Tiếp biến và kiến tạo giá trị mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam

 09:02 | Thứ năm, 14/11/2024  0
Thông qua việc tập trung phân tích ba trụ cột: bảo tồn, khai thác - phát huy và đổi mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam, hội thảo “Truyền thống nhìn từ góc nhìn kiến trúc đương đại” đã làm rõ tính truyền thống trong kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ, kinh nghiệm khai thác giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại và gợi mở những hướng đi trong tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo, TS-KTS. Nguyễn Quốc Tuân, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết kiến trúc truyền thống là sản phẩm văn hóa vật chất biểu hiện rõ nét các yếu tố được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tạo dựng theo tập quán, kinh nghiệm nhiều đời theo cách kế thừa biện chứng.

“Kiến trúc truyền thống của dân tộc chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa được bảo tồn, lưu truyền và vẫn phát huy được giá trị trong cuộc sống đương đại. Nhận diện và hiểu biết cặn kẽ về kiến trúc truyền thống sẽ giúp chúng ta kế thừa và tiếp tục tạo lập, phát triển kiến trúc Việt Nam”, ông Tuân nhận định.

Tuy nhiên việc vận dụng và khai thác những yếu tố truyền thống của kiến trúc Việt Nam trong thời điểm hiện tại vẫn còn là một thách thức lớn với giới hành nghề cũng như xã hội. Vì vậy, các diễn giả tại hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng trong việc duy trì, củng cố, phát huy bản sắc dân tộc trong phát triển đô thị, kiến trúc và cảnh quan.

Theo đó, sự liên kết giữa tư duy bản địa và định hướng phát triển bền vững là hướng đi đúng đắn hiện nay trong nỗ lực tiếp nối và khẳng định bản sắc dân tộc dưới những ảnh hưởng của toàn cầu hóa.

Các chuyên gia chia sẻ tại phiên thảo luận tại Hội thảo.


Căn cứ quá trình hình thành, đặc điểm, các loại hình di tích, ThS-KTS. Nguyễn Thị Hương Mai (Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa), cho rằng có thể xác định giá trị công trình kiến trúc truyền thống theo 5 nhóm tiêu chí: giá trị lịch sử; giá trị văn hóa - xã hội; giá trị kiến trúc, nghệ thuật; giá trị kỹ thuật, công nghệ, vật liệu; giá trị sử dụng và các giá trị của kiến trúc truyền thống này có thể khai thác, phát huy trong kiến trúc đương đại.

Theo bà Mai những giá trị lịch sử biểu hiện rõ nét trên các công trình kiến trúc truyền thống được bảo tồn từ tổng thể, đến các hạng mục kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng cổ truyền là những bài học rất hữu ích trong thiết kế, xây dựng kiến trúc đương đại.

“Các công trình kiến trúc truyền thống Việt có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật. Nếu biết khai thác, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống trong đương đại thì không chỉ góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc dân tộc mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục cho cộng đồng và địa phương”, bà Mai cho hay.

KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định, trong thời kỳ hiện đại, kiến trúc Việt Nam vẫn luôn đề cao sự tôn trọng và hài hòa với môi trường, văn hóa và đời sống bản địa truyền thống. Yếu tố “hiện đại” lúc này được đặt cạnh yếu tố “bản địa” để trở thành một trào lưu, một xu hướng thiết kế mới được gọi tên “hiện đại - bản địa”.

Trong khi đó, tập trung vào vấn đề khai thác và phát huy các giá trị kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1986 trong kiến trúc đương đại, TS-KTS. Đặng Hoàng Vũ, Phó trưởng khoa kiến trúc (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), cho rằng có thể khai thác, phát huy trong kiến trúc đương đại các giá trị như trong tổ chức tổng thể và cảnh quan, sân vườn; trong tổ chức mặt bằng và không gian kiến trúc; thiết kế mặt đứng; cấu trúc và kết cấu công trình; khai thác và sử dụng vật liệu; các môtip/ hoa văn trang trí đặc trưng; các yếu tố khác.

Còn kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1986 cũng đánh dấu sự ra đời của nhiều công trình tiêu biểu, từ trụ sở hành chính, trường học, cơ sở tôn giáo đến nhà ở và các công trình văn hóa, được định hình theo ba phong cách chủ đạo: Hiện đại – Quốc tế, Hiện đại – Nhiệt đới, và Hiện đại – Dân tộc, góp phần quan trọng vào việc định hình phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam.

TS-KTS. Nguyễn Song Hoàn Nguyên, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, cho rằng các công trình này không chỉ mang giá trị về công năng và thẩm mỹ mà còn góp phần định hình phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam. Đặc biệt, việc ứng dụng các giải pháp chống nóng, thông gió tự nhiên và vật liệu bền vững đã tạo ra những kinh nghiệm hữu ích trong thực hành thiết kế...

Hội thảo Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại thuộc khuôn khổ đề án do Thủ tướng Chính phủ giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam thực hiện, là một hoạt động của Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Kết quả của hội thảo là dữ liệu tham khảo quan trọng cho nhiều chủ thể có nhu cầu trong việc tiếp tục khai thác, tiếp nối, tiếp biến các giá trị văn hóa và kiến trúc bản địa Việt nam trong phát triển đương đại, hướng tới định hình bản sắc kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Tùng Lâm

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.