“Sạt lở di sản” trong lòng đô thị

 08:59 | Thứ hai, 14/12/2020  0
Nhiều công trình xây dựng của tiền nhân có giá trị đa dạng nhưng vẫn chưa được kiểm kê và đánh giá đầy đủ. Tất cả đều có nguy cơ “ra đi” hay biến dạng vì thiếu hiểu biết, vì thiếu kinh phí và ngay cả vì những ước muốn đen tối luôn rình rập để “di dời”, phá bỏ, đổi chác…

Mùa bão lũ năm nay đi kèm với những cuộc sạt lở đồi núi thảm khốc. Phá rừng, mất rừng hàng loạt, phải chăng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đồi núi vững chắc cũng suy sụp? Từ nhà khoa học đến chính khách đều đang đi tìm nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn hiện tượng bất thường này.

Trong khi đó, ngay tại các đô thị cũng có một loại “sạt lở” khác, ngấm ngầm và tăng tốc, gây ra những tai nạn lớn lao không kém. Đó là tình trạng không ít những tòa nhà cổ và những cảnh quan xưa - được xếp hạng hay chưa xếp hạng, bị phá bỏ hay “bốc hơi” hoặc biến dạng không phải vì thiên tai mà do “nhân tai”. 

Từ nứt tường, đổ vách đến “bốc hơi”, biến dạng

Sự việc điển hình mới đây, tòa “lâu đài” Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (“Nhà Chú Hỏa”, xây 1929 - 1934) bị lún nền, nứt sân và nứt móng, kể cả hàng rào cũng bị nghiêng đổ. Không những thế, một số phù điêu gốm cổ từ trên cao bị rạn nứt hay bong rơi do chấn động bên trong. Nhiều gạch bông lót nền bị hư hại, trần nhà và các cột trụ bên trong đều có nguy cơ hư hỏng.

Theo báo cáo của Bảo tàng, các hiện tượng trên bắt đầu có từ năm 2017,  khi công trường hai tòa tháp đôi - cao ốc The Spirit of Saigon (tên cũ là The One Ho Chi Minh City) ngay kề bên thi công đào móng và xây các tầng hầm. Hiện tại, nếu không có cách ngăn chặn và cứu chữa hiệu quả thì cả tòa nhà “kho báu” Bảo tàng Mỹ thuật không những hư hao lớn mà còn có thể sụp đổ!

Tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ở mặt đường Lê Thị Hồng Gấm, đối diện công trường tháp đôi 55 tầng The Spirit of Saigon. Móng và nền nhà bong nứt, tường và cửa sắt nghiêng ngả, phải rào lại để cảnh báo nguy hiểm. Mặt sau Bảo tàng lại là công trường xây dựng cao ốc của Eximbank. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, sẽ thêm một mối nguy cho tòa nhà di sản này (chụp 19.11.2020).


Thêm nữa, sự ra đời của tòa tháp đôi 55 tầng kể trên (khởi công năm 2012) đã xóa đi dãy phố cổ - đối diện vòng xoay Quách Thị Trang và bến xe trung tâm Sài Gòn. Cao ốc chọc trời này, sau khi hoàn thành còn biến Chợ Bến Thành, Tòa nhà Hỏa xa cổ kính (Công ty Đường sắt 3), Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bảo tàng Mỹ thuật cùng nhiều tòa nhà xưa chung quanh, trở thành “bảy chú lùn” đáng thương. Rõ ràng, các kiến trúc từ thế kỷ trước tại đây ngày càng bị “mắc kẹt” và rồi chìm lẩn trong một không gian “nén chặt” của một “rừng cao ốc” và nhiều luồng xe cộ. Thực sự, “sinh mạng” của Bảo tàng Mỹ thuật - một công trình đã được công nhận “Di tích kiến trúc” đang bị đe dọa. 

Mặt khác, cảnh quan truyền thống của khu vực Chợ Bến Thành - một ngôi chợ 106 tuổi, “đang xếp hàng chờ xếp hạng”, đang bị xáo trộn đáng kể. Cả hai công trình tiêu biểu ngay khu trung tâm thành phố đều sẽ mất mát lớn! Đó chính là “tiếng còi báo động” không chỉ về kỹ thuật xây dựng hay thiết kế mà còn về các sai sót trong chính sách và biện pháp quy hoạch trung tâm đô thị. 

