặc tặng tiền để khách đi xe ôm và taxi sau khi nhậu. (Ảnh chụp màn hình)
T. Hà