Vẫn còn nhiều dấu hỏi, dù dự án Cái Lớn - Cái Bé đã được phê duyệt!

 09:58 | Thứ hai, 14/01/2019  0
Vừa qua ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chính thức ký quyết định 5078/QĐ-BNN-XD phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn Cái Bé giai đoạn 1.

Trước đó, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) cũng đã ký Quyết định 3805/QĐ-BTNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án trên.

Dự án này, trước đó đã vấp phải tranh cãi, phản đối của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là từ các nhà khoa học, chuyên gia am hiểu ĐBSCL của vùng đồng bằng này.

Quyết định phê duyệt dự án mới đây lại tiếp tục bị nhiều nhà khoa học trong giới phản đối, tranh cãi.

1. Cần phải nhìn lại rằng, đã có nhiều phản biện nhấn mạnh hệ thống sông ngòi, dòng chảy ở ĐBSCL, trong đó có bán đảo Cà Mau (vùng bị ảnh hưởng của dự án) có chế độ thủy văn với chế độ giao lưu dòng chảy phức tạp vào loại bậc nhất thế giới, với sự khác biệt nhau quá lớn về độ lớn triều, biên độ triều. Vậy nhưng, theo nhiều ý kiến tại Hội đồng thẩm định ĐTM dự án, các kết quả cho Báo cáo Nghiên cứu khả thi và ĐTM, từ chạy mô hình, lại là từ những chuỗi số liệu quá ngắn, không đáng tin cậy.

Đồng thời, một trong những lo ngại lớn nhất là chế độ vận hành (đóng/mở) hệ thống Cống Lớn, Cống Bé và hệ thống công trình thủy lợi liên hoàn toàn vùng này sẽ gây ra những tác động tiêu cực rất lớn đến dòng chảy, môi trường, hệ sinh thái... 

TS Dương Văn Ni (trường đại học Cần Thơ), phân tích: vùng Tây - Nam sông Hậu, đất có độ cao từ phía sông Hậu (do có phù sa bồi đắp hàng năm) và thấp dần về phía vịnh Thái Lan. Vì vậy, hệ thống sông rạch ở đây có vai trò tiêu thoát nước quan trọng hơn là cung cấp nước, đặc biệt là sông Cái Lớn, Cái Bé. Với tập quán canh tác nông nghiệp hiện nay, để tranh thủ xuống giống vụ Đông - Xuân sớm, người dân bơm nước từ trong ruộng ra sông rạch, nên lượng nước cần tiêu thoát tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, trong nước tiêu thoát này có chứa rất nhiều hóa chất độc hại do người dân xịt thuốc cỏ, hay diệt ốc bưu vàng. Vì vậy, công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé sẽ làm giảm dòng chảy trên hai con sông chính Cái Lớn, Cái Bé, tăng tích tụ các chất ô nhiễm trong vùng dự án và gây ra rủi ro nhiều hơn cho hệ thống nuôi trồng thủy sản tại đây. 

Lâu nay đã có rất nhiều nhà khoa học lo ngại tư duy “đê bao khép kín toàn vùng”, mà một bộ phận nhà khoa học đang hô hào làm với ĐBSCL, sẽ cắt đứt "mạch máu" nuôi sống đồng bằng từ ngàn đời nay. Ở ĐBSCL, những công trình linh hoạt, thuận tự nhiên và nương tự nhiên sẽ hiệu quả hơn những công trình mang tính chất "đào núi lấp bể" như ngoài miền Bắc.  

Dự án Cái Lớn - Cái Bé có quy mô ảnh hưởng đến gần 1/4 diện tích ĐBSCL. Nhưng dù ngay trong hội đồng thẩm định ĐTM dự án có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cho rằng cần hoãn dự án, thì kết quả ĐTM vẫn được thông qua với tỷ lệ... 100%; với điều kiện phải điều chỉnh, bổ sung bản ĐTM theo ý kiến hội đồng. Chỉ 45 ngày sau, ĐTM dự án đã được Bộ TNMT phê duyệt. Một khoảng thời gian được cho là ngắn, so với khối lượng công việc phải chỉnh sửa là lớn và khó. Vậy chất lượng ĐTM đã được đảm bảo chưa?