Thực ra, những “tiếng còi” khẩn cấp như vậy đã cất lên từ lâu. Thoạt đầu còn nhỏ, giờ đây càng rền vang. Ở Sài Gòn, tiếng còi cất lên khi một loạt “cột mốc ký ức” của nhiều vùng đất lâu đời bị phá bỏ. Người Sài Gòn và người yêu Sài Gòn trong 15 năm trở lại đây, bất ngờ và đau đớn nhận ra, mình  bị “mất cắp” các kỷ vật quý hiếm: Khu Eden, Tòa nhà Thương xá Tax, Công viên Chi Lăng, Tòa nhà Sở học chính Nam Kỳ (Sở Giáo dục), Bùng binh - Bồn nước Lê Lợi - Nguyễn Huệ... Và rồi, mất cả con đường cổ thụ Cường Để (Tôn Đức Thắng), Nhà máy đèn Chợ Quán, Nhà máy CARIC, Nhà máy Ba Son, Lò gốm Hưng Lợi, Bến phà Thủ Thiêm, Tòa nhà số 8 Lê Duẩn và nhiều biệt thự kiểu Đông Dương ở các quận xưa cũ. 

Tiếng còi đó vẫn đang hú vang, khẩn thiết cảnh báo giữ lại và tôn tạo Dinh Thượng thơ (59-61 Lý Tự Trọng), Chợ Bến Thành, Tòa nhà Hỏa xa, Nhà Bưu điện, Nhà Hải quan, Tu viện và Nhà thờ Thủ Thiêm, Cảng Khánh Hội, Cầu sắt Bình Lợi, Bến Chương Dương, Bến Bình Đông, Chợ Lớn cũ, Nhà mộ Petrus Ký… Danh sách này còn dài, bởi nhiều công trình xây dựng của tiền nhân có giá trị đa dạng nhưng vẫn chưa được kiểm kê và đánh giá đầy đủ. Tất cả đều có nguy cơ “ra đi” hay biến dạng vì thiếu hiểu biết, vì thiếu kinh phí và ngay cả vì những ước muốn đen tối luôn rình rập để “di dời”, phá bỏ, đổi chác, xây dựng cái mới thay thế với nhiều hình thức hoa mỹ.  

Xưa đẹp bị mất chỗ, bê tông hóa tràn lan

Không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác cũng đang chống chọi với các “cơn lốc sạt lở di sản”. Tại Hà Nội, đã có mấy phen Phố Cổ, Hồ Gươm, Chùa Một cột, Ga Hàng Cỏ, Di tích Hoàng thành Thăng Long... gặp phải những công trình xây dựng gần bên, hay những đề xuất biến cải, dễ dàng làm hỏng đi giá trị xưa đẹp. May thay, nhờ những tấm lòng và trí tuệ của những người yêu quý thủ đô mà nhiều “văn vật” Hà Nội vẫn còn với đời nay. 

Tuy nhiên, Hà Nội đã và đang cảnh giác trước mưu toan xâm lấn, xâm hại di tích và di sản từ việc thiếu kiến thức hoặc lợi ích kim tiền. Chẳng hạn, thỉnh thoảng, một số dự án “nhà chọc trời” quanh Hồ Gươm lại xuất hiện. Trong đó, ngay sát Hồ Gươm từng có dự án Trung tâm Thương mại Tài chính Điện lực ở số 69 Đinh Tiên Hoàng, đề xướng năm 2007.

Trong khi vạch ra các viễn cảnh về đô thị thông minh, môi trường sạch đẹp, giao thông xuyên suốt, mong các nhà lãnh đạo địa phương không quên các yếu tố văn hóa, lịch sử.  Trong đó, di sản kiến trúc và cảnh quan là một nguồn dinh dưỡng bậc nhất cho những đô thị đáng sống, và cũng là phương tiện thu hút đầu tư, du lịch... 

Theo dự án, mặt tiền cao ốc lớp ngoài xây cao 25m, lớp trong nhiều tầng lên đến 54m trong khi quy hoạch chỉ cho phép mặt tiền lớp ngoài không vượt quá 16m và các lớp trong không vượt qua 24m. Dự án này đã phải đình lại sau khi bị dư luận phản đối kịch liệt. Tương tự, cũng nhờ dư luận lên tiếng, năm 2010, cổng thành xưa Ô Quan Chưởng được trả lại nét rêu phong, sau khi ngành chức năng “vô ý” sơn phết làm mới.

Mặt khác, nhiều biệt thự và nhà phố xưa đẹp thời Pháp ở các quận trung tâm Hà Nội vẫn còn trong tình trạng nhem nhuốc và vá víu. Gần 70 năm nay, chúng bị sử dụng làm nhà tập thể hay công sở của đủ loại cơ quan mà không được tu bổ, để rồi đã và sẽ tiếp tục xuống cấp thảm thương.

Trong khi ấy, tại Đà Lạt, dư luận vẫn đang “đợi đấy”, liệu Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng có bị “xóa sổ” hay giữ lại và tôn tạo đúng cách? Dư luận cả nước, trong đó có các hội chuyên môn về di sản, quy hoạch đô thị và kiến trúc, đã nhiều lần lên tiếng: Đà Lạt cần bảo vệ cảnh quan di sản thiên nhiên và kiến trúc có một không hai của Phố núi. Thế nhưng, tốc độ bê tông hóa, dồn nén những công trình hào nhoáng và xấu xí nhiều năm nay đã gia tăng “siêu tốc”. Một Đà Lạt thơ mộng đã và đang bị xói mòn về cả ý niệm và hy vọng. 

Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt hoang phế, nhìn từ một nóc nhà ven Đồi Dinh (chụp ngày 23.10.2020).

Không riêng Đà Lạt, ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, vẫn đang có nguy cơ nhiều dinh tỉnh trưởng, quận trưởng, biệt thự, nhà phố, trường học, doanh trại được xây dựng trước 1945, có giá trị về kiến trúc và lịch sử, bị bỏ phế hay đổ nát, hoặc bị sử dụng hoang phí, thậm chí bị đập bỏ không thương tiếc. 

Ở nhiều tỉnh thành, tình trạng phổ biến là các con đường và các ô phố, từng được quy hoạch là đường biệt thự, khu hành chính, hay khu an dưỡng, công viên đều bị thương mại hóa “từng xăng-ti-mét”. Tại nhiều trung tâm đô thị cũ và mới, trụ sở các cơ quan Đảng, Ủy ban nhân dân, thuế vụ, ngân hàng, sở ban ngành và hội đoàn được xây dựng với nhiều kiến trúc mang kiểu dáng “nhà hộp không hồn”, na ná như nhau. Nhiều nơi, không còn thấy các nhà cửa xưa đẹp từng là hình ảnh tiêu biểu, cột mốc của các đô thị đã có hơn 80-90 năm tuổi. 

Cây xanh tại các đô thị cũng không được chăm sóc tử tế và hiệu quả. Người dân và các cơ quan dân cử không được hỏi ý kiến về việc trồng cây để lấy bóng mát và cảnh quan đẹp như thế nào cho thích hợp. Nhiều cây gỗ quý lâu năm ven đường phố bị đốn bỏ dưới những tên gọi mỹ miều như “đổi cây”, hay chuyển đi “di dưỡng”. Nhiều cây xanh không phù hợp đường phố, công viên, công thự vẫn được trồng vô tội vạ để “tận dụng” nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều cây cầu mới, đường hầm giao thông, công trình phụ trợ có thiết kế “quê mùa” thô kệch, ảnh hưởng đến cảnh quan phố phường, mặc dù trong kinh phí xây dựng đã có các khoản chi về mỹ thuật công trình.  