Trên báo Đất Việt ngày 8.1 vừa qua, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và công nghệ Quốc gia cho biết, so sánh ĐTM đã được Bộ TNMT phê duyệt với ĐTM trước khi được Hội đồng thẩm định ĐTM cho thấy: “nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên, đặc biệt phần tác động môi trường khi các cống đi vào vận hành, và chế độ vận hành của các cống.

Việc chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM chỉ là kết quả sử dụng các thao tác “lược bỏ”, “chép” và “dán” trên máy tính. Nó đã không đi vào nội dung được yêu cầu mà chỉ làm mang tính hình thức, nghĩa là đã làm không nghiêm túc.”

2. Trao đổi với Người Đô Thị, TS Dương Văn Ni cho rằng: bài toán lớn nhất cho vùng làm dự án Cái Lớn - Cái Bé là đa dạng hóa cây trồng vật nuôi và phát triển những kỹ thuật quản lý, canh tác phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái; chứ không phải giải quyết bài toán mặn - ngọt bằng hệ thống công trình lớn như dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Ông Ni cho biết, lâu nay dưới mục tiêu “an ninh lương thực”, cây lúa bị “đẩy” vào những nơi không thích hợp như bán đảo Cà Mau. Bắt đầu từ năm 1990, hàng loạt những dự án “ngăn nước mặn, dẫn/trữ nước ngọt” cho vùng này ra đời để tăng từ 1 vụ lúa mùa “bấp bênh” thành 2 - 3 vụ lúa cao sản “ăn chắc”; ranh giới ngăn mặn tiến sát ra đến bờ biển với hàng chục cây số đê bao, hàng trăm cống, đập kiên cố. Nhưng chỉ bốn năm sau (1994), người dân tại đây phải phá bỏ các đê/đập này để lấy lại nước mặn nuôi tôm sú.

Mâu thuẫn giữa mục tiêu thâm canh cây lúa (giữ ngọt) của ngành nông nghiệp và nuôi tôm (giữ mặn) của người dân tiếp tục bị giằng co trong hàng chục năm tiếp theo. Đến năm 2000, ranh giới giữ mặn “lùi” sâu vào đất liền đến hàng chục ki-lô-mét, và vẫn còn tiếp tục thay đổi cho đến ngày hôm nay.

Theo ông Ni, chính vì bao nhiêu năm nay vùng không được đầu tư tới nơi chốn, đã gần như bỏ xụi cho người dân tự bơi, nên chỉ có cây lúa và con tôm. Cây lúa cần ngọt, con tôm cần mặn. Hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé không thể giải quyết được vấn đề sản xuất mâu thuẫn này, vì thực tế nhu cầu sản xuất với mặn - ngọt của các hộ dân không đồng bộ, nhà này trồng lúa, nhà sát bên lại nuôi tôm... 

“Thực tế mặn - ngọt ở đây đã tạo ra hệ động thực vật rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là người dân đã biết thích nghi với môi trường mặn – ngọt ngay trong sản xuất và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bây giờ phải biết phát huy kinh nghiệm quí báu này, và phải đầu tư khoa học kỹ thuật cho tới nơi tới chốn để tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi nông hộ, hơn là tạo ra sự xáo trộn môi trường lớn lao qua dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, rồi bắt người dân phải thích nghi theo.”, TS Dương Văn Ni nhấn mạnh.  

Chưa kể hiện nay Bộ NN&PTNT đang chịu trách nhiệm về việc tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL. Vậy khi cống Cái Lớn - Cái Bé có trước, thì tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đi theo hệ thống này; hay tái cơ cấu nông nghiệp có trước để các cống này chỉ là công trình để phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp?  