Quản trị đô thị không thể thiếu quản trị di sản   

Hậu quả của bão lũ và sạt lở đồi núi vừa rồi cho thấy trách nhiệm quản lý không thể chỉ thuộc về ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đã chất vấn đích danh “tư lệnh” các ngành điện lực, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư về trách nhiệm liên đới. Thiết nghĩ, với tình trạng “sạt lở di sản” ở đô thị, cũng cần có những cuộc chất vấn tương tự! Qua đó, không thể chỉ đặt câu hỏi trách nhiệm duy nhất cho ngành văn hóa. Chính các ngành xây dựng, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, vệ sinh - môi trường đều phải chịu trách nhiệm về việc nhà cửa, đường phố, cây xanh, cảnh quan và di tích ở đô thị hư hao, mất mát hay xấu xí. Và trên hết là chính quyền địa phương có ý thức đầy đủ quản trị di sản cũng là một phần quan trọng, không thể thiếu trong quản trị đô thị hay không?

Tại Úc, từ lâu Bộ Môi trường trông coi luôn việc giữ gìn di sản, bởi di sản được coi là một phần môi trường sống. Tại Singapore, Bộ Văn hóa cùng Bộ Phát triển quốc gia (đảm trách quy hoạch và xây dựng) cùng chịu trách nhiệm về giữ gìn di sản. Trong quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng của từng địa phương nhiều nước tiên tiến đều bắt buộc phải có định hướng và quy định cụ thể về bảo tồn các cảnh quan và kiến trúc xưa đẹp. Khi xây dựng các công trình mới hay sửa chữa nhà cửa hiện có, tất cả người dân, cơ quan và doanh nghiệp đều phải tham khảo thông tin minh bạch về lịch sử của vùng đất và các công trình hiện có. Đồng thời, phải tuân theo những hướng dẫn chặt chẽ để khi xây dựng hay sửa chữa mới vẫn không tác hại đến kiến trúc và cảnh quan di sản liên quan. 

Không gian Hồ Gươm thơ mộng còn giữ được đến nay. Nếu nhiều nhà cao tầng mọc lên chiếm dụng không gian khoáng đãng quanh hồ thì Hồ Gươm chỉ còn là ao tù cho thị dân (chụp ngày 1.11.2020).


Tại Việt Nam, gần đây, theo Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009, đã triển khai quan niệm “Quy hoạch tích hợp”, trong đó di sản là một yếu tố phải tính đến trong quy hoạch tổng thể một đô thị và các đơn vị dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định và hướng dẫn cụ thể, kể cả việc xử phạt khi các quy hoạch đô thị làm sai, gây phương hại đến di sản. Hoặc cần có thêm các biện pháp chế tài thích đáng khi các không gian, cảnh quan và kiến trúc di sản bị xâm hại. Mặt khác, vẫn xảy ra tình trạnh “phá rào”, “lạc đà chui lỗ kim”, không thực hiện đúng các quy hoạch và quy định đã có. Điển hình là việc xóa sổ hoàn toàn Nhà máy Ba Son, trong khi nơi đây đã nằm trong quy hoạch bảo tồn của khu trung tâm 930 ha của TP.HCM. 

Chúng tôi cho rằng nội dung “quản trị đô thị” của chính quyền các cấp trong nhiệm kỳ mới cần được bổ sung chi tiết về “quản trị di sản”. Trong khi vạch ra các viễn cảnh về đô thị thông minh, môi trường sạch đẹp, giao thông xuyên suốt, mong các nhà lãnh đạo địa phương không quên các yếu tố văn hóa, lịch sử.  Trong đó, di sản kiến trúc và cảnh quan là một nguồn dinh dưỡng bậc nhất cho những đô thị đáng sống, và cũng là phương tiện thu hút đầu tư, du lịch... 

Hơn thế nữa, giữ gìn di sản chính là phòng chống “sạt lở”, “suy sụp” môi trường sống và phát huy các giá trị hay đẹp tích tụ hàng thế kỷ. Đã đến lúc phải khẩn cấp chấm dứt khai thác bừa bãi thiên nhiên rừng núi, sông biển, ao hồ và chấm dứt xáo trộn - phá bỏ không gian văn hóa của cả nông thôn và đô thị, để nuôi dưỡng bền vững cuộc sống an bình và sung túc nhân văn cho chính người đương thời và các thế hệ mai sau! 

Bài và ảnh: Phúc Tiến 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.