Thực tế hiện nay, toàn vùng ĐBSCL đang có 10 bản quy hoạch do Chính phủ phê duyệt; còn ở cấp địa phương, đồng bằng có gần 2.500 bản quy hoạch. Đánh giá của Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), điều này đã dẫn đến nhiều tồn tại yếu kém như không có sự gắn kết, thiếu đồng bộ, thậm chí có những vấn đề còn bị sai lệch. 

Bên cạnh đó, nội dung các quy hoạch này vẫn làm theo phương pháp cũ. Nghĩa là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vẫn nặng về xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu mà quên đi việc tổ chức không gian phát triển; còn quy hoạch xây dựng vùng thì nặng về tổ chức không gian, không chú ý đến việc định hướng phát triển.Việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn bị buông lỏng; nhiều vấn đề bản quy hoạch đề ra nhưng thiếu cơ chế tổ chức thực hiện…

Để giải quyết vấn đề trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết 120, hiện Bộ KH&ĐT đang tiến hành xây dựng một bản Quy hoạch tích hợp cho vùng ĐBSCL. Quy hoạch này sẽ thay thế cho toàn bộ quy hoạch hiện tại, nhằm giải quyết các vấn đề của vùng ĐBSCL một cách tổng thể, với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ năm 2006, theo Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2006 – 2010, và đã phải trải qua một thời gian rất dài với rất nhiều ý kiến tranh cãi, đặc biệt là phản đối của giới khoa học độc lập.

Bình luận về điều này, nhiều nhà khoa học cho rằng, dự án Cái Lớn - Cái Bé nhất thiết phải được đưa vào kế hoạch rà soát quy hoạch của Bộ KH&ĐT, trước khi được Bộ NN&PTNT phê duyệt như vừa qua.

Một dự án vẫn còn gây nhiều tranh cãi, bất hợp lý cả về quy trình lẫn kỹ thuật, thì việc dừng lại một nhịp, để có đủ cơ sở dữ liệu đánh giá nó, là một quyết định rất cần làm. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang không dư dả tiền bạc gì.

Trước khi được phê duyệt đầu tư xây dựng, dự án Cái Lớn - Cái Bé đã được bố trí ngân sách của Quốc hội. Được biết, nếu không thông qua dự án vào thời điểm này thì sẽ không kịp tiến độ cho các giai đoạn thiết kế, đấu thầu, thi công, vì đến 31.12.2021 là hết vốn trung hạn được Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Vậy, liệu đây có phải là lý do dự án phải thông qua bằng được, mà không thể đợi thêm?

Theo quyết định phê duyệt dự án Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, dự án dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2019, và hoàn thành trước ngày 31.12.2021.

Hệ thống thủy lợi dự án sẽ được xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang với diện tích đất sử dụng vĩnh viễn 54,54 ha (có 21,12 ha lòng kênh cũ).

Tổng mức đầu tư trên 3.309 tỷ đồng (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 3.300 tỷ đồng, vốn ngân sách 9,5 tỷ đồng), trong đó chi phí xây dựng trên 2.144 tỷ đồng, thiết bị trên 223 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng trên 133 tỷ đồng.

Dự án có 4 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi rộng 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản 346.241 ha. 

Thứ hai, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp; giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô. 

Thứ ba, góp phần cấp nước ngọt cho vùng sản xuất mặn- ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; tiêu thoát trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Và cuối cùng là kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Theo quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ TNMT, cống Cái Lớn được xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, rộng 470 mét với 11 khoang cống 40 mét và 2 âu thuyền rộng 15 mét, chiều dài âu 130 mét, đi theo 2 chiều ngược nhau. Cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, rộng 85 mét với 2 khoang 35 mét và âu thuyền rộng 15 mét.

Thùy Linh

Lê Quỳnh

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